(Baothanhhoa.vn) - Bước vào mùa mưa bão với hình thái thời tiết thường xuyên có mưa giông lớn, độ ẩm cao. Đây là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại dịch bệnh phát sinh, phát triển, như các bệnh về đường tiêu hóa (tả, thương hàn, lỵ, E.coli, Campylobacter, Rota vi-rút...); bệnh sốt rét, sốt xuất huyết; bệnh nhiễm trùng đường hô hấp; các bệnh ngoài da, bệnh đau mắt đỏ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phòng chống dịch bệnh mùa mưa bão

Phòng chống dịch bệnh mùa mưa bão

Ngành y tế kiểm tra vật tư hóa chất đáp ứng công tác phòng, chống dịch tại Trung tâm Y tế huyện Yên Định.

Bước vào mùa mưa bão với hình thái thời tiết thường xuyên có mưa giông lớn, độ ẩm cao. Đây là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại dịch bệnh phát sinh, phát triển, như các bệnh về đường tiêu hóa (tả, thương hàn, lỵ, E.coli, Campylobacter, Rota vi-rút...); bệnh sốt rét, sốt xuất huyết; bệnh nhiễm trùng đường hô hấp; các bệnh ngoài da, bệnh đau mắt đỏ...

Trước tình hình đó, ngành y tế đã và đang tập trung nguồn lực, chuẩn bị sẵn sàng thuốc men, hóa chất và các phương tiện phòng chống dịch nhằm kịp thời ứng phó với nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Lương Ngọc Trương, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Với tinh thần sẵn sàng, chủ động phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa bão, bảo đảm các hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân trong mọi tình huống lụt, bão, thiên tai, thảm họa, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, tính mạng người dân, ngành y tế đã chuẩn bị sẵn sàng mọi lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ, thuốc, vật tư, hóa chất cần thiết để đáp ứng kịp thời khi có tình huống cấp cứu, phòng, chống dịch bệnh, đồng thời xử lý môi trường sau lụt, bão. Các đơn vị y tế đã tiến hành kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão; tổ chức thường trực phòng, chống lụt, bão, cứu nạn, cứu hộ 24/24h. Các đơn vị dự phòng phối hợp với các cơ sở điều trị triển khai hoạt động khám, chữa bệnh bám sát, hỗ trợ Nhân dân khi có bão lũ xảy ra; kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của các đơn vị tuyến dưới, giám sát việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm hay xảy ra trong mùa mưa bão.

Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát dịch bệnh, đặc biệt là một số ổ dịch cũ, những địa phương có nguy cơ cao, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý kịp thời; đẩy mạnh tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng cách phát hiện các loại dịch bệnh và những biện pháp dự phòng tại cộng đồng; chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị cần thiết, khi xảy ra dịch phải triển khai khẩn cấp biện pháp chống dịch và thực hiện nghiêm túc chế độ khai báo thông tin, báo cáo thường xuyên.

Tại huyện Bá Thước, hàng năm vào mùa mưa bão, trên địa bàn huyện thường có mưa to đến rất to, kết hợp nước từ thượng nguồn sông Mã đổ về làm cho nhiều địa phương bị ngập lụt, ảnh hưởng nhiều nhất là các công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi, giếng nước. Bởi vậy, trước khi mùa mưa bão đến, trung tâm y tế huyện đã kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, phân công trách nhiệm và địa bàn phụ trách cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo các khoa, phòng và cán bộ, viên chức; củng cố các tổ phòng, chống dịch, tổ cấp cứu thường trực 24/24h; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, vật tư, hóa chất cần thiết để các địa phương xử lý môi trường, đặc biệt là xử lý nguồn nước ăn.

Trao đổi với ông Vi Văn Thuyết, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bá Thước, được biết: Để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh mùa mưa bão, ngành y tế huyện đã thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, chú trọng xây dựng phương án, kế hoạch nhằm tổ chức tốt các hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân trong tình huống thời tiết xấu; chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tham gia thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh; thành lập đội chống dịch lưu động, chủ động đối phó khi có dịch xảy ra; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị phòng chống dịch để đáp ứng kịp thời công tác điều trị khi có dịch; đánh giá nguy cơ tiềm ẩn, chủ động củng cố mạng lưới, kiểm tra, giám sát các dịch bệnh để chủ động trong công tác phòng bệnh, phát hiện dịch sớm, chống dịch kịp thời, hạn chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Cùng với việc thiết lập mạng lưới giám sát, phát hiện dịch bệnh từ huyện đến cơ sở, ban chỉ đạo phòng chống dịch của huyện đã phân công các thành viên phụ trách các xã, thị trấn; chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh... Hiện nay, hệ thống y tế dự phòng đã phối hợp với các địa phương tiến hành phun thuốc xử lý, không để dịch bệnh đau mắt đỏ, bệnh về da, tiêu hóa bùng phát. Song song với công tác vệ sinh môi trường, cán bộ y tế huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền đến hộ gia đình nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, chủ động phát hiện các loại dịch bệnh và biện pháp dự phòng tại cộng đồng.

Với tinh thần không chủ quan với dịch bệnh, ngành y tế đang tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường bám sát địa bàn, theo dõi, kiểm soát, xử lý dịch bệnh để hạn chế bệnh bùng phát trong mùa mưa bão, chăm sóc tốt sức khỏe Nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm, toàn tỉnh ghi nhận 49 ca mắc sởi (năm 2019 là 404 ca); 5 ca ho gà (năm 2019 là 149 ca); 127 ca sốt xuất huyết (năm 2019 là 345 ca)...

Tuy nhiên, khi mùa mưa bão đến gần, công tác phòng, chống dịch bệnh cần phải được quan tâm hơn, vì đây là thời điểm dịch bệnh rất dễ bùng phát. Vào thời điểm này, lượng mưa lớn sẽ gây ra tình trạng ngập úng cục bộ tại nhiều địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để các bệnh do véc-tơ truyền bệnh như muỗi, ve, mò, mạt, ruồi... sinh trưởng mạnh; trong đó, muỗi là véc-tơ truyền bệnh phổ biến nhất gây bệnh sốt rét, sốt xuất huyết. Sau những trận mưa bão lớn, tình trạng ngập úng là nguyên nhân dẫn đến thiếu nước sinh hoạt, đồng thời gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Nguồn nước nhiễm bẩn do mưa lũ, môi trường sống bị ô nhiễm làm gia tăng nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh như: Tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, nước ăn chân, viêm da, viêm nang lông, đau mắt đỏ, mắt hột... Không chỉ bùng phát các dịch bệnh, trong mùa mưa bão, nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích đối với người dân cũng tăng cao hơn, do đó công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân càng cần phải được chú trọng.

Cùng với sự nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của các cơ quan chức năng, để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong, sau mưa bão như: thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng diệt khuẩn. Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất được cho phép để khử trùng, thanh lọc nguồn nước trước khi sử dụng. Kết hợp xử lý cống thoát nước bị tắc để nước ứ đọng có thể thoát được ra ngoài. Sau mưa bão cần khẩn trương dọn vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà cửa và khu vực xung quanh nhà cửa; rửa sạch bể nước, các dụng cụ đựng nước, dụng cụ chế biến thức ăn; khơi thông cống rãnh, không để nước đọng; thu gom rác và xác động vật chôn lấp kỹ và phun thuốc phòng dịch bệnh. Phối hợp với nhân viên y tế kịp thời phát hiện và dập tắt những ổ dịch bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng dịch tả, lỵ, thương hàn... và phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

Tô Hà


Tô Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]