Xây dựng sản phẩm du lịch cho thị trường khách cao cấp
Trong bối cảnh ngành du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế, tỉnh Thanh Hóa đã xác định rõ chiến lược phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại. Trọng tâm là xây dựng hệ sinh thái dịch vụ - sản phẩm chất lượng, nâng mức chi tiêu của du khách và thu hút thị trường khách cao cấp.
Với tiện ích đồng bộ, khép kín, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn ngày càng thu hút phân khúc khách hàng cao cấp.
Những năm gần đây, Thanh Hóa là một trong những địa phương thu hút lượng khách trong tốp đầu cả nước. Tuy nhiên, sự cạnh tranh phát triển du lịch giữa các địa phương ngày càng gia tăng, tạo áp lực lớn đối với Thanh Hóa trong việc thu hút và giữ chân thị trường khách có khả năng chi trả cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp du lịch của tỉnh phần lớn quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, nhiều đơn vị đang trong quá trình thích ứng với xu thế chuyển đổi số và đổi mới công nghệ. Nguồn nhân lực du lịch tuy được đào tạo, nhưng do du lịch còn mang tính mùa vụ, nhân lực luôn được tuyển mới nên chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển...
Nhằm từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm áp lực vào mùa cao điểm và đáp ứng nhu cầu của phân khúc thị trường khách cao cấp, việc thu hút đầu tư các dự án nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí đẳng cấp được tỉnh đặc biệt quan tâm. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh, đến nay có 76 dự án đầu tư kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh (18 dự án hoàn thành và 58 dự án đang triển khai), tổng vốn đăng ký khoảng 152 nghìn tỷ đồng. Trong đó có những dự án quy mô lớn, hệ thống dịch vụ đồng bộ, hướng đến đáp ứng nhu cầu khách du lịch thuộc phân khúc cao cấp đã và đang được triển khai tại các trọng điểm du lịch của tỉnh như: Dự án Quảng trường biển và trục cảnh quan lễ hội; Khu đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En; Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng Sun Beauty Onsen; Khu Du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường và Dự án Flamingo Linh Trường khu B...
Chuyên gia du lịch Ngô Kỳ Nam nhận định: “Thanh Hóa có đủ điều kiện để phát triển dòng sản phẩm du lịch cao cấp, song điều quan trọng là sản phẩm phải đồng bộ từ hạ tầng đến dịch vụ. Nếu chỉ dừng lại ở cảnh quan tự nhiên mà thiếu hệ thống dịch vụ đạt chuẩn quốc tế thì sẽ khó giữ chân khách có khả năng chi tiêu cao. Mục tiêu hiện nay là phải tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao hơn, dịch vụ tốt hơn, giá trị trải nghiệm sâu hơn để có thể cạnh tranh ở phân khúc thị trường cao cấp”. Nhận định này phản ánh đúng thực trạng nhiều điểm đến ở Thanh Hóa, tuy có tiềm năng lớn nhưng vẫn còn thiếu sự đồng bộ trong khâu tổ chức và phát triển dịch vụ cao cấp.
Hiện nay, ngoài các sản phẩm du lịch truyền thống, tỉnh Thanh Hóa đã, đang và tiếp tục khai thác hiệu quả các dòng sản phẩm du lịch thể thao, sự kiện tại Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn; Công viên nước SunWorld và trục cảnh quan lễ hội Sầm Sơn; vui chơi, giải trí kết hợp mua sắm, chăm sóc sức khỏe tại Flamingo Ibiza Hải Tiến và Anh Phát Hotels & Resorts. Ngoài ra, Thanh Hóa đã chính thức đưa vào khai thác sản phẩm du lịch trekking, với 12 tuyến du lịch đi bộ trong rừng tại các huyện miền núi, trọng tâm là hướng đến dòng khách quốc tế. Các sản phẩm du lịch mới bước đầu thu hút sự quan tâm của thị trường khách chi tiêu cao, đồng thời tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa thương hiệu, hình ảnh của du lịch Thanh Hóa.
Cùng với thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm, việc xây dựng chiến lược quảng bá phù hợp với phân khúc khách chi tiêu cao cũng từng bước được triển khai có hiệu quả. Tỉnh đã tập trung vào các kênh truyền thông chuyên biệt, tổ chức các chương trình xúc tiến tại các thị trường có khả năng chi trả cao như Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu. Bên cạnh đó, việc tham gia các hội chợ quốc tế về du lịch, tổ chức famtrip dành cho chuyên gia và báo chí chuyên ngành cũng đang được đẩy mạnh nhằm nâng cao mức độ nhận diện điểm đến Thanh Hóa đối với phân khúc khách hàng cao cấp. Mặt khác, việc quản lý chất lượng dịch vụ tại các điểm đến, kiểm soát giá cả, bảo đảm an ninh, an toàn và vệ sinh môi trường cũng được các điểm đến chú trọng.
Có thể nói, chiến lược xây dựng sản phẩm cho thị trường khách chi tiêu cao là hướng đi tất yếu và đúng đắn của du lịch Thanh Hóa trong giai đoạn mới. Khi mức sống và nhu cầu hưởng thụ của người dân ngày càng tăng, việc định vị lại thương hiệu du lịch không còn là bài toán chỉ của ngành du lịch, mà cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành và toàn xã hội. Nếu làm tốt, Thanh Hóa không chỉ tăng doanh thu từ du lịch mà còn tạo “đòn bẩy” phát triển các lĩnh vực liên quan như bất động sản nghỉ dưỡng, nông nghiệp sạch, thương mại - dịch vụ và đặc biệt là định vị thương hiệu, hình ảnh điểm đến “Hương sắc bốn mùa” trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế.
Bài và ảnh: Lê Anh
{name} - {time}
-
2025-07-10 10:13:00
Review Hồ Bơi – Nơi tổng hợp những hồ bơi được yêu thích nhất
-
2025-07-09 16:37:00
Du lịch là một trong 10 điểm sáng nổi bật của bức tranh kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm
-
2025-07-06 09:53:00
Du lịch Thanh Hóa: “Vươn mình” mạnh mẽ trên bản đồ du lịch quốc gia