Chống hàng giả: “Cuộc chiến” không của riêng ai (Bài 1) - Nhức nhối vấn nạn hàng giả
So sánh trên bình diện cả nước, Thanh Hóa không phải là điểm “nóng” về tập kết hay buôn bán hàng giả. Tuy nhiên, địa bàn rộng, địa hình phức tạp, hình thức trung chuyển đa dạng khiến vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng giả tại Thanh Hóa vẫn diễn biến khó lường, với nhiều vụ việc quy mô rất lớn. Đặc biệt, sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT), các mạng xã hội xuyên biên giới đang khiến “vấn nạn” hàng giả càng trở nên nhức nhối.
Lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Vận tải và Dịch vụ thương mại Ngọc Sơn, xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc) và phát hiện 11.120 viên ngói các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Viglacera và nhãn hiệu Prime. Ảnh: P.V
Thâm nhập mọi ngóc ngách
Chỉ trong một thời gian ngắn bắt tay vào cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện nhiều vụ việc khá nghiêm trọng.
Đó là vụ việc 66 tấn phân bón giả nhãn hiệu Rồng Mỹ và Việt Xô được phát hiện phân phối tại hộ kinh doanh Nguyễn Đình Năm, địa chỉ xã Phú Xuân (Thọ Xuân) vào ngày 6/1/2025. Ông Nguyễn Huy Bình, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14, cho biết: “Kết quả xác minh cho thấy, số hàng hóa này thuộc sở hữu của Công ty Công nghệ Sao Đỏ, có địa chỉ tại xã Vạn Thắng (Nông Cống); nhưng đã làm giả mạo nhãn hiệu hàng hóa đã đăng ký bảo hộ của Công ty CP Năm Thao, có địa chỉ tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Vụ việc này đang tiếp tục được mở rộng điều tra”.
Ngày 7/1/2025, Công an huyện Thường Xuân phát hiện, bắt giữ gần 1 tấn hàng hóa nghi làm giả bột giặt, hạt nêm của các hãng nổi tiếng như: Omo, Aba, Knorr, Vì Dân... Trước đó, lực lượng công an phát hiện một số đối tượng lạ mặt thường xuyên sử dụng xe ô tô tải vận chuyển hàng hóa các thương hiệu này đến nhập cho các cửa hàng trên địa bàn các huyện: Thường Xuân, Lang Chánh, Như Xuân... Tổ chức điều tra, trinh sát, lực lượng công an đã bắt quả tang 2 đối tượng Nguyễn Văn Sơn, sinh năm 1993, trú tại xã Tế Nông (Nông Cống) và Vi Văn Sang, sinh năm 2000, trú tại xã Xuân Cao (Thường Xuân) khi các đối tượng đang vận chuyển gần 1 tạ hàng hóa giả đi tiêu thụ. Tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của 2 đối tượng nói trên, lực lượng công an đã thu giữ gần 8 tạ nguyên liệu để sản xuất bột giặt và hạt nêm giả cùng nhiều công cụ, bao bì, nhãn mác.
Từ năm 2022 đến nay, lực lượng QLTT chỉ mới xử lý được 16 vụ việc vi phạm về hàng giả trên TMĐT, với số tiền xử phạt 97.500.000 đồng, trị giá hàng hóa vi phạm là 35.651.000 đồng. |
Theo rà soát của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, 179 vụ việc vi phạm về hàng giả, sở hữu trí tuệ trong năm 2024, với đa dạng chủng loại hàng hóa. Từ những mặt hàng gắn bó mật thiết với đời sống của người dân, như quần áo, giày dép đến hàng hóa ảnh hưởng tới sức khỏe như: dược phẩm, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng. Kể cả những mặt hàng phục vụ xây dựng như gạch, ngói... hay hàng hóa có giá trị cao như đồ trang sức đều đang bị làm giả.
Thực tế, khảo sát tại các cửa hàng trên các tuyến phố, chợ truyền thống ở các thành phố, huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, dễ dàng bắt gặp cảnh tượng công khai bày bán các loại hàng hóa như quần áo, giày dép, mũ, phụ kiện thời trang... giả mạo các thương hiệu lớn như: Dior, Chanel, Gucci, Nike, Adidas, Louis Vuiton... với giá chỉ vài trăm nghìn đồng.
Mỗi năm, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã liên tục phát hiện, xử lý hành chính, với khung phạt cao và tiêu hủy hàng nghìn sản phẩm hàng hóa giả mạo các thương hiệu lớn, điển hình như: Ngày 29/1/2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh cửa hàng Lan Bằng tại phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa về hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu với số tiền phạt 102.500.000 đồng; buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm bao gồm các loại giày giả mạo nhãn hiệu Adidas, Nike, Gucci, Louis Vuitton, Valentino với trị giá 105.110.000 đồng.
Ngày 13/8/2024, Chủ tịch UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Tùng MOSCOW tại phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa về hành vi kinh doanh 197 đôi giày, dép mang nhãn hiệu Nike, Adidas, Hermes, Louis Vuitton, với trị giá 162.030.000 đồng. Hộ kinh doanh này cũng bị xử phạt hành chính 102.500.000 đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm. Vậy nhưng, hoạt động của cơ quan chức năng dường như vẫn chỉ như “muối bỏ bể”. Sau xử phạt, tiêu hủy, hàng giả vẫn tiếp tục xuất hiện và mỗi năm, lại vẫn phát hiện thêm nhiều vụ việc mới, thậm chí nghiêm trọng hơn.
Vài năm gần đây, Thanh Hóa còn từng phát hiện những kho hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ với quy mô rất lớn, ở mức “rúng động” thị trường cả nước. Điển hình như tháng 4/2022, lực lượng QLTT Thanh Hóa đã phối hợp với Phòng Nghiệp vụ 1, Cục Nghiệp vụ thuộc Tổng cục QLTT và Phòng PC03, Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện 3 kho hàng hóa có dấu hiệu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu thuộc sở hữu của Shop Ngọc Thảo tại phường Ngọc Trạo (thị xã Bỉm Sơn). 27.825 sản phẩm hàng hóa vi phạm là đồng hồ, mỹ phẩm, thực phẩm, giày, dép, chăn, quần áo, đồ gia dụng, với tổng trị giá tang vật vi phạm là 1.166.680.000 đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định khởi tố đối với bà Trương Thị Liên - chủ shop Ngọc Thảo với hành vi kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hay như vụ việc phát hiện kho “hàng khủng” với 12.000 sản phẩm giả mạo nhiều nhãn hiệu thời trang nổi tiếng như Channel, Gucci, Loui Vuitton, Kenzo... tại TP Sầm Sơn.
Đáng nói, trong năm 2024 vừa qua, hàng giả xuất hiện trên nhiều mặt hàng có giá trị lớn. Đó là vụ việc Công ty TNHH Thương mại vàng bạc Kim Chung (TP Thanh Hóa) kinh doanh trang sức nhãn hiệu Chanel, Versace, DIOR, Hermes, Louis Vuitton. Công ty TNHH Vàng bạc Tuấn Hương tại thị trấn Quán Lào (Yên Định) kinh doanh trang sức gồm dây chuyền, lắc tay giả mạo nhãn hiệu DIOR, Chanel, Hermes. Các chủ doanh nghiệp này đã bị xử phạt hàng trăm triệu đồng.
Nhận định từ Cục QLTT Thanh Hóa cho thấy, hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang có những diễn biến ngày càng phức tạp, với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, gần như không thể phân biệt với hàng thật. “Gian thương” ngày càng có sự “phòng thủ”, tìm hiểu kỹ quy định pháp luật và biện pháp nghiệp vụ của lực lượng chức năng và doanh nghiệp để tìm đường “lách”, gây khó khăn cho việc thu thập xác minh thông tin xử phạt. Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục QLTT Thanh Hóa cũng đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, xây dựng nhiều kế hoạch kiểm tra, kiểm soát chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa như mong muốn.
Lộng hành trên “chợ online”
Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, giao dịch hàng hóa trên nền tảng số phát triển với tốc độ “chóng mặt”. Công bố của Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho thấy, tốc độ tăng trưởng của Chỉ số TMĐT Việt Nam đạt tới bình quân 25% mỗi năm, chạm mốc doanh số 25 tỷ USD; trong đó, quy mô bán lẻ hàng hóa trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD. Tuy nhiên, đây cũng là “đất diễn” màu mỡ của hàng giả, từ các mặt hàng cao cấp đến bình dân.
Cán bộ Đội QLTT số 2 kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh hàng hóa trên địa bàn TP Thanh Hóa trong cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Là “tín đồ” hàng hiệu, anh Lê Khắc C. (TP Thanh Hóa) thường “săn” nhiều mặt hàng như quần áo, đồng hồ, ví, dây lưng trên các kênh TMĐT. Mặc dù đã khá “sành sỏi” để phân biệt, tuy nhiên mỗi khi giao dịch với “shop lạ" mà sơ suất không kiểm tra kỹ, anh C. vẫn bị mua phải “hàng fake”. Điển hình như đợt cận tết vừa rồi, anh C. đặt 1 chiếc áo len Lacoste với giá gần 3 triệu đồng của một người bán chưa từng giao dịch trên tiktok. Khi shiper giao hàng lại đang bận công việc, anh C. đã nhận vội mà không kiểm tra kỹ lưỡng. Rảnh rỗi xem xét lại, anh mới phát hiện đây là hàng giả. “Xác suất khi mua hàng của người bán không uy tín trên các kênh trực tuyến mà gặp phải hàng giả là khoảng 50%, nếu như tôi không mang hàng thật ra để kiểm tra, đối chứng thật kỹ khi nhận”, anh C. chia sẻ.
Ưa chuộng mỹ phẩm của hãng Shiseido, chị Lê Thị L. ở thị trấn Hậu Lộc, huyện Hậu Lộc thường nhờ người thân gửi hàng nội địa về hoặc lên TP Thanh Hóa để mua hàng chính hãng tại hệ thống phân phối. Dịp vừa rồi, lướt trên facebook thấy một shop mỹ phẩm quảng cáo mới “ôm” được một lô hàng kem chống nắng Anessa nội địa, của hãng Shiseido, trong đợt sale lớn cuối năm nên tri ân khách hàng với giá chỉ bằng 1/2 so với giá phân phối chính hãng. Đọc các comment, chị L. thấy rất nhiều người “khen ngợi” sản phẩm một cách rất “chân thật” nên đã “đặt niềm tin” mua 2 hộp. Khi shiper giao hàng, quan sát bên ngoài, chị L. thấy khá giống sản phẩm đang sử dụng, lại còn có tem nhãn đầy đủ nên đã nhận hàng. Tuy nhiên, khi về nhà lấy mẫu sản phẩm đang dùng ra đối chứng từng chi tiết trên bao bì, chị L. mới nghi ngờ đây là hàng giả. “Mở hộp sử dụng thử, tôi thấy chất kem đặc, khi thoa vào da không thấm mà vón cục nên tôi chắc chắn đây là hàng giả và không dám sử dụng”.
Từng mua rất nhiều loại hàng hóa, từ đồ dùng làm việc, mỹ phẩm, quần áo... trên mạng, chị Trần Thu P. (TP Thanh Hóa) cũng không ít lần “ngậm ngùi” vì mua phải hàng giả. Gần đây nhất, khi thấy một MC nổi tiếng livestram trên facebook cá nhân chia sẻ “cơ hội” shop mỹ phẩm lớn ở Hà Nội mới “ôm” được một lô hàng serum dưỡng da với giá ưu đãi tại siêu thị Nhật. Đang có nhu cầu với sản phẩm này và cũng từng được người thân chia sẻ về các chương trình sale “kịch sàn” ở các siêu thị Nhật vào dịp cuối năm nên chị P. cả tin đặt mua. Hàng giao tới khi đi công tác nên chị P. không trực tiếp kiểm tra mà nhờ người nhà nhận giúp. “Khi về kiểm tra hàng, tôi nghi ngờ sản phẩm là giả khi quy cách hộp và thông tin không rõ ràng, bao bì không được sắc nét. Sản phẩm có mùi khác lạ nên cũng không dám sử dụng. Sau lần này, tôi gần như mất niềm tin khi mua mỹ phẩm trên mạng, kể cả khi người quen hay người nổi tiếng PR, giới thiệu”, chị P. cho biết.
Từ năm 2022 đến nay, số vụ việc vi phạm về hàng giả trên địa bàn tỉnh tuy có giảm nhưng quy mô vụ việc tăng lên. Điển hình như năm 2022, lực lượng chức năng xử phạt 203 vụ, với số tiền vi phạm là gần 1,4 tỷ đồng, hàng hóa vi phạm hơn 889 triệu đồng; năm 2023 xử phạt 216 vụ với số tiền 1,88 tỷ đồng, hàng hóa vi phạm 1,19 tỷ đồng. Năm 2024 xử phạt 179 vụ với số tiền hơn 2,64 tỷ đồng, hàng hóa vi phạm hơn 1,5 tỷ đồng. |
Nhận định về mức độ diễn biến của hàng giả trên môi trường TMĐT, theo lãnh đạo Cục QLTT tỉnh, không thể phủ nhận những ưu điểm mà TMĐT mang lại, nhưng sự phát triển của loại hình kinh doanh này đã khiến hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thêm nhiều cơ hội len lỏi vào thị trường. Trên không gian mạng, người bán và người mua không tiếp xúc trực tiếp khi trao đổi hàng hóa; do đó xảy ra tình trạng hình ảnh rao bán là hàng thật nhưng hàng giao cho khách là hàng giả. Nếu không có sản phẩm thật tại chỗ hoặc có kinh nghiệm để đối chứng, so sánh, người mua khó có thể phát hiện ra một cách nhanh chóng.
TMĐT đang tiếp tục tăng trưởng mạnh. Năm 2024, riêng 5 sàn TMĐT tại Việt Nam tăng trưởng tới gần 79%. Các nền tảng mạng xã hội như instagram, facebook, zalo, tiktok phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây do có nhiều ưu điểm, tiện lợi với người kinh doanh và người tiêu dùng. Tuy nhiên, cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với trường hợp có dấu hiệu vi phạm trên TMĐT nhằm minh bạch thị trường, đặc biệt là kiểm soát, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp chân chính.
Bài và ảnh: Nhóm P.V
Bài 2: Nhiều thủ đoạn lừa dối người tiêu dùng
{name} - {time}
-
2025-02-19 17:21:00
Hiệp hội Doanh nghiệp TP Thanh Hóa kết nối hội viên tháng 2
-
2025-02-19 15:14:00
Thầy giáo đam mê đồng ruộng, viết ước mơ xanh
-
2025-02-16 17:02:00
Phát triển nghề truyền thống ở miền quê “cổ tích”
Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp
Động lực quan trọng giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế
Bản tin Tài chính 16/2: Giá vàng “sáng nắng, chiều mưa”, chuyên gia lý giải
Tổng cục Thuế thông tin “hoàn thuế thu nhập cá nhân tự động”
Thoát nghèo nhờ dự án đa dạng hóa sinh kế
Hải Phòng sẽ góp gần 11.000 tỷ đồng cho tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng
Phát huy hiệu quả các giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp
Mở rộng diện tích liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây trồng vụ xuân
Giá vàng ngày 15/2: Bốc hơi cả triệu đồng mỗi lượng