(Baothanhhoa.vn) - Theo tuyến đường tuần tra biên giới, tôi về lại xã Tam Lư (Quan Sơn) những ngày cuối thu. Sau làn sương mỏng manh, những bản, làng hiện ra trước mắt tôi giống như một xứ sở hoàn toàn khác, vừa đơn sơ, vừa mới mẻ và đầy sức sống. Theo giới thiệu của lãnh đạo xã, tôi tìm đến nhà ông Hà Ngọc Toan, bí thư chi bộ, trưởng bản Hát - người có công lớn giúp đồng bào các dân tộc nơi đây phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Về Tam Lư nghe bí thư chi bộ kể chuyện giúp dân giảm nghèo

Theo tuyến đường tuần tra biên giới, tôi về lại xã Tam Lư (Quan Sơn) những ngày cuối thu. Sau làn sương mỏng manh, những bản, làng hiện ra trước mắt tôi giống như một xứ sở hoàn toàn khác, vừa đơn sơ, vừa mới mẻ và đầy sức sống. Theo giới thiệu của lãnh đạo xã, tôi tìm đến nhà ông Hà Ngọc Toan, bí thư chi bộ, trưởng bản Hát - người có công lớn giúp đồng bào các dân tộc nơi đây phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương.

Về Tam Lư nghe bí thư chi bộ kể chuyện giúp dân giảm nghèo

Ông Hà Ngọc Toan, bí thư chi bộ, trưởng bản Hát (người ngồi thứ 3 từ trái sang) gặp gỡ, trò chuyện cùng người dân trong bản.

Ở tuổi 61 nhưng từ dáng vẻ, làn da hơi đen đến giọng nói của ông Toan đều toát lên sự khỏe khoắn. Cái chân chất, gần gũi của ông đã xóa nhòa khoảng cách giữa chủ và người khách lạ lần đầu gặp mặt. Ông kể: “Bà con dân bản trước đây nghèo lắm! Đặc điểm của bản Hát là đồi núi, nằm kế ngay bên dòng sông Lò nên hàng năm vào mùa mưa phải đón 3 đến 4 trận lũ, còn mùa khô thì đồng ruộng thiếu nước tưới. Những bất lợi về địa hình, thời tiết, đi liền với sản xuất bấp bênh dẫn đến một số dân trong bản vào tháng ba ngày tám thường xuyên thiếu lương thực”. Nghe tôi hỏi, yếu tố nào đánh dấu bước chuyển trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở vùng đất này, ông Toan trầm ngâm: “Vào thời điểm năm 1997, cả bản có 82 hộ dân thì có đến 60 hộ nghèo. Người dân phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn về điều kiện hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là đường giao thông nối bản với trung tâm huyện. May nhờ có tuyến đường tuần tra biên giới, từng gia đình trong bản mới có cơ hội phát triển kinh tế, nhất là tiêu thụ các sản phẩm lâm sản phụ như nứa, vầu. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ cây, con giống từ Nghị quyết 30a, Chương trình 135 của Chính phủ... đã tạo ra sinh kế lâu dài cho bà con dân bản”.

Thấy trên bàn nước có cuốn sổ sinh hoạt chi bộ, tôi tò mò lật từng trang và đọc được nhiều nội dung liên quan đến hoạt động chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất của bản được ghi chép đầy đủ, cẩn thận và cả nội dung cuộc sinh hoạt chi bộ bản với nội dung phân công đảng viên giúp đỡ các hộ nghèo. Từ cuộc sinh hoạt chi bộ đó, chi bộ bản Hát đã thống nhất thành lập 5 tổ đảng để phụ trách các hộ nghèo. Với tinh thần trách nhiệm cao, các đảng viên trong chi bộ tập trung hướng dẫn người dân trồng lúa nước có áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Nổi bật là việc vận động người dân xóa bỏ tập quán canh tác dựa vào thiên nhiên, tuân thủ đúng khung lịch thời vụ, chủ động đưa nước tưới vào đồng ruộng và thực hiện quy trình cấy lúa hàng rộng hàng hẹp, có sử dụng phân hữu cơ, phân viên dúi sâu. Nhờ vậy, nhiều năm qua, 9,7 ha lúa nước của bản Hát đã cấy 2 vụ, năng suất đạt từ 45 đến 50 tạ/ha, góp phần bảo đảm nguồn lương thực tại chỗ cho các hộ dân.

Trong vai trò bí thư chi bộ, trưởng bản Hát, ông Toan còn thường xuyên gặp gỡ nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân và trực tiếp tuyên truyền, vận động họ không được khai thác lạm dụng nguồn nứa, vầu. Song song với thực hiện nghiêm lệnh cấm khai thác nứa, vầu trong mùa sinh măng, nghe theo ông Toan các hộ dân trong bản còn tích cực tham gia trồng nứa, vầu để có nguồn nguyên liệu bền vững. Từ năm 2017 đến nay, các hộ dân trong bản đã trồng được 12 ha vầu trên diện tích rừng được giao khoán và sau vườn nhà. Không giấu được vẻ phấn khởi, ông Toan khoe: “Dân bản ta gọi rừng vầu là kho bạc đấy! Toàn bản có hơn 400 ha rừng được Nhà nước giao khoán cho các hộ dân. Trong rừng này, ngoài các cây lấy gỗ thì chủ yếu là cây nứa, cây vầu. Bình quân mỗi khẩu trong bản có khoảng 5 ha rừng được giao khoán khoanh nuôi, bảo vệ. Vì được Nhà nước cho phép khai thác lâm sản phụ nên cây nứa, cây vầu trở thành cây xóa đói, giảm nghèo cho dân bản. Ngày nào không bận việc của bản, tôi đi vào rừng chặt cũng được từ 1,5 đến 2 tạ nứa, vầu. Bán ngay tại nhà có giá khoảng 200 nghìn đồng/tạ. Nếu là thanh niên trai tráng có sức hơn chắc chắn khai thác được nhiều hơn”.

Hiện nay, bản Hát có gần 104 hộ dân, với hơn 500 nhân khẩu, gần 100% là đồng bào Thái, sinh sống đoàn kết, lâu đời. Đứng trên hiên nhà ông Toan nhìn xuống, bản Hát thật thanh bình với những nếp nhà sàn kiên cố dọc tuyến đường tuần tra biên giới và nổi bật giữa rừng nứa, vầu xanh thẳm, bên những thửa ruộng bậc thang còn vương mùi rạ sau mùa gặt. Tất cả cho thấy cuộc sống đủ đầy của bà còn các dân tộc nơi đây. Nếu vào năm 2016 trong bản còn 25 hộ nghèo, thì nay giảm xuống chỉ còn 5 hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 30 triệu đồng/năm. Tháng 6-2018, chi bộ và nhân dân bản Hát hân hoan đón quyết định công nhận bản đạt chuẩn nông thôn mới và đón nhận danh hiệu bản văn hóa giai đoạn 2015-2017. Có được thành quả đó, không thể không nhắc đến vai trò lãnh đạo của chi bộ bản Hát mà ông Toan là người “thắp lửa” và “truyền lửa”. Vượt lên những khó khăn nội tại, ông đã cùng với các đồng chí trong cấp ủy, lãnh đạo thôn chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, vận động bà con chung sức xây dựng nông thôn mới. Bất kể nắng mưa, khi cần vận động là ông cùng lãnh đạo thôn đến từng hộ dân nói sao để dân hiểu, nào là chuyện di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở, xây dựng nhà vệ sinh đến việc tự nguyện đóng góp tiền, ngày công làm hơn 3km đường liên gia, tu sửa nhà văn hóa thôn, trồng hoa thay thế cỏ dại ven đường... Từ một bản vùng cao với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, nay bản Hát đã khang trang, cuộc sống người dân đủ đầy hơn trước.

Chia tay ông bí thư chi bộ, trưởng bản Hát Hà Ngọc Toan trong cái hanh hao của núi rừng, tôi nhớ mãi câu nói của ông: “Những kết quả trong công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở bản Hát mới chỉ là đích đến chứ không phải điểm dừng!”. Tôi tin tưởng điều đó, bởi ông Toan mang trong mình phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, từng chiến đấu bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc ở mặt trận Vị Xuyên. Và trên mặt trận giảm nghèo, xây dựng quê hương đổi mới, ông chính là người “thắp lửa” và “truyền lửa” cho đồng bào.

Bài và ảnh: Trần Thanh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]