(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua với sự nỗ lực của ngành y tế, công tác phòng chống sốt rét trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ năm 2012 đến nay không có dịch sốt rét xảy ra, hầu hết đều là ký sinh trùng sốt rét ngoại lai; chưa phát hiện tình trạng ký sinh trùng kháng thuốc tại Thanh Hóa, không có tử vong do sốt rét.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét bền vững

Trong những năm qua với sự nỗ lực của ngành y tế, công tác phòng chống sốt rét trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ năm 2012 đến nay không có dịch sốt rét xảy ra, hầu hết đều là ký sinh trùng sốt rét ngoại lai; chưa phát hiện tình trạng ký sinh trùng kháng thuốc tại Thanh Hóa, không có tử vong do sốt rét.

Hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét bền vững

Kỹ thuật viên Trung tâm Y tế huyện Thạch Thành soi lam tìm ký sinh trùng sốt rét.

Để chủ động phòng chống sốt rét, mạng lưới y tế dự phòng đã đặt trọng tâm vào các hoạt động: Điều tra dịch tễ - côn trùng sốt rét, phát hiện các trường hợp mắc, điều trị ký sinh trùng tránh lây lan trong cộng đồng; tẩm màn hóa chất diệt muỗi vùng trọng điểm sốt rét; nâng cao kỹ năng chẩn đoán, điều trị, xét nghiệm cho tuyến y tế cơ sở. Cùng với đó, các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố đã chủ động trong công tác giám sát tại địa phương, tập trung giám sát dịch tễ, đặc biệt tại các xã, phường có di biến động dân số cao (người đi làm ăn, sinh sống... từ vùng có dịch, bệnh sốt rét trở về địa phương), cử cán bộ đến các thôn, bản tuyên truyền phòng, chống sốt rét. Cấp thuốc điều trị sốt rét cho những người có nguy cơ cao, điều trị sớm, điều trị kịp thời, không bỏ sót ca bệnh. Kết hợp lấy lam máu soi tìm ký sinh trùng gây bệnh sốt rét. Sử dụng thành thạo kỹ thuật xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh ở tất cả các điểm kính hiển vi trên địa bàn toàn tỉnh.

Đặc biệt, tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chú trọng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế, nhất là những người trực tiếp làm công tác dự phòng; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe về phòng, chống dịch bệnh với nhiều hình thức đến các địa bàn dân cư, như: Treo băng rôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi..., giúp đồng bào thay đổi về nhận thức phòng bệnh. Công tác quản lý và điều trị cho người có ký sinh trùng sốt rét, bệnh nhân sốt rét được trung tâm và các đơn vị liên quan thực hiện khá tốt. Các biện pháp kỹ thuật trong phòng chống sốt rét được triển khai đồng bộ, bảo đảm cung cấp đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện, các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho việc triển khai các hoạt động phòng chống sốt rét. Ngoài ra, trung tâm cũng tăng cường giám sát, đôn đốc chỉ đạo y tế cơ sở xây dựng kế hoạch phòng chống sốt rét; phát hiện, soi lam chẩn đoán và gửi lam kiểm tra đúng quy định; tổ chức phun, tẩm hóa chất diệt muỗi trước mùa mưa tại các xã, thôn, bản vùng sốt rét lưu hành... nhằm tiêu diệt và hạn chế sự phát triển của véc-tơ truyền bệnh. Riêng số bệnh nhân mắc sốt rét được chẩn đoán, điều trị kịp thời, quản lý giám sát dịch tễ chặt chẽ, bảo đảm quy trình chuyên môn, hạn chế lây lan trong cộng đồng.

Bác sĩ Đỗ Thanh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Bệnh sốt rét là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với tỷ lệ mắc và tử vong đáng kể nhất. Bệnh lây truyền chủ yếu là qua muỗi Anopheles. Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, song có thuốc điều trị đặc hiệu và bệnh có thể phòng chống được. Thanh Hóa là tỉnh có dân số sống trong vùng sốt rét lưu hành, vùng nguy cơ sốt rét quay trở lại chiếm trên 25,6%; địa bàn rộng, giao thông đi lại ở vùng núi còn nhiều khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa, lũ... là những yếu tố có thể làm bùng phát dịch bệnh sốt rét nếu có mầm bệnh không được giám sát, quản lý chặt chẽ. Từ đầu năm 2020 đến nay, trung tâm luôn duy trì tốt công tác giám sát dịch tễ ở các huyện, thị xã, thành phố, nhất là các xã trọng điểm của bệnh sốt rét. Mới đây trung tâm đã tổ chức triển khai kế hoạch ra quân phòng chống sốt rét xuân hè năm 2020 với các mục tiêu: Phát hiện, điều trị cho 100% bệnh nhân sốt rét và đối tượng nghi ngờ; xét nghiệm lại lam máu cho 100% đối tượng có ký sinh trùng cũ, điều trị tiệt căn, chống tái phát cho 100% đối tượng còn ký sinh trùng; phun, tẩm hóa chất cho 100% hộ gia đình có chỉ định... Đồng thời, tăng cường các hoạt động điều tra dịch tễ, giám sát tại các địa phương, tuyên truyền sâu rộng về các biện pháp phòng chống sốt rét tại cộng đồng nhằm giúp người dân có kiến thức phòng bệnh, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị kịp thời các ca mắc sốt rét, không để xảy ra tử vong do sốt rét. Ngành y tế cũng khuyến cáo người dân ở các vùng có bệnh sốt rét lưu hành, cần mặc quần dài, áo tay dài khi đi làm nương, làm rừng, bôi thuốc xua muỗi lên những nơi da hở, đốt hương muỗi, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng. Người dân cũng có thể làm cửa lưới, mành rèm chống muỗi ở các cửa sổ để giảm tối đa sự xâm nhập của muỗi vào nhà. Điều quan trọng nhất, hữu hiệu nhất để phòng chống sốt rét hiện nay là phải ngủ màn thường xuyên và màn phải được tẩm hóa chất và phun hóa chất diệt muỗi... Khi thấy các triệu chứng của bệnh sốt rét, như: rét run, sốt nóng sau đó vã mồ hôi, hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]