(Baothanhhoa.vn) - Một mương thủy lợi có nhiệm vụ tiêu úng và dẫn nước sản xuất cho khoảng 20ha đất lúa của xã Công Chính (Nông Cống) bỗng nhiên bị đổ đất đá chặn dòng chảy. Thời điểm vụ mùa đã đến, nhưng cánh đồng phía trên đoạn mương này bị ngập úng, phía dưới thiếu nước khiến người dân địa phương chưa thể gieo cấy.

Bỗng nhiên đổ đất lấp mương, hàng chục ha ruộng chưa thể gieo cấy

Một mương thủy lợi có nhiệm vụ tiêu úng và dẫn nước sản xuất cho khoảng 20ha đất lúa của xã Công Chính (Nông Cống) bỗng nhiên bị đổ đất đá chặn dòng chảy. Thời điểm vụ mùa đã đến, nhưng cánh đồng phía trên đoạn mương này bị ngập úng, phía dưới thiếu nước khiến người dân địa phương chưa thể gieo cấy.

Bỗng nhiên đổ đất lấp mương, hàng chục ha ruộng chưa thể gieo cấyTuyến mương chạy dưới lòng quán và ven hông nhà ông Hồ Thế Lực ở xã Công Chính bị đổ đất chặn dòng chảy. Ảnh: P.V

Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6 này, người dân các thôn Thái Sơn và Thái Yên của xã Công Chính đang rất bức xúc và lo lắng bởi diện tích đất lúa nguy cơ không thể cấy. Nguyên nhân là hộ ông Hồ Thế Lực ở thôn Thái Yên cho xe chở đất với khối lượng lớn về đổ lấp toàn bộ con mương đoạn sát nhà.

Quan sát thực địa, chúng tôi ghi nhận hàng chục khối đất núi lẫn đá nhỏ được đổ từ ven khu đất gia đình ông Lực xuống đoạn mương, có đoạn lớp đất mới đắp còn cao hơn bờ mương 1 - 2m. Đúng vào dịp trời mưa to, nước tích lại ở cánh đồng phía trên, đang gây ngập úng. Ghi nhận vào ngày 5/6, mực nước tại những khu ruộng tính từ cầu Hoành lên phía trên đang ở khoảng 50cm, không thể cày cấy vì quá sâu. Toàn bộ mạ đang lên chờ ngày cấy ở đây đã bị ngập úng, nhiều diện tích trong số đó đã hư hỏng.

Ông Mai Xuân Hậu, người dân thôn Thái Sơn, bức xúc: “Việc làm của gia đình ông Lực là không thể chấp nhận được, cả thôn chúng tôi lên án. Đã có 10 hộ gia đình bỏ mạ ở khu ruộng này, nay bị ngập trắng vì không thoát được nước như bình thường. Dự kiến số mạ này sẽ cấy cho khoảng 10ha lúa, nay nếu có gieo lại thì đã chậm thời vụ bởi những khu ruộng nơi đây thuộc đồng né lụt, phải cấy sớm để thu hoạch sớm tránh lũ cuối vụ”.

Với khu ruộng phía dưới điểm mương bị lấp, hiện trời mới mưa nên vẫn có ít nước, nhưng nguy cơ không thể sản xuất được là rất cao nếu sự việc không được giải quyết. Theo tổng hợp của 2 thôn, có khoảng 20ha đất lúa sẽ bị ảnh hưởng sản xuất nếu con mương bị vô hiệu hóa.

Theo người dân địa phương, lịch sử con mương có từ thời Pháp thuộc, đến năm 1979 được cải tạo lại. Mương chảy từ chân núi Voi qua 2 thôn, có vai trò vừa thoát nước mưa chống ngập úng, vừa dẫn nguồn nước sản xuất cho các khu ruộng. Tuy là con mương nhỏ, nhưng có vai trò lớn và không thể thiếu với Nhân dân địa phương.

Bỗng nhiên đổ đất lấp mương, hàng chục ha ruộng chưa thể gieo cấyMột phần khu ruộng đang được bà con địa phương gieo cấy hàng chục năm qua bỗng được xác nhận là đất gia đình ông Hồ Thế Lực.

Ông Đỗ Xuân Thủy, trưởng thôn Thái Sơn, cho biết: “Do có đất nằm cạnh con mương nên năm 2003, khi đang làm Phó Chủ tịch HĐND xã Công Chính, ông Hồ Thế Lực có đặt vấn đề mượn một phần đất lưu không và một phần mương để làm quán (hiện vẫn còn văn bản có chữ ký giữa ông Lực, cán bộ thôn về việc thống nhất cho mượn đất, có dấu và chữ ký xác nhận của đại diện UBND xã). Quán hiện vẫn còn, được dựng trên hệ thống cọc bê tông phía trên con mương, nền quán chính là phần đổ bê tông chạy qua phần lòng mương. Nhưng không hiểu sao, gần đây, ông Lực tuyên bố với dân làng là toàn bộ đoạn mương chạy ven nhà lẫn một phần khu ruộng đã trở thành đất của gia đình ông, đã có sổ đỏ”.

Qua xác minh của phóng viên, đúng là ông Hồ Thế Lực đang sở hữu 2 giấy “chứng nhận” có con dấu của UBND huyện Nông Cống và chữ ký lãnh đạo huyện vào năm 2008 và 2012 - giai đoạn ông đang là lãnh đạo xã. Vấn đề đặt ra là, ai tham mưu để huyện cấp đất ruộng đang sản xuất và con mương thành đất gia đình ông Hồ Thế Lực? Việc cấp có đúng các quy định hay không?.

Bà Nguyễn Thị Loan, người có ruộng đang sản xuất cạnh nhà ông Lực, bức xúc: “Tôi thực sự tá hỏa khi ông Lực chỉ và tuyên bố 1/2 ruộng gia đình tôi đã trở thành đất nhà ông Lực và phải để ông đổ đất, xây tường bao. Mảnh ruộng gia đình tôi đang cày cấy hàng chục năm qua, không thể hiểu nổi, cần phải được làm rõ”.

Đại diện Nhân dân địa phương, trưởng thôn Thái Sơn Đỗ Xuân Thủy, thẳng thắn: “Chúng tôi không thể để một cá nhân lấn chiếm, lấp mương chung được. Ở đây chưa hề có dự án hay có chương trình thu hồi đất nào thông báo tới Nhân dân. Đề nghị các cấp, cơ quan chức năng làm rõ tại sao lại cấp đất cho ông Hồ Thế Lực ra cả con mương và ruộng sản xuất của bà con”?.

Để phần nào trả lời những băn khoăn của bà con cũng như hướng giải quyết của chính quyền địa phương, chúng tôi tìm đến UBND xã Công Chính. Mới 10 giờ sáng, nhưng cả chủ tịch, 2 phó chủ tịch UBND và cán bộ địa chính đều không có ở công sở. Nhiều lần liên lạc qua số điện thoại của ông Lê Văn Từ, Chủ tịch UBND xã nhưng đều không được ông bắt máy.

Báo Thanh Hóa sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Nhóm PV



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]