Bệnh viện Mắt Thanh Hóa triển khai các kỹ thuật mới
Với vai trò là bệnh viện đầu ngành về nhãn khoa của tỉnh, trong những năm qua, Bệnh viện Mắt Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp đầu tư trang thiết bị máy móc, đào tạo nhân lực, triển khai các kỹ thuật mới, nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, đáp ứng nhu cầu khám và điều trị các bệnh về mắt ngày càng cao của người dân.
Bác sĩ Bệnh viện Mắt Thanh Hóa khám mắt cho bệnh nhân.
Bệnh viện Mắt Thanh Hóa là bệnh viện hạng II tuyến tỉnh, với quy mô giường kế hoạch là 180 giường, 170 cán bộ, nhân viên làm việc tại 17 khoa, phòng, ban. Trong những năm qua, nhờ có chiến lược phát triển đúng hướng, cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp khang trang, hiện đại, cùng với hệ thống trang thiết bị, máy móc liên tục được đầu tư, như: Hệ thống máy phẫu thuật Phaco, máy laser Yar, máy siêu âm AB, máy xét nghiệm sinh hóa máu, nước tiểu, máy đo khúc xạ tự động; máy đo công suất thủy tinh thể IOL Master; chụp cắt lớp võng mạc OCT... Ngoài ra, bệnh viện cũng quan tâm tới công tác đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao thông qua việc triển khai đồng bộ các giải pháp: đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và gắn với kế hoạch phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật để làm chủ, phát huy tối đa công năng sử dụng các trang thiết bị y tế hiện đại; cử các bác sĩ tham gia các khóa đào tạo thạc sĩ, chuyên khoa I; tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề với các báo cáo viên là bác sĩ, dược sĩ bệnh viện và chuyên gia ở Bệnh viện Mắt Trung ương, Trường Đại học Y Hà Nội; cử các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên tham dự các hội thảo, trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp trong và ngoài nước; mời các chuyên gia đầu ngành về giảng dạy và chuyển giao các kỹ thuật chuyên môn...
Đến nay, bệnh viện đã có đội ngũ chuyên môn vững vàng với hơn 90% bác sĩ là chuyên khoa I, thạc sĩ và chuyên khoa II. Song song với đó, công tác nghiên cứu khoa học cũng được bệnh viện quan tâm chú trọng. Năm 2023, đã nghiệm thu, đánh giá xếp loại 12 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở đạt kết quả tốt và có nhiều ứng dụng thực tế trong công tác khám, chữa bệnh tại bệnh viện. Trong vòng 5 năm trở lại đây, Bệnh viện Mắt Thanh Hóa đã thực hiện thành công hàng loạt các kỹ thuật cao, chuyên sâu, phức tạp trong lĩnh vực nhãn khoa, giúp người dân được thụ hưởng những dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương. Nổi bật như: Phẫu thuật Phaco; phẫu thuật cắt dịch kính điều trị bong võng mạc; phẫu thuật ghép giác mạc; phẫu thuật mộng ghép kết mạc tự thân; phẫu thuật Phaco tách góc tiền phòng trên mắt glocom; điều trị các bệnh lý về mắt có liên quan đến đái tháo đường, các bệnh về võng mạc, hoàng điểm, tĩnh mạch bằng ứng dụng tác dụng của tiêm nội nhãn Lucentis. Nhờ đó nhiều bệnh nhân mắc các bệnh nặng về nhãn khoa đã tin tưởng đến với Bệnh viện Mắt Thanh Hóa để tìm lại ánh sáng cho đôi mắt của mình.
Trong lúc chờ tái khám tại bệnh viện, bà Lê Thị Mai, xã Nga Liên (Nga Sơn) cho biết: "Tôi bị mắc bệnh đục thủy tinh thể đã đi khám nhiều nơi, có chỉ định phẫu thuật và tôi quyết định chọn lựa phẫu thuật bằng phương pháp Phaco tại Bệnh viện Mắt Thanh Hóa, với nhiều trang thiết bị hiện đại, bác sĩ tận tình, chu đáo. Sau mổ, đến nay mắt của tôi đã hồi phục rất tốt".
Cùng với đó, bệnh viện quan tâm, chú trọng đào tạo kỹ năng giao tiếp ứng xử, nâng cao y đức, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Triển khai sâu rộng tại tất cả các khoa, phòng về việc thực hiện mô hình quản lý 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng). Ban Giám đốc bệnh viện cũng quan tâm và chỉ đạo quyết liệt công tác ứng dụng công nghệ thông tin theo Đề án số 06, thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, công tác an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ... qua đó góp phần nâng cao chất lượng khám và điều trị.
Kết quả năm 2023 có hơn 39.000 bệnh nhân đến khám, tăng 40% so với kế hoạch và tăng 28% so với năm 2022, trong đó bệnh nhân nội trú đạt 11.000 người, tăng 21% so với năm 2022, vượt 33% so với kế hoạch, bệnh nhân phẫu thuật đạt gần 9.000 ca, tăng 11% so với cùng kỳ, riêng phẫu thuật đặc biệt tăng 75% so với năm 2022. Những số liệu đó cho thấy việc phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng kỹ thuật cao vào điều trị đang phát huy hiệu quả, người bệnh tín nhiệm đến với bệnh viện ngày càng đông.
Bác sĩ CKII Trịnh Văn Lâm, Giám đốc Bệnh viện Mắt Thanh Hóa, cho biết: Trong năm 2024, Bệnh viện Mắt Thanh Hóa tiếp tục bổ sung các máy móc trang thiết bị, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khám chữa bệnh; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và áp dụng các nghiên cứu vào thực tiễn khám, chữa bệnh tại bệnh viện; đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng khối đoàn kết nội bộ, đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành từ Ban Giám đốc đến các khoa, phòng, giúp cho hoạt động của bệnh viện ngày càng hiệu quả hơn, phấn đấu trở thành đơn vị chuyên khoa mắt chất lượng cao, giúp người dân được tiếp cận với công nghệ điều trị hiện đại ngay tại địa phương.
Bài và ảnh: Tô Hà
- 2024-09-10 12:27:00
Mở ra cơ hội điều trị ung thư tuyến tiền liệt
- 2024-09-10 08:53:00
Phòng chống các dịch bệnh thường gặp sau bão lũ
- 2024-03-11 09:52:00
Phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa cho trẻ
Ứng dụng khoa học công nghệ trong điều trị các bệnh tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Ai bị suy thận độ 4 như tôi, hãy dùng ngay Ích Thận Vương!
3 tiêu chí đánh giá ca cấy ghép Implant thành công
Bí quyết để đàn ông đạt được phong độ đỉnh cao
Đề phòng các bệnh về hô hấp trước thời tiết diễn biến bất thường
Lễ hội hiến máu “Giọt hồng Blouse trắng năm 2024” thu được 1.800 đơn vị máu
Ngày Thế giới phòng chống béo phì 4/3: Những cách giảm cân tự nhiên
Nghị định số 24/2024/NĐ-CP: Đánh tan những “cục máu đông” trong đấu thầu, mua sắm y tế
Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050