Chú trọng dinh dưỡng cho lứa tuổi học đường
Đảm bảo dinh dưỡng học đường có vai trò rất quan trọng không chỉ đảm bảo cho sự phát triển cơ thể của trẻ mà còn đáp ứng được các hoạt động thể lực đa dạng và học tập của các em. Do vậy, các nhà trường luôn quan tâm, chú trọng chất lượng bữa ăn học đường.
Việc đảm bảo bữa ăn cân đối dinh dưỡng tại trường học đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
Trường Tiểu học Ba Đình (TP Thanh Hóa) hiện có hơn 1.000 học sinh đăng ký ăn bán trú nên công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng dinh dưỡng bữa ăn được nhà trường chú trọng. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã khảo sát nhu cầu ăn bán trú từ phụ huynh học sinh, từ đó lên kế hoạch đầu tư, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tổ chức bán trú; xây dựng thực đơn.
Do trường nằm trong Dự án Bữa ăn học đường (do Công ty Ajinomoto Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bộ Y tế, phối hợp triển khai), nên đã áp dụng phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng và tài liệu giáo dục dinh dưỡng thuộc chương trình “3 phút thay đổi nhận thức”, phù hợp với trẻ, bảo đảm dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ. Bếp ăn nhà trường được xây dựng theo quy chuẩn bếp ăn một chiều, đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Thông tin, hình ảnh về chế độ ăn của học sinh được giáo viên thường xuyên cập nhật trên nhóm zalo của lớp để phụ huynh nắm bắt, tham khảo và góp ý kịp thời.
Cô giáo Lê Thị Huyền, phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Để đảm bảo bữa ăn ngon, giàu dinh dưỡng, an toàn, ban giám hiệu nhà trường thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ tất cả các khâu từ tiếp nhận thực phẩm, sơ chế, chế biến, chia suất ăn cho học sinh. Đặc biệt, trường rất lưu ý đến khâu lên thực đơn, cân đối dinh dưỡng cho các bữa ăn. Thực đơn được nhà trường lên theo mùa, theo tuần để lựa chọn được những loại rau, củ, quả tươi ngon, đúng mùa. Đồng thời, thực đơn cũng được nghiên cứu kỹ trên cơ sở cân đối dinh dưỡng hàm lượng đạm, protein, chất béo, chất xơ cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ".
Trường Mầm non Vĩnh Thành (thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc) hiện có hơn 500 học sinh đang theo học. Bữa ăn, giấc ngủ tại trường là sự quan tâm lớn của phụ huynh khi có con tham gia bán trú. Cô giáo Trần Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Vĩnh Thành, cho biết: "Nhà trường đặc biệt quan tâm công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thay đổi thực đơn theo mùa... Hàng tháng, nhà trường lên kế hoạch xây dựng thực đơn theo tiêu chuẩn dinh dưỡng, đảm bảo số bữa ăn, định lượng khẩu phần ăn, cung cấp đủ năng lượng, vitamin và khoáng chất theo nhu cầu độ tuổi. Ngoài ra, nhà trường cũng tăng cường các hoạt động ngoài giờ để kích thích trẻ vận động, giảm tình trạng trẻ thừa cân, béo phì, giúp các em phát triển toàn diện".
Có con học tại Trường Mầm non Vĩnh Thành, chị Lê Thị Vân chia sẻ: "Con thứ hai nhà tôi đang theo học tại Trường Mầm non Vĩnh Thành. Khi con bắt đầu độ tuổi đi học, ngoài tìm hiểu về điều kiện cơ sở vật chất trường lớp, thì tôi đặc biệt quan tâm đến các bữa ăn bán trú của nhà trường, bởi hàng ngày con ăn ở trường bữa sáng và bữa trưa, chỉ ăn buổi tối ở nhà nên chất lượng bữa ăn ở trường rất quan trọng... Qua theo dõi quá trình của con tôi khá an tâm với bữa ăn mà nhà trường tổ chức cho các con, các bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, gia đình tôi khá yên tâm, hài lòng".
Bác sĩ Vũ Thị Trang, Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Khi được đáp ứng đầy đủ về dinh dưỡng, trẻ sẽ có sức khỏe để chống lại tác nhân gây hại từ yếu tố bên ngoài, xây dựng và tăng cường sức đề kháng vững chắc. Từ đó làm tiền đề cho trẻ tham gia tích cực vào các hoạt động sinh hoạt, vui chơi và học tập đạt hiệu quả tốt nhất. Để trẻ phát triển thể chất và hình thành những thói quen tốt, các bậc phụ huynh nên tập cho trẻ thói quen vệ sinh ăn uống cũng như tạo không khí vui vẻ, hứng khởi cho trẻ trong bữa ăn giúp tiêu hóa hấp thu tốt hơn, không nên vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại hoặc đọc sách trong khi ăn. Cùng với đó, cần cho trẻ tăng cường các hoạt động thể lực, vận động, vui chơi ngoài trời, tham gia một số hoạt động thể dục - thể thao sẽ giúp trẻ phát triển thể lực và chiều cao tốt hơn".
Bữa ăn học đường đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ đối với việc đảm bảo sức khỏe và khả năng học tập của học sinh trong suốt thời gian ở trường, mà còn có tác động lâu dài đối với sự phát triển của học sinh trong giai đoạn tuổi ăn tuổi lớn. Để bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng học đường, đặc biệt nâng cao thể chất, sức đề kháng cho trẻ, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm theo các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm khi tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại các cơ sở giáo dục; các nhà trường phải thực hiện tốt công tác chăm sóc, đảm bảo chế độ dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng cho trẻ; ký hợp đồng với nhà cung cấp thực phẩm có uy tín, trách nhiệm và chứng minh đủ giấy tờ về nguồn gốc thực phẩm, điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được các cấp có thẩm quyền xác nhận...
Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch thành lập 2 đoàn kiểm tra đánh giá công tác tổ chức bữa ăn cho học sinh các trường bán trú, nội trú trên địa bàn tỉnh. Các đoàn kiểm tra việc tiếp nhận các văn bản hướng dẫn và ban hành các quy định về tổ chức bếp ăn tập thể; thực hiện các chế độ, nguồn lực tài chính tổ chức bữa ăn cho học sinh, việc bảo đảm các điều kiện để học sinh được học tập, ăn ở và sinh hoạt an toàn tại trường; bảo đảm các điều kiện tổ chức bếp ăn nội trú, bán trú, thực hiện quy trình tổ chức bếp ăn nội trú bán trú, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nguồn cung ứng thực phẩm, chất lượng các suất ăn, khẩu phần ăn, chế độ dinh dưỡng...
Khuyến nghị tỷ lệ các nhóm chất trong bữa ăn: 1.Đối với trẻ nhà trẻ (<36 tháng) -Chất đạm (protein) cung cấp khoảng 13% - 20% năng lượng khẩu phần. - Chất béo (lipit) cung cấp khoảng 30% - 40% năng lượng khẩu phần. - Chất bột (gluxit) cung cấp khoảng 47% - 50% năng lượng khẩu phần. 2. Đối với trẻ mẫu giáo (36 – 72 tháng) -Chất đạm (protein) cung cấp khoảng 13% - 20% năng lượng khẩu phần. - Chất béo (lipit) cung cấp khoảng 25% - 35% năng lượng khẩu phần. - Chất bột (gluxit) cung cấp khoảng 52% - 60% năng lượng khẩu phần. 3. Đối với học sinh tiểu học (6 đến 11 tuổi) - Chất đạm (protein) cung cấp khoảng 13% - 20% năng lượng khẩu phần. - Chất béo (lipit) cung cấp khoảng 20% - 30% năng lượng khẩu phần. - Chất bột (gluxit) cung cấp khoảng 55% - 65% năng lượng khẩu phần. Ngoài năng lượng, chất đạm, chất béo và chất bột đường, cần đảm bảo cung cấp đủ các vi chất dinh dưỡng quan trọng như canxi, sắt, kẽm, vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin D, vitamin E và chất xơ. |
Bài và ảnh: Tô Hà
{name} - {time}
-
2024-12-15 09:59:00
Quy định mới về mẫu giấy phép lái xe áp dụng từ năm 2025 và 2026
-
2024-12-15 09:18:00
Thanh niên Thường Xuân và khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương
-
2024-01-29 07:24:00
Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
Vẻ đẹp cuốn hút của đào phai Quảng Chính
Trao 520 suất quà cho đoàn viên, người lao động hoàn cảnh khó khăn huyện Nông Cống
BIDV Lam sơn lan tỏa giá trị nhân văn qua các hoạt động an sinh xã hội
Gặp gỡ cặp song sinh với “cú đúp” đặc biệt ở Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia
Cầu kênh Nam xuống cấp nghiêm trọng: Nỗi ám ảnh của người dân
Dấu ấn “sắc áo đỏ”
Những sáng kiến hay trong truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình
Công ty CP Xây lắp điện lực Thanh Hóa tặng quà cho cựu TNXP hoàn cảnh khó khăn
Thăm, tặng quà Tết cho người có công, gia đình chính sách và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại xã Hoằng Đạt