Ý nghĩa ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội đối với cách mạng Việt Nam
Ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng, ghi nhận sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo tài tình và chiến lược hiệu quả trong quá trình giải phóng và tiếp quản Thủ đô. Bài học về xác định vai trò của Thủ đô trong tiến trình kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và mối quan hệ giữa Thủ đô với cả nước; bài học về chuẩn bị tốt mọi mặt khi thời cơ đến, hành động quyết đoán, thực hành tiếp quản thắng lợi trong giai đoạn lịch sử quan trọng ấy vẫn còn nguyên giá trị.
Hình ảnh đoàn quân chiến thắng vào tiếp quản Thủ đô. Ảnh tư liệu.
Xác định vai trò của Thủ đô Hà Nội trong tiến trình kháng chiến chống thực dân Pháp
Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Từ thân phận nô lệ, Nhân dân Việt Nam đã thực sự trở thành người làm chủ đất nước. Nhưng thực dân Pháp với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, ngày 23/9/1945 đã gây hấn tại Nam bộ, rồi phát động chiến tranh ra cả nước.
Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, ngay trong đêm 19/12/1946, quân và dân Hà Nội đồng loạt nổ súng vào các vị trí đóng quân của thực dân Pháp trong thành phố, chính thức mở đầu cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ độc lập, tự do của quân và dân ta trên phạm vi cả nước.
Hà Nội là “trái tim” của đất nước Việt Nam, là địa bàn chiến lược quan trọng. Chọn Hà Nội là địa phương mở đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là một quyết định đúng đắn, sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ. Quán triệt phương châm vừa kháng chiến vừa kiến quốc của Đảng, trong quá trình kháng chiến, Hà Nội đã phát huy cao độ khả năng và tinh thần tự lực tự cường; đồng thời luôn phối hợp với chiến trường cả nước.
Trải qua 60 ngày đêm (19/12/1946 đến 18/2/1947) chiến đấu anh dũng, sáng tạo và quyết liệt, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc một cách oanh liệt và quả cảm nhất, đã đánh gần 200 trận, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu gần 2.000 địch, giam chân địch dài ngày và tiêu hao sinh lực địch để hậu phương có điều kiện tổ chức và triển khai thế trận chiến đấu lâu dài. Các cơ quan đầu não và các lực lượng kháng chiến của ta an toàn rút khỏi Hà Nội lên chiến khu tiếp tục lãnh đạo kháng chiến; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao phó, đó là chặn đứng ý định của thực dân Pháp đánh chiếm và làm chủ thành phố trong vòng 24 giờ, bước đầu đánh bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của chúng.
Trong 9 năm kháng chiến, mặc dù trong lòng địch nhưng quân và dân Thủ đô Hà Nội vừa trực tiếp đánh địch bằng nhiều hình thức, vừa tích cực chi viện, chia lửa cho các chiến trường, đặc biệt là chiến trường Điện Biên Phủ, góp phần cùng cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn thương lượng và ký Hiệp định Giơnevơ (ngày 21/7/1954) về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc nước ta.
Chuẩn bị tốt mọi mặt đợi thời cơ đến, hành động quyết đoán, thực hành tiếp quản thắng lợi, hoàn thành sự nghiệp giải phóng Thủ đô
Sau thời gian dài kháng chiến gian khổ, Hội nghị Giơnevơ kết thúc, Hiệp định Giơnevơ về đình chiến ở Đông Dương được ký kết, điều này đồng nghĩa với việc thực dân Pháp phải rút hết quân khỏi Đông Dương. Mặc dù vậy, Hà Nội vẫn còn nằm trong khu vực tập kết của quân đội Pháp trong 80 ngày. Lợi dụng khoảng thời gian cuối cùng này, quân Pháp ráo riết tổ chức các hoạt động phá hoại Thủ đô về mọi mặt.
Trước tình hình mới, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã dựa vào dân, chủ trương lãnh đạo Nhân dân Thủ đô đoàn kết đấu tranh đòi thi hành Hiệp định, bảo vệ thành phố, chống địch phá hoại; đồng thời đẩy mạnh phát triển lực lượng cách mạng trong thành phố, phối hợp với các lực lượng từ chiến khu trở về tiếp quản Thủ đô.
Việc tiếp quản Thủ đô, giải phóng hoàn toàn Hà Nội có một ý nghĩa hết sức trọng đại đối với sự nghiệp kháng chiến của cả nước. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, Thành uỷ Hà Nội đã chuẩn bị kế hoạch tiếp quản thành phố một cách vô cùng chu đáo. Ngày 17/9/1954, theo quyết định của Chính Phủ, Uỷ ban Quân chính Hà Nội được thiết lập, bộ máy tiếp quản được tổ chức. Trung ương ban hành và phổ biến cho cán bộ tiếp quản các chỉ thị: “Bảo vệ thành phố mới được giải phóng” cùng “8 chính sách đối với thành phố mới được giải phóng” và “10 điều kỷ luật của bộ đội, nhân viên công tác khi vào thành phố mới được giải phóng”. Uỷ ban Quân chính đã chuẩn bị một lực lượng quân - dân đủ mạnh để phòng và khắc phục mọi hậu quả âm mưu phá hoại của kẻ địch gây ra.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và trực tiếp là Đảng ủy tiếp quản, các tầng lớp Nhân dân Thủ đô, nòng cốt là công nhân, tự vệ các nhà máy, xí nghiệp, công sở, đã đấu tranh quyết liệt với địch, bảo vệ gần như nguyên vẹn máy móc, thiết bị, hồ sơ, nguyên vật liệu; đồng thời đấu tranh chống địch cưỡng ép di cư vào Nam. Cùng thời gian này, cuộc đấu tranh của ta trên bàn Hội nghị ngoại giao ở Phù Lỗ cũng giành thắng lợi, buộc thực dân Pháp phải chuyển giao thành phố cho ta theo đúng nguyên tắc đã quy định tại Hiệp định Giơnevơ.
Đúng 16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên; quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị Quân đội Nhân dân chia làm nhiều cánh lớn mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội. Nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng, với niềm vui sướng tột độ đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về.
15 giờ chiều cùng ngày, người dân Hà Nội trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức với sự có mặt của các đơn vị Quân đội Nhân dân tham gia tiếp quản thành phố. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh cột cờ cổ kính. Công cuộc tiếp quản Thủ đô an toàn, nhanh gọn, thành công tốt đẹp. Ta đã tiếp thu tuyệt đối an toàn và nhanh gọn toàn bộ các vị trí quân sự của địch và 129 công sở, công trình công cộng, xí nghiệp, bệnh viện, trường học. Sinh hoạt của Nhân dân được bình ổn, an ninh chính trị, trật tự xã hội được bảo đảm. Bộ máy của các cơ quan chức năng về kinh tế, chính trị, xã hội, y tế, giáo dục hoạt động đều, giao thông, liên lạc, bưu điện giữa Hà Nội với các tỉnh được thông suốt.
Để khắc phục những khó khăn, nhất là về mặt đời sống vật chất của Nhân dân trong những ngày mới giải phóng, Uỷ ban Quân chính thống nhất ban hành chủ trương: ngoài nhiệm vụ chính là sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Thành phố, lực lượng vũ trang nhân dân Thủ đô cần tích cực tham gia mọi hoạt động giúp đỡ Nhân dân, nhanh chóng phục hồi sản xuất, góp phần khôi phục nền kinh tế, tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân - dân cả nước.
Đảng bộ và chính quyền Thành phố Hà Nội đã lãnh đạo các cấp, các ngành cùng Nhân dân cả nước đoàn kết, nỗ lực chung tay khẩn trương khôi phục những cơ sở bị chiến tranh tàn phá, ổn định tình hình, từng bước vượt qua khó khăn; khắc phục những hậu quả của chế độ thực dân để lại; tổ chức lại sản xuất, đảm bảo đời sống Nhân dân, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu của CNXH ở miền Bắc, cùng Nhân dân miền Bắc dốc sức chi viện cho chiến trường miền Nam.
Trong suốt chặng đường hành quân lịch sử từ ngày toàn quốc kháng chiến đến ngày trở về giải phóng Thủ đô, vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh, quân và dân Hà Nội đã lập nên mốc son chói lọi làm nức lòng quân và dân cả nước, để lại những bài học quý giá cho chặng hành quân tiếp theo trên con đường độc lập, dân tộc và CNXH, tiến tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.
ThS. Lê Hải Yến
Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa
-----------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) “Thiên sử vàng của quân dân Thủ đô anh dũng”, NXB Hà Nội, 2014;
(2) Phim tài liệu “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - biên niên sử truyền hình”;
(3) Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 3 (1945-1995), NXB Giáo dục 1998.
{name} - {time}
-
2025-01-22 09:08:00
Đề xuất Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được tăng thêm không quá 15 Phó Giám đốc sở
-
2025-01-21 14:43:00
Bảo đảm bộ máy nhà nước đi vào hoạt động thông suốt sau khi thực hiện sắp xếp
-
2024-10-09 12:03:00
Lực lượng mũi nhọn trong phòng, chống tội phạm kinh tế và tham nhũng
Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội
Điều động, luân chuyển cán bộ để “luyện sắt - mài kim” (Bài cuối): “Kim” sáng từ “lửa”
Xứng đáng là điểm tựa vững chắc của đoàn viên, người lao động
Điều động, luân chuyển cán bộ để “luyện sắt - mài kim” (Bài 2): Tôi luyện để trưởng thành
Cầu nối giữa người lao động với doanh nghiệp
Phát huy vai trò các cấp công đoàn viên chức trong tham gia cải cách hành chính
Điều động, luân chuyển cán bộ để “luyện sắt - mài kim” (Bài 1): “Thử lửa” ở cơ sở
Quyết tâm giải quyết hồ sơ quá hạn
Đổi mới vì sự hài lòng của người dân