(Baothanhhoa.vn) - Chế tài trong lĩnh vực quảng cáo khá rõ ràng, song đáng chú ý, việc xử lý các hành vi dường như vẫn chưa được các ngành chức năng quan tâm, kiểm soát chặt chẽ, quyết liệt, từ đó mới dẫn đến tình trạng “mạnh ai, nấy làm”, đua nhau trưng biển hiệu “sính” ngoại.

Biển hiệu quảng cáo bằng tiếng nước ngoài: Giám sát để thực hiện đúng luật

Chế tài trong lĩnh vực quảng cáo khá rõ ràng, song đáng chú ý, việc xử lý các hành vi dường như vẫn chưa được các ngành chức năng quan tâm, kiểm soát chặt chẽ, quyết liệt, từ đó mới dẫn đến tình trạng “mạnh ai, nấy làm”, đua nhau trưng biển hiệu “sính” ngoại.

Biển hiệu quảng cáo bằng tiếng nước ngoài: Giám sát để thực hiện đúng luật

Một số biển hiệu quảng cáo tại phố Vinh Sơn, xã Hoằng Hóa (ảnh minh họa).

Theo Điều 18 Luật Quảng cáo năm 2012, biển hiệu quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp nhãn hiệu hàng hóa, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hóa không thể thay thế bằng tiếng Việt. Trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá 3⁄4 khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt.

Quy định là vậy, song thực tế từ lâu tình trạng biển hiệu quảng cáo vi phạm quy định về thể hiện chữ viết trên biển hiệu vẫn diễn ra phổ biến. Thậm chí, phớt lờ các quy định của pháp luật, nhiều người vẫn lạm dụng tiếng nước ngoài trên biển hiệu quảng cáo.

Chỉ cần dạo một vòng quanh các tuyến đường kinh doanh sầm uất như Lê Hoàn, Trần Phú, Cao Thắng, Trường Thi (phường Hạc Thành), không khó để bắt gặp hình ảnh những tấm biển hiệu quảng cáo đủ loại kích cỡ lớn, nhỏ với các dòng chữ nổi bật bằng tiếng nước ngoài. Tâm lý “sính” ngoại khiến những tấm biển hiệu mặc dù có cả hai thứ tiếng, nhưng tiếng Việt thường bị lấn át cả về kích cỡ, màu sắc, kiểu chữ, thậm chí có nhiều biển hiệu 100% đều ghi chữ nước ngoài.

Chị Lê Thị Hà, một người dân sinh sống ở đường Trường Thi chia sẻ: “Dù nhiều năm sinh sống ở khu vực này, nhưng có những tấm biển quảng cáo hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, khiến tôi thấy bất tiện khi không thể hiểu hết nghĩa của các từ ngữ trên đó”.

Ở khu vực nông thôn, tình trạng biển hiệu lạm dụng tiếng nước ngoài cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Vài năm trở lại đây, trên tuyến phố Vinh Sơn (xã Hoằng Hóa) có nhiều cửa hàng kinh doanh mọc lên với các loại hình kinh doanh ăn uống, nước giải khát hay các tiệm thời trang, làm đẹp. Điểm đáng chú ý là trên các biển hiệu quảng cáo ở đây hầu hết đều có tiếng nước ngoài, phổ biến nhất là tiếng Anh. Theo giải thích của nhiều chủ kinh doanh, họ đặt làm biển hiệu như vậy để tạo sự nổi bật, gây ấn tượng, sự tò mò của khách hàng, nhất là trong trường hợp đối tượng khách hàng họ hướng đến đều là các bạn trẻ biết tiếng Anh...

Thực trạng biển hiệu quảng cáo bằng tiếng nước ngoài tràn lan, vi phạm các quy định của Luật Quảng cáo không phải mới diễn ra mà đã tồn tại từ lâu. Phải khẳng định rằng, việc sử dụng song song hai ngôn ngữ trên các biển hiệu tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài, đồng thời giúp các cơ sở kinh doanh dễ dàng tiếp cận nhóm khách hàng này. Song, nếu các cửa hàng quá lạm dụng dùng biển hiệu tiếng nước ngoài, khiến “lấn lướt” biển tiếng Việt sẽ tạo ra sự lộn xộn ngôn ngữ, mất mỹ quan, ảnh hưởng đến việc giữ gìn bản sắc, sự trong sáng của tiếng Việt.

Biển hiệu quảng cáo bằng tiếng nước ngoài: Giám sát để thực hiện đúng luật

Một biển hiệu trên đường Trường Thi, phường Hạc Thành.

Luật sư Vũ Văn Trà (Công ty Luật TNHH Sơn Trà thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Từ năm 2012, pháp luật đã có quy định về hoạt động quảng cáo, trong đó nêu rõ nội dung trên các biển hiệu quảng cáo phải được thể hiện rõ ràng bằng tiếng Việt. Tại Điều 34 Luật Quảng cáo năm 2012 quy định biển hiệu dành cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh phải có các nội dung: Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có), tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, địa chỉ, số điện thoại. Việc thể hiện chữ viết trên biển hiệu phải tuân thủ quy định tại Điều 18 của luật này. Kích thước biển hiệu được quy định cụ thể: Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa 2m, chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà; đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa 1m, chiều cao tối đa 4m nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu. Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng. Việc đặt biển hiệu phải tuân thủ các quy định của Luật Quảng cáo và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Ngày 16/6/2025, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Tuy nhiên, các điều, khoản quy định về ngôn ngữ biển hiệu quảng cáo ngoài trời vẫn được giữ nguyên.

Về chế tài xử phạt, Điều 48 Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo cũng có quy định các hành vi: Ghi không đúng hoặc ghi không đầy đủ tên gọi bằng tiếng Việt trên biển hiệu; không viết bằng chữ tiếng Việt mà chỉ viết bằng chữ tiếng nước ngoài trên biển hiệu; thể hiện tên riêng, tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế bằng chữ tiếng nước ngoài ở phía trên tên bằng chữ tiếng Việt trên biển hiệu; thể hiện tên gọi, tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế bằng chữ tiếng nước ngoài có khổ chữ quá 3/4 khổ chữ tiếng Việt trên biển hiệu... thì sẽ bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng. Mức phạt trên được áp dụng cho cá nhân, đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, ngoài ra còn buộc tháo dỡ biển hiệu đối với hành vi vi phạm.

Chế tài trong lĩnh vực quảng cáo khá rõ ràng, song đáng chú ý, việc xử lý các hành vi dường như vẫn chưa được các ngành chức năng quan tâm, kiểm soát chặt chẽ, quyết liệt, từ đó mới dẫn đến tình trạng “mạnh ai, nấy làm”, đua nhau trưng biển hiệu “sính” ngoại.

Đã đến lúc cần chấn chỉnh, giám sát chặt chẽ hơn để biển hiệu quảng cáo tuân theo các quy định của Luật Quảng cáo và các quy định khác có liên quan, phù hợp với không gian, kiến trúc, cảnh quan của các tuyến phố, từ đó định hướng môi trường quảng cáo ngoài trời ngày một văn minh, giàu bản sắc văn hóa hơn.

Bài và ảnh: Việt Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]