Xây thành lũy lòng dân
Thanh Hóa có đường biên giới đất liền dài 213,6km trải dọc 16 xã với 92 cột mốc, giáp 3 huyện Sốp Bâu, Viêng Xay, Sầm Tớ của tỉnh Hủa Phăn (Lào) và là nơi tập trung gần 75.000 đồng bào dân tộc thiểu số. Khu vực này không chỉ có ý nghĩa đặc biệt về quốc phòng - an ninh mà còn giữ vai trò quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao. Biên giới phía Tây Thanh Hóa thực sự là “phên dậu” vững chắc của Tổ quốc.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Quang Chiểu giúp người dân trên địa bàn gặt lúa. Ảnh: Đỗ Đông
Trước năm 1999, trong 16 xã biên giới của tỉnh, có 11 bản chưa có đảng viên, 5 bản có đảng viên nhưng chưa đủ điều kiện lập chi bộ. Trong khi đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều phức tạp: tội phạm ma túy, buôn bán người, vượt biên, truyền đạo trái phép...
Trước thực trạng đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Thanh Hóa (nay là Ban Chỉ huy BĐBP, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa) đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch đưa cán bộ biên phòng tăng cường về các xã biên giới. Chủ trương này nhằm củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từng bước hình thành thế trận biên phòng toàn dân gắn với quốc phòng toàn dân.
Chủ trương tăng cường cán bộ biên phòng về xã biên giới là cụ thể hóa Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 8/8/1998 của Bộ Chính trị khóa VIII về việc xây dựng lực lượng BĐBP vững mạnh và Kế hoạch số 99/KH-BTL ngày 20/11/1998 của Bộ Tư lệnh BĐBP - Bộ Quốc phòng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng đã ban hành Thông báo số 55/TB-TU ngày 27/3/2006 và Quy định số 278/QĐ-TU ngày 25/5/2006, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quan hệ công tác của cán bộ BĐBP tăng cường giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã biên giới.
Hơn 25 năm qua, hàng chục lượt cán bộ, sĩ quan BĐBP đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tăng cường tại cơ sở. Tính đến hết tháng 6/2025, toàn tỉnh có 4 cán bộ biên phòng tham gia cấp ủy huyện, 19 đồng chí giữ chức bí thư, phó bí thư hoặc chủ tịch xã, 3 đồng chí là đại biểu HĐND huyện, 4 đồng chí là đại biểu HĐND xã. Dù đảm nhiệm vai trò nào, họ đều phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, vừa là người lính biên phòng, vừa là “người con của bản”, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh biên giới.
Đại tá Nguyễn Văn Đông, Phó Chính ủy Ban Chỉ huy BĐBP Thanh Hóa, chia sẻ: “Cán bộ biên phòng tăng cường xã biên giới là những “người cán bộ hai vai”. Họ vừa làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, vừa gánh vác công tác lãnh đạo địa phương. Trọng trách lớn gấp đôi, đòi hỏi mỗi người phải thực sự tiêu biểu: có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn cao, phong cách làm việc khoa học, gần dân, am hiểu tiếng dân tộc thiểu số và phong tục tập quán của Nhân dân”.
Trung tá Lò Văn Hậu, từ ngày 1/3/2023 được tăng cường về xã Na Mèo (huyện Quan Sơn cũ), giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã, phụ trách quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị. “Ngay khi nhận nhiệm vụ, tôi cùng Ban Thường vụ Đảng ủy xã tập trung chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả như trồng khoai mán ruột vàng, trồng lúa nước hai vụ, trồng vầu... ở các bản Son, Ché Lầu”, anh Hậu kể. Không chỉ vậy, anh thường xuyên xuống cơ sở, trực tiếp dự sinh hoạt chi bộ thôn, bản, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đảng viên, quần chúng, kịp thời tháo gỡ những vấn đề phát sinh. Anh Hậu còn tham mưu Thường trực Đảng ủy xã chỉ đạo Công an xã phối hợp Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma túy, ngăn chặn truyền đạo trái pháp luật, góp phần giữ bình yên biên giới. Với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, anh cùng chính quyền địa phương vận động, hỗ trợ xóa nhà tạm, dột nát cho 132 hộ khó khăn theo Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 30/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025.
Năm 2024, khi được tăng cường về xã biên giới Nhi Sơn, một trong những địa bàn có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, Trung tá Lê Hữu Nghị được phân công giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã. Ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, anh đã nhanh chóng bắt nhịp công việc, cùng tập thể Đảng bộ xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển các mô hình sản xuất, huy động nhiều nguồn lực xây dựng các công trình NTM. Dù thời gian đảm nhận nhiều trọng trách chưa dài, nhưng những kết quả đạt được đã rất đáng khích lệ. Từ xuất phát điểm thấp, đến nay, xã Nhi Sơn đã hoàn thành 13/19 tiêu chí NTM. Theo Trung tá Nghị, thành quả này có được nhờ phát huy dân chủ ở cơ sở. Trong quá trình triển khai công việc, anh luôn trao đổi, bàn bạc trong tập thể Đảng ủy, UBND xã để thống nhất từ nhận thức đến hành động. Quan trọng hơn cả là tạo được sự đồng thuận của người dân, mà muốn làm được điều đó thì cán bộ phải thực hiện đúng phương châm “5 cùng” với Nhân dân.
Trung tá Vi Văn Thiều (ngoài cùng bên trái) thăm mô hình chè Tán Ma của đồng bào Thái ở bản Poọng 2. Ảnh: Thanh Sơn
Tại xã Hiền Kiệt, Trung tá Vi Văn Thiều cũng đang để lại dấu ấn đậm nét khi được tăng cường giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã từ cuối năm 2023. Anh Thiều nhận thức sâu sắc rằng: “Phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng thế trận biên phòng toàn dân có ý nghĩa chiến lược lâu dài”. Vì vậy, anh cùng cấp ủy xã tập trung huy động nguồn lực, lồng ghép hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng - an ninh với XDNTM. Mô hình “Bản sáng vùng biên” tại bản Chiềng Căm trở thành điểm sáng, góp phần nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho người dân nơi đây. Anh Thiều còn vận động bà con giữ gìn những đồi chè bản địa, phát triển sản phẩm chè truyền thống “Tán Ma” đạt OCOP 3 sao.
Đánh giá về hiệu quả cán bộ biên phòng tăng cường, ông Lê Duy Hằng, Bí thư Đảng ủy xã Hiền Kiệt, khẳng định: “Chủ trương tăng cường cán bộ biên phòng là quyết sách rất đúng và trúng. Đồng chí Vi Văn Thiều đã phát huy tốt vai trò, tham mưu phát triển kinh tế, giữ vững an ninh, thắt chặt mối quan hệ quân - dân, củng cố niềm tin của Nhân dân nơi biên cương”.
Những “người lính hai vai” đã góp phần quan trọng xóa “bản trắng đảng viên”, xây dựng các chi bộ đảng hoạt động nền nếp. Nhờ đó, đời sống đồng bào vùng biên ngày càng ổn định, ý thức chấp hành pháp luật nâng lên rõ rệt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; không để hình thành các điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự. Thế trận biên phòng toàn dân, quốc phòng toàn dân ngày càng được củng cố, tạo sức mạnh tổng hợp sẵn sàng ứng phó mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Không chỉ bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng, những cán bộ biên phòng tăng cường còn góp phần bồi đắp tình đoàn kết đặc biệt giữa Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn (Lào), giữ vững đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.
Sau gần ba thập kỷ, dấu chân những người lính biên phòng vẫn in đậm trên khắp nẻo đường biên cương. Nơi đó, “thành quả sức lính” đã vun đắp nên “thành lũy lòng dân”, dựng thế trận vững chắc, trao gửi niềm tin để những vùng đất biên giới ngày càng ấm no, bình yên.
BÁ PHƯỢNG
{name} - {time}
-
2025-07-19 19:51:00
Kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (29/7/1930 - 29/7/2025): Từ những “đốm lửa” nhỏ...
-
2025-07-19 16:28:00
Bế mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
-
2025-07-19 14:18:00
Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
Giám đốc Công an tỉnh làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy 8 xã
Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho hội viên phụ nữ
Giám sát, phản biện xã hội theo hướng coi trọng thực chất, hiệu quả
Những nội dung quan trọng tại Hội nghị thứ 12 BCH Trung ương Đảng khóa XIII
Sáng suốt với “quyền tự quyết”
Xã Thiệu Tiến dâng hương tại Khu di tích lịch sử cách mạng Nhà thờ họ Vương
Động lực mới - tâm thế mới
Đấu tranh với tội phạm đánh bạc trên không gian mạng
Để không còn cảm tính trong đánh giá cán bộ