Chàng trai 9X nặng lòng với nghề rèn truyền thống
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tiến Lộc (Hậu Lộc), Phạm Văn Tiến (sinh năm 1995) từ nhỏ đã có niềm đam mê đặc biệt với nghề rèn truyền thống mà cha ông để lại. Câu chuyện về chàng trai trẻ 9X này mạnh dạn tìm hướng đi mới cho làng nghề truyền thống, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm khiến nhiều người khâm phục.
Chàng trai 9X Phạm Văn Tiến luôn cố gắng, nỗ lực để tinh hoa làng rèn Tiến Lộc ngày càng vươn xa.
Bắt đầu câu chuyện với chúng tôi, Phạm Văn Tiến thẳng thắn chia sẻ: “Ngay từ khi còn là học sinh, tôi đã xác định sau này sẽ lập nghiệp bằng chính nghề rèn truyền thống của quê hương. Điều đó không chỉ bởi niềm đam mê, sự yêu quý dành cho nghề mà tôi cảm thấy bản thân rất phù hợp với công việc này. Có thể mọi người chưa quen tiếng búa, tiếng đe hay những lò rèn rực lửa nên cảm thấy vất vả, khó chịu, với tôi thì mọi thứ đã trở nên quá quen thuộc nên thấy rất gần gũi và cuốn hút”.
Năm 2013, Phạm Văn Tiến bắt đầu công việc tại xưởng sản xuất nhỏ của gia đình. Ngay từ khi bắt tay vào công việc, Tiến đã nhận thấy rõ ưu, khuyết điểm của các sản phẩm truyền thống, đặc biệt là sản phẩm dao. Tiến cho biết, dao của làng rèn Tiến Lộc lâu nay vốn nổi tiếng với độ sắc bén, tuy nhiên điều khiến anh trăn trở nhất là làm thế nào để dao không bị ôxy hóa và gỉ sét, cán dao không bị mối mọt theo thời gian, song vẫn giữ được nét đặc trưng của dao truyền thống. Bởi vậy, trong suốt những năm đầu lập nghiệp, anh đã dành thời gian đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước, vừa nắm bắt nhu cầu thị trường, vừa đến các làng rèn lớn để tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm. Cùng với đó, Tiến không ngừng tìm kiếm các thông tin về việc chế tác dao ở một số nước phát triển, đặc biệt là Nhật Bản thông qua mạng internet. Thời gian này, anh gặp rất nhiều khó khăn do làng nghề hầu hết các hộ sản xuất thủ công, chưa ứng dụng khoa học kỹ thuật, trong khi đó nguồn vốn kinh doanh còn hạn hẹp. Bởi vậy, anh xác định “lấy ngắn nuôi dài”, đẩy mạnh tiếp cận thị trường, số tiền có được mỗi chuyến hàng anh tích lũy để đầu tư dần từng hạng mục. Thế nhưng, mất tới gần chục năm vừa nghiên cứu, học hỏi, vừa phát triển nguồn vốn, đến năm 2022, anh Tiến mới có thể ứng dụng công nghệ mới, sản xuất dao thép trắng không gỉ, đồng thời đầu tư máy plasma, máy đột dập, lò tôi cao tần, máy cắt tôn... với trị giá trên 1 tỷ đồng. Chỉ sau một thời gian ngắn xuất bán ra thị trường, sản phẩm đã thu hút người tiêu dùng, bởi dao vẫn giữ những nét truyền thống của làng rèn Tiến Lộc, song độ chống gỉ đạt tới 96%.
Năm 2022, cũng là năm đánh dấu bước ngoặt trong hoạt động kinh doanh, anh Phạm Văn Tiến quyết định thành lập Công ty TNHH XR Tấn Lộc Tài. Anh cho biết, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song cần gây dựng và phát triển thương hiệu làng rèn một cách chuyên nghiệp. “Làng nghề truyền thống lâu nay chủ yếu sản xuất phục vụ đời sống người dân địa phương, bị động về nguồn khách. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thị trường chưa thực sự được mở rộng. Chính vì vậy, cùng với thị trường khách truyền thống, tôi đặc biệt chú trọng hoạt động kinh doanh online trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Mặt khác, chú trọng nghiên cứu xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dao thép không gỉ. Năm 2023, với sự hỗ trợ tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, sản phẩm dao thép không gỉ XR Tấn Lộc Tài đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Đến nay dao thép không gỉ đã thu hút được khách hàng ở hầu hết tỉnh, thành phố trong cả nước” - anh Phạm Văn Tiến chia sẻ.
Từ một cơ sở sản xuất nhỏ của gia đình, đến nay anh Phạm Văn Tiến đã phát triển thành 2 cơ sở sản xuất, có diện tích 250 - 300m2/cơ sở, tạo việc làm thường xuyên cho 15 - 17 lao động tại chỗ, với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, anh Tiến còn tạo điều kiện cho hơn 60 người dân địa phương nhận sản phẩm về nhà gia công. Hiện nay, anh Tiến đang chuẩn bị xây dựng cơ sở 3 với diện tích 1.500m2, qua đó vừa mở rộng quy mô sản xuất, vừa hoàn thiện không gian trưng bày và giới thiệu sản phẩm dao của làng nghề rèn, phục vụ tham quan, mua sắm.
Với những cống hiến, nỗ lực không ngừng trong việc phát triển và xây dựng thương hiệu sản phẩm, năm 2023 thương hiệu XR Tấn Lộc Tài được chứng nhận là top 10 “The Best of VietNam 2023” do Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo phối hợp với Hội đồng Liên hiệp Khoa học doanh nhân Việt Nam tổ chức. Cũng trong năm 2023, sản phẩm dao thép không gỉ của Công ty TNHH XR Tấn Lộc Tài được vinh danh là Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam; top 10 thương hiệu uy tín quốc gia do Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam bình chọn; “Thương hiệu - Nhãn hiệu nổi tiếng đất Việt” do Viện Nghiên cứu tài chính đầu tư và hợp tác thương mại Đông Nam Á chứng nhận. Đặc biệt, anh Phạm Văn Tiến là đại diện 1 trong 20 doanh nghiệp tiêu biểu của Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam vinh dự tiếp kiến Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, tại Phủ Chủ tịch (ngày 12/10/2023) nhân kỷ niệm 10 năm thành lập tổng hội. Với Phạm Văn Tiến đây là niềm tự hào, là sự động viên, khích lệ lớn lao để anh nuôi dưỡng đam mê với nghề truyền thống của quê hương.
Chia sẻ về những dự định sắp tới, anh Phạm Văn Tiến cho biết: “Cùng với việc đẩy mạnh mở rộng thị trường, Công ty TNHH XR Tấn Lộc Tài sẽ tập trung nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, phấn đấu đưa sản phẩm dao thép không gỉ trở thành sản phẩm OCOP 4 sao trong năm 2024. Với phương châm “sản xuất trực tiếp - tối ưu giá thành”, chất lượng được nâng lên, sản phẩm luôn đảm bảo với mức giá tốt nhất, để tinh hoa làng rèn Tiến Lộc không chỉ đến với đông đảo khách hàng trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế”.
Bài và ảnh: Hoài Anh
{name} - {time}
-
2024-12-13 09:37:00
Nữ “thủ lĩnh” công đoàn tận tâm
-
2024-12-07 10:39:00
Thầy giáo gương mẫu, tận tâm với nghề
-
2024-01-18 15:15:00
Người gieo những ước mơ
Cựu chiến binh Hoàng Đức Hiền: “Không có việc gì khó”
Làm giàu từ đồng đất quê hương
Người nâng tầm cây dược liệu bản địa
Gặp chàng trai của “Việc tử tế”
Những nữ thủ lĩnh “trọn việc nước, tròn việc dân”
Bí thư chi bộ, trưởng bản mẫu mực bảo vệ đường biên, cột mốc
Nữ đảng viên 24 năm làm bí thư chi bộ
Hơn 20 năm nỗ lực vì cộng đồng
Tích cực tuyên truyền xóa bỏ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống