(Baothanhhoa.vn) - Cùng với “ngụy trang” dưới các “vỏ bọc”, hay móc nối thành đường dây để thực hiện các công đoạn khác nhau trong khâu sản xuất; các "gian thương" đang tận dụng “tối đa” kẽ hở của pháp luật trong quản lý kinh doanh online để tung “chiêu” lừa bán hàng giả, trục lợi bất chính cũng như trốn tránh sự kiểm soát của pháp luật.

Chống hàng giả: “Cuộc chiến” không của riêng ai (Bài 2) - Nhiều thủ đoạn lừa dối người tiêu dùng

Cùng với “ngụy trang” dưới các “vỏ bọc”, hay móc nối thành đường dây để thực hiện các công đoạn khác nhau trong khâu sản xuất; các “gian thương” đang tận dụng “tối đa” kẽ hở của pháp luật trong quản lý kinh doanh online để tung “chiêu” lừa bán hàng giả, trục lợi bất chính cũng như trốn tránh sự kiểm soát của pháp luật.

Chống hàng giả: “Cuộc chiến” không của riêng ai (Bài 2) - Nhiều thủ đoạn lừa dối người tiêu dùngCơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Vĩnh Lộc bắt quả tang cơ sở sản xuất nước giặt OMO giả mạo nhãn hiệu do Lê Hạ Tuấn, sinh năm 1995 ở thôn Thái Sơn, xã Tân Phúc (Nông Cống) làm chủ. Ảnh: PV

Góc khuất của “ngành công nghiệp” đen tối

Ngày 3/12/2024, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 9 (Cục QLTT tỉnh) và lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) phối hợp bắt giữ một xe ô tô tải lưu thông qua địa bàn Thanh Hóa. Cùng với nhiều mặt hàng là thực phẩm, thiết bị y tế vi phạm hành chính với hành vi không có nguồn gốc xuất xứ, không thực hiện ghi nhãn đối với hàng hóa thực phẩm bắt buộc phải ghi nhãn, lực lượng chức năng phát hiện dấu hiệu một số loại hàng hóa mỹ phẩm thương hiệu D-Nee có xuất xứ Thái Lan đang được bảo hộ tại Việt Nam là hàng giả. Theo kiểm soát viên thuộc Đội QLTT số 9, thủ đoạn của đối tượng làm giả lô hàng này rất tinh vi. Nếu quan sát đơn thuần rất khó để phát hiện vì mã vạch sản phẩm đúng, các chi tiết in ấn trên bao bì khá thật màu, sắc nét. Do nghi ngờ một số chi tiết về đóng nắp, lực lượng chức năng đã phối hợp tiến hành xác minh, điều tra. Ngày 17/12/2024, Đội trưởng QLTT số 9 đã ban hành quyết định xử phạt lái xe Đàm Văn Công, địa chỉ xã Tam Tiến, huyện Yên Thế (Bắc Giang) số tiền 16.000.000 đồng về hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; buộc tiêu hủy hàng hóa giả mạo nhãn hiệu D-nee đang được bảo hộ tại Việt Nam có trị giá 14.760.000 đồng, gồm nước rửa bình sữa, nước giặt xả và phấn rôm mang nhãn hiệu D-nee.

Tại 2 cơ sở chuyên sản xuất, phân phối, bán sản phẩm nước giặt giả thương hiệu nhãn hàng OMO tại xã Tế Nông (Nông Cống) và xã Tân Phúc (Nông Cống) bị lực lượng chức năng bắt quả tang tháng 8/2024, những sản phẩm “y chang” hàng thật được sản xuất núp bóng dưới “vỏ bọc” là cơ sở sản xuất giấy vệ sinh được cấp phép hoạt động. Cũng ít ai biết rằng, những túi, thùng nước giặt OMO lại được sản xuất trong một cơ sở chỉ vài mét vuông. Hàng hóa của một thương hiệu nổi tiếng được “hô biến” một cách vô cùng đơn giản. Theo khai nhận của đối tượng cầm đầu Lê Hạ Tuấn, bao bì, nhãn mác thì được thuê in, còn “quy trình” sản xuất phần “ruột” - nước giặt khá thủ công, với vài loại nguyên liệu chất tạo bọt, chất tẩy rửa, hương liệu và chất tạo màu được mua trôi nổi trên mạng rồi tự pha chế. Còn chất lượng sản phẩm thì chỉ có... người tiêu dùng mới biết.

Đường dây làm giả thuốc tân dược quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc được Công an TP Thanh Hóa triệt phá cũng trong tháng 8/2024 khiến nhiều người bàng hoàng, khi các loại thuốc chữa bệnh được sản xuất một cách có thể gọi là “kỳ quái”. Thành phần mà các đối tượng đưa vào sản xuất các loại thuốc kháng sinh, như: Cefuroxim 500mg, Cefixim 200mg, Augxicine, Panadol Extra, Panactol... lại được cấu thành từ bột mì, chất giảm đau và chất keo dính.

Khai nhận với cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Hưng - đối tượng cầm đầu cho biết đã câu kết với Trương Quốc Phong Dinh thành lập Công ty TNHH dịch vụ y tế Tích Hợp, đăng ký trụ sở tại TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre để ngụy trang cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc tân dược giả. Dưới vỏ bọc là dược sỹ chuyên mua bán thuốc cho các công ty dược, Trương Quốc Phong Dinh đã thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook... để thu mua các loại thuốc ngoại nhập trôi nổi trên thị thường, sau đó dùng cồn hoặc hóa chất khác tẩy xóa phần chữ in trên vỉ thuốc, dùng máy in lại thông tin (tên, thành phần, hoạt chất) trên vỉ thuốc, tạo thành loại thuốc mới.

11 tháng năm 2024, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử phạt khoảng 13.000 vụ việc vi phạm trong cả nước liên quan đến hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, với số tiền xử phạt vi phạm hành chính khoảng 57 tỷ đồng.

Ngoài ra, đối tượng Dinh còn thu mua thuốc tân dược sản xuất nội địa, có nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ, sau đó ngâm vào nước để bong tróc tem nhãn gốc của nhà sản xuất dán trên ống thuốc, đặt in và dán tem nhãn giả thành thuốc ngoại nhập, đưa ra thị trường tiêu thụ với giá cao. Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Thanh Hoá đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can trên đường dây nói trên về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh” quy định tại khoản 2 Điều 194 Bộ luật Hình sự. Rồi đây, “kẻ gian” sẽ phải chịu những hình phạt thích đáng. Tuy nhiên, hàng trăm nghìn vỉ thuốc giả đã được tiêu thụ đã và có thể sẽ tiếp tục gây nên những mối nguy hại khôn lường cho sức khoẻ người bệnh.

Theo cơ quan chức năng, với sự nghiên cứu kỹ lưỡng và nhiều thủ đoạn tinh vi, hàng giả xuất hiện dưới rất nhiều hình thức, từ giả bao bì, nhãn mác, hay tinh vi hơn là giả công dụng. Với hành vi giả công dụng, kể cả lực lượng chức năng cũng rất khó phát hiện mà chỉ khi người tiêu dùng mua về sử dụng mới phát hiện được. Ngoài ra, còn có giả xuất xứ hàng hóa, giả về tiêu chuẩn chất lượng... Hiện nay, công nghệ, phương tiện phục vụ công tác chống hàng giả cũng chưa theo kịp với sự thay đổi của công nghệ sản xuất.

Cá biệt, nhiều mặt hàng không chỉ bị làm giả nhãn hiệu mà còn bị sao chép, làm giả cả mã vạch sản phẩm, khiến lực lượng chức năng rất khó khăn trong việc xác định dấu hiệu ban đầu. Đội trưởng Đội QLTT số 10 (Cục QLTT tỉnh) Lê Vinh Quang, dẫn chứng: “Đội QLTT số 10 đã kiểm tra, phát hiện nhiều vụ việc hàng giả thì toàn bộ thông tin trên nhãn hàng hóa là làm giả, trong đó có cả mã vạch. Ví dụ như vụ việc sản xuất giấy vệ sinh giả của một hộ kinh doanh tại xã Hoàng Giang (Nông Cống). Vụ việc hiện đã chuyển Công an huyện Nông Cống khởi tố vụ án theo quy định”.

Ẩn mình nhờ công nghệ số

Để lừa dối người tiêu dùng và lẩn tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng, các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ thường triệt để lợi dụng nền tảng công nghệ số để bán hàng trên các trang thương mại điện tử (TMĐT), các mạng xã hội để tiếp cận nhanh nhất và số lượng lớn đến người tiêu dùng; đồng thời dễ dàng xóa dấu vết phạm tội, trốn tránh sự truy xét của các cơ quan chức năng.

Trở lại với vụ việc sản xuất hàng giả tại huyện Vĩnh Lộc, dưới các chiêu trò livestream trên mạng xã hội với những lời quảng cáo, mời chào hấp dẫn, những chiêu hạ giá “sập sàn” chỉ bằng 60 - 65% so với hàng chính hãng; đồng thời tự chạy quảng cáo, giới thiệu và bán sản phẩm khắp cả nước, hàng tháng các đối tượng đã bán trên 4.000 sản phẩm nước giặt giả thương hiệu nhãn hàng OMO, tương đương giá trị hàng thật khoảng 1 tỷ đồng, thu lời bất chính hàng trăm triệu đồng.

Chống hàng giả: “Cuộc chiến” không của riêng ai (Bài 2) - Nhiều thủ đoạn lừa dối người tiêu dùngLực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện dấu hiệu làm giả nước giặt xả nhãn hiệu D-Nee đã được bảo hộ thương hiệu tại Việt Nam làm cơ sở điều tra.

Với vụ việc sản xuất và kinh doanh thuốc tân dược giả mà Công an TP Thanh Hóa triệt phá, các đối tượng cũng thông qua các trang mạng xã hội để quảng cáo có nguồn thuốc kháng sinh của các công ty chính hãng “tuồn” ra từ nguồn hàng thầu hoặc bán chạy doanh số trái khu vực không xuất được hóa đơn nên giao bán rẻ hơn so với hàng chính hãng để tiêu thụ tại các đại lý thuốc ở các địa phương trên địa bàn cả nước. Bằng thủ đoạn trên, các đối tượng đã bán ra ngoài thị trường một khối lượng lớn thuốc tân dược giả, đa phần hướng tới nhóm dược sỹ kinh doanh thuốc tự do tại các chợ thuốc phía Bắc và phía Nam, trong đó có Thanh Hóa.

Thực trạng mua bán, chiếm đoạt tài khoản xã hội, rồi chạy quảng cáo, tự comment “tâng bốc” công dụng sản phẩm, tạo niềm tin, đánh lừa người tiêu dùng trở nên khá phổ biến trên các kênh bán hàng online. Nguy hiểm hơn, nhiều “gian thương” còn lợi dụng nền tảng công nghệ số, lập nhiều fanpage giả tạo, mạo danh nhân vật nổi tiếng, người có ảnh hưởng trong xã hội để quảng cáo, bán hàng giả và thu lợi bất chính.

Tại Thanh Hóa, tháng 9/2024, xuất hiện một số trang fanpage giả mạo chùa Hồi Long (Hoằng Hóa) để bán các sản phẩm là dầu gội, tinh dầu, nước rửa bát giả mạo sản phẩm của nhà chùa. Không chỉ lập fanpage giả, các đối tượng còn sử dụng trái phép các video giới thiệu sản phẩm, lợi dụng sự ủng hộ nhà chùa trong việc nuôi dưỡng trẻ mồ côi để thu hút khách hàng, bán hàng trục lợi. Đối chứng trực tiếp sản phẩm “thật” và “giả” cho thấy, đối tượng đã đặt mua vỏ hộp, sao y in nhãn mác cùng các thông số, địa chỉ, thông tin liên lạc của nhà chùa và chế thủ công phần “ruột” để tiêu thụ, với mức giá y hệt hàng chính hãng để tránh bị phát hiện. “Núp bóng” kênh kinh doanh online, các đối tượng đã giao dịch thành công khối lượng lớn sản phẩm, gây thiệt hại cho người tiêu dùng cũng như uy tín của nhà sản xuất.

Hiện nay, 63/63 cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành quyết định thành lập Tổ TMĐT và các đơn vị chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm tra. Liên quan đến lĩnh vực TMĐT. Trong năm 2024, toàn lực lượng đã phát hiện, xử lý 3.124 vụ vi phạm (tăng 266% so với năm 2023), chuyển cơ quan điều tra 4 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 48 tỷ đồng (tăng 220% so với năm 2023); trị giá hàng hóa vi phạm trên 34 tỷ đồng (tăng 440% so với năm 2023).

“Hiện nay, các cơ sở kinh doanh trên mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok rất nhiều nhưng pháp luật chưa có quy định cụ thể về quản lý đối với hoạt động kinh doanh này, từ đó gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong quản lý, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Cùng với đó, hoạt động kinh doanh trên TMĐT thường không có địa điểm kinh doanh cố định. Hành vi kinh doanh được tiến hành ngay tại chỗ ở. Trong khi đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định “trường hợp nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở thì phải đề nghị chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định. Thủ tục này mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến tính kịp thời trong kiểm tra, ngăn chặn hành vi vi phạm. Đồng thời là cơ hội để đối tượng “tẩu tán” tang vật vi phạm” - Ông Lê Vinh Quang, Đội trưởng Đội QLTT số 10 (Cục QLTT tỉnh) chia sẻ thêm về bất cập trong quy định của pháp luật thực thi chống hàng giả hiện hành.

Nhóm PV

Bài cuối: Cần sự chung tay

Tin liên quan:
  • Chống hàng giả: “Cuộc chiến” không của riêng ai (Bài 2) - Nhiều thủ đoạn lừa dối người tiêu dùng
    Chống hàng giả: “Cuộc chiến” không của riêng ai (Bài 1) - Nhức nhối vấn nạn ...

    So sánh trên bình diện cả nước, Thanh Hóa không phải là điểm “nóng” về tập kết hay buôn bán hàng giả. Tuy nhiên, địa bàn rộng, địa hình phức tạp, hình thức trung chuyển đa dạng khiến vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng giả tại Thanh Hóa vẫn diễn biến khó lường, với nhiều vụ việc quy mô rất lớn. Đặc biệt, sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT), các mạng xã hội xuyên biên giới đang khiến “vấn nạn” hàng giả càng trở nên nhức nhối.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]