Bác Hồ với quê Thanh - Tình sâu, nghĩa nặng
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho quê Thanh - vùng đất “địa linh, nhân kiệt” những tình cảm nồng ấm, yêu thương, trân trọng mà người xứ Thanh luôn ghi lòng, tạc dạ và rất đỗi tự hào! Bác gửi gắm niềm tin và kỳ vọng Thanh Hóa sẽ sớm trở thành một “tỉnh kiểu mẫu” của Tổ quốc Việt Nam (1947) .
Bác Hồ với các cháu Trường Mầm non thị xã Thanh Hóa năm 1961. Ảnh: Tư liệu.
Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quê hương Thanh Hóa với những khát vọng đổi mới luôn đồng tâm, đoàn kết vượt khó về nhiều mặt (kinh tế, văn hóa, giáo dục...) để hoàn thành và vượt các chỉ tiêu của Đại hội Đại biểu Đảng bộ đề ra để quê Thanh thực sự “đổi sắc, thay da” từng tháng, từng ngày!
Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (1982 - 2024), ngành Giáo dục và Đào tạo quê Thanh đang có sự đổi mới, vươn lên không ngừng nghỉ để trở thành tốp dẫn đầu trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà.
Nhớ lại những ngày tháng cực kỳ gian khổ, Thanh Hóa cùng cả nước chống lại chiến tranh phá hoại miền Bắc vô cùng ác liệt với ý đồ biến miền Bắc nước ta “trở lại thời kỳ đồ đá” của “siêu cường” thế giới là đế quốc Mỹ - các học sinh quê Thanh phải đi sơ tán về các vùng quê ven đô, thực hiện lời Bác dạy: “Dù khó khăn gian khổ đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”. Trong mưa bom, bão đạn, các “đồng chí của tương lai” vẫn “mang mũ rơm đi học đường dài” để làm nên những “chuyện thần kỳ” - “dân tộc ta là vậy”!
Viết đến đây, tôi hồi tưởng lại những “ký ức đau thương” nhưng rất đỗi tự hào: Cách đây 52 năm, tôi rời giảng đường Đại học Tổng hợp Hà Nội về làm thầy ở “trường điểm” của Thanh Hóa - Cấp 3 Thọ Xuân 1. Vì chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ vẫn diễn ra ác liệt, trường tôi phải sơ tán từ Thị trấn Thọ Xuân đến ven bờ sông Chu - xã Xuân Hòa. Nhiều đêm, chúng tôi bật dậy vì ánh chớp sáng lòe, tiếng bom của “pháo đài bay” - B52 nổ vang rền, không ngừng nghỉ ở sân bay Sao Vàng - cách nơi ở không xa... Tuy vậy, “giáo án” của thầy, cô chúng tôi “vẫn mở” cạnh đèn dầu “cho ánh sao bay vào”!
Hết học kỳ I, lúc Tết đã cận kề, tôi đã nhận được món quà tình nghĩa của phụ huynh vùng quê nghèo - những tấm bánh chưng, những cân “giò thủ” chứa biết bao tình nghĩa mà nước mắt rưng rưng vì xúc động...
Lớp 8A tôi làm chủ nhiệm, học sinh vẫn say sưa vượt khó để học tập. Nhiều bạn phải đi bộ, có bạn còn không có nổi đôi dép, phải vượt quãng đường sỏi đá gần 5 cây số bằng đôi chân trần đến lán học - bên ngoài đắp những ụ đất cao, dày - như một công sự nửa nổi, nửa chìm! Tình thương, sự tận tâm của thầy đã giúp học trò mình có kết quả học tập vượt trội so với các lớp cùng khối! Nụ cười rạng rỡ trên những khuôn mặt còn ngây thơ của các học trò là nguồn động viên, là phần thưởng lớn nhất cho các thầy với những giờ học tuyệt vời - mặc dù “bụi phấn” vẫn rơi rơi trên “bục giảng”, vương trên mái tóc còn rất xanh, rất đen của người thầy mới bước vào nghề chỉ vài năm...
Nhân dịp đầu năm học mới (16 -10 - 1968), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới “các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên”. Bức thư này được xem là “Di chúc” của Người gửi ngành giáo dục. “Di chúc” này không chỉ thể hiện “tình yêu” vô hạn mà còn là “tầm nhìn chiến lược” về sự nghiệp “trồng người”, về định hướng phát triển đất nước sâu sắc của Bác. Đó là “tài sản vô giá” của đất nước “ngàn năm văn hiến” với những giá trị “văn hóa, lịch sử và tinh thần” của dân tộc. Những lời căn dặn của Người là nguồn động lực lớn lao cho hàng triệu thầy giáo và học sinh, sinh viên ra sức nỗ lực vì đồng bào miền Nam ruột thịt, tiếp tục thi đua “dạy tốt, học tốt” hơn nữa!
Chính trong những năm tháng gian khổ, vừa là “hậu phương lớn” - “mỗi người làm việc bằng hai” để chi viện cho “tiền tuyến lớn”, vừa phải tái thiết phục hồi hậu quả của chiến tranh phá hoại, giáo dục quê Thanh đã “gieo hạt giống đẹp” cho “bao tâm hồn” - những “hiền tài” sau này trở thành “nguyên khí Quốc gia”.
Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, ngành giáo dục Thanh Hóa lại cùng cả nước đưa sự nghiệp “trồng người” cao quý lên tầm cao mới - Xây dựng những ngôi trường khang trang, hiện đại và đào tạo nên một thế hệ “vừa hồng, vừa chuyên” để góp phần đáng kể làm quê hương trở thành “tỉnh kiểu mẫu”!
Tối 30/8/2024, bên Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp Chương trình chính luận nghệ thuật kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Bác tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phút giây linh thiêng và cảm xúc dâng trào, lan tỏa tới hàng triệu khán giả là hình ảnh các nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long kính cẩn nâng đài nến tri ân tưởng nhớ đến người Việt Nam đẹp nhất - Hồ Chí Minh - đã để lại “muôn vàn tình thương yêu” cho đồng bào, trong đó có Nhân dân quê Thanh!
Năm học 2023 - 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hoá đã căn cứ vào văn bản của Trung ương, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhiệm vụ HĐND, UBND tỉnh để ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, tạo động lực phát triển ngành phù hợp với yêu cầu giai đoạn hiện nay.
Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành “Kế hoạch tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, “tạo đột phá” trong đổi mới hoạt động giáo dục - đào tạo, đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tác động tích cực, toàn diện tới phương thức hoạt động, chất lượng, hiệu quả và công bằng trong giáo dục; người học và Nhà giáo là “trung tâm” của “quá trình chuyển đổi số", lợi ích mang lại cho người học, Nhà giáo và Nhân dân là thước đo chủ yếu đánh giá mức độ thành công của chuyển đổi số.
Các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông...
Ngoài ra, tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách “Hồ Chí Minh”; sử dụng bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh trong nhà trường”, lồng ghép tích hợp nội dung lịch sử Đảng bộ tỉnh, truyền thống cách mạng của Thanh Hoá.
Cùng với việc thực hiện phong trào thi đua dạy tốt, học tốt các môn văn hoá, đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống lịch sử, đạo đức, lối sống cho học sinh, tạo ra những thế hệ học trò có “phẩm chất đạo đức, lối sống tốt, xây dựng thế hệ thanh niên, thiếu niên, nhi đồng có đạo đức trong sáng, lối sống văn hoá, tuân thủ pháp luật; có kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, tay nghề cao; có hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên để lập thân, lập nghiệp, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế".
Chúng tôi nêu một số trường tiêu biểu của quê Thanh thành công trong công tác giáo dục và đào tạo năm học 2023 - 2024. Trước hết, đó là THPT Chuyên Lam Sơn - “cánh chim đầu đàn” của giáo dục và đào tạo Thanh Hoá.
Trường THPT chuyên Lam Sơn
Học sinh giỏi (HSG) cấp tỉnh các môn văn hoá: Tổng số 94/96 học sinh đạt giải (14 giải Nhất, 42 Nhì, 22 Ba, 16 KK). Xếp thứ 1 toàn tỉnh.
Thi khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp tỉnh: 01 dự án. Xếp giải Nhất.
Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) cấp tỉnh: Xếp thứ 2 toàn đoàn - giai đoạn 2.
Thi tốt nghiệp THPT: Tỷ lệ tốt nghiệp 100%, điểm trung bình tốt nghiệp 8.03 - xếp thứ nhất toàn tỉnh.
HSG quốc gia: Lam Sơn 83/89 HS đạt giải (09 - giải Nhất, 22 - Nhì, 23- Ba, 29 - KK)
Thi KHKT cấp Quốc gia: 01 dự án. Xếp giải Nhì.
HKPĐ toàn quốc: 02 Huy chương (HC) Đồng.
Giải Quốc tế Khu vực: 01 HC Bạc và 02 HC Đồng trong kỳ thi Olympic Vật lí châu Á; 01 HC Đồng trong kỳ thi Olympic Hóa học Mendeleev.
Giải Quốc tế: 01 HC Bạc trong kỳ thi Olympic Vật lí quốc tế.
Có kết quả xuất sắc và rất ấn tượng như trên là nhờ sự đồng tâm hiệp lực, nỗ lực cố gắng khắc phục khó khăn để vươn lên rất lớn của thầy - trò Lam Sơn, trong đó có vai trò quyết định, định hướng dẫn dắt của Ban giám hiệu nhà trường và không thể không nhắc đến “cánh chim đầu đàn” - TS Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy - Hiệu trưởng nhà trường, vốn là học sinh chuyên Toán của Lam Sơn, sau đó lại về chính “ngôi trường mơ ước” thuở nào của mình giảng dạy, lập nhiều thành tích và trở thành Hiệu trưởng. Là một trong những Hiệu trưởng trẻ tuổi của tỉnh Thanh Hóa, TS Nguyễn Thanh Sơn luôn có khát vọng vươn lên, đổi mới, sáng tạo, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm với mong muốn cùng với tập thể nhà trường phát huy những truyền thống tốt đẹp đưa “Lam Sơn mến yêu” luôn đứng tốp đầu trong các trường chuyên cả nước!
Thứ hai là THPT Hàm Rồng. Vòng chung kết cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” lần thứ 23 năm 2024: hàng chục nghìn đồng bào Thanh Hóa đã “trống dong, cờ mở” đến Quảng trường Lam Sơn để cổ vũ người con quê hương. Cuộc thi đầy kịch tính và bất ngờ! Thí sinh Lê Xuân Mạnh đã khiến cả trường quay cũng như hàng chục nghìn cổ động viên từ các điểm cầu truyền hình khác vỡ òa khi Lê Xuân Mạnh - với khát vọng và ý chí “không bao giờ bỏ cuộc”, vươn lên “bứt tốc” ở chặng “Về đích” để chạm tay vào vòng Nguyệt quế danh giá và lần đầu tiên đem vinh quang đến với quê hương yêu dấu!
Trường THPT Hàm Rồng.
HSG cấp tỉnh: Tổng số 49/50 giải (2 giải Nhất, 25 Nhì, 18 Ba, 4 KK) - Xếp thứ 2.
Thi KHKT: 01 dự án. Xếp giải Nhì.
Thi Tốt nghiệp THPT: Tỷ lệ tốt nghiệp 100%, điểm TB Tốt nghiệp 7,795 - Xếp thứ Nhất khối THPT.
Có được những kết quả ấn tượng và toàn diện như vậy, trước hết là nhờ sự nỗ lực không ngừng của thầy - trò - phụ huynh của trường và vai trò không hề nhỏ của “Thuyền trưởng” lão luyện - ThS Thiều Ánh Dương, Bí thư Đảng ủy - Hiệu trưởng. Đó là một Nhà giáo mẫu mực, luôn “cháy bỏng” khát vọng vươn lên, đổi mới, sáng tạo, phong cách giản dị, khiêm tốn, yêu thương hết mực học trò; đã cho các em “tri thức bao la”, “tình yêu lý tưởng”, “ước mơ và chí hướng” để “nuôi lớn bao tâm hồn”!
Năm học 2024 - 2025 sắp tới là một năm thầy - trò ra sức thi đua “dạy tốt, học tốt” kỷ niệm tròn 50 năm Ngày thành lập trường; đồng thời cùng quê hương Thanh Hóa kỷ niệm 60 năm chiến thắng lẫy lừng - đánh dấu “một cột mốc bằng vàng” trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc - địa danh lịch sử mà trường vinh dự mang tên: Hàm Rồng!
THPT Lê Lợi.
Thứ 3 là THPT Lê Lợi.
HSG Văn hóa: 47/50 giải (5 giải Nhất, 22 - Nhì, 16 - Ba, 4 - KK). Xếp thứ 4 toàn tỉnh.
Hội khỏe Phù Đổng: 36 giải, góp công cho ngành giáo dục Thọ Xuân xếp thứ 3.
Thi KHKT: 01 dự án. Xếp thứ 3.
Thi “Âm vang xứ Thanh”: Giải Nhì chung kết.
Thi tốt nghiệp THPTQG: Tỷ lệ tốt nghiệp 100%.
Trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3 và Chuẩn Quốc gia mức độ 2.
Có những thành tích đáng tự hào ở một vùng trung du xa trung tâm của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trước hết là nhờ sự nỗ lực rất lớn của thầy - trò với sự chỉ đạo sát sao của Ths. Đỗ Thị Hồng Hạnh, một cô giáo có bề dày kinh nghiệm, luôn khát vọng đổi mới, sáng tạo, tận tụy và quyết đoán nhưng cũng rất khiêm tốn đã giúp học trò đất Tổ Lê Lợi “Ghi sâu lời Bác/ Học hành thật giỏi/ Xây đời tương lai”!
Vùng đất địa linh nhân kiệt quê Thanh ngày nay đã và đang tưng bừng “đổi sắc, thay da” từng ngày trong nhiều lĩnh vực (kinh tế, văn hóa, giáo dục ...) Người quê Thanh có truyền thống hiếu học, tự hào với những thành tựu giáo dục và đào tạo quê mình - nhất là giáo dục “mũi nhọn”! - Trường THPT Chuyên Lam Sơn đứng thứ 3 trong xếp hạng các trường xuất sắc nhất Việt Nam ta trong các kỳ thi Olympia quốc tế tới năm 2024 với 45 HC quốc tế, 17 HC quốc tế khu vực các loại.
Khắc sâu những điều căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với giáo dục và sự kỳ vọng tin tưởng của Người, ngành giáo dục và đào tạo Thanh Hóa sẽ làm tất cả để xứng đáng với niềm tin yêu và hy vọng của quê Thanh trên con đường Hội nhập, Phát triển, Toàn cầu hóa và Công nghệ 4.0 trong “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” để Việt Nam “bước lên đài vinh quang”, sánh vai với các nước khu vực và thế giới, trong thời đại vẻ vang nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước - Thời đại Hồ Chí Minh!.
Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam lần thứ 42.
Hà Nội, Thanh Hóa - tháng 10/2024.
Thạc sĩ VÕ QUỐC HIỂN (CTV)
{name} - {time}
-
2025-01-15 08:01:00
Quy định mới về thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục
-
2025-01-14 15:09:00
Phát triển đảng viên trong học sinh để tăng sức chiến đấu cho Đảng
-
2024-10-13 14:35:00
Khởi sắc phong trào khuyến học ở vùng đồng bào công giáo
Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục ở Bá Thước
FPT hỗ trợ cơ sở vật chất cho các trường học tại huyện Mường Lát
Quy định mới về điều kiện và thủ tục thành lập trường mầm non
Bùng cháy cảm xúc trong đêm nhạc “We are students”
Khi con trẻ “quay cuồng” với học thêm
Không đơn giản chỉ là sai thì sửa
Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa trao bằng tốt nghiệp chính quy cho 587 sinh viên
Thu hút đầu tư vào hệ thống giáo dục ngoài công lập vẫn khó
Khiển trách 1 giáo viên liên quan đến sự việc ghi nhầm điểm thi