(Baothanhhoa.vn) - Tự chủ tài chính là chủ trương chung và là xu thế tất yếu phải thực hiện ở các bệnh viện công lập hiện nay. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, không ít bệnh viện tuyến huyện, nhất là các bệnh viện ở khu vực miền núi đang gặp chồng chất khó khăn.

Tự chủ ở các bệnh viện khu vực miền núi - khó chồng khó

Tự chủ tài chính là chủ trương chung và là xu thế tất yếu phải thực hiện ở các bệnh viện công lập hiện nay. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, không ít bệnh viện tuyến huyện, nhất là các bệnh viện ở khu vực miền núi đang gặp chồng chất khó khăn.

Tự chủ ở các bệnh viện khu vực miền núi - khó chồng khóTận dụng trang thiết bị và nhân lực hiện có, BVĐK huyện Lang Chánh đã phát triển mới kỹ thuật xét nghiệm phát hiện sớm bệnh tiểu đường. Ảnh: Đỗ Đức

Chồng chất khó khăn

Cơ chế tự chủ tài chính ra đời nhằm mục tiêu giảm dần kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách Nhà nước; tạo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy nhân sự và tài chính ở các bệnh viện công lập. Cơ chế này cũng mở ra cơ hội để các bệnh viện kêu gọi xã hội hóa, tuyển dụng viên chức, người lao động và chủ động trong việc mua sắm trang thiết bị, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB)... Nhưng trên thực tế, việc thực hiện chủ trương này vẫn chưa được như mong đợi, nhất là các bệnh viện ở khu vực miền núi.

Tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Quan Hóa, theo Giám đốc Nguyễn Văn Lợi thì thực hiện tự chủ về tài chính, đơn vị đang mất cân đối tài chính. Cụ thể, theo Quyết định số 2584/QĐ-UBND, ngày 26-7-2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về phê duyệt giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh giai đoạn 2022-2025, BVĐK huyện Quan Hóa thuộc nhóm tự đảm bảo chi thường xuyên từ 30-70% và được cấp 2,8 tỷ đồng mỗi năm. Hạch toán sơ bộ năm 2022 của bệnh viện này, thì nguồn thu từ viện phí, dịch vụ KCB BHYT sau khi trừ chi phí thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm... đạt khoảng 2,7 tỷ đồng. Cộng với nguồn từ ngân sách cấp thì tổng thu của bệnh viện khoảng 5,8 tỷ đồng. Trong khi nguồn chi lương, phụ cấp cho 84 cán bộ, viên chức và 4 hợp đồng (hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP) trong năm là 8,4 tỷ đồng (chưa tính chế độ làm thêm ngoài giờ, phẫu thuật, thủ thuật...). Có nghĩa năm 2022, BVĐK huyện Quan Hóa vẫn còn thiếu hơn 2 tỷ đồng để chi trả chế độ con người, chứ chưa nói đến việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm máy móc, trang thiết bị. Do không cân đối được thu - chi, bệnh viện đã phải sử dụng hết Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và phúc lợi đã trích lập từ những năm trước để chi trả chế độ con người. Hiện tại bệnh viện còn thiếu bác sĩ các chuyên khoa: mắt, tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt, da liễu, tâm thần... nhưng không dám tuyển thêm người, mặc dù định biên vẫn còn rất nhiều.

Cùng chung cảnh ngộ thu không đủ bù chi, nên dù được phép tuyển dụng tối đa 119 người, nhưng hiện tại BVĐK huyện Quan Sơn mới chỉ có 68 cán bộ, viên chức. Theo Giám đốc Nguyễn Văn Hưng, với số biên chế hiện có, bệnh viện vẫn chưa đảm bảo đủ nguồn để trả lương và phụ cấp, chưa thể tính chuyện tuyển thêm người, mặc dù vẫn thiếu nhiều bác sĩ chuyên khoa.

Trong cơ chế tự chủ, BVĐK huyện Lang Chánh có phần “bi đát” hơn, do phải chịu thêm “áp lực” lớn từ phần kinh phí KCB BHYT vượt định mức kinh tế kỹ thuật năm 2017-2018 bị xuất toán. Theo Giám đốc Ngô Công Nghiêm: Bệnh viện đang nợ chế độ làm thêm ngoài giờ, phẫu thuật, thủ thuật của cán bộ, y bác sĩ năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, cùng với tiền thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm của nhà cung ứng. Trong khi đó, các quỹ phúc lợi và phát triển hoạt động sự nghiệp của bệnh viện đã cạn. Vậy nên, cũng không nằm ngoại lệ, định biên của BVĐK huyện Lang Chánh là 201 người, nhưng hiện tại mới chỉ có 96 cán bộ, viên chức. Số còn lại bệnh viện không dám tuyển, mặc dù vẫn còn thiếu rất nhiều vị trí việc làm chuyên khoa.

Trên thực tế, trong cơ chế tự chủ, Sở Y tế Thanh Hóa đã chỉ đạo, hướng dẫn các bệnh viện thực hiện nhiều biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành, phát triển dịch vụ kỹ thuật mới, thu hút bệnh nhân, tăng thu, tiết kiệm chi. Nhiều bệnh viện ở khu vực miền núi cũng đã nỗ lực, cố gắng, tận dụng thiết bị và con người sẵn có ở mức có thể để nâng cao chất lượng KCB, phục vụ nhu cầu của Nhân dân. Như BVĐK huyện Lang Chánh đã phát triển thêm 18 dịch vụ kỹ thuật; BVĐK huyện Quan Sơn phát triển 7 dịch vụ kỹ thuật mới... Tuy nhiên sự cố gắng này là chưa đủ đáp ứng nhu cầu nguồn chi. Và điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập của cán bộ, y bác sĩ ở các bệnh viện. Giám đốc BVĐK huyện Lang Chánh Ngô Công Nghiêm cho biết thêm, trong các năm 2020-2021, đã có 4 bác sĩ của bệnh viện viết đơn xin nghỉ công tác.

Đâu là nguyên nhân?

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa Đỗ Thái Hòa, BVĐK các huyện: Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh là những đơn vị thuộc nhóm khó khăn nhất ở các bệnh viện công lập khu vực miền núi trong thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính. Nguyên nhân của thực trạng này có thể kể đến cơ chế thanh quyết toán dịch vụ KCB BHYT còn những bất cập. Cụ thể, theo khoản 4, Điều 24, Nghị định 146/NĐ-CP, ngày 7-10-2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT cho cơ sở KCB hàng năm được tính căn cứ vào chi phí KCB BHYT năm trước liền kề đã được cơ quan bảo hiểm xã hội thẩm định quyết toán và hệ số điều chỉnh do biến động về giá thuốc, hóa chất, vật tư y tế, cùng phần chi phí phát sinh tăng hoặc giảm trong năm tại cơ sở do các nguyên nhân: áp dụng dịch vụ kỹ thuật mới, bổ sung thuốc, hóa chất mới, vật tư y tế mới; áp dụng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT mới; giá máu, chế phẩm máu mới; điều chỉnh hạng bệnh viện... Dẫu rằng cách tính này sẽ góp phần hạn chế tối đa việc lạm chi quỹ BHYT, nhưng nếu cứ lấy tổng mức được thanh quyết toán của năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, lượng bệnh nhân ít (năm 2021) làm căn cứ tính cho năm sau (2022) là điều bất cập. Mới đây, Chính phủ đã có chủ trương sửa đổi Nghị định 146, và Sở Y tế đã có văn bản góp ý, đề nghị sửa đổi quy định về tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT.

Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước cấp ngày càng giảm sâu theo lộ trình, các bệnh viện chủ yếu “sống” dựa vào nguồn thu thông qua hoạt động KCB BHYT. Nhưng liên tục từ 2020 đến đầu năm 2022, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lưu lượng bệnh nhân đến bệnh viện giảm mạnh so với giai đoạn trước đã ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn thu. Trong khi đó, các bệnh viện vẫn phải đảm bảo chi hoạt động thường xuyên, như chế độ con người, văn phòng phẩm, điện, nước... và chi phát sinh cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 ở địa phương.

Tự chủ ở các bệnh viện khu vực miền núi - khó chồng khóChăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa huyện Mường lát. Ảnh: Tô Hà

Thêm vào đó, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16-9-2021 của Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa còn 21 xã, 132 thôn đặc biệt khó khăn, giảm 79 xã, 554 thôn so với giai đoạn 2016-2020. Đồng nghĩa tỷ lệ người dân tham gia BHYT ở khu vực miền núi giảm sâu (do không còn được nhà nước hỗ trợ BHYT), gây khó khăn về nguồn thu KCB BHYT cho các bệnh viện...

Phải khẳng định rằng, tự chủ tài chính là chủ trương chung và được xác định là xu thế tất yếu phải thực hiện ở các bệnh viện công lập. Thực tế này đòi hỏi các bệnh viện công lập nói chung, trong đó có bệnh viện ở khu vực miền núi muốn phát triển phải đổi mới phương thức quản lý, đặc biệt là quản lý kinh tế y tế. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Đỗ Thái Hòa, trước hết, tự thân bệnh viện phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành để tăng thu, tiết kiệm chi thông qua nhiều giải pháp như, lựa chọn những dịch vụ kỹ thuật mới phù hợp, chi phí hợp lý nhưng mang lại hiệu quả cao; nâng cao chất lượng hoạt động KCB BHYT để giảm thiểu tối đa việc từ chối và xuất toán trong thanh quyết toán BHYT. Lựa chọn, sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư, sinh phẩm an toàn, hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm...

Để bệnh viện công lập nói chung, các bệnh viện khu vực miền núi nói riêng thích ứng, vượt qua khó khăn hiện tại và phát triển trong cơ chế tự chủ, nên chăng, các cấp có thẩm quyền từ tỉnh đến cơ sở cần quan tâm hơn nữa trong đầu tư, hỗ trợ xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất hạ tầng, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đào tạo chuyển giao kỹ thuật từ nguồn ngân sách..., đáp ứng ngày càng cao nhu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Đỗ Đức



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]