(Baothanhhoa.vn) - Sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, không ít người từng lầm lỡ thường đối mặt với sự mặc cảm, tự ti bởi sự kỳ thị của cộng đồng, thậm chí từ chính người thân trong gia đình...

Chung tay giúp đỡ những người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng

Sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, không ít người từng lầm lỡ thường đối mặt với sự mặc cảm, tự ti bởi sự kỳ thị của cộng đồng, thậm chí từ chính người thân trong gia đình...

Chung tay giúp đỡ những người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng

Anh Cù Văn Bình ở thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương được Công ty TNHH JMJ Apparel nhận vào làm việc, hiện đã có thu nhập ổn định.

Nản chí, bất lực, thậm chí là tuyệt vọng... Đó là những cảm xúc của anh Cù Văn Bình ở thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương khi cố gắng tìm kiếm cho mình một việc làm sau khi chấp hành xong án phạt tù. Đã có lúc, anh tưởng mình phải buông xuôi phó mặc cho dòng đời xô đẩy, thì may mắn anh được lực lượng Công an bảo lãnh và giới thiệu vào làm việc tại Công ty TNHH JMJ Apparel tại thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương. Công việc không đòi hỏi bằng cấp, lại được đào tạo, cầm tay chỉ việc, được đảm bảo mọi quyền lợi, chế độ lương thưởng như những công nhân bình thường khác. Với anh Bình, đây thật sự là cơ hội làm lại cuộc đời.

Anh Bình chia sẻ: "Khi tôi vào đây làm việc thì luôn nhận được sự quan tâm, cổ vũ động viên của lãnh đạo Công ty, không bị phân biệt đối xử, mọi người đều bình đẳng như nhau. Mức lương ở đây được khoảng 7 - 8 triệu/tháng, so với mức sống ở đây thì thế là ổn định. Thậm chí tôi còn được hỗ trợ một chiếc xe máy để đi làm, nên thật sự tôi cảm thấy mình may mắn vì tìm được công việc như thế này."

Không chỉ riêng anh Bình, hiện nay, Công ty TNHH JMJ Apparel hiện đang có 6 lao động là người có án tích trở về địa phương. Vượt qua định kiến, chủ doanh nghiệp tin rằng việc đồng hành, giúp đỡ những người từng lầm lỗi phải xuất phát từ cái tâm hướng thiện và thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng, xã hội.

Chị Cao Thị Điệp, Giám đốc Công ty TNHH JMJ Apparel cho biết: "Chúng tôi cho rằng vấn đề quan trọng là sau khi tiếp nhận lao động thì mình quản lý họ thế nào. Tôi và lãnh đạo Công ty cũng thường xuyên gần gũi động viên, hỗ trợ gia đình người lao động có thêm vốn ổn định kinh tế gia đình để đồng hành tốt hơn với người có án tích."

Cũng như Công ty TNHH JMJ Apparel, Hiệp hội Doanh nghiệp huyện Hoằng Hóa hiện cũng là một trong những địa chỉ mà không ít người có quá khứ lỗi lầm tìm đến để được hỗ trợ, giúp đỡ tìm kiếm một công ăn việc làm chân chính và phù hợp với khả năng, hoàn cảnh. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Hoằng Hóa có 256 người trong diện tái hòa nhập cộng đồng, trong đó có 158 người đã tạm thời ổn định cuộc sống.

Những năm qua, lực lượng Công an huyện Hoằng Hóa đã phát huy vai trò nòng cốt, chủ động phối hợp tham mưu cấp ủy, chính quyền huyện triển khai xây dựng mô hình “Doanh nghiệp với công tác tái hòa nhập cộng đồng” nhằm huy động tối đa sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn dân, nhất là đội ngũ các doanh nghiệp, doanh nhân tham gia công tác tái hòa nhập cộng đồng. Qua đó, đã tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm việc làm ổn định, trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội.

Chung tay giúp đỡ những người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng

Lực lượng Công an tuyên truyền, vận động chủ các doanh nghiệp dang tay giúp đỡ người hoàn lương có công ăn việc làm ổn định.

Đặc biệt, từ tháng 8/2023, sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 22 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt, huyện Hoằng Hóa đã tập trung triển khai thực hiện. Đến nay, lực lượng Công an và Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã rà soát và tổ chức triển khai chương trình cho vay vốn đối với 33 trường hợp là những người đã chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương với tổng số tiền giải ngân gần 3 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này đã giúp nhiều người có quá khứ lầm lỡ trở về có cơ hội học nghề, đầu tư sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm việc làm, thu nhập ổn định, trong đó có nhiều người đã vươn lên trở thành hộ có thu nhập kinh tế khá.

Anh Lê Khả Toán ở thôn Đông Anh Vinh, xã Hoằng Thịnh, chia sẻ: "Khi mới trở về địa phương, bản thân gặp rất nhiều khó khăn, tự ti, mặc cảm với mọi người xung quanh. Được cán bộ Công an xã thường xuyên đến động viên, giúp đỡ, hướng dẫn vay vốn, tôi cùng vợ con tiếp tục nghề mây tre đan gây dựng cuộc sống. Để không phụ lòng mọi người, tôi luôn cố gắng. Đến nay, cuộc sống gia đình khá ổn định".

Tương tự, mô hình “Doanh nghiệp với công tác tái hòa nhập cộng đồng” ở huyện Như Xuân là một trong những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng nhằm giải quyết các vấn đề trở ngại về tìm kiếm việc làm tái hòa nhập của người chấp hành xong án phạt tù, từ đó kéo giảm tỷ lệ tái phạm tội trên địa bàn.

Là một trong những người vừa chấp hành xong 2 năm án phạt tù về tội cố ý gây thương tích trở về địa phương, anh Lương Văn Thượng, sinh năm 1975 ở xã Xuân Bình cũng như nhiều người lầm lỗi khác “vấp” phải rào cản lớn nhất trong hành trình tái hòa nhập cộng đồng đó là tìm kiếm việc làm. Giữa lúc đang loay hoay không biết làm gì để kiếm kế sinh nhai thì anh Thượng được lực lượng Công an và cấp ủy, chính quyền huyện Như Xuân giới thiệu, bảo lãnh vào làm công nhân tại xưởng sản xuất, chế biến dăm gỗ xuất khẩu của Công ty Nhật Dương. Bằng sự chịu khó và tích cực lao động sản xuất, đến nay anh đã có mức lương ổn định với thu nhập 15 triệu đồng/tháng.

Kết nối người chấp hành xong án phạt tù với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động là một trong những giải pháp quan trọng mà lực lượng Công an Thanh Hóa đã và đang triển khai thực hiện nhằm phát huy tối đa hiệu quả vai trò và trách nhiệm của đội ngũ doanh nhân trong công tác tái hòa nhập cộng đồng. Chỉ riêng giai đoạn 2023-2024, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có hơn 200 người chấp hành xong phạt tù được các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu việc làm và tiếp nhận lao động, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, có 366 người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền gần 33 tỷ đồng để khởi nghiệp.

Đây chính là kết quả của sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, ngành, doanh nghiệp và lực lượng Công an, để những người chấp hành xong án phạt tù sớm hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời.

Mai Hà (CTV)


Mai Hà (CTV)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]