Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung, Phó Trưởng ban kiêm Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, cho biết từ nay đến ngày 31/10/2025, cả nước cần khởi công xây dựng mới, sửa chữa trên 61.800 căn nhà tạm, nhà dột nát.

Xóa nhà tạm, nhà dột nát: Đã hoàn thành 77% kế hoạch

Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung, Phó Trưởng ban kiêm Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, cho biết từ nay đến ngày 31/10/2025, cả nước cần khởi công xây dựng mới, sửa chữa trên 61.800 căn nhà tạm, nhà dột nát.

Xóa nhà tạm, nhà dột nát: Đã hoàn thành 77% kế hoạch

Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Đến nay, các địa phương đều đã xây dựng kế hoạch, cách thức triển khai, xác định tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, khó khăn nhất là kinh phí hỗ trợ. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần điều chỉnh các nguồn kinh phí hợp lý để bảo đảm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Cả nước còn trên 61.800 căn cần xây dựng

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trên quy mô toàn quốc, từ phiên họp thứ 3 (ngày 10/3/2025) đến nay, tình hình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã chuyển đổi nhanh và kết quả rõ rệt hơn. Các địa phương đã hoàn thành việc rà soát nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn gửi báo cáo về Trung ương.

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, các địa phương đã xây dựng kế hoạch, cách thức triển khai, xác định tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Trong đó 9 tỉnh có thời gian chậm nhất cũng đều đăng ký đến ngày 31/10 hoàn thành; 9 tỉnh đăng ký tháng Chín hoàn thành.

Như vậy, có 18 tỉnh đăng ký hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn trong tháng Chín, còn lại đều đăng ký trong tháng 10/2025.

Tại phiên họp thứ ba, đã có 7 địa phương xóa xong nhà tạm nhà dột nát. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết từ phiên họp thứ ba, đã có thêm 8 địa phương hoàn thành vào dịp 30/4, bao gồm: Thái Nguyên, Tây Ninh, Bình Phước, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Kiên Giang, Khánh Hòa.

Trong số 8 địa phương kể trên, có 3 địa phương hoàn thành 100% ở cả ba lĩnh vực là Cần Thơ, Khánh Hòa và Tây Ninh. 5 địa phương còn lại (Thái Nguyên, Kiên Giang, Bình Phước, Vĩnh Long, Trà Vinh), có địa phương còn nợ lĩnh vực nhà của người có công, có địa phương nợ chương trình mục tiêu giảm nghèo.

Theo đăng ký của các địa phương, trong tháng Năm này sẽ có thêm 6 địa phương hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đến tháng Sáu sẽ có thêm 16 địa phương đăng ký hoàn thành. Như vậy theo kế hoạch, cuối tháng Sáu, đầu tháng Bảy tới, có khả năng có 37 địa phương hoàn thành chương trình, có thể sơ kết bước đầu được. 26 địa phương còn lại đăng ký từ tháng Bảy đến tháng Mười sẽ hoàn thành.

Về số lượng nhà đã triển khai, ông Dung cho biết đến ngày 11/5, đã xóa được 209.000 căn nhà trên tổng số rà soát đăng ký đợt cuối cùng là 270.800 căn, trong đó khánh thành 111.000 căn, khởi công 98.000 căn (đạt 77%).

“Như vậy, từ phiên họp thứ ba đến nay đã tăng 87.000 căn, bình quân chúng ta đạt 26 căn nhà/1 địa phương mỗi ngày. Đối tượng hộ cận nghèo thuộc chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát (không nằm trong nguồn người có công) là đối tượng khó khăn nhất thì tỷ lệ hoàn thành lại cao nhất, đạt 80% cả nước,” ông Dung thông tin.

Về huy động nguồn lực hỗ trợ, đến ngày 10/5, cả nước đã có 3.142.8 tỷ đồng theo phương án huy động ngày 5/10/2024 (đạt 91,8%).

Đối với xã hội hóa các nguồn lực, theo báo cáo của các địa phương, cả nước đã huy động được hơn 1.807 tỷ đồng, đóng góp của các hộ gia đình được 1.074 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương còn huy động 321.000 ngày công, 660 tấn ximăng, 500m3 đá, 310.000 viên gạch, 150 khối cát nền, 3.000 viên ngói.

Ông Dung cũng nhìn nhận khó khăn nhất hiện nay là kinh phí hỗ trợ để làm nhà người có công (Trung ương chưa hỗ trợ kinh phí). Tuy vậy, nhiều địa phương đã cố gắng ứng trước hoặc vận động kinh phí để xóa được 50,79%.

Về kế hoạch triển khai trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết số nhà tạm, nhà dột nát thuộc 3 đối tượng cần khởi công xây dựng mới, sửa chữa vẫn còn rất lớn, trong khi thời gian còn lại ngắn. Cụ thể, từ nay đến ngày 31/10, cả nước cần khởi công xây dựng trên 61.800 căn.

Điều chỉnh kinh phí, hoàn thành đúng tiến độ

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương cần phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai bám sát kế hoạch đặt ra bảo đảm hoàn thành mục tiêu trước ngày 31/10/2025; nhất là 18 địa phương đăng ký kế hoạch hoàn thành vào tháng Chín và tháng Mười năm nay (bởi đây là các địa phương có số lượng nhà còn rất nhiều, đang gặp nhiều khó khăn cả trong huy động nguồn lực và triển khai thực hiện).

Ngoài ra, ông Dung cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính sớm trình cấp có thẩm quyền phân bổ kinh phí hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ để các địa phương triển khai thực hiện.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng lưu ý nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa cho ý kiến, thì Thủ tướng và Ban Chỉ đạo cho phép địa phương ứng trước kinh phí từ nguồn quỹ của địa phương để hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và thực hiện hoàn ứng sau khi trung ương phân bổ kinh phí trên cơ sở nguyên tắc không vượt quá tổng số nhà, số tiền cần hỗ trợ địa phương đã báo cáo Bộ Xây dựng gửi Bộ Tài chính.

Người đứng đầu Bộ Dân tộc và Tôn giáo cũng đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì sửa đổi, bổ sung Thông tư về định mức hỗ trợ nhà ở thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm thống nhất với mức hỗ trợ chung của chương trình; định mức hỗ trợ mà Thủ tướng đã kết luận, quyết định nâng mức từ 20 - 40 triệu đồng lên 30 - 60 triệu đồng.

Ông Dung cũng nêu quan điểm cần thống nhất nguyên tắc điều chỉnh kinh phí hỗ trợ từ nguồn kinh phí huy động tại chương trình phát động và kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024; kinh phí từ Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát; và kinh phí Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương,... đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương.

Về phía Bộ Dân tộc và Tôn giáo, phát biểu kết luận tại phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo vào sáng 11/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo, đã giao bộ này theo dõi sát, thường xuyên đôn đốc, yêu cầu các địa phương rà soát, hoàn thiện kế hoạch theo ngày, tuần, tháng, quý và từ nay đến 31/10/2025 để hoàn thành mục tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Dân tộc và Tôn giáo phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kinh phí hỗ trợ từ nguồn kinh phí huy động tại Chương trình phát động và kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 phù hợp với nhu cầu thực tế qua rà soát của địa phương, hoàn thành trước ngày 20/5/2025; phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ nguồn kinh phí từ Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương cho các địa phương để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, hoàn thành trước ngày 20/5/2025.

Cùng với đó, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản hướng dẫn mức hỗ trợ nhà ở thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm thống nhất với mức hỗ trợ chung của chương trình, hoàn thành trong tháng 5/2025; chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để hoàn thành theo mục tiêu đặt ra...

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đôn đốc các tổ chức tín dụng trong hệ thống tích cực tham gia hỗ trợ và chuyển kinh phí hỗ trợ cho các địa phương.

Đặc biệt, các địa phương kịp thời rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp tại địa phương phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sau khi sắp xếp để chỉ đạo công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tại địa phương, bảo đảm tính liên tục, không gián đoạn; ưu tiên tổ chức triển khai ngay hỗ trợ nhà ở cho người có công khi nhận nguồn kinh phí phân bổ.

Ngoài ra, các địa phương cần thực hiện có hiệu quả việc huy động, vận động mọi nguồn lực để hỗ trợ các hộ dân, tiết kiệm chi phí xây dựng, sửa chữa nhà ở, bởi mỗi căn nhà là “một món quà,” “một mái ấm,” thể hiện trách nhiệm, tình thương, tình dân tộc, nghĩa đồng bào, sự sẻ chia của cả cộng đồng./.

Theo TTXVN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]