Chia sẻ giống cây, con để cùng nhau phát triển
Trao con giống, tạo sản nghiệp được xem là giải pháp giảm nghèo hiệu quả khi các hộ nghèo được trao "cần câu” để chủ động câu “con cá”. Nhiều năm gần đây, việc trao “cần câu” này đã được thực hiện linh hoạt hơn, nhân văn hơn là sau khi có thành phẩm, chị em dùng một phần thành phẩm đó tiếp tục chia sẻ khó khăn với những người khó khăn khác. Cứ như thế, nhiều hộ khó khăn được giúp đỡ hơn.
Các thành viên THT trồng cây chanh leo do phụ nữ tham gia quản lý xã Thanh Sơn (Như Xuân) được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ năm 2023.
Tổ hợp tác (THT) nuôi lợn tại bản Cú Tá, xã Tam Văn (Lang Chánh) thành lập năm 2020 và được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 8 con lợn nái cho 8 thành viên. Từ 8 con giống ban đầu, các hộ chăn nuôi tăng lên 21 con lợn nái và tiếp tục nuôi sinh sản lợn con để trao cho hộ khó khăn khác. Đến nay, THT đã trao con giống cho 52 hội viên nuôi, nâng tổng đàn đến thời điểm kiểm tra hết quý II/2024 là 123 con, cả lợn con, lợn giống và lợn thành phẩm.
Hội viên Lữ Thị Hà, thành viên THT được nhận con giống nuôi ngay từ khi mới thành lập để phát triển kinh tế hộ gia đình đã chăm chút con giống và vươn lên thoát nghèo. Hiện tại gia đình chị có 1 nái mẹ, 8 lợn con, 6 con lợn thành phẩm, 4 con trâu và gia cầm các loại. Đầu năm 2024, gia đình chị Lữ Thị Hà đã chia sẻ cho gia đình chị Lữ Thị Thắm 1 con lợn con để gia đình chị Thắm chăm sóc, có điều kiện thoát nghèo như gia đình chị.
Năm 2023, Hội LHPN tỉnh đã trao hơn 4.700 con giống cho HTX chăn nuôi tổng hợp do phụ nữ làm chủ xã Lương Ngoại (Bá Thước). Mỗi thành viên của HTX là hộ nghèo được hỗ trợ 150 con gà giống, 3 bao thức ăn; hộ cận nghèo được hỗ trợ 140 con gà giống, 1 bao thức ăn. Toàn bộ con giống và thức ăn đều từ nguồn kinh phí của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tổng trị giá gần 300 triệu đồng. Đây là nguồn lực quan trọng, khởi đầu trong quá trình chăn nuôi của các thành viên HTX, giúp các hộ có điều kiện sản xuất, vươn lên thoát nghèo, cận nghèo. Đến nay, các thành viên HTX đang duy trì sản xuất tốt, đã có gà thương phẩm bán và gây giống để trao cho hộ nghèo khác nuôi.
Thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026: Mỗi cơ sở hội giúp ít nhất 5 hộ, toàn tỉnh giúp ít nhất 2.800 hộ có phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo; đến cuối nhiệm kỳ giảm tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ còn dưới 2%, các cấp hội LHPN trong tỉnh đã đa dạng và cụ thể hóa nhiều hình thức hỗ trợ, giúp đỡ, trong đó có giúp nhau ngày công, con giống, vốn, kiến thức... Với những cách làm này, nhiều đơn vị hội đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp và hiệu quả, góp phần thay đổi tư duy trông chờ của hội viên và chủ động trong sản xuất, có ý thức, trách nhiệm với gia đình, đóng góp hoạt động hội. Đặc biệt là hình thức chia sẻ giống cây, con cho hội viên khó khăn được đẩy mạnh ở các cơ sở hội thông qua thành lập các mô hình tập thể do phụ nữ tham gia quản lý, như: tổ liên kết, HTX, THT. Các mô hình hoạt động bài bản, có xây dựng quy chế hoạt động và góp quỹ duy trì hoạt động. Thành viên tham gia mô hình chủ yếu là hộ khó khăn, hộ nghèo nhằm liên kết hỗ trợ nhau phát triển, hướng tới thoát nghèo bền vững.
Đối với các hộ tham gia mô hình chăn nuôi được hỗ trợ bò, lợn, dê giống sinh sản, gà, vịt và thức ăn; các hộ tham gia mô hình trồng trọt được hỗ trợ giống cây ăn quả (bưởi, ổi, chanh leo...) và phân bón phù hợp với điều kiện kinh tế và tập quán sản xuất của địa phương. Để việc chia sẻ giống cây, con cho hội viên phát triển sản xuất thực sự hiệu quả, hội LHPN cấp trên chỉ đạo hội cơ sở khảo sát nhu cầu, phân tích lợi thế điều kiện tự nhiên của địa phương để xây dựng kế hoạch hỗ trợ và phương án bàn giao con giống, cây giống cho các hộ gia đình. Các đối tượng được hỗ trợ phải thực sự có nhu cầu, có ý thức vươn lên thoát nghèo và công khai danh sách trước chi hội để hỗ trợ. Các hộ nhận giống cây, con phải cam kết chăm sóc tốt, không tự ý chuyển giao cho hộ khác nuôi, không tự ý giết thịt, đổi sang trồng giống cây khác... Và phải tiếp tục chia sẻ một phần thành quả của mình giúp đỡ hộ khó khăn khác để tiếp tục lan tỏa ý nghĩa nhân văn của mô hình.
Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, mô hình “Ngân hàng bò/trâu” do Hội LHPN tỉnh chỉ đạo đã được nhân rộng và trao 51 con, trị giá trên 500 triệu đồng. Riêng “Ngân hàng bò cái sinh sản” của Hội LHPN Như Thanh đã duy trì được 303 con; các cấp hội LHPN huyện Quan Sơn vận động, hỗ trợ trao 60 con lợn giống, trị giá 90 triệu đồng cho gia đình hội viên khó khăn... Toàn tỉnh có 78.061 lượt phụ nữ nghèo được các cấp hội, hội viên, phụ nữ giúp bằng nhiều hình thức (ngày công, cây con giống, vay không tính lãi...) tổng trị giá gần 50 tỷ đồng. Các cấp hội đã giúp 5.621 phụ nữ nghèo thoát nghèo, thoát cận nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 3,52%.
Tuy giống cây, con được trao chưa nhiều so với nhu cầu thực tế, nhưng việc làm này có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp rất nhiều phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ vùng giáp biên, vùng khó khăn có thêm điều kiện thoát nghèo, có cuộc sống đủ đầy hơn.
Bài và ảnh: Lê Hà
- 2024-11-02 19:11:00
Thức dậy dòng sông để thêm thương nhớ hồn làng
- 2024-11-02 15:28:00
Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội tỉnh Thanh Hoá và Bắc Ninh 2024
- 2024-08-04 10:30:00
Bộ Công an đề xuất hạ thấp mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn
Trao tặng 100 ba lô cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn huyện Đông Sơn
Tình người ở “xóm chạy thận”
Phòng, chống tệ nạn mại dâm: Còn nhiều khó khăn, thách thức
Trễ "giấc mơ hưu”
“Lực lượng tiên phong” của Đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (Bài cuối): Những chuyển biến rõ nét
Hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho cựu Thanh niên xung phong đặc biệt khó khăn
Hội LHPN các cấp tham gia xây dựng văn hóa, con người Thanh Hóa
Phát động cuộc thi thiết kế logo “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam”
[Infographics] - Lừa đảo tuyển dụng cộng tác viên online