Chống hàng giả: “Cuộc chiến” không của riêng ai (Bài cuối) - Cần sự chung tay
Như những bài viết trước chúng tôi đã đề cập, tình trạng buôn bán hàng giả trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay diễn ra phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây ra hệ lụy không nhỏ đối với thành quả của nhà sản xuất, kinh doanh có uy tín, làm suy yếu sức cạnh tranh của hàng hóa chân chính trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh. Để chấn chỉnh “vấn nạn” này, không chỉ có sự vào cuộc của các lực lượng chức năng mà cần sự chung tay, phối hợp của doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội.
Đội Quản lý thị trường số 7, Cục Quản lý thị trường tỉnh sưu tầm hàng thật - hàng giả để trưng bày và đối chứng khi thực thi nhiệm vụ. Ảnh: P.V
Nhận diện những khó khăn
Qua khảo sát thị trường tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, hiện nay, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) được bày bán công khai, xen lẫn với hàng hóa có chất lượng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Các sản phẩm làm giả hoặc bị “đánh cắp” thương hiệu đều tập trung vào các thương hiệu nổi tiếng, được nhiều người tiêu dùng tin tưởng, thuộc các lĩnh vực gồm thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, giày dép, dược phẩm, thiết bị y tế, mỹ phẩm, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, thiết bị điện tử... Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, trong 3 năm gần đây, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã xử lý hơn 600 vụ việc liên quan đến hàng giả. Cụ thể, năm 2022 xử lý 206 vụ, năm 2023 xử lý 216 vụ, năm 2024 xử lý 179 vụ, tổng số tiền phạt trên 6 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm gần 4 tỷ đồng.
Theo ông Lê Vinh Quang, Đội trưởng đội quản lý thị trường (QLTT) số 10 (Cục QLTT Thanh Hóa), bám sát sự chỉ đạo của Cục QLTT tỉnh, đơn vị đã triển khai xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát chống các hành vi buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, gian lận thương mại và đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, những kết quả trên vẫn chưa được như mong muốn, bởi có một số khó khăn nhất định, trong đó phải kể đến việc “nhận diện” dấu hiệu giả các nhãn hiệu nổi tiếng và xâm phạm quyền SHTT hiện nay chưa nhận được sự phối hợp kịp thời của một số chủ sở hữu nhãn hiệu để xử lý.
Nguyên nhân nữa đó là, khoa học, công nghệ phát triển giúp các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh ứng dụng để nâng cao năng lực quản lý, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm... Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện thuận lợi để các đối tượng áp dụng vào sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền SHTT, làm cho người tiêu dùng và các cơ quan quản lý Nhà nước khó phát hiện hàng thật, hàng giả... Sự phát triển của thương mại điện tử rất nhanh trong khi đó việc quản lý nền tảng có ứng dụng bán hàng của các nhà cung cấp hiện nay chưa chặt chẽ, chưa quan tâm đến kiểm soát chất lượng, thương hiệu hàng hóa mà các sàn thương mại điện tử đăng bán. Bên cạnh đó, các “gian thương” đặt kho hàng ở những vị trí kín đáo, khó tìm; hàng hóa được phân tán, cất giấu ở nhiều nơi, thậm chí chỉ bán hàng qua trung gian... điều này khiến cho công tác nắm địa bàn, xác minh thông tin, kiểm tra, xử lý cũng gặp rất nhiều khó khăn...
Trách nhiệm không của riêng ai
Có thể thấy rằng, cùng với cách thức bán hàng truyền thống, lĩnh vực thương mại điện tử “bùng nổ” mang lại rất nhiều tiện ích cho cả người bán và người mua, đây cũng chính là “mảnh đất” màu mỡ cho hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT hoành hành. “Vấn nạn” này không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp chân chính mà còn làm mất niềm tin của người tiêu dùng. Đứng trước “ma trận” của hàng giả, đâu là giải pháp hiệu quả để bảo vệ, tạo lập thị trường lành mạnh, minh bạch?
Chuyên viên Công ty Luật TNHH Phạm và Liên doanh, đại diện pháp lý tại Việt Nam của Công ty Honda Motor tổ chức hội nghị phân biệt hàng thật - giả của Honda. Ảnh: P.V
Trong “cuộc chiến” không khoan nhượng với hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT rất cần sự chung tay vào cuộc của nhiều thành phần xã hội, trong đó cần có sự phối hợp và hành động từ cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Đối với ngành QLTT tỉnh, thời gian qua đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về thương mại, thương mại điện tử đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó còn thường xuyên thực hiện việc ký cam kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh về việc không sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa vi phạm quyền SHTT. Cùng với đó là tổ chức tập huấn, hướng dẫn trực quan, giúp người dân phân biệt hàng thật, hàng giả; tăng cường kiểm tra các địa điểm tập kết hàng hóa, kho bãi; triển khai chiến dịch kiểm tra chuyên đề, kết hợp giữa lực lượng QLTT, công an kinh tế và các bên liên quan để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm...
Ngoài ra, cũng cần sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, với vai trò là chủ thể. Doanh nghiệp cần quản lý, giám sát chặt chẽ về hàng hóa của mình trên thị trường, áp dụng truy xuất nguồn gốc với các tem nhãn không thể làm giả, sao chép; không nên coi việc chống hàng giả là của các cơ quan thực thi pháp luật mà cần chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để tiến hành kiểm tra, phát hiện, xử lý theo quy định khi bị làm giả, xâm phạm quyền SHTT.
Đối với người tiêu dùng, cần trang bị kỹ năng kiểm tra nguồn gốc sản phẩm, sử dụng các công cụ truy xuất thông tin do doanh nghiệp cung cấp như mã QR hoặc ứng dụng xác thực sản phẩm chính hãng; cần thay đổi thói quen mua sắm, ưu tiên lựa chọn các kênh phân phối uy tín, từ chối mua hàng hóa vi phạm, tích cực đấu tranh tố giác các hành vi vi phạm...
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng cho rằng, trong “cuộc chiến” với hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng thì cần rà soát lại các quy định pháp luật có liên quan để có chế tài xử lý tăng tính răn đe. Cùng với đó là thường xuyên rà soát những khó khăn, vướng mắc, nhất là vướng mắc liên quan đến nơi sản xuất, xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, hoạt động thương mại điện tử; đề cao, gắn trách nhiệm người đứng đầu các ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương các cấp với kết quả công tác... Chúng ta cũng phải xác định rằng, “cuộc chiến” chống hàng giả không hề dễ dàng. Nhưng để xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và quyền lợi người tiêu dùng luôn được bảo vệ, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và chính sự tự giác của người tiêu dùng. Điều đó cũng nhằm bảo vệ hình ảnh thương hiệu Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Nhóm PV
{name} - {time}
-
2025-02-20 19:52:00
Sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính
-
2025-02-20 15:14:00
“Dự án BĐS du lịch, nghỉ dưỡng tiềm năng nhất năm 2025” gọi tên Sun Urban City Hà Nam
-
2025-02-18 10:38:00
Vững vàng thực hiện sứ mệnh phát triển “Tam nông”
Đề xuất đánh thuế đối với tiền lãi gửi tiết kiệm
Dự báo giá vàng: Mức 3.500 USD/ounce là điều khó tránh khỏi
Đề xuất tiếp tục mức thu lệ phí trước bạ 0% đối với ô tô điện chạy pin
Kế hoạch thực hiện Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch
Bản tin Tài chính 18/2: Vàng trong nước tăng cực mạnh
Hàng hóa nhập khẩu dưới 1 triệu đồng phải nộp thuế giá trị gia tăng từ 18/2
Nhìn ra thế giới: “Át chủ bài” nào hút khách chơi đêm, ở lâu, tiêu nhiều?
Tiếp tục đầu tư lưới điện truyền tải đồng bộ, hiện đại
Phản biện “Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu công nghiệp Bắc Hoằng Hóa"