(Baothanhhoa.vn) - Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố căn bản có tính quyết định đối với sự thành bại của cách mạng Việt Nam. Do vậy, hơn 90 năm qua, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đặc biệt trong 35 năm thực thi sự nghiệp đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước, dưới ngọn cờ của Đảng, sự thành công hay không, xét cho cùng, khởi nguồn từ bản thân Đảng.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Kết tinh và thể hiện tầm viễn kiến với quyết sách chiến lược của Trung ương Đảng về đổi mới, chỉnh đốn Đảng, trong thời kỳ mới

Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố căn bản có tính quyết định đối với sự thành bại của cách mạng Việt Nam. Do vậy, hơn 90 năm qua, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đặc biệt trong 35 năm thực thi sự nghiệp đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước, dưới ngọn cờ của Đảng, sự thành công hay không, xét cho cùng, khởi nguồn từ bản thân Đảng.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Kết tinh và thể hiện tầm viễn kiến với quyết sách chiến lược của Trung ương Đảng về đổi mới, chỉnh đốn Đảng, trong thời kỳ mới

Với tư cách và vị thế là Đảng cầm quyền, trong công cuộc lãnh đạo toàn diện đất nước, cùng với việc xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, trong suốt hơn 90 năm lịch sử của mình, Đảng ta thường trực và càng hết sức chăm lo xây dựng Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sinh tử đối với cách mạng. Như bất cứ một thực thể chính trị nào, nói như Ph.Ăng-ghen, Đảng phải thường xuyên và không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn bản thân mình ngang tầm trọng trách lịch sử. Đó là trọng trách lịch sử của Đảng.

Tiếp tục sự nghiệp vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của các nhà lãnh đạo, các bậc tiền nhân và đáp lại xứng đáng nguyện vọng của Nhân dân, trong vị thế là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sinh thời, Đồng chí Lê Khả Phiêu trước hết và sau cùng, hòa quyện và dẫn dắt Ban Chấp hành Trung ương Đảng đặc biệt chăm lo xây dựng, đổi mới và chỉnh đốn Đảng thật sự xứng đáng “vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân” ngang tầm sứ mệnh cách mạng Việt Nam, xứng đáng với kỳ vọng của Nhân dân và bạn bè quốc tế.

Tầm nhìn mới về xây dựng, đổi mới và tự chỉnh đốn của Đảng trước trọng trách mới, trong thời cuộc mới

Nhìn lại lịch sử hơn 90 năm trưởng thành và phát triển của Đảng, qua các thời kỳ cách mạng khác nhau, nhất là ở những bước ngoặt của cách mạng, Đảng ta 5 lần tự xây dựng, chỉnh đốn mình.

Nhớ lại lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương thường xuyên xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Theo Người, đây là đòi hỏi khách quan để Đảng tồn tại và phát triển không ngừng. Vấn đề “chỉnh đốn Đảng” được Người khởi động năm 1947 trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10-1947), sau hơn 2 năm Đảng ta cầm quyền. Lúc bấy giờ, trong Đảng xuất hiện những khuyết điểm, sai phạm của một số đảng viên, cả về mặt tư tưởng, quan điểm chính trị lệch lạc, hoang mang, dao động, thậm chí mắc sai phạm cả về ý thức, tổ chức, kỷ luật và đạo đức. Tình hình đó yêu cầu công tác xây dựng Đảng tiếp tục phải đi vào chiều sâu, đồng thời hết sức chú ý và nghiêm khắc chỉnh đốn toàn diện. Và, Người quyết tâm cùng toàn Đảng tự “chỉnh đốn” mình. Trong tư tưởng và chỉ đạo thực tiễn, Người không tách riêng vấn đề chỉnh đốn Đảng với công tác xây dựng Đảng, mà luôn hòa quyện với nhau, sao cho kết hợp được cả hai nhiệm vụ này, trong đó, phải lấy xây dựng làm chính, chỉnh đốn là quan trọng và bức thiết.

Đó là cuộc chỉnh đốn Đảng lần đầu tiên, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiếp tục tư tưởng về chỉnh đốn Đảng của Người, 45 năm sau, tại Hội nghị Trung ương thứ ba khóa VII, Đảng ta ra Nghị quyết số 03- NQ/TW, ngày 26-6-1992, “Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”. Nghị quyết bổ sung thêm từ “đổi mới”. Từ “đổi mới” ở đây chủ yếu nói đến việc đổi mới tư duy lý luận, nhận thức sâu sắc hơn theo đúng bản chất cách mạng và khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác - Lê-nin để phát triển và sáng tạo trong hoàn cảnh lịch sử mới. Lúc đó, chủ nghĩa xã hội bị khủng hoảng và sụp đổ ở Đông Âu và Liên Xô cũ khi sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã làm thay đổi lớn cục diện chính trị thế giới, đặt cách mạng nước ta trước những thời cơ mới và những thách thức mới. Đây là một khía cạnh mới, tiếp tục tư tưởng về chỉnh đốn Đảng, chống chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa cơ hội. “Đổi mới” còn có một khía cạnh nữa là chỉnh đốn về mặt tổ chức Đảng. Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, trước tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, một bộ phận cán bộ, đảng viên có hiện tượng tha hóa về đạo đức, lối sống. Nghị quyết số 03-NQ/TW nêu rõ: Trong Đảng có một bộ phận giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, dao động, mất lòng tin, trong đó một số chịu ảnh hưởng của khuynh hướng cơ hội, xét lại, muốn đưa đất nước đi con đường khác; thậm chí đã có người phản bội, đầu hàng. Không ít cán bộ, đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân thực dụng cuốn hút, trở nên thoái hóa, hư hỏng. Tệ tham nhũng, hối lộ, buôn lậu, ăn chơi vung phí tài sản của nhân dân rất nghiêm trọng và kéo dài. Những hiện tượng đó gây tác hại lớn, làm tổn hại thanh danh, uy tín của Đảng. Do đó, để bảo đảm chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên và làm cho Đảng mạnh, đủ sức đứng vững trước thách thức của thời kỳ mới, Trung ương Đảng yêu cầu mỗi người cộng sản, mỗi tổ chức Đảng phải đổi mới phong cách làm việc, phương thức lãnh đạo và quản lý trong bối cảnh đổi mới toàn diện cả về kinh tế, chính trị và hội nhập quốc tế.

Đó là cuộc đổi mới, chỉnh đốn Đảng lần thứ hai.

Gần bảy năm sau đó, Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 2-2-1999, của Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII), về “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm là phát huy ưu điểm, kiên quyết sửa chữa các khuyết điểm, tiếp tục củng cố, chỉnh đốn, để ngày càng vững mạnh về mọi mặt, đặc biệt là về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tổ chức và cán bộ, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Toàn Đảng đã tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình kỷ niệm 30 nǎm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (2-9-1969 - 2-9-1999) và kỷ niệm 70 nǎm thành lập Đảng (3-2-1930 - 3-2-2000). Cuộc vận động này được thực hiện từ ngày 19-5-1999 đến 19-5-2001, sau đó trở thành nền nếp, thường xuyên xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo lời căn dặn của Bác trong Di chúc, nhằm nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên, nâng cao nǎng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng.

Đó là cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần thứ ba.

Cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần thứ tư được đánh dấu bởi sự ra đời của Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16-1-2012, của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nghị quyết khẳng định, bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, gây ra thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Một số vấn đề cấp bách nổi lên trong giai đoạn này, đó là: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”(2). Với phương châm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh; thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, kết hợp “chống và xây”, “xây và chống”, nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, trì trệ nhất, Đảng ta đã lãnh đạo cuộc chỉnh đốn Đảng với trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao, tạo được những chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị.

Gần 5 năm sau đó, với Nghị quyết số 04/NQ-TW, ngày 30-10-2016, của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” chú trọng vào nhiệm vụ nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về nguy cơ và đề ra các giải pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trách nhiệm và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, biết đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân; củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.

Đây là cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần thứ năm.

Năm cuộc chỉnh đốn Đảng đã mang lại những kết quả tích cực, nhiều mặt công tác xây dựng Đảng được đẩy mạnh và có chuyển biến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi một bước những tiêu cực, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; việc thực hiện trách nhiệm nêu gương và chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên được triển khai tương đối đồng bộ ở các cấp. Nhiều cán bộ, đảng viên đã đề cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống; gương mẫu đi đầu, tận tụy với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những kết quả nổi bật nêu trên đã góp phần quan trọng làm cho Đảng ta đoàn kết hơn, vững mạnh hơn, trong sạch hơn và niềm tin của Nhân dân đối với Đảng được tăng cường hơn.

Hôm nay, lùi xa sau 21 năm, kể từ năm 1999, và càng chiêm nghiệm những thành công công cuộc xây dựng, đổi mới, chỉnh đốn Đảng hiện nay, mới càng thấy rõ hơn tầm nh ìn chiến l ược và những quyết sách quan trọng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII tại Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) và Văn kiện Đại hội IX của Đảng trên phương diện này, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, lúc bấy giờ. Và, càng đặt Nghị quyết số 10 của Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) trong tổng thể 5 cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng suốt hơn 90 năm qua, càng thấy tầm vóc tư tưởng l ý luận mang tính quy luật xây dựng Đảng vững mạnh, trong sạch mà Nghị quyết số 10 của Trung ương này mở ra, với tư cách là một quyết sách chiến lược, mang ý nghĩa bản lề năm 1999 của cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần thứ ba, để nhìn ngược thời gian từ đó về trước và dõi theo lịch sử Đảng từ đó tới hôm nay và tiếp tục vững tin đi tới.

Không ngừng đổi mới, tự chỉnh đốn – quy luật và yêu cầu phát triển tất yếu của Đảng – nhìn từ Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII và trọng trách đối với tương lai

Năm 1996, cùng với việc quyết định những quyết sách quan trọng nhằm đưa cả nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đại hội VIII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh về tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng: “Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao hơn nữa sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của mình... đây là một quy luật phát triển của Đảng”, và “coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”. Trong Điều lệ Đảng bổ sung, sửa đổi lần đầu tiên quy định riêng một điều về công tác kiểm tra của Đảng. Kỷ luật Đảng được siết chặt, nhiều trường hợp đảng viên thoái hóa, biến chất bị phát hiện, xử lý. Ở cấp cao, những ủy viên trung ương có vi phạm, tiêu cực hoặc để người nhà lợi dụng trục lợi mà bị loại khỏi Ban Chấp hành Trung ương.

Từ ngày 25-1 đến ngày 2-2-1999, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị lần thứ sáu (lần 2) khoá VIII. Dưới sự chủ trì của Đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Hội nghị đã thảo luận và thông qua Nghị quyết “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”. Hội nghịyêu cầu các tổ chức đảng và mọi cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến cơ sở phải tập trung thực hiện có hiệu quả 10 nhiệm vụ: “1. Tăng cường sự thống nhất trong Đảng về nhận thức, ý chí và hành động, kiên trì đấu tranh đẩy lùi 4 nguy cơ; kiên định những vấn đề về quan điểm có tính nguyên tắc, đó là: độc lập dân tộc gắn liền với CNXH làm mục tiêu, lý tưởng của Đảng ta, dân tộc ta; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng; Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam…; 2. Đẩy mạnh công tác tổng kết thực hiện và nghiên cứu lý luận (trong nước và thế giới), tiếp tục làm rõ hơn những vấn đề bức xúc do thực tiễn đặt ra, làm rõ hơn mô hình và con đường đi lên CNXH ở nước ta; 3. Đổi mới công tác giáo dục trong Đảng và trong xã hội về chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước…; 4. Tăng cường giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên…; 5. Tập trung chỉ đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu có hiệu quả…; 6. Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ phê bình và phê bình trong Đảng. Nâng cao nhận thức thống nhất trong đảng về nguyên tắc tập trung dân chủ... ; 7. Củng có tổ chức, tǎng cường sức chiến đấu và nǎng lực lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng…; 8. Sắp xếp lại tổ chức, bộ máy đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị gắn liền với cải cách hành chính theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả…; 9. Cải tiến việc ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng…; 10.Toàn Đảng tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng…

Với Nghị quyết này, lần đầu tiên kể từ sau khi Đảng khởi xướng sự nghiệp đổi mới, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đặt ra vừa “cơ bản” vừa “cấp bách” để một mặt cùng với giải quyết một cách chiến lược mang ý nghĩa cơ bản và mặt khác đồng thời giải quyết những vấn đề mang tính nóng bỏng, cấp thiết. Đây được coi là nhận thức mới, hành động mới của Trung ương Đảng khóa VIII, nhất là từ khi đồng chí Lê Khả Phiêu được trao trọng trách Tổng Bí thư. Điều khắc sâu là, Hội nghị quyết nghị dành một mục riêng để bàn định: “Tập trung chỉ đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng, l ãng phí, quan liêu có hiệu quả”, qua đó xác định các cấp ủy và người đứng đầu từ Trung ương tới cơ sở phải chịu trách nhiệm chống tham nhũng nơi mình phụ trách. Bộ Chính trị phân công một số Ủy viên Bộ Chính trị, các cấp ủy phân công ủy viên Ban Thường vụ trực tiếp chỉ đạo chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Lần đầu tiên Đảng đặt ra vấn đề xử lý trách nhiệm chính trị người đứng đầu: “Khi xảy ra tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực ở địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị mình phụ trách thì tùy theo mức độ và tính chất vi phạm của vụ việc mà xem xét hình thức kỷ luật đối với cấp ủy và người đứng đầu về chế độ trách nhiệm”. Sau này, đây chính là một vấn đề nổi bật và sâu sắc tiếp tục được bàn định và quyết nghị ở Hội nghị Trung ương 4 khóa XI năm 2011.

Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) đặt nhiệm vụ toàn Đảng tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện phê và tự phê bình, đưa hoạt động này vào nề nếp, thường xuyên.Và, sự quyết liệt của Bộ Chính trị, trong xử lý vấn đề, quyết “không có vùng cấm”. Số cán bộ, đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý kỷ luật lên tới 53 người, trong đó, có 10 ủy viên trung ương. Số cán bộ từ cấp huyện ủy quản lý trở lên bị kỷ luật hơn 19.000 người. Ban Chỉ đạo và Thường trực Trung ương sáu (lần 2) hỗ trợ các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án lớn như: vụ Minh “nhớp” ở Hà Tĩnh, vụ án Thủy cung Thăng Long ở Hà Nội, vụ án Trương Văn Cam, vụ án Lã Thị Kim Oanh, vụ án xăng dầu Tiền Giang, vụ Kho cảng Thị Vải, vụ án đất đai Đồ Sơn, vụ cô-ta dệt may tại Bộ Thương mại, vụ án PMU18… Trong các vụ án ấy, nhiều cán bộ cao cấp, từ thứ trưởng, phó Chủ tịch tỉnh, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đến đương kim ủy viên Trung ương đã bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức, thậm chí bị truy tố trước pháp luật.

Những hạn chế, khiếm khuyết trong thực thi Nghị quyết số 10 của Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được đặt ra tại Đại hội IX của Đảng và giải quyết một cách hệ thống và căn cơ những nhiệm kỳ sau đó. Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta hiện nay”, “…Phải phòng và chống những nguy cơ lớn: sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự suy thoái, biến chất của cán bộ, đảng viên”. Cụ thể hoá các nội dung này, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ra Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII quyết nghị: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Nhìn khái lược, nếu Hội nghị Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII, như một quyết nghị bản lềchỉ ra: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn” thì Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng” và đến Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ rõ trong đó “có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp…”. V.v.

Đó chính là tầm vóc, là sức mạnh hội tụ ở đó tầm nhìn chiến l ược và quyết sách quan trọng của Trung ương Đảng vừa cơ bản vừa cấp bách đối với toàn bộ công tác xây dựng Đảng mà Nghị quyết số 10 của Hội nghị Trung ương Đảng thứ 6 (lần 2), khóa VIII đặt nền móng cơ bản, vững vàng và mang tính thực tiễn sâu sắc.

Lịch sử 90 năm qua của Đảng Cộng sản Việt Nam cho thấy, sự ra đời và phát triển của Đảng là một minh chứng cho sự vận dụng và phát triển những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê-nin về xây dựng và phát triển Đảng Cộng sản. Vốn là một nước thuộc địa, nửa phong kiến, giai cấp công nhân ít về số lượng, công nhân đại công nghiệp càng ít nhưng, ở Việt Nam, một Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời; và khi cầm quyền lại nằm trong hoàn cảnh đất nước có nền kinh tế lạc hậu, chậm phát triển. Việc xây dựng một Đảng Cộng sản như thế chưa có sự chỉ dẫn trong di sản lý luận Mác – Lê-nin. Và, theo đó, việc đổi mới, chỉnh đốn Đảng lại càng khó khăn gấp bội.

Do đó, hiện nay, hơn lúc nào hết, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về đổi mới, chỉnh đốn Đảng trong điều kiện mới. Có thể nói rằng, toàn bộ những vấn đề cơ bản về những quy luật phát triển của Đảng; các nguyên tắc xây dựng Đảng; vấn đề Đảng cầm quyền trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng Đảng trong điều kiện toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế; trong điều kiện phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đang vấp phải những khó khăn rất nghiêm trọng... phải đồng thời cấp bách nghiên cứu và tổng kết những vấn đề cấp bách về xây dựng, đổi mới, chỉnh đốn Đảng ngang tầm trọng trách lịch sử và thích ứng với thời cuộc.

Càng nghiên cứu và tiếp tục thực thi các công việc xây dựng Đảng càng thấy sức sống của tầm viễn kiến và quyết sách chiến lược của Trung ương Đảng khóa VIII tại Hội nghị thứ 6 (lần 2) và Văn kiện Đại hội lần thứ IX của Đảng do Đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chủ trì lúc bấy giờ, càng nổi bật lên ý nghĩa đặt nền móng vô giá và thực tiễn sống động, thiết thực tiếp tục xây dựng Đảng ta ngày càng xứng đáng với lịch sử, với Nhân dân, vươn lên tiếp tục dẫn dắt thành công sự nghiệp đổi mới toàn diện, đồng bộ hiện nay và tương lai./.

14-8-2020

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản


TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên Tập Tạp Chí Cộng Sản

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]