Cao Sơn, “trái ngọt” đầu mùa
“Dự kiến đường mới sẽ làm xong trước tết. Có đường mới thuận lợi thì cam, quýt, su su, mướp đắng... của bà con sẽ được giá, đắt hàng hơn; con em đến trường đỡ vất vả, du khách đến với Cao Sơn cũng không còn khó nhọc. Cao Sơn sẽ khởi sắc”... Trưởng thôn Mười - ông Ngân Mạnh Hùng nói với tôi như thế.
Một góc Cao Sơn.
Đường mới, niềm tin mới...
Ngược Son - Bá - Mười (hay còn gọi là khu Cao Sơn, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước) ngày cuối năm, trái với cung đường đầy những “ổ voi, ổ gà” trước đó, tuyến đường tỉnh 521B đang được đầu tư nâng cấp, thảm nhựa mới. Mặc dù cung đường đi hôm nay sẽ khó khăn hơn với chúng tôi do dự án đang thi công, nhưng với bà con nơi đây, với Chủ tịch UBND xã Lũng Cao Lương Văn Thuân, thì đây là niềm mong đợi từ bao năm nay.
Nhớ lại thời điểm khi chưa có đường tỉnh 521B, khu Cao Sơn gần như biệt lập với bên ngoài. Để đến được với bà con, trong tâm trí vị Chủ tịch UBND xã là cả một thách thức không hề nhỏ. Phải khởi hành từ tờ mờ sáng, trèo đèo, băng rừng, lội suối đến tối mịt mới lên tới nơi. Đến nơi rồi, chứng kiến cảnh bà con nghèo khó, canh tác nông nghiệp lạc hậu, nông sản làm ra chủ yếu mang tính tự cung, tự cấp... ai cũng nhói lòng. “Bấy giờ, nông sản làm ra chủ yếu phục vụ đời sống người dân nơi đây là chính, số ít thì vận chuyển sang huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình bán. Đời sống khó khăn nên tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo luôn là 100%”, ông Thuân cho biết.
Trước những khó khăn trên, năm 2015 đường tỉnh 521B được đầu tư. Con đường không chỉ rút ngắn khoảng cách từ trung tâm xã với khu Cao Sơn mà còn mở ra hướng thoát nghèo với bà con Nhân dân. Kể từ khi có đường đã có nhiều chương trình, dự án giúp nâng cao đời sống người dân.
Từ hỗ trợ đường bê tông nội thôn, hỗ trợ con giống, cây giống cho đến việc phủ sóng điện thoại, điện lưới quốc gia... Đặc biệt, với du lịch, khi có con đường, du khách đến với Cao Sơn cũng nhiều hơn. Huyện, xã cũng đã xây dựng phương hướng phát triển du lịch cộng đồng tại đây.
Để Cao Sơn “thức giấc”!
Ba thôn Son - Bá - Mười có gần 300 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Thái. Trước đây bà con chủ yếu xoay vần với những cây trồng truyền thống như ngô, sắn, thì nay đã tập trung phát triển các mô hình trồng rau, quả hữu cơ, với những đồi cam, vườn quýt, su su, mướp đắng... cho giá trị kinh tế cao, được thương lái săn đón.
Quýt là một trong những cây trồng được kỳ vọng giúp bà con Cao Sơn thoát nghèo.
Đang tất bật thu hoạch cam, quýt nhập cho thương lái, ông Bùi Văn Cơ (sinh năm 1969, ở thôn Mười) cho biết, năm nay được mùa, được giá, bà con phấn khởi lắm. Có thời điểm giá cam lên tới 25 nghìn đồng/kg. Nhà ông Cơ trồng được 300 gốc, nhẩm tính trừ chi phí đầu tư, cho gia đình ông nguồn thu gần 70 triệu đồng.
Với ông Ngân Văn Kim, Bí thư Chi bộ thôn Bá thì cây quýt, cây cam đang được kỳ vọng sẽ trở thành “cây thoát nghèo” cho bà con Nhân dân. Hộ ít cũng vài chục gốc, hộ nhiều thì 300 đến 500 gốc. Với năng suất, giá thành như hiện tại, nhà ít cũng để ra được mươi, mười lăm triệu đồng, nhà nhiều lên đến cả trăm triệu.
Hiện tại, gia đình ông Kim có 400 gốc quýt ngọt đang cho thu hoạch. Ông cho biết, trước khi vào vụ thu hoạch, thương lái bên Hòa Bình đã sang đặt cọc trước. Với đặc điểm khí hậu lạnh, ít sâu bệnh nên công chăm sóc cũng đỡ vất vả, năng suất cao. Tận dụng dư địa quỹ đất còn trống, ông Kim đã đầu tư trồng mới thêm 150 gốc cam canh, 50 gốc lê, 100 gốc táo,...
Bên cạnh việc đẩy mạnh khai thác tiềm năng về nông nghiệp sạch, thì một trong những lợi thế không thể không nhắc tới ở Cao Sơn đó chính là du lịch. Cao Sơn có độ cao 1.200m so với mực nước biển. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái khí hậu mát mẻ, trong lành, là điểm đến lý tưởng cho những du khách thích khám phá. Hiện nay, khu Cao Sơn có 3 homestay đăng ký kinh doanh dịch vụ du lịch. Những ngày cuối năm này, có thời điểm địa phương đón trên 100 lượt khách du lịch mỗi ngày. Du lịch đang cho thấy những lợi ích to lớn trong việc tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho bà con Nhân dân. Bà con không còn phải lo cái ăn, cái mặc. Số hộ có tivi, xe máy, máy cày, máy bừa... ngày càng nhiều.
Dẫu việc thoát nghèo bằng những mô hình trồng rau, quả, mở homestay chưa nhiều, nhưng theo Chủ tịch UBND xã Lũng Cao, thì thời gian tới với việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia như XDNTM; chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, địa phương sẽ tập trung đẩy mạnh hơn nữa những mô hình kinh tế, phát triển du lịch cộng đồng. Khi ấy tin tưởng Cao Sơn sẽ sớm đổi thay.
Bài và ảnh: Đình Giang
{name} - {time}
-
2024-11-24 16:42:00
“Thắp ánh sáng” cho học sinh khiếm thị
-
2024-11-24 16:28:00
Chàng trai 9X biến đất hoang thành “mỏ vàng”
-
2023-12-09 14:27:00
Cuối năm và điều phải tránh
Phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi
Điều chỉnh cục bộ vị trí cột và vi chỉnh đoạn tuyến qua địa phận xã Đại Lộc
Những tuổi thơ “rơi lại” nơi bệnh viện
Phát huy vai trò của công đoàn trong trường học
Đánh giá một năm thực hiện mô hình “Địa chỉ tin cậy” trong phòng, chống bạo lực gia đình
“Đèn đỏ được rẽ phải”, xin hãy nhường đường
Đặc sản Gạo nếp hạt cau Mường Đủ và hành trình vươn tầm
Như Thanh tập huấn, phổ biến kiến thức cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
Xây dựng vị trí việc làm để cơ cấu lại cán bộ, cải cách chính sách tiền lương