Bên kia sông
Dạo trước, khi quyết định chuyển nơi ở mới, tôi cứ lần lữa mãi, cứ dùng dằng đi - ở vì bên kia sông nghe sao mà xa xôi, diệu vợi. Qua bên kia sông, hàm ý là ngoại thành, là xa xôi, cách trở, là quê kiểng. Mới nghĩ thế đã ngài ngại.
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)
Nhưng rồi cũng định cư bên kia sông, không miễn cưỡng nhưng cũng không thật hào hứng. Đúng là có những nét gì đó rất làng quê, nhưng cũng rất phố. Kiểu phố trong làng, không chỉ trong sinh hoạt, nghĩa tình mà là không gian, đặc trưng văn hoá. Bên kia sông, mình không còn thấy chung cư san sát, chật chội. Không còn thấy cảnh tấp nập hành lang, cầu thang mỗi lúc giờ cao điểm. Không còn ngồi ban công nhỏ xinh phóng tầm mắt từ trên cao ra xa tít hút chân trời mỗi khi ban mai hay hoàng hôn buông xuống nữa. Không còn cảnh chỉ cần xuống tầng 1, đi bộ vài bước chân là đủ các dịch vụ mua sắm, ăn uống, giải trí. Không còn nhiều thứ tưởng như đã rất quen thuộc, không thể rời xa nữa.
Qua bên kia sông, chỉ qua cầu thôi là cảnh vật, môi trường, không khí đã khác. Đó là sự thoáng đãng, phóng khoáng tầm mắt với nhiều công viên, cây xanh, hồ nước. Là những căn nhà thấp tầng, chứ không chót vót cao chung cư ken đặc. Là không ngập lụt đường xá mỗi khi mưa to. Là không tắc đường, chen lấn xô bồ, ồn ã, náo nhiệt. Là được sống trong mối quan hệ làng xã, nơi đa số cư dân gốc đều quen biết nhau, có họ hàng thân thích. Là được tham dự, hòa mình vào những việc trọng của nơi ở mới, như lễ hội đình làng hằng năm...
Qua bên kia sông, khoảng cách từ nhà đến nơi làm việc cũng tương đương vậy thôi, nhưng quả thực là xa hơn rất nhiều khi phải đi làm việc ngoài cơ quan, thăm thú bạn bè. Thế nên, nhiều khi cũng phải đắn đo cân nhắc, lựa chọn. Có thể là công việc ngoài cơ quan bớt đi. Những cuộc hẹn gặp, tụ tập bạn bè cũng ít hơn. Sự hao hụt, mất mát cũng ít nhiều. Nhưng lại có những mối quan hệ mới, những người quen biết mới ở nơi mới. Và hẳn nhiên, những chuyện ở nơi cũ cũng vơi vãn, rơi rụng đi ít nhiều, khi sự thuận tiện không còn mà xa cách về mặt địa lý tăng lên. Những nơi ở không phải quê hương “chôn nhau cắt rốn” chỉ là nơi ở thuần túy thôi, không thể nặng sâu, đau đáu, đậm đà nghĩa tình “quê hương mỗi người chỉ một”.
À, hóa ra mình cũng nhiều lần chuyển nhà rồi, từ chung cư cũ rồi xuống mặt đất, rồi lên chung cư mới rồi lại xuống mặt đất. Cứ đổi thay từ sinh hoạt trên một mặt bằng thuận tiện lên nhiều tầng cách trở ít nhiều. Cứ lần nào trước khi đến nơi ở mới cũng thấy ái ngại, bởi dân gian có câu, đại ý rằng ba lần chuyển nhà bằng một lần nhà cháy, hoặc một lần dọn nhà bằng ba lần nhà cháy... Nhưng rồi cũng dần trở nên quen thuộc. Nơi ở cũ cùng quãng đời ở đó và những mối quan hệ không mất đi, chỉ lưu giữ vào thẳm sâu ký ức, con tim mình, cho ta những buồn vui một thuở. Suy cho cùng, cái chuyện đi - ở, đến hẳn địa phương khác, thậm chí là ra nước ngoài cũng là điều bình thường, giản dị, khi vì lý do gì đó mà mình lựa chọn, quyết định. Thực ra cũng là tâm lý cả thôi!
Như bên kia sông, từ khi rất ái ngại đã trở thành quen thuộc, thân thương...
Nguyễn Tri Thức
{name} - {time}
-
2024-12-12 21:53:00
Cảnh giác với chất cấm trong thực phẩm giảm cân
-
2024-12-12 20:43:00
Khẳng định vị thế đô thị tỉnh lỵ xứ Thanh (Bài 1): Vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa
-
2024-03-25 19:17:00
Tìm ra nhà vô địch cuộc thi hùng biện - tranh biện Tiếng nói Xanh
Tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số
“Hướng dương” đón nắng
Trung tâm GDNN-GDTX Hoằng Hóa: Nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn
Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo không để thiếu máy bay chở khách
Tháng Thanh niên 2024: Thanh niên xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng
Trao niềm tin - Gửi yêu thương đến các điểm trường khó khăn vùng cao
Tháng Ba biên giới
Sôi động chương trình “Sàn đấu vũ đạo” năm 2024
Để hạn chế tình trạng vượt đèn đỏ