Chăm sóc người cao tuổi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2
Với sự chăm sóc ân cần và đầy tình yêu thương, những người già neo đơn, không nơi nương tựa tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2, đóng trên địa bàn phường Quảng Thọ (TP Sầm Sơn), đã được cải thiện sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần.
Cán bộ tổ công tác xã hội thường xuyên tư vấn, nắm bắt tâm tư của các cụ cao tuổi đang được chăm sóc tại trung tâm.
Liệt cả hai chân, nhưng hằng ngày ông Lê Xuân Sơn (66 tuổi), xã Định Thành (Yên Định) vẫn lăn chiếc xe của mình ra hành lang để trò chuyện cùng mọi người. Được biết, ông không còn người thân, sống neo đơn một mình. Đã vậy, còn mắc bệnh nặng, chỉ nằm một chỗ không thể đi lại được. Thương cảm với hoàn cảnh của ông, chính quyền xã Định Thành đưa ông vào trung tâm để có người chăm sóc, bầu bạn. Đến nay, ông đã gắn bó với trung tâm hơn 13 năm. “Ở đây, tôi vui vì không còn sống cảnh cô đơn, cũng như không phải lo lắng về việc nay đói mai no. Những lúc ngã bệnh thì có người tận tình chăm sóc như người ruột rà, giúp cho những người tàn tật, cô đơn như tôi không cảm thấy buồn tủi”, ông Sơn nói.
Vào trung tâm theo diện tự nguyện, cụ bà Bùi Thị Phương (81 tuổi) quê ở thị trấn Cành Nàng (Bá Thước) vẫn còn minh mẫn. Hằng ngày, bà vẫn đọc sách, báo và ghi chép các hoạt động để cải thiện trí nhớ. Bà Phương có hoàn cảnh rất đặc biệt, chồng mất khi bà mang thai anh con trai độc nhất mới 2 tháng tuổi, bà ở vậy nuôi con. Hiện con trai bà Phương đã có gia đình riêng (bà cũng đã có 1 cháu nội và 1 chắt nội). Mặc dù con cháu bà đều có nhà riêng nhưng bà vẫn lựa chọn sống một mình, phần vì bà thích tự do, phần vì con cái bận rộn, nhà lại ở xa.
Bà Phương chia sẻ: “Ở đây, tôi cảm thấy vui vẻ và khỏe khoắn hơn nhiều. Ngoài được quan tâm về chế độ dinh dưỡng còn được cán bộ, nhân viên y tế thường xuyên chăm sóc, phục hồi chức năng (PHCN). Nhờ thực hiện theo đúng phác đồ điều trị, hiện chứng bệnh đau xương khớp của tôi thuyên giảm hẳn”.
Gắn bó với trung tâm 14 năm, bà Nguyễn Thị Phát (82 tuổi), ở xã Thọ Hải (Thọ Xuân) xem đây như ngôi nhà thứ hai của mình và mọi người sống ở đây như người thân trong gia đình. “Tôi không có chồng, cũng không còn người thân, tại đây tôi được các nhân viên quan tâm, chăm sóc chu đáo, được bố trí phòng ở sạch sẽ nên cảm thấy vui và mong muốn được sống ở đây đến khi qua đời”.
Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 là cơ sở trợ giúp xã hội công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Hiện trung tâm đang nuôi dưỡng 86 người cao tuổi cô đơn không người chăm sóc (người cao tuổi là đối tượng xã hội 70 người, người cao tuổi là đối tượng tự nguyện 16 người). Do đặc thù, các đối tượng đến trung tâm đa số tuổi cao, lại thường xuyên ốm đau, vì vậy ngay sau khi tiếp nhận các đối tượng đều được kiểm tra sức khỏe, lập sổ theo dõi và bàn giao về khoa chăm sóc trực tiếp. Hằng ngày, các cán bộ y tế thăm khám, kiểm tra theo dõi sức khỏe, những bệnh thông thường sẽ được xử lý điều trị tại chỗ, nếu vượt quá khả năng điều trị sẽ được chuyển tuyến để khám, điều trị kịp thời.
Cùng với đó, công tác PHCN, vật lý trị liệu được đặc biệt quan tâm. Đối với các cụ cao tuổi có nhiều bệnh lý, khó khăn về vận động sau tai biến có sự hỗ trợ của một số thiết bị như giường massage và các dụng cụ luyện tập vận động như xe đạp, máy chạy bộ, ròng rọc tập tay, các hệ thống dụng cụ thể dục ngoài trời...; đối với các cụ bị khuyết tật sẽ được cán bộ hỗ trợ để tập luyện vận động nhẹ; bấm huyệt và các dụng cụ hỗ trợ như ghế nẹp chân, đèn hồng ngoại, xe đẩy tập đi nhằm cải thiện chức năng vận động. Trung bình hàng năm, trung tâm PHCN cho trên 650 lượt người cao tuổi...
Bên cạnh quan tâm, chăm sóc sức khỏe, trung tâm có đội ngũ nhân viên y tá, điều dưỡng, nhân viên dinh dưỡng trực tiếp tư vấn và xây dựng thực đơn, chế độ ăn uống cho phù hợp với sức khỏe cũng như tình trạng bệnh lý của người cao tuổi. Ngoài ra, các cụ cũng được tham gia các hoạt động sinh hoạt ngoài trời, vui chơi giải trí, nhằm động viên người cao tuổi để các cụ không mặc cảm, tự ti.
Ngoài chức năng nhiệm vụ trên, từ năm 2018 đến nay, trung tâm được UBND tỉnh giao nhiệm vụ nuôi dưỡng thí điểm đối tượng tự nguyện trên địa bàn tỉnh. Hiện đã tiếp nhận 104 lượt đối tượng (trung bình hằng năm trung tâm tiếp nhận 30 - 35 lượt đối tượng tự nguyện vào chăm sóc nuôi dưỡng, riêng đối tượng người cao tuổi không quá 20 người/năm). Đối với đối tượng người cao tuổi là đối tượng xã hội và tự nguyện, trung tâm thường xuyên kết nối với gia đình để chăm sóc và điều trị, PHCN cho đối tượng đạt hiệu quả cao, giúp giảm bớt gánh nặng trong việc chăm sóc đối tượng cho gia đình và xã hội, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 Nguyễn Kiều Anh cho biết: Tuy còn gặp nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội. Song, với tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, tập thể cán bộ, viên chức, người lao động tại trung tâm tiếp tục đoàn kết, chăm sóc, PHCN cho đối tượng toàn diện, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu an sinh xã hội như tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân với chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế”.
Bài và ảnh: Trần Hằng
{name} - {time}
-
2025-01-10 08:00:00
Những ngày cuối năm rộn ràng với bánh lá răng bừa
-
2025-01-10 07:18:00
Một công dân Việt Nam thiệt mạng trong vụ lật phà tại Hàn Quốc
-
2024-11-10 14:11:00
Quan Sơn nỗ lực xây dựng nhà ở cho người nghèo theo chương trình mục tiêu quốc gia
Hội thi tìm hiểu về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong công nhân, viên chức, lao động
Hội thi tìm hiểu kiến thức về bình đẳng giới
Sáng đường, sáng ngõ, dân vui
Công điện số 35 về chủ động ứng phó với bão số 7
Quan Hóa xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ khó khăn
Như Xuân đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân các dự án thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Hiệu quả từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”
Định kiến!
Bộ Y tế vào cuộc sau phản ánh “bát nháo khám sức khỏe” để đi nước ngoài