(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay tiến độ đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh đang rất chậm trễ và là vấn đề “nóng” trên các nghị trường. Ngoài rất nhiều nguyên nhân như khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB); thủ tục pháp lý còn chồng chéo, phức tạp, rườm rà; nhà đầu tư năng lực yếu; khó thu hút nhà đầu tư thứ cấp khiến chủ đầu tư hạ tầng chưa mặn mà “đổ vốn”... thì việc chậm xác định giá thuê đất cũng đang là “rào cản” khiến nhiều nhà đầu tư có năng lực cũng “bó tay” đứng chờ.

Chậm xác định giá thuê đất, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp

Hiện nay tiến độ đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh đang rất chậm trễ và là vấn đề “nóng” trên các nghị trường. Ngoài rất nhiều nguyên nhân như khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB); thủ tục pháp lý còn chồng chéo, phức tạp, rườm rà; nhà đầu tư năng lực yếu; khó thu hút nhà đầu tư thứ cấp khiến chủ đầu tư hạ tầng chưa mặn mà “đổ vốn”... thì việc chậm xác định giá thuê đất cũng đang là “rào cản” khiến nhiều nhà đầu tư có năng lực cũng “bó tay” đứng chờ.

Chậm xác định giá thuê đất, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệpCCN liên xã Dân Lực, Dân Lý, Dân Quyền (Triệu Sơn) thành lập năm 2020 nhưng chưa được triển khai công tác đầu tư xây dựng do nhiều vướng mắc liên quan.

CCN Đông Văn (TP Thanh Hóa) thành lập tháng 10/2018 với số vốn đầu tư hơn 267 tỷ đồng trên diện tích khoảng 20 ha. Với vị trí địa lý thuận lợi về giao thương, nguồn lao động, CCN này được kỳ vọng sẽ mang lại sức sống mới cho công nghiệp của TP Thanh Hóa với các ngành nghề hoạt động như: Nhóm các dự án sản xuất vật liệu xây dựng, cấu kiện bê tông gạch không nung; chế biến khoáng sản, chế biến cao lanh, sản xuất thủy tinh lỏng, chế biến đá, cát các loại; dịch vụ cho thuê kho bãi, trưng bày giới thiệu sản phẩm, vận chuyển, giao hàng hóa các loại; nhóm các dự án công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ; nhóm các dự án điện, điện tử, viễn thông, điện lạnh; nhóm các dự án chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, chế biến nông sản; nhóm các dự án văn phòng phẩm...

Theo quyết định ban đầu, CCN này dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2021 và do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đô thị - công ty cổ phần làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến giữa năm 2021, CCN này đã phải điều chỉnh tiến độ. Theo tiến độ mới phê duyệt, đến hết quý IV/2021 dự án sẽ hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đầu tư, thiết kế cơ sở, GPMB và bàn giao đất. Hạ tầng CCN sẽ được tiến hành thi công từ quý I/2022 đến quý II/2023 và dự kiến đi vào hoạt động trong quý II/2023. Tuy nhiên, một lần nữa dự án này tiếp tục “lỡ hẹn” do vướng mắc việc xác định giá thuê đất. Sau khi giải quyết những khó khăn về các thủ tục khác, đến tháng 1/2022, dự án này đã được UBND tỉnh cho thuê đất. Tuy nhiên, gần 2 năm nay dự án vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do vướng mắc về hoàn thiện hồ sơ xác định giá đất, kéo theo việc chậm trễ trong công tác đầu tư xây dựng.

Theo Sở Công Thương, nhiều CCN khác trong thời gian qua cũng chậm trễ về thủ tục đầu tư do chậm được xác định giá thuê đất làm cơ sở cấp quyền sử dụng đất, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án như CCN Thượng Ninh (Như Xuân), CCN thị trấn Quán Lào (Yên Định) đều mất hơn 1 năm mới thực hiện xong. CCN Vĩnh Minh giai đoạn 1 (Vĩnh Lộc) thành lập tháng 12/2018, đã được UBND tỉnh cho thuê đất 12,7 ha và nộp hồ sơ cấp quyền sử dụng đất từ tháng 6/2023, nhưng đến nay vẫn đang chờ xác định giá thuê đất để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. CCN Xuân Lai (Thọ Xuân) thành lập tháng 3/2020, đã được UBND tỉnh quyết định cho thuê đất tháng 4/2023, nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ tháng 6/2023 nhưng đến nay cũng chưa xác định số tiền thuê đất để làm cơ sở cấp giấy.

Việc chậm trễ xác định giá thuê đất đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ cấp quyền sử dụng đất, giao đất cho doanh nghiệp tiến hành triển khai dự án. Trong khi, đây là những dự án “ít ỏi” đã hoàn thiện các bước thủ tục cơ bản, được ưu tiên chỉ tiêu chuyển đổi mục đích đất trồng lúa 2 vụ để triển khai dự án, thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh.

Theo thống kê từ Sở Công Thương, trong số 45 CCN đã được thành lập, hiện chỉ có 2 CCN đã hoàn thành toàn bộ hạ tầng CCN, đủ điều kiện thu hút dự án thứ cấp đầu tư là CCN Thái Thắng (Hoằng Hóa) và CCN thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa), có 3 CCN đã hoàn thành hạ tầng CCN theo giai đoạn, đủ điều kiện thu hút dự án thứ cấp là CCN Bắc Hoằng Hóa (Hoằng Hóa); CCN Hòa Lộc (Hậu Lộc); CCN thị trấn Quán Lào (Yên Định).

Ngoài nhóm dự án trên, có 9 CCN đã cơ bản hoàn thành thủ tục đầu tư, hoàn thành GPMB toàn bộ dự án hoặc theo giai đoạn, được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất, đang xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đầu tư hạ tầng kỹ thuật; có 13 CCN đã hoàn thành thủ tục đầu tư, đang tiến hành GPMB; 15 CCN đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, chưa thực hiện GPMB; 2 CCN đã hoàn thành thủ tục đầu tư, tuy nhiên không triển khai các thủ tục để tiến hành đền bù GPMB, đang xem xét việc chấm dứt hiệu lực quyết định thành lập (thu hồi dự án) và 1 CCN tạm dừng hoàn thiện thủ tục đầu tư theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Hiện nay, nếu xét về tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo phê duyệt ban đầu, cả 45 CCN này đều chậm tiến độ.

Bài và ảnh: Tùng Lâm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]