Xúc tiến các hoạt động thu hút và hỗ trợ đầu tư
Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 161 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 14,65 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và đứng thứ 8 cả nước. Cùng với hàng ngàn dự án đầu tư trong nước đã và đang phát huy hiệu quả, đã khẳng định sức hấp dẫn cũng như hiệu quả của các hoạt động xúc tiến đang được triển khai.
Dự án Nhà máy Công nghiệp SAB Việt Nam tại Khu Công nghiệp Bỉm Sơn hoàn thiện và đi vào vận hành trong quý I/2024.
Ngay từ đầu năm nay, hoạt động đối ngoại gắn với xúc tiến đầu tư đã được tỉnh Thanh Hóa và các cấp, ngành liên quan đẩy mạnh. Lãnh đạo tỉnh đã tiếp và làm việc với một số ngân hàng, tập đoàn, nhà đầu tư lớn như: Ngân hàng Thế giới, Tập đoàn DIC, Tập đoàn SAB, Tập đoàn Sovico, Tập đoàn WHA, Công ty CP Tập đoàn TH... Cùng với việc quảng bá tiềm năng, giới thiệu các ngành, nghề, dự án đang ưu tiên thu hút đầu tư, lãnh đạo tỉnh cũng đã tìm hiểu, nghe và chia sẻ, tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy các hoạt động đầu tư vào địa bàn đối với nhiều dự án lớn, trọng điểm, như: Nhà máy Điện khí LNG Nghi Sơn; Nhà máy Hóa chất Đức Giang; Dự án Đầu tư xây dựng và khai thác hạ tầng Khu Công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng; Dự án đầu tư Khu Công nghiệp Phú Quý; Trung tâm Thương mại Quảng Thành; Dự án Đầu tư xây dựng sân golf phía Tây Nam TP Thanh Hóa...
Tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh, ngay từ đầu năm 2024, ban đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành đón tiếp 2 đoàn nhà đầu tư nước ngoài và 3 đoàn nhà đầu tư trong nước tới tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Thanh Hóa.
Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I năm nay, toàn tỉnh thu hút được 25 dự án đầu tư trực tiếp; trong đó có 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 3.400 tỷ đồng và 60,6 triệu USD, tăng 75,5% so với cùng kỳ. Các dự án được đăng ký đầu tư năm nay có mặt ở tất cả các vùng miền trong tỉnh từ đồng bằng, ven biển đến miền núi và tập trung ở các lĩnh vực: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, khai khoáng... Cùng với công tác hỗ trợ của tỉnh Thanh Hóa, nhiều dự án đầu tư mới, dự án công nghiệp cũng đã hoàn thành, đi vào hoạt động.
Ông Tseng Jung Huei, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Lợi, chia sẻ: “Tập đoàn Hoa Lợi hiện có năng lực sản xuất 220 triệu sản phẩm mỗi năm. Tại Thanh Hóa, sau 10 năm đầu tư, tập đoàn đã có 20 nhà máy đi vào hoạt động, tạo việc làm cho 120.000 lao động. Mặc dù còn nhiều khó khăn về tình hình tiêu thụ nhưng với động lực khuyến khích và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, chúng tôi đang quyết tâm hoàn thành đầu tư 10 nhà máy tại các huyện: Thạch Thành, Bá Thước, Cẩm Thủy, Thường Xuân, Thiệu Hóa, Hậu Lộc..., tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương”.
Đặc biệt, với các nỗ lực xúc tiến đầu tư, năm 2024, thu hút FDI của Thanh Hóa kỳ vọng khởi sắc với nhiều dự án mới quy mô lớn như: Nhà máy Điện khí LNG Nghi Sơn (vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,5 tỷ USD), dự án Khu Công nghiệp phía Tây TP Thanh Hóa của Tập đoàn Sumitomo (400 triệu USD); Dự án Trung tâm Thương mại Aeon Mall (170 triệu USD), 2 dự án khu công nghiệp của Tập đoàn WHA (110 triệu USD)...
Đáng chú ý, Dự án Nhà máy Điện khí LNG có quy mô đầu tư khoảng 2,5 đến 3 tỷ USD được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 hiện đang thu hút sự quan tâm của 5 nhóm nhà đầu tư lớn tầm cỡ thế giới và được kỳ vọng trở thành động lực mới cho ngành năng lượng Thanh Hóa. Đây là dự án lớn thứ ba của tỉnh Thanh Hóa, sau dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2. Việc lựa chọn nhà đầu tư cho dự án dự kiến sẽ được thực hiện trong quý II/2024 và công tác đầu tư dự tính sẽ được hoàn thành trước năm 2030.
Cùng với đó, Dự án Khu Công nghiệp phía Tây TP Thanh Hóa của Tập đoàn Sumitomo dự kiến cũng sẽ được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong năm 2024. Thời gian qua, Tập đoàn Sumitomo Corporation thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến việc phát triển và vận hành này với diện tích phát triển dự kiến là 650ha và trung tâm tiếp vận, đô thị xung quanh khu công nghiệp với diện tích phát triển dự kiến khoảng 168,5ha. Dự án dự kiến sẽ được triển khai trong giai đoạn 2024-2025, với tổng số vốn hơn 400 triệu USD.
Thanh Hóa đặt kỳ vọng thu hút thành công 30 tỷ USD nguồn vốn đầu tư trực tiếp trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, mục tiêu sẽ tiếp cận và xúc tiến từ 3 - 6 công ty sở hữu công nghệ gốc nằm trong top 500 công ty xuyên quốc gia trên thế giới. Ngoài các địa bàn truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Cô-oét... thì các thị trường Mỹ, châu Âu, Nga, các tập đoàn lớn từ các nước phát triển đang là đích hướng tới. Với “chất xúc tác” mạnh mẽ từ các hoạt động xúc tiến, đối ngoại, kỳ vọng Thanh Hóa sẽ đón nhận thêm các dòng vốn chất lượng cao trong tương lai rất gần.
Bài và ảnh: Tùng Lâm
{name} - {time}
-
2024-11-15 08:30:00
Thanh Hóa trong Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
-
2024-11-08 14:29:00
Như Xuân kiến tạo “bộ khung” phát triển
-
2024-03-06 14:53:00
Quy tắc 72 - công thức đơn giản để tăng gấp đôi khoản đầu tư
736 mặt bằng được phê duyệt danh mục dự án đấu giá quyền sử dụng đất năm 2024
Triển vọng hợp tác đầu tư, thương mại Thanh Hóa – Italia
Vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 10 tháng tăng 54% so với cùng kỳ
Rộng mở dư địa xuất nhập khẩu với thị trường Hàn Quốc
Nỗ lực thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp
Tiếp cận công nghệ, xúc tiến hợp tác với doanh nghiệp Hàn Quốc
Hiệu quả hoạt động nâng cao chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế
Quảng Xương nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư
Triển vọng thu hút dòng vốn “ngoại”