(Baothanhhoa.vn) - Nhằm từng bước nâng cao vai trò của mạng lưới y tế cơ sở, cũng như quản lý tốt người mắc các bệnh không lây nhiễm (BKLN) theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Kế hoạch số 112/KH-UBND ngày 30-5-2018 của UBND tỉnh về việc tăng cường triển khai phòng, chống BKLN, ngành y tế đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả công tác dự phòng, phát hiện và quản lý BKLN tại tuyến y tế cơ sở.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kết quả bước đầu trong phòng chống bệnh không lây nhiễm

Nhằm từng bước nâng cao vai trò của mạng lưới y tế cơ sở, cũng như quản lý tốt người mắc các bệnh không lây nhiễm (BKLN) theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Kế hoạch số 112/KH-UBND ngày 30-5-2018 của UBND tỉnh về việc tăng cường triển khai phòng, chống BKLN, ngành y tế đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả công tác dự phòng, phát hiện và quản lý BKLN tại tuyến y tế cơ sở.

Kết quả bước đầu trong phòng chống bệnh không lây nhiễm

Bác sĩ Trạm Y tế xã Quang Chiểu (Mường Lát) kiểm tra huyết áp cho người dân.

Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh củng cố, tăng cường hệ thống giám sát, phòng chống BKLN các tuyến. Triển khai hoạt động dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị và quản lý một số BKLN phổ biến tại tuyến y tế cơ sở; quy định những trường hợp bệnh tuyến trên cần chuyển về trạm y tế để quản lý, điều trị. Các bệnh viện đa khoa huyện triển khai hoạt động khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị BKLN, chuyển người bệnh đã được chẩn đoán xác định tình trạng bệnh phù hợp với khả năng chuyên môn của tuyến y tế cơ sở về quản lý và điều trị tại tuyến y tế xã. Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các trạm y tế thuộc phạm vi quản lý thực hiện cung cấp gói dịch vụ y tế cơ bản theo quy định tại Thông tư 39/2017/TT-BYT đã được Sở Y tế phê duyệt và triển khai các hoạt động dự phòng, quản lý, điều trị BKLN; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế các tuyến về dự phòng và quản lý BKLN, đặc biệt là tại tuyến y tế cơ sở thông qua cung cấp các tài liệu hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật trong các lĩnh vực; tổ chức đào tạo tập huấn, đồng thời ban hành các hướng dẫn, quy định về nhiệm vụ dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị BKLN cho từng tuyến làm cơ sở cho giao chỉ tiêu chuyên môn và kiểm tra, giám sát đánh giá hoạt động. Trong năm 2018, Bệnh viện Phổi Thanh Hóa đã tổ chức 27 lớp chẩn đoán điều trị hen phế quản – COPD cho 810 cán bộ y tế huyện và trạm y tế xã; Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa tổ chức 14 lớp chuyển giao chuyên môn chuyên ngành tâm thần cho 556 cán bộ y tế huyện và xã; 10 lớp tập huấn chương trình mục tiêu y tế - dân số cho 150 cán bộ trạm y tế xã, y tế thôn bản; Bệnh viện Nội tiết Thanh Hóa tổ chức 4 lớp tập huấn phòng chống bệnh đái tháo đường, bệnh tăng huyết áp cho 308 cán bộ trạm y tế xã. Có 20/27 huyện, thị xã, thành phố được tập huấn về một số hoạt động phòng chống BKLN như: Tập huấn công tác chẩn đoán, điều trị và quản lý BKLN; tập huấn phát hiện, quản lý và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và bệnh hen phế quản tại cộng đồng cho tuyến y tế xã; phòng chống đái tháo đường, tăng huyết áp; tập huấn tác hại thuốc lá và một số lớp tập huấn do trung tâm y tế một số huyện tổ chức... Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao sức khỏe chú trọng vào tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân biết cách phát hiện sớm bệnh thông qua các biện pháp kiểm tra sức khỏe đơn giản như đo huyết áp, xét nghiệm nhanh đường máu, sàng lọc ung thư..., biết tuân thủ điều trị tại nhà khi mắc bệnh; triển khai các mô hình nâng cao sức khỏe liên quan đến phòng chống BKLN như: Mô hình nâng cao sức khỏe tại trường học tại 20/27 huyện, thị, thành phố với 1.256 đơn vị tham gia; nơi làm việc không khói thuốc tại 23/27 huyện, thị, thành phố với 2.415 đơn vị tham gia; cộng đồng vì sức khỏe tại 17/27 huyện, thị, thành phố với 1.810 đơn vị tham gia; mô hình câu lạc bộ sức khỏe phòng chống tăng huyết áp, đái tháo đường tại 9/27 huyện, thị xã, thành phố với 441 đơn vị tham gia. Hầu hết tuyến huyện, xã có kế hoạch cấp huyện, xã về công tác phòng chống BKLN năm 2018 đã được phê duyệt (24/27 huyện, thị xã, thành phố và các xã thuộc huyện, thị xã, thành phố đã có kế hoạch phòng chống BKLN năm 2018). Trong năm 2018, phát hiện người nguy cơ cao thừa cân béo phì chiếm tỷ lệ cao nhất (3,61%); tiếp đến là tiền tăng huyết áp (2,6%); nguy cơ đái tháo đường (1,4%); nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (0,64%); nguy cơ ung thư chiếm tỷ lệ thấp nhất (0,44%). Bệnh viện Nội tiết Thanh Hóa đã khám sàng lọc BKLN cho 38 xã, phường, thị trấn với số lượt người khám 10.572 người. Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa đã khám sàng lọc BKLN cho 20 xã, phường, thị trấn với số lượt người khám 3.100 người. Kết quả, bệnh nhân tăng huyết áp chiếm số lượng lớn nhất (59.757 người), sau đó là đái tháo đường (21.998 người), tâm thần phân liệt (13.808 người). Bệnh nhân mắc BKLN đang được quản lý, tư vấn và cấp thuốc chiếm tỷ lệ từ 35% (rối loạn tâm thần) đến 62% (tăng huyết áp). Tổng số bệnh nhân mắc BKLN đang được quản lý, khám và cấp thuốc chiếm tỷ lệ hơn một nửa (55,5%) so với tổng số bệnh nhân mắc BKLN.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng chống BKLN mới được triển khai trên toàn tỉnh nên gặp không ít khó khăn, cụ thể: Nguồn nhân lực tại các trạm y tế còn thiếu (nhân lực trong việc rà soát, điều tra bổ sung đối tượng, thiếu bác sĩ chuyên khoa một số BKLN); trang thiết bị vật tư y tế chưa có đủ như: Máy đo đường huyết, test đường huyết...; thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường cấp cho trạm y tế chưa đủ số lượng, chủng loại còn ít vì vậy công tác phòng chống BKLN tại trạm chủ yếu chỉ dừng ở khâu tư vấn, khám phát hiện và quản lý bệnh nhân chưa điều trị thường xuyên cho bệnh nhân. Định mức bảo hiểm y tế thanh toán cho trạm y tế trong việc khám và điều trị tăng huyết áp và đái tháo đường là thấp, vì vậy trạm y tế chưa thể điều trị định kỳ hằng tháng cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, người dân trên địa bàn chưa hiểu rõ về tác hại cũng như cách phòng tránh BKLN; tâm lý người dân không muốn điều trị tuyến dưới, bệnh nhân tự ý mua thuốc ở ngoài tự điều trị nên đôi khi khó quản lý... Để tăng cường hiệu quả công tác dự phòng, phát hiện và quản lý BKLN tại cộng đồng, ngành y tế đang tiếp tục củng cố, tăng cường hệ thống giám sát, phòng chống BKLN các tuyến, đặc biệt là tại các trạm y tế để tăng tỷ lệ phát hiện sớm. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế các tuyến về dự phòng và quản lý BKLN, đặc biệt là tại tuyến y tế cơ sở. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao sức khỏe; trong đó chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân biết cách phát hiện sớm bệnh thông qua các biện pháp kiểm tra sức khỏe đơn giản như đo huyết áp, xét nghiệm nhanh đường máu, sàng lọc ung thư..., tuân thủ điều trị tại nhà khi mắc bệnh.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]