(Baothanhhoa.vn) - Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Quyết định 861) và Quyết định số 612/QĐ-UBDT, ngày 16-9-2021 của Ủy ban Dân tộc (gọi tắt là Quyết định 612) ra đời đã khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Song, cũng không thể phủ nhận, các quyết định này đang có tác động đến công tác giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Cần có chính sách hỗ trợ giáo viên, học sinh các xã đã thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn

Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Quyết định 861) và Quyết định số 612/QĐ-UBDT, ngày 16-9-2021 của Ủy ban Dân tộc (gọi tắt là Quyết định 612) ra đời đã khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Song, cũng không thể phủ nhận, các quyết định này đang có tác động đến công tác giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Cần có chính sách hỗ trợ giáo viên, học sinh các xã đã thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn

Học sinh tại điểm trường lẻ (thôn Rẻ), Trường Tiểu học Vân Am, xã Vân Am (Ngọc Lặc). Ảnh: Nguyễn Đạt

Từ điểm trường chính, vượt qua con dốc Mết cheo leo với những cung đường còn lầy lội do mưa gió, chúng tôi đến điểm trường lẻ (tại thôn Rẻ) của Trường Tiểu học Vân Am, xã Vân Am (Ngọc Lặc). Bao năm qua, cơ sở vật chất của điểm trường lẻ này còn thiếu thốn nhiều, chưa có phòng học bộ môn, khối hiệu bộ, cổng, hàng rào, sân chơi, bãi tập...

Chia sẻ về những khó khăn của trường, thầy Đào Quang Dũng, hiệu trưởng nhà trường ngậm ngùi: “Sáng đưa con đến trường, trưa đón về ăn cơm, chiều lại đưa ra rồi đón các em về, rất vất vả cho phụ huynh, mà trẻ cũng không có thời gian nghỉ trưa”.

Nhưng gian nan đâu chỉ vậy, bên cạnh điều kiện lớp học thiếu thốn, việc vận động phụ huynh đưa con mình đến trường học tập thường xuyên giờ đây cũng là điều không hề dễ dàng. Nhất là từ sau khi Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 612 của Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực, thì mọi chế độ hỗ trợ cho 99 học sinh (theo Nghị định số 116/NĐ-CP, ngày 18-7-2016 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn (gọi tắt là Nghị định 116) ở điểm trường khu lẻ này đều bị cắt. Trong khi điều kiện kinh tế của đa phần người dân vừa thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn còn chưa khác trước là bao, thì việc học tập của nhiều em nhỏ đã trở nên bấp bênh.

Nếu như trước còn được hỗ trợ ăn bán trú, em Phạm Xuân Ái, học tại điểm trường lẻ (thôn Rẻ) Trường Tiểu học Vân Am còn được bố mẹ gửi ăn, ở nhờ nhà dân buổi trưa để không phải đưa đón xa nhà và thuận tiện cho việc học tập. Từ khi không còn chế độ hỗ trợ nữa, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên hàng ngày bố mẹ đều phải thay nhau đưa em đi buổi đến trường. Phần nữa là do đường sá đi lại cũng vất vả, nhất là vào những ngày trời mưa, nên việc đến trường của Ái cũng trở nên bấp bênh, lực học vì đó cũng sa sút hẳn.

Câu chuyện hoàn cảnh học sinh cũng khiến thầy giáo Hà Quang Chinh, người dạy điểm trường lẻ của Trường Tiểu học Vân Am không khỏi lo lắng, trần tình: Trước đây, do điểm trường lẻ cơ sở vật chất còn khó khăn nên nhà trường chưa tổ chức ăn bán trú. Song, nhờ có chế độ hỗ trợ nên bố mẹ các em đều đóng tiền và gửi các em vào nhà dân gần trường để ăn, nghỉ lại buổi trưa. Nhưng nay do không được hỗ trợ bán trú, phụ huynh đa phần đều có hoàn cảnh khó khăn không đủ trang trải nên đều đưa đón con mình về trưa. Dù trường chưa có tình trạng học sinh bỏ học, nhưng đa phần các em không đến trường được thường xuyên. Nhiều học sinh ở xa trường, như các thôn Mết, Thuận Bà, lại cách sông, suối nên việc đi lại rất vất vả, nhất là những hôm trời mưa gió học sinh đều phải nghỉ học để đảm bảo an toàn, do đó nhà trường rất khó duy trì sĩ số lớp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.

Không chỉ học sinh, các giáo viên đứng lớp ở những xã đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn cũng không còn chính sách hỗ trợ. Nhiều người trong số họ là những giáo viên cắm bản, nhà ở dưới xuôi lên hoặc nhà cách trường cũng vài chục cây số. Bởi vậy, khó khăn lại chồng chất khó khăn. Là người đã nhiều năm gắn bó với điểm trường lẻ (thôn Vân Thịnh), thuộc Trường Mầm non Vân Am (Ngọc Lặc), mỗi ngày cô giáo Phạm Thị Vân phải vượt quãng đường gần 25 cây số từ nhà ở xã Ngọc Trung (Ngọc Lặc) đến trường. Dù công việc có nhiều khó khăn, đường đến trường lắm đèo, nhiều dốc, nhưng được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với vùng đặc biệt khó khăn nên nhiều năm nay cô vẫn miệt mài với công việc. Nhưng hiện nay, khi thôn Vân Thịnh không còn là thôn đặc biệt khó khăn, phụ cấp bị cắt giảm đã khiến cho cô không tránh khỏi lo lắng. Cô Vân tâm sự: Hiện tại, mức lương của tôi được hưởng chỉ còn 4,5 triệu đồng/tháng, không thể đảm bảo cuộc sống của cả gia đình. Trong khi, nghề giáo viên mầm non lại rất vất vả “đi sớm về khuya” và cũng chỉ trông chờ vào đồng lương mà thôi. Bởi vậy, tôi rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho giáo viên ở các thôn đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn.

Chia sẻ về vấn đề này, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ngọc Lặc Nguyễn Tài Toàn, cho biết: Thực hiện Quyết định 861 và Quyết định 612 đến nay toàn huyện có 11.000 học sinh bị cắt giảm học phí; gần 500 học sinh bị cắt chế độ ăn bán trú; 1.300 trẻ em mầm non bị cắt chế độ ăn trưa. Khi không còn được hỗ trợ ăn, ở bán trú, nguy cơ học sinh bỏ học, đi học không đầy đủ là rất lớn. Bởi vậy, để các em đi học đầy đủ, chuyên cần, ngành GD&ĐT huyện đã kêu gọi, vận động cán bộ, giáo viên và các nhà hảo tâm cùng chung tay hỗ trợ tiền ăn bán trú hoặc cơ sở vật chất cho các em được ở lại trường... Đặc biệt là thường xuyên nắm bắt tình hình để vận động học sinh đến trường đầy đủ.

Đứng trước những khó khăn của học sinh sau khi nhiều địa phương (cấp xã) không còn được hưởng chính sách theo tiêu chí vùng đặc biệt khó khăn, một số đơn vị trường đã có những giải pháp để hỗ trợ, giúp học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục đến trường. Cô giáo Hà Thị Như, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cổ Lũng, xã Cổ Lũng (Bá Thước), cho biết: Trường mầm non của xã hiện có 172 trẻ không còn được hưởng hỗ trợ theo Nghị định 116. Trong điều kiện cuộc sống của người dân trong xã còn nhiều khó khăn, thì sau khi cắt hỗ trợ việc vận động trẻ mầm non ra lớp đúng độ tuổi gặp phải rất nhiều khó khăn. Bởi vậy, nhà trường đã tham mưu với chính quyền địa phương, cùng với thầy cô giáo “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, vận động gia đình tìm các giải pháp thích hợp để con em đến trường đầy đủ. Đồng thời tích cực vận động các nhà hảo tâm, kêu gọi giáo viên hỗ trợ các em về chi phí học tập, ăn bán trú...

Sau khi Quyết định 861 và Quyết định 612 ra đời, Thanh Hoá đã có 74 xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn. Đây là kết quả đáng mừng, khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Song trước mắt, từ các quyết định trên, ngành GD&ĐT tại một số huyện miền núi lại đang đối mặt với không ít khó khăn, khi nhiều chế độ của học sinh và giáo viên ở các xã này đều bị cắt, như: Học sinh không được hỗ trợ hàng tháng (không quá 9 tháng) các chế độ; tiền ăn (bằng 40% mức lương cơ sở); tiền nhà ở (bằng 10% mức lương cơ sở); gạo (15kg/học sinh). Giáo viên cũng không được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không quá 5 năm, khoản trợ cấp lần đầu. Trong khi điều kiện kinh tế xã - hội của các xã này vẫn chưa có nhiều thay đổi thì nguy cơ học sinh bỏ học, nghỉ học rất cao, đời sống một số giáo viên, đặc biệt giáo viên có tuổi nghề thấp gặp không ít khó khăn, thậm chí khả năng bỏ nghề rất cao chứ chưa nói đến việc khó thu hút giáo viên đến công tác tại các xã này.

Trước những khó khăn đó, Sở GD&ĐT đang tìm giải pháp, mà trước hết là tham mưu cho các cấp, các ngành ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ học sinh các huyện nghèo, xã biên giới. Đặc biệt là phối hợp với Ban Dân tộc tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành “Cơ chế, chính sách hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (giai đoạn 2016-2020) nhưng không thuộc diện đặc biệt khó khăn (giai đoạn 2021-2025), phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững”, trong đó có chế độ hỗ trợ cho giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, trên thực tế cũng rất khó triển khai. Bởi vậy, về lâu dài thiết nghĩ các cấp, ngành có liên quan cần sớm tham mưu xây dựng các chính sách hỗ trợ giáo viên và học sinh các xã đã thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn, nhằm tạo điểm tựa cho giáo dục vùng khó vươn lên.

Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]