(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, đảng bộ các huyện miền núi trong tỉnh luôn quan tâm đến công tác phát triển đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của công tác xây dựng Đảng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quan tâm phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số

Những năm qua, đảng bộ các huyện miền núi trong tỉnh luôn quan tâm đến công tác phát triển đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của công tác xây dựng Đảng.

Cán bộ, đảng viên xã Tân Phúc (Lang Chánh) luôn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế. Ảnh: Quốc Hương

Qua 8 năm triển khai Kết luận 50 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Phát triển đảng viên và chi bộ đảng ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa”, đến nay công tác phát triển đảng viên và chi bộ tại các thôn, bản người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới ở các huyện miền núi đạt được nhiều kết quả. Trong đó, các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng đều nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc tuyên truyền, giáo dục, phát hiện, tạo nguồn phát triển đảng viên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ở các chi bộ, đảng bộ trực thuộc, nhất là đảng bộ các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã xây dựng chương trình, kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, tình nguyện về làm việc ở các thôn, bản khó khăn, nâng cao ý thức tự giác rèn luyện, phấn đấu vào Đảng. Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng giao chỉ tiêu tạo nguồn, yêu cầu các cơ sở đảng rà soát các đối tượng, phân công đảng viên, cấp ủy viên phụ trách quần chúng. Tất cả các đảng bộ trực thuộc đều lấy việc kết nạp đảng viên làm tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng hằng năm. Các tổ chức đoàn thể cũng lựa chọn hạt nhân ưu tú để bồi dưỡng kết nạp Đảng. Ngoài ra, các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng còn phân công các đồng chí phụ trách địa bàn thường xuyên dự sinh hoạt chi bộ cơ sở, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển đảng viên; hướng dẫn các chi bộ cơ sở thống kê, rà soát và lập danh sách quần chúng ưu tú để có kế hoạch bồi dưỡng, tạo nguồn cho phát triển đảng viên. 11 huyện miền núi hiện có 490 tổ chức cơ sở đảng (269 đảng bộ, 221 chi bộ cơ sở), 3.192 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, với gần 53.000 đảng viên, trong đó có trên 28.000 đảng viên là người dân tộc thiểu số.

Chuyến công tác mới đây ở xã Điền Lư (Bá Thước), chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay mạnh mẽ qua những con đường bê tông trải dài về các thôn, bản, những ngôi nhà xây, nhà mái ngói mọc lên san sát, các công trình dân sinh được đầu tư xây dựng kiên cố. Diện mạo nông thôn mới nơi đây đang khởi sắc từng ngày. Kết quả ấy có sự góp sức không nhỏ của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ đảng viên người dân tộc thiểu số. Đồng chí Lê Thanh Hải, Bí thư Đảng ủy xã Điền Lư cho biết, là địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 70% dân số, trước đây công tác phát triển Đảng ở xã gặp khá nhiều khó khăn. Để tạo nguồn phát triển Đảng, đảng bộ đã phân công đảng viên có kinh nghiệm, uy tín để giúp đỡ quần chúng ưu tú trong quá trình phấn đấu, rèn luyện. Đồng thời, triển khai các phong trào thi đua nhằm phát hiện những quần chúng tiêu biểu, ưu tú để có hướng rèn luyện, bồi dưỡng phù hợp... Nhờ đó, hàng năm xã kết nạp mới từ 8 đến 12 đảng viên. Đảng bộ xã hiện có 260 đảng viên, trong đó đảng viên người dân tộc thiểu số chiếm trên 60%. Không chỉ tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, đảng viên người dân tộc thiểu số luôn tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; vận động đồng bào dân tộc thiểu số bài trừ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới... Từ đó việc tuyên truyền, vận động bà con chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực phát triển kinh tế - xã hội dễ dàng hơn.

Để làm tốt công tác phát triển đảng viên ở Đảng bộ xã Tân Phúc (Lang Chánh), hàng năm, đảng ủy phân công các đồng chí đảng ủy viên phụ trách các chi bộ, tăng cường công tác giám sát, dự sinh hoạt tại các chi bộ. Nhờ đó, các đồng chí đảng ủy viên nắm bắt kịp thời tình hình ở thôn, bản, đôn đốc, hướng dẫn chi bộ thực hiện các nhiệm vụ, trong đó có phát triển đảng viên. Khi lựa chọn đối tượng để bồi dưỡng, kết nạp, đảng ủy đã chú trọng đến những quần chúng ưu tú có điều kiện gắn bó lâu dài ở vùng sâu, vùng xa. Nhờ đẩy mạnh công tác tạo nguồn, bồi dưỡng thế hệ kế cận, các chi bộ đã không rơi vào thế bị động. Hàng năm, Đảng bộ xã Tân Phúc kết nạp được 15 đảng viên, trong đó đảng viên người dân tộc thiểu số chiếm trên 80%. Có mặt tại buổi sinh hoạt ở chi bộ thôn Tân Thành - chi bộ được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đặc biệt là trong công tác tạo nguồn, chăm lo phát triển đảng viên, bí thư chi bộ thôn Lê Văn Hạnh, chia sẻ: Hiện nay, chi bộ có 37 đảng viên chính thức, 5 đảng viên dự bị, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Để thực hiện tốt công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số, chi bộ đã xây dựng kế hoạch, tổ chức các buổi họp dân kết hợp tuyên truyền công tác xây dựng Đảng, đoàn thể vững mạnh. Từ đó, phát hiện bồi dưỡng cá nhân ưu tú là đoàn viên, thanh niên, người dân tộc thiểu số có lập trường tư tưởng vững vàng đề nghị đảng bộ xem xét kết nạp.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả trong công tác phát triển đảng viên, tổ chức cơ sở đảng, nhưng hiện nay việc phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, cái khó đầu tiên là việc tạo nguồn. Qua khảo sát cho thấy, số lượng thanh niên làm việc ở thôn, bản không nhiều. Khi trưởng thành, đa số người trẻ đều đi học, tìm kiếm việc làm ở các nơi khác. Điển hình như chi bộ bản Na Chừa, xã Mường Chanh (Mường Lát) từ năm 2016 đến nay chưa kết nạp được đảng viên nào. Bí thư Chi bộ bản Na Chừa chia sẻ: Một số đoàn thể chính trị trong bản hoạt động yếu nên chưa tập hợp, thu hút được đoàn viên, hội viên; chất lượng đoàn viên, hội viên ưu tú giới thiệu cho Đảng chưa cao, vì vậy chi bộ không có nguồn để kết nạp đảng viên. Còn chi bộ thôn Thọ Sơn, xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc) có 80% là người dân tộc thiểu số, năm 2017 phấn đấu kết nạp 2 đảng viên, tuy nhiên đến tháng 5-2018 vẫn chưa tìm được nguồn quần chúng ưu tú giới thiệu cho Đảng...

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Đức Soãn, Trưởng Phòng huyện – cơ sở và đảng viên, Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Để khắc phục những khó khăn trong phát triển đảng viên mới ở các chi bộ khu miền núi, cấp ủy các xã, thị trấn cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong đồng bào dân tộc thiểu số, làm tốt công tác quy hoạch và bồi dưỡng nguồn phát triển đảng viên phù hợp điều kiện cụ thể của người dân; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác vận động quần chúng và xây dựng các đoàn thể quần chúng vững mạnh; thực hiện tốt quy trình kết nạp và quản lý đảng viên ở các thôn, bản. Bên cạnh đó, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, nhằm tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền, tạo sức thu hút, tập hợp quần chúng ưu tú phấn đấu vào Đảng cũng là giải pháp cần được chú trọng. Các chi bộ thôn, bản phải xây dựng chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu, giải pháp, phân công cấp ủy, đảng viên phối hợp với các đơn vị, tổ chức để thực hiện, đồng thời thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, động viên và tạo điều kiện thuận lợi để các đảng viên được giao nhiệm vụ thực hiện công tác phát triển đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chủ động, kịp thời đề xuất cấp trên tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho người có đủ tiêu chuẩn được kết nạp vào Đảng. Đồng thời, tăng cường củng cố tổ chức và hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là cấp cơ sở, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, qua thực tiễn ở cơ sở phát hiện, giới thiệu đoàn viên, thanh niên, hội viên, quần chúng ưu tú cho Đảng...


Quốc Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]