(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện phương châm “Cấp ủy viên nêu gương cho đảng viên; đảng viên nêu gương cho quần chúng; cán bộ, đảng viên cấp trên nêu gương cho cán bộ, đảng viên cấp dưới; thủ trưởng cơ quan, đơn vị nêu gương cho cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, người lao động bằng những việc làm cụ thể, thiết thực”, những năm qua, Đảng bộ TP Thanh Hóa đã triển khai hiệu quả trách nhiệm nêu gương, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong Đảng và xã hội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trách nhiệm nêu gương

Thực hiện phương châm “Cấp ủy viên nêu gương cho đảng viên; đảng viên nêu gương cho quần chúng; cán bộ, đảng viên cấp trên nêu gương cho cán bộ, đảng viên cấp dưới; thủ trưởng cơ quan, đơn vị nêu gương cho cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, người lao động bằng những việc làm cụ thể, thiết thực”, những năm qua, Đảng bộ TP Thanh Hóa đã triển khai hiệu quả trách nhiệm nêu gương, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong Đảng và xã hội.

Trách nhiệm nêu gương

Lãnh đạo TP Thanh Hóa trao giấy khen cho các tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu năm 2018.

Trong thực hiện trách nhiệm nêu gương, Thành ủy TP Thanh Hóa đặc biệt chú trọng đến việc phát huy tính gương mẫu của người đứng đầu. Đối với tập thể, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm quy định, quy chế về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; giao nhiệm vụ cho từng phòng, ban, địa phương, đơn vị, nêu rõ đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thực hiện; những việc cần phải đẩy mạnh, những việc cần phải tập trung giải quyết, có lộ trình rõ ràng. Đồng thời, chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ cơ sở xây dựng kế hoạch toàn khóa, kế hoạch và chương trình hành động hằng năm phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Đối với cá nhân, trên cơ sở nhiệm vụ được phân công phụ trách, mỗi đồng chí trong ban thường vụ, ban chấp hành xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị 05 gắn với khắc phục những hạn chế, khuyết điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII), trong đó, việc học và làm theo Bác phải gắn với hiệu quả công việc, khắc phục được những hạn chế, yếu kém còn tồn tại. Hằng năm, lấy kết quả học tập và làm theo tấm gương của Bác là tiêu chí đánh giá chất lượng chi bộ, đảng bộ, đảng viên.

Để trách nhiệm nêu gương thấm sâu trong mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị, 100% các tổ chức đảng đã triển khai chương trình, kế hoạch cụ thể; 98,59% đảng viên (trong đó 100% cán bộ chủ chốt) đăng ký thực hiện trách nhiệm nêu gương với nhiều hình thức, mô hình phong phú, hiệu quả, như: “Viết nhật ký làm theo lời Bác”, “Tuyên dương dưới cờ”, “Mỗi ngày làm một việc tốt cho dân”... Cùng với đó, từ năm 2010 đến năm 2018, Ban Thường vụ Thành ủy và Ủy ban kiểm tra Thành ủy đã kiểm tra chuyên đề đối với 76 lượt tổ chức đảng và 19 cá nhân, trong đó kiểm tra giám sát 3 đơn vị về thực hiện quy chế nêu gương gắn với khắc phục những khuyết điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Qua kiểm tra đã phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót, hạn chế, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Nhiều năm qua, trách nhiệm nêu gương được thực hiện nghiêm túc nên chất lượng tổ chức đảng và đảng viên cũng được nâng lên. Năm 2018, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh tăng 7,42% so với năm 2017 và tăng 10,2% so với đầu nhiệm kỳ năm 2015; đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ tăng 1,15% so với năm 2017 và tăng 1,86% so với đầu nhiệm kỳ năm 2015. Từ sự nỗ lực, nêu gương của cán bộ, đảng viên, niềm tin của nhân dân vào cấp ủy, chính quyền các cấp đã từng bước được nâng lên, qua đó khơi dậy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Năm 2018, TP Thanh Hóa hoàn thành và hoàn thành vượt mức 33/33 chỉ tiêu đã đề ra.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, nhận thức về trách nhiệm nêu gương của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên vẫn chưa được như mong muốn. Từ năm 2015 đến năm 2018, TP Thanh Hóa có 87 đảng viên phải thi hành kỷ luật do thiếu gương mẫu, chiếm tỷ lệ bình quân chung so tổng số đảng viên là 0,58%. Tình trạng thiếu gương mẫu trong cán bộ, đảng viên biểu hiện ở nhiều dạng, nhiều cấp độ, trong đó chủ yếu là không chấp hành chủ trương, nghị quyết, nguyên tắc của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện không đầy đủ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý; nói không đi đôi với làm; dám làm nhưng không dám chịu trách nhiệm; không giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, gây mất đoàn kết nội bộ; một số cán bộ, đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu, thiếu nghiêm túc với chính bản thân trong tu dưỡng, rèn luyện giữ gìn phẩm chất, tư cách đảng viên; việc triển khai đăng ký thực hiện trách nhiệm nêu gương chưa đồng đều, nhiều việc còn rập khuôn, thiếu sáng tạo, chưa cụ thể hóa cho phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên.

Để trách nhiệm nêu gương trở thành việc làm thường xuyên và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Thành ủy TP Thanh Hóa đã triển khai đề án “Nâng cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý trong Đảng bộ TP Thanh Hóa”. Theo đó, giai đoạn 2018-2020, 100% đảng viên đang công tác, tham gia sinh hoạt Đảng phải có bản đăng ký về thực hiện các tiêu chí nêu gương, trong đó 98% bản đăng ký tự xác định nội dung nêu gương cụ thể và thiết thực. Cuối năm có trên 95% đảng viên thực hiện tốt các tiêu chí nêu gương, trong đó 100% là cán bộ lãnh đạo chủ chốt; 50% cán bộ, đảng viên là tấm gương sáng, tiêu biểu trên các lĩnh vực công tác, lao động, học tập và rèn luyện, trong đó 2/3 trở lên là cấp ủy viên và cán bộ lãnh đạo chủ chốt cùng cấp. Tỷ lệ đảng viên vi phạm bị thi hành kỷ luật bình quân hàng năm dưới 0,6% nhưng giảm hẳn tính chất, mức độ vi phạm; không có cấp ủy viên, cán bộ là cấp trưởng, phó của các tổ chức trong hệ thống chính trị cùng cấp bị xử lý kỷ luật. Để đạt mục tiêu này, các tổ chức đảng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý về trách nhiệm nêu gương; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nâng cao tinh thần đấu tranh trong tự phê bình và phê bình để mỗi đảng viên nhất quán từ suy nghĩ đến hành động; đồng thời phát huy vai trò tiền phong gương mẫu, tự giác thực hiện trách nhiệm nêu gương của từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, đảng viên về việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng về đạo đức, lối sống, từ đó phát hiện, biểu dương và nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến; kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đối với đảng viên phải tự giác “học trước, làm trước” để quần chúng nhân dân noi theo; đăng ký thực hiện nêu gương theo quy định gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao; tự giác kiểm tra kết quả thực hiện với các nội dung đã đăng ký, phấn đấu khắc phục thiếu sót, khuyết điểm để thể hiện tốt hơn vai trò nêu gương.

Nói phải đi đôi với làm

Trách nhiệm nêu gương

Nêu gương là phải “làm mẫu”, là “nói đi đôi với làm” từ những việc nhỏ nhất. Vì thế, là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Thanh Hóa, tôi luôn chỉ đạo cán bộ, hội viên cựu chiến binh phải gương mẫu cả trong công việc và trong cuộc sống, đúng với bản chất của người lính cụ Hồ. Trong công việc, nêu gương phải bám sát và lồng ghép vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của hội, trọng tâm là tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân; tích cực tham gia phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, thông qua phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”, mỗi cán bộ, hội viên luôn nêu cao vai trò tiền phong trong mọi hoạt động, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự tại địa phương. Đối với cá nhân tôi, nêu gương được bắt đầu từ những việc làm nhỏ, cụ thể hàng ngày như đi làm đúng giờ; không nói chuyện và làm việc riêng trong giờ họp; nghiêm túc trong công việc, đổi mới tác phong và lề lối làm việc; chấp hành nghiêm các quy định của hội, đoàn kết, gần gũi, chia sẻ và giúp đỡ hội viên nghèo...

Hoàng Thế Hường

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Thanh Hóa

Hiệu quả từ việc nêu gương

Trách nhiệm nêu gương

Nêu gương là sự tiên phong thực hành trước, là sự mực thước, là cái chuẩn cho người khác noi theo. Trách nhiệm nêu gương phải được bắt đầu từ đội ngũ cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu. Nhận thức sâu sắc về trách nhiệm nêu gương gắn với những việc làm cụ thể trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, là người đứng đầu UBND xã, hằng năm tôi đều lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; chú trọng đến những việc cần phải đẩy mạnh, những việc cần phải tập trung giải quyết. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, trên cơ sở nhiệm vụ được phân công phụ trách, việc nêu gương phải gắn với hiệu quả công việc, nói đúng và làm trúng; khắc phục được những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; giải quyết kịp thời những vấn đề nổi cộm, bức xúc mà nhân dân quan tâm, kiến nghị; thường xuyên sâu sát cơ sở, gần dân, hiểu dân, lắng nghe ý kiến nhân dân. Sự nêu gương từ mỗi cán bộ, đảng viên đã lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc chung tay cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng thành công xã nông thôn mới năm 2018. Trong thời gian tới, cán bộ, đảng viên xã Quảng Phú tiếp tục phát huy tính tiền phong, gương mẫu để nhân dân tin tưởng, ủng hộ, xây dựng thành công đề án xã lên phường.

Phạm Văn Thành

Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, TP Thanh Hóa

Tiên phong thực hành trước

Trách nhiệm nêu gương

“Nêu gương là phải tiên phong làm trước dù ở hoàn cảnh thuận lợi hay khó khăn”. Với suy nghĩ đó mà suốt 20 năm làm trưởng phố 9, (nay là Tổ trưởng tổ dân phố số 6) tôi luôn nêu cao tinh thần “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, gương mẫu trong cả lời nói và việc làm.

“Miệng nói, tay làm”, tôi luôn tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong phố thực hiện tốt các phong trào thi đua do phường và thành phố phát động. Nổi bật như trong lĩnh vực văn hóa – xã hội, ngoài đi đầu trong đóng góp kinh phí, tôi còn đứng ra kêu gọi các đảng viên và nhân dân trong phố chung tay hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa phố trị giá hơn 300 triệu đồng; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cống rãnh, lắp đèn cao áp trị giá hơn 200 triệu đồng; giúp đỡ 2 gia đình nghèo vươn lên thoát nghèo; trao 77 sổ tiết kiệm cho các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách. Đây là những hoạt động được đánh giá cao và được biểu dương tại hội nghị tuyên dương các điển hình tiên tiến do Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức. Đặc biệt, sau khi sáp nhập phố 9 và 10 thành phố 6, địa bàn rộng hơn, dân số đông hơn, để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của phố, tạo sự đoàn kết trong nhân dân, việc nêu gương lại càng trở nên quan trọng. Muốn người dân nghe mình, tin mình thì phải tạo được uy tín, thể hiện bằng sự gương mẫu “nói đi đôi với làm” trong mọi hoạt động.

Nguyễn Hữu Tiến

Tổ trưởng tổ dân phố số 6, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa

Đề cao hơn nữa trách nhiệm nêu gương

Trách nhiệm nêu gương

Qua thực hiện trách nhiệm nêu gương, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên đã thể hiện được tính tiền phong, gương mẫu, ý thức tự tu dưỡng, tự sửa chữa, tự học tập và rèn luyện; nâng cao đạo đức cách mạng và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nhiều cán bộ, đảng viên đã mạnh dạn đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, sai trái; gương mẫu hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới..., góp phần củng cố niềm tin cho nhân dân. Tuy nhiên, việc thực hiện trách nhiệm nêu gương vẫn chưa thực sự hiệu quả, đâu đó vẫn còn tình trạng đối phó, hiệu quả thấp. Vì vậy, để trách nhiệm nêu gương trở thành việc làm thường xuyên, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cấp, các ngành cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực được phân công để nêu gương trong thực thi nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất. Những hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra đối với tập thể, cá nhân phải được khắc phục kịp thời, hiệu quả, tạo niềm tin cho nhân dân. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát, phát hiện xử lý nghiêm các đơn vị, địa phương không nghiêm túc triển khai thực hiện các quyết định của Trung ương, của tỉnh về nêu gương hoặc triển khai hình thức, đối phó, kém hiệu quả.

Nguyễn Thị Tuất

(Phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa)

Bài và ảnh: Thu Vui



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]