(Baothanhhoa.vn) - Theo Nghị định số 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ, các tổ chức, cơ quan được phép đăng ký thành lập các trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin, triển khai các dịch vụ công cũng như tuyên truyền những nhiệm vụ liên quan. Đến nay, từ cấp bộ, ngành Trung ương, cấp tỉnh đến cấp xã, đa phần đã có các cổng thông tin hay trang thông tin điện tử. Đây là kênh tuyên truyền, quảng bá hữu ích, nhưng nhiều cơ quan, đơn vị chưa chú trọng duy trì, phát triển nguồn thông tin, thành lập kiểu “cho có”, gây lãng phí tài nguyên thông tin và kinh phí...

Trang thông tin điện tử - kênh tuyên truyền, quảng bá hữu ích còn bỏ ngỏ

Theo Nghị định số 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ, các tổ chức, cơ quan được phép đăng ký thành lập các trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin, triển khai các dịch vụ công cũng như tuyên truyền những nhiệm vụ liên quan. Đến nay, từ cấp bộ, ngành Trung ương, cấp tỉnh đến cấp xã, đa phần đã có các cổng thông tin hay trang thông tin điện tử. Đây là kênh tuyên truyền, quảng bá hữu ích, nhưng nhiều cơ quan, đơn vị chưa chú trọng duy trì, phát triển nguồn thông tin, thành lập kiểu “cho có”, gây lãng phí tài nguyên thông tin và kinh phí...

Trang thông tin điện tử - kênh tuyên truyền, quảng bá hữu ích còn bỏ ngỏ

Trang thông tin điện tử huyện Thường Xuân với bài viết mới nhất trên trang chủ thuộc mục “Tin tức - sự kiện” được đăng tải từ tháng 2-2022.

Kênh tuyên truyền, quảng bá hiệu quả...

Ngoài loại hình báo điện tử của các cơ quan truyền thông, các tổ chức, cơ quan Nhà nước cũng sử dụng các trang thông tin điện tử để chuyển tải những thông tin mang tính chất nội bộ, từng bước trở thành công cụ hiệu quả trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, cũng như hoạt động của mình. Đây được coi là xu thế tuyên truyền phù hợp với điều kiện hiện nay, bởi chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, có thể truy cập và tìm hiểu rất nhiều thông tin cần thiết.

Trang thông tin điện tử còn được hiểu là “tiếng nói” của lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Do đó, trong nhiều trường hợp, các bài viết được đăng tải trên trang tin sẽ tạo được niềm tin của cán bộ, đảng viên, người lao động, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền ngay trong nội bộ. Tại đây, cán bộ, nhân viên, người lao động có thể tìm kiếm, truy xuất các văn bản chỉ đạo, điều hành, lịch làm việc, hay phổ biến những chủ trương, chính sách mới của Nhà nước. Có nơi, trang tin còn tích hợp thêm công cụ cung cấp, quản lý các tài khoản để phục vụ cho các cuộc họp trực tuyến của cơ quan, đơn vị, tương tác với cấp trên, người dân... Hiện nay, nhiều tổ chức, cơ quan có nhiệm vụ đặc thù như thu hút đầu tư, quảng bá tiềm năng các lĩnh vực, quảng bá du lịch... đã phát huy được vai trò của các trang thông tin này để tuyên truyền, quảng bá.

Những ngày cuối tháng 5 này, để biết các thông tin về dịch vụ, địa điểm, phòng ở Khu du lịch Pù Luông tại huyện Bá Thước để cho gia đình đi tham quan, chị Lê Thị Hương ở mặt bằng 934, phường Đông Hải (TP Thanh Hóa) đã tìm hiểu các thông tin qua mạng internet. Chỉ cần gõ từ khóa “Du lịch Pù Luông”, đã có cả trăm thông tin liên quan hiện ra trên nền tảng internet. Qua tìm hiểu một số trang thông tin điện tử của các công ty, thậm chí của một số gia đình khai thác dịch vụ du lịch, chị Hương liên hệ qua điện thoại và dễ dàng thỏa thuận giá cả, đặt phòng và các bữa ăn theo lộ trình. Đó chính là cách khai thác hiệu quả các trang thông tin điện tử của nhiều tổ chức, cá nhân làm du lịch tại huyện miền núi Bá Thước.

Với các cơ quan Nhà nước, nhiều đơn vị đã phát huy được các trang thông tin của mình một cách hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ. Còn nhớ thời điểm dịch COVID-19 những năm 2020–2021 diễn biến phức tạp, yêu cầu các thông tin liên quan như có ca nhiễm mới, số lượng người nhiễm hay các hướng dẫn phòng, chữa bệnh... cần phải nhanh và phổ biến rộng rãi. Khi ấy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa đã vận hành hiệu quả trang thông tin điện tử của mình với tên miền “http://trungtamkiemsoatbenhtatthanhhoa.vn”. Từng phút, từng giờ, liên tục các thông tin mới được cập nhật, cùng với đó là những chỉ đạo và khuyến cáo của Trung ương, Bộ Y tế và tỉnh Thanh Hóa được chuyển tải một cách nhanh chóng. Mỗi ngày có hàng chục nghìn lượt truy cập để tìm hiểu các thông tin tại trang này, thậm chí các cơ quan báo chí còn coi đây là nguồn tin chính thống để khai thác thông tin nhanh nhất đến độc giả.

Trên đây là 2 trong rất nhiều đơn vị biết phát huy tốt vai trò của các trang thông tin điện tử trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Không kể cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp hay cá nhân, nếu biết quan tâm và khai thác, chắc chắn sẽ phát huy được các trang thông tin điện tử của mình.

... Nhưng chưa phát huy hết vai trò

Tuy nhiên, qua khảo sát trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, không ít cơ quan, đơn vị vẫn chưa thực sự quan tâm, chưa phát huy được vai trò to lớn của các trang điện tử này trong việc cung cấp thông tin chính thống, định hướng dư luận hay thực hiện nhiệm vụ của mình. Một nghịch lý khác là, những trang điện tử của các doanh nghiệp, các cá nhân hoạt động khá tốt, nhưng nhiều trang của các tổ chức, cơ quan Nhà nước thì vẫn duy trì kiểu “lắt lay”, cầm chừng.

Khảo sát trên trang thông tin điện tử huyện Thường Xuân vào thời điểm ngày 19-5, thông tin mới nhất trên trang chủ thuộc mục “Tin tức – Sự kiện” là “Thành lập tổ tư vấn, chăm sóc bệnh nhân COVID-19...”, được đăng tải từ giữa tháng 2–2022. Trên mục chính này, từ đó đến nay không có thông tin mới. Các trang của nhiều huyện trong tỉnh, tình trạng tương tự cũng không ít với những thông tin nghèo nàn, cũ rích, trong khi có rất nhiều tiềm năng du lịch, danh lam thắng cảnh đẹp, nhu cầu thu hút đầu tư lớn... nhưng ít được đề cập.

Trong xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới những năm gần đây, tiêu chí số 8 về “Thông tin – Truyền thông” có chỉ tiêu “xã có trang thông tin điện tử riêng hoặc trang thông tin điện tử toàn phần trên trang thông tin điện tử của huyện”. Ở đó, các xã phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới để nâng cao nhận thức người dân, vận động các tầng lớp Nhân dân cùng chung tay góp sức, lấy sức dân để lo cho dân. Nhưng qua rất nhiều cuộc kiểm tra, thẩm định của các cơ quan liên quan, rất nhiều xã không chú ý đến nhiệm vụ này. Có những thông tin “mới” nhất vẫn hiện diện trên trang chủ cách đây nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Có thể ở nhiều xã, nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá chưa yêu cầu cao như cấp huyện, cấp ngành, nhưng địa phương chắc chắn có nhiều việc đã làm được để tuyên truyền, chưa nói đến nhiệm vụ chuyển tải những chủ trương, đường lối và những chỉ đạo của các cấp hay địa phương mình trong thực hiện nhiệm vụ. Trên thực tế, con em xa quê ở nhiều xã, nhiều huyện thường xuyên dõi theo sự hoạt động, chuyển mình của quê hương mình, họ thường xuyên theo dõi các trang thông tin của địa phương. Những việc đã làm được cũng cần tuyên truyền, những đổi thay tích cực hay tiềm năng, cảnh đẹp của quê hương càng nên chuyển tải qua các trang thông tin điện tử.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, trước hết, lãnh đạo các cơ quan chủ quản cần thay đổi nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của trang thông tin điện tử trên lĩnh vực, địa phương mình quản lý. Từ đó, quan tâm chỉ đạo cung cấp thông tin bảo đảm kịp thời trên lĩnh vực quản lý.

Linh Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]