(Baothanhhoa.vn) - Phát triển chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn là một trong các giải pháp hiệu quả nhằm kết nối cung cầu, thúc đẩy phát triển sản xuất nông sản chất lượng. Có điều, lượng nông sản, thực phẩm được đưa vào chuỗi cung ứng hiện nay chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Làm thế nào để phát triển, mở rộng thêm các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn, nâng cao giá trị nông sản, cung ứng sản phẩm có chất lượng đến tay người tiêu dùng là vấn đề cần được quan tâm.

Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm: Đường còn dài! - Nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn

Phát triển chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn là một trong các giải pháp hiệu quả nhằm kết nối cung cầu, thúc đẩy phát triển sản xuất nông sản chất lượng. Có điều, lượng nông sản, thực phẩm được đưa vào chuỗi cung ứng hiện nay chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Làm thế nào để phát triển, mở rộng thêm các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn, nâng cao giá trị nông sản, cung ứng sản phẩm có chất lượng đến tay người tiêu dùng là vấn đề cần được quan tâm.

Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm: Đường còn dài! - Nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toànTham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi, Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường 36 (xã Đông Tiến, Đông Sơn) tuân thủ nghiêm các quy định đảm bảo VSATTP. Ảnh: Hà Phương

Tin liên quan:
  • Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm: Đường còn dài! - Nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn
    Ranh giới mong manh giữa chuẩn và chưa chuẩn

    Đạt chuẩn các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm đưa Nghị quyết 04-NQ/TU vào đời sống. Song, trên thực tế triển khai, dường như đạt chuẩn rồi lệch chuẩn đang diễn ra phổ biến. Thực trạng này phản ánh phần nào sự buông lỏng trong quản lý và triển khai thực hiện tại các địa phương.

Xu hướng tất yếu

Thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã và đang tích cực triển khai sản xuất liên kết theo chuỗi sản phẩm nông sản an toàn và đã xây dựng được 1.061 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, bao gồm chuỗi lúa, gạo, rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm, trứng, thủy sản, các sản phẩm từ thủy sản (tăng 1.005 chuỗi so với năm 2016). Hằng năm, cung ứng ra thị trường hơn 397.000 tấn sản phẩm được xác nhận thuộc chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Việc xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn đã đem lại những hiệu quả thiết thực. Đó là thay đổi nhận thức, kiến thức về bảo đảm VSATTP, nâng cao kỹ năng quản lý, kiểm soát, nhận diện và đánh giá nguy cơ về ATTP của các tác nhân tham gia chuỗi; giúp kiểm soát từng công đoạn và quá trình tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn, tạo liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở tham gia vào chuỗi sản xuất, tăng hiệu quả trách nhiệm của mỗi cơ sở trong việc bảo đảm về chất lượng ATTP; phát triển các HTX, tổ hợp tác, trang trại gắn với cơ sở sơ chế, chế biến, kênh phân phối, mạng lưới phân phối tiêu thụ...

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần (phường Đông Hải, TP Thanh Hóa), là đơn vị chuyên sản xuất và tiêu thụ trứng gà, vịt, cút tươi, với quy mô 6 triệu quả/năm. Để xây dựng thương hiệu và khẳng định chất lượng cho các sản phẩm, năm 2016, công ty đăng ký với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và đã được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng an toàn. Sản phẩm của công ty đang cung ứng cho Siêu thị Co.op Mart, Siêu thị Big C, Tập đoàn FLC, Vinmart, cùng nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh

Chị Tống Thị Hiền, giám đốc công ty, cho biết: Từ khi tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn công ty đã được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến. Công ty chủ động liên kết và xây dựng mạng lưới cửa hàng kinh doanh, đủ năng lực cung ứng thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng, bảo đảm đa dạng về chủng loại, số lượng, chất lượng và luôn giữ giá ổn định. Ngoài sản xuất, kinh doanh, công ty đã bao tiêu sản phẩm, giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người nông dân.

Công ty CP Thương mại Sao Khuê, đóng trên địa bàn xã Đông Hoàng (Đông Sơn) là đơn vị tiên phong thực hiện mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh khép kín. Từ đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, đến thu mua nông sản, sấy khô, xay sát chế biến, đóng gói và xây dựng hệ thống cửa hàng bán lẻ sản phẩm gạo ATTP. Đến nay công ty đã có trên 1.000 cửa hàng bán lẻ tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và đầu tư trực tiếp cho trên 30 HTX về vật tư phân bón, thu mua lại nông sản. Đặc biệt, công ty đã xây dựng thành công thương hiệu gạo nếp cái hoa vàng Quý Hương - một trong những đặc sản của quê hương Thanh Hóa. Các sản phẩm của công ty ngày càng khẳng định được chất lượng và có vị trí nhất định trên thị trường.

Anh Trương Xuân Hùng, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Thương mại Sao Khuê, cho biết: Tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã giúp doanh nghiệp rất nhiều, đặc biệt trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, sản lượng tiêu thụ của các đại lý cũng như của công ty tăng lên khoảng 30%, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Bởi người tiêu dùng sẽ có được sản phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, cũng như chất lượng các dịch vụ sau bán hàng.

Ngoài một số “thương hiệu” điển hình nêu trên, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn được xác nhận đã và đang khẳng định được chất lượng. Trong đó phải kể đến các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ vịt Cổ Lũng tại huyện Bá Thước; chuỗi rau an toàn tại xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc; chuỗi liên kết sản xuất khoai tây thương phẩm tại huyện Quảng Xương; chuỗi dưa Kim Hoàng Hậu tại xã Nga Yên, huyện Nga Sơn; chuỗi cung ứng lúa, gạo an toàn tại xã Đông Văn, huyện Đông Sơn; chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu ngô ngọt tại Thiệu Hóa...

Trong các chuỗi liên kết này, doanh nghiệp có chức năng khảo sát, tìm kiếm, mở rộng thị trường để điều tiết sản xuất, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Người nông dân được bảo đảm quyền lợi, nâng cao thu nhập từ việc tham gia sản xuất sản phẩm nông sản an toàn. Sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng là sản phẩm sạch, an toàn. Trường hợp, nếu xảy ra bất cứ sự cố nào đối với người tiêu dùng hay nông sản, thì thông qua việc kiểm tra lại quy trình lưu thông nông sản trong chuỗi sẽ truy xuất được nguyên nhân. Như vậy lợi ích của người tiêu dùng luôn được bảo đảm.

Cần bảo đảm từng khâu trong chuỗi

Có thể khẳng định, sản phẩm từ các mô hình chuỗi bước đầu đã tạo được niềm tin của người tiêu dùng; đồng thời thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, khi vẫn còn tập quán sản xuất, nuôi trồng nhỏ lẻ thì sẽ không thể kiểm soát được VSATTP. Thêm vào đó, tình trạng “mạnh ai nấy làm”, doanh nghiệp tự sản xuất, tự bán ra thị trường mà chưa tạo được mắt xích liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Có những chuỗi sản phẩm, doanh nghiệp chỉ tham gia ở khâu cung ứng đầu vào mà thiếu đơn vị bao tiêu, chế biến, bảo quản và vận chuyển. Thực trạng ấy dẫn đến sản phẩm làm ra bảo đảm an toàn, nhưng khâu vận chuyển, tiêu thụ chưa đồng bộ, nên khi đến tay người tiêu dùng chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng. Đó là chưa kể, vẫn còn không ít địa phương, người dân thấy “xa lạ” với khái niệm chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng. Vì vậy việc áp dụng đúng quy trình sản xuất theo chuỗi gặp không ít “chướng ngại vật”.

Trao đổi với chúng tôi về những bất cập khi thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi, ông Nguyễn Xuân Thiên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường 36 (xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn) bày tỏ: Có không ít nguyên nhân khiến cho nhiều mặt hàng nông sản không được đưa vào chuỗi cung ứng. Yếu tố chính làm cho một vài mắt xích trong chuỗi cung ứng thường bị gãy lại nằm ngay ở quá trình sản xuất. Đó là việc người nông dân sử dụng quá nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, làm cho chi phí đầu vào tăng và gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Thêm vào đó, sản xuất theo chuỗi cần tuân thủ theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt về thời vụ, giống, kỹ thuật, cũng như quy trình bón phân, chăm sóc, quản lý dịch bệnh theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây... Điều này khiến nông dân dễ nản, khó có thể bảo đảm theo tiêu chuẩn, bởi họ vốn đã quen với lối sản xuất, canh tác truyền thống và dựa theo kinh nghiệm là chính.

Những bất cập nêu trên dẫn đến một số chuỗi liên kết chưa chặt chẽ, chưa ổn định; khối lượng, chủng loại sản phẩm không đáp ứng đủ yêu cầu tiêu thụ; giá bán sản phẩm chưa tương xứng với kinh phí, công sức đầu tư sản xuất. Thêm vào đó chi phí cho bao bì, tem nhãn cao, trong khi giá bán chưa như mong đợi, người tiêu dùng khó phân biệt được sản phẩm trong và ngoài chuỗi. Việc xác nhận sản phẩm kiểm soát theo chuỗi chưa có văn bản quy định nên cơ quan chức năng còn chậm triển khai. Quy mô sản xuất cũng như sản lượng cho mỗi chủng loại sản phẩm còn ít, sản xuất mang tính thời vụ, chưa hình thành sản xuất hàng hóa lớn. Trong khi đó, người kinh doanh nông sản cũng chưa thực sự tin tưởng cơ sở sản xuất và chưa nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng. Do đó, vấn đề tiêu thụ sản phẩm nông sản vẫn trong vòng luẩn quẩn, chưa tìm được lối ra.

Từ thực tế sản xuất cho thấy, việc gắn kết các khâu trong chuỗi vẫn còn nhiều hạn chế. Để mô hình chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn được nhân rộng, phải xã hội hóa các “mắt xích” trong chuỗi. Để làm được điều đó, cần phát huy vai trò của các HTX, các tổ chức nông dân trong việc ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn để có sản phẩm tốt. Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin phát triển thị trường; triển khai các chương trình để thúc đẩy việc tiêu thụ những sản phẩm đạt chuẩn, có thể truy xuất được nguồn gốc, có thương hiệu, bảo đảm ATTP được sản xuất tại tỉnh. Tăng cường cải cách, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về lĩnh vực thương mại; ban hành quy trình sản xuất đối với các sản phẩm chủ lực và thống nhất các tiêu chí, điều kiện cung cấp hàng hóa vào thị trường; nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với vật tư nông nghiệp và ATTP, chấm dứt việc lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, giảm thiểu các vi phạm về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm trong chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản.

“Nông sản giá trị thấp là bởi còn chật vật đầu ra, vì chuỗi liên kết cung - cầu rời rạc. Để chuỗi cung ứng bền vững, cần tạo cơ hội cho doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh và nhà phân phối gặp gỡ, kết nối hiệu quả, nhằm đưa sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chất lượng tốt ra thị trường”, ông Lê Xuân Đồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh, nhấn mạnh.

Nhóm PV Phòng VH-XH

Bài 4: Tháo gỡ “điểm nghẽn” trong quản lý giết mổ gia súc, gia cầm.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]