(Baothanhhoa.vn) - Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính các cấp

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính các cấp

Nhận thức được vị trí, vai trò của cán bộ, công chức, viên chức trong việc xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, những năm qua, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ, được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính các cấpCông chức Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết thủ tục hành chính cho công dân. Ảnh: Thu vui

Cùng với sự lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nghiêm túc, kịp thời trong tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, đến nay chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh từng bước được nâng lên, hình thành đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ bản đã được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị, bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính các cấp.

Thực hiện tinh thần nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy Đảng, Nhà nước, đoàn thể; đến nay, so với thời điểm năm 2015, tỉnh Thanh Hóa đã giảm được 11 phòng và 3 tổ chức tương đương thuộc các sở; giảm 236 đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện xong việc sáp nhập 143 đơn vị hành chính cấp xã thành 67 đơn vị, giảm 76 đơn vị (11,97%), sáp nhập 3.100 thôn, tổ dân phố thành 1.522 đơn vị, giảm 1.578 thôn, tổ dân phố (26%). Theo đó, toàn tỉnh tinh giản 31.785 công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách. Kết quả của sự nỗ lực nêu trên của các cấp, các ngành đã góp phần không nhỏ trong việc tinh gọn bộ máy, gắn với tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của tổ chức chính trị, quản lý chính quyền cơ sở, thực hiện chính sách khuyến khích các trường hợp nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc, tạo điều kiện thuận lợi để từng bước cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

Nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ, trong những năm qua tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện đổi mới công tác tuyển dụng công chức, viên chức; đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, khắc phục tình trạng thực hiện kém hiệu quả trong thi hành công vụ; đổi mới trong đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, lựa chọn được những cán bộ lãnh đạo quản lý có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án về nguồn nhân lực, thu hút nhân tài; ban hành các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức học tập, phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành...

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có những chuyển biến tích cực, đã chú trọng tập trung vào việc đào tạo, bồi dưỡng theo chuyên đề, vị trí việc làm, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế; chất lượng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên được nâng lên; ý thức đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, kiến thức, kỹ năng, năng lực hội nhập quốc tế, kiến thức quốc phòng - an ninh, tin học, ngoại ngữ của cán bộ, công chức, viên chức cơ bản đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn theo quy định. Giai đoạn 2015-2020, số người có trình độ sau đại học tăng cao, trong 5 năm đã đào tạo 161 tiến sĩ, 1.441 thạc sĩ; đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho hơn 900 người trong nguồn quy hoạch, trung cấp lý luận chính trị cho hơn 8.000 người; bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước cho 2.393 người; bồi dưỡng cập nhật kiến thức pháp luật, đạo đức công vụ, kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ... cho khoảng 4.000 lượt người/năm, tăng gần 1.000 lượt người so với năm 2015. Đã có 2.108 cán bộ, công chức cấp xã được đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, nâng tổng số cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên đạt 99,83%; bồi dưỡng nâng cao kiến thức, đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành cho hơn 39.500 lượt người/năm.

Nhìn chung, đến nay đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đã có những bước phát triển về chất, việc sử dụng đội ngũ cũng có nhiều thay đổi, sáng tạo, phù hợp với tình hình mới, việc bố trí, tạo môi trường làm việc, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, đào tạo, bồi dưỡng được tiến hành thường xuyên; chú trọng chất lượng “đầu vào” thông qua tuyển dụng cạnh tranh, chú ý đến những nhân tố mới có tuổi đời trẻ và có năng lực, phẩm chất. Kết quả tổng hợp, thống kê cho thấy, trong số 76.748 cán bộ, công chức, viên chức hiện nay của tỉnh, có 336 tiến sĩ (0,44%), 4.631 thạc sĩ (5,7%), gần 57.459 người có trình độ đại học (74,87%), đã thu hút được 71 giảng viên có trình độ cho Phân hiệu Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa, 1 cán bộ khoa học trẻ về công tác tại Sở Công Thương.

Đạt được những kết quả tích cực trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính các cấp thời gian vừa qua, là nhờ sự quan tâm, lãnh chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, việc triển khai thực hiện kịp thời của UBND tỉnh, sự phối hợp, tổ chức thực hiện hiệu quả của các cơ quan, đơn vị trong công tác tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, thu hút nhân tài, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Nội dung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn được quan tâm chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương; cùng với sự nỗ lực của các đơn vị quản lý, các cơ sở đào tạo trong tỉnh, góp phần cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp của tỉnh đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đội ngũ giảng viên, báo cáo viên được hoàn thiện về kỹ năng, năng lực giảng dạy, nên nội dung đào tạo, bồi dưỡng được xây dựng sát với tình hình thực tế, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp thu, vận dụng kiến thức, kỹ năng vừa học vào công việc đang đảm nhận. Cùng với tinh thần học hỏi, cầu thị, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sự tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính các cấp của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tình trạng một số cơ quan, đơn vị, địa phương buông lỏng quản lý, kỷ luật kỷ cương trong thực thi công vụ chưa nghiêm, vẫn nảy sinh những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức, gây phiền hà tới người dân, doanh nghiệp. Tình trạng vi phạm pháp luật, quy chế, quy định trong hoạt động công vụ, có nhiều trường hợp bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy tố, xét xử, bao gồm cả cán bộ, công chức, viên chức từ cơ sở cho tới cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Việc tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị có nơi chưa thực sự hợp lý, vẫn còn nhiều trường hợp bố trí vị trí việc làm chưa phù hợp với chuyên môn đào tạo và năng lực thực tế.

Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự chú trọng đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; việc cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng có nơi chưa gắn chặt với quản lý, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm và quy hoạch cán bộ. Năng lực đào tạo, bồi dưỡng của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng còn hạn chế; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, bồi dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu; nội dung, chương trình dạy và học chưa thực sự gắn với thực tiễn sản xuất; đội ngũ giảng viên chưa thực sự vững về chuyên môn nghiệp vụ, việc đào tạo kỹ năng mềm chưa được quan tâm. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức tuy đã được đào tạo chuẩn hóa nhưng còn thiếu tính chuyên nghiệp theo yêu cầu tiêu chuẩn chức danh.

Những tồn tại nêu trên xuất phát từ nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đơn vị về tuyển dụng, đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Việc tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách có liên quan đến công tác tuyển dụng, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực còn gặp khó khăn do không đủ nguồn lực. Công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở một số đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa tự giác, tích cực tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, còn có tư tưởng học để đối phó cho đủ bằng cấp, sử dụng với mục đích ngoài chuyên môn.

Thanh Hóa là tỉnh có diện tích rộng, dân số đông, tăng trưởng kinh tế chưa cao, để thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, hội nhập, phát triển, việc tiếp tục xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, được trang bị đủ kiến thức, kỹ năng, đạo đức trong thi hành công vụ là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Vì vậy, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp, cụ thể như sau:

Một là, tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị, các chương trình, kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, gắn với việc tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm và quản lý công chức, viên chức theo khung năng lực, cơ cấu công chức, viên chức trên cơ sở danh mục vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, gắn với việc nâng cao chất lượng cán bộ, đội ngũ công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị.

Hai là, thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách, quy định, đổi mới phương pháp về tuyển dụng, quản lý, sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân tài, chú trọng đội ngũ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc trong nước và nước ngoài để tạo nguồn cán bộ lâu dài. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài, nhất là các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương...

Ba là, thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới trong tuyển dụng, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng chất lượng đầu vào, đồng thời cũng kết hợp hài hòa giải quyết “đầu ra” cho những cán bộ, công chức, viên chức không đủ tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn nghiệp vụ, sức khỏe, phẩm chất. Thực hiện nghiêm theo quy định của Trung ương và của tỉnh về quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm nguyên tắc, tiêu chuẩn và quy trình từ khâu đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm. Việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ cần chú ý đến những nhân tố mới, có tuổi đời trẻ, có năng lực và phẩm chất đạo đức tốt.

Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp về đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tự đào tạo, tự bồi dưỡng. Thực hiện kiểm tra, thanh tra để tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấn chỉnh lề lối và phương pháp làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và ý thức tổ chức kỷ luật cho cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo đủ năng lực, đạo đức công vụ để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nguyễn Xuân Thủy

Giám đốc Sở Nội vụ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]