(Baothanhhoa.vn) - Phát triển đảng viên là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, bảo đảm tính kế thừa và sự phát triển của Đảng. Nhưng phát triển đảng viên nói chung và đảng viên nữ nói riêng đang là vấn đề khó khăn do thiếu nguồn. Những nữ quần chúng ưu tú được kết nạp Đảng, được Đảng tin tưởng giao nhiệm vụ, đã và đang truyền lửa, truyền nhiệt huyết cho những quần chúng nữ ưu tú khác vượt qua “rào cản” do quan niệm, định kiến... phấn đấu vào Đảng, để đóng góp nhiều hơn cho đất nước, thực hiện bình đẳng giới.

Phát triển đảng viên nữ gắn với công tác cán bộ nữ: Bài 1 - Phát triển đảng viên nữ, tạo nguồn cán bộ nữ địa phương

Phát triển đảng viên là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, bảo đảm tính kế thừa và sự phát triển của Đảng. Nhưng phát triển đảng viên nói chung và đảng viên nữ nói riêng đang là vấn đề khó khăn do thiếu nguồn. Những nữ quần chúng ưu tú được kết nạp Đảng, được Đảng tin tưởng giao nhiệm vụ, đã và đang truyền lửa, truyền nhiệt huyết cho những quần chúng nữ ưu tú khác vượt qua “rào cản” do quan niệm, định kiến... phấn đấu vào Đảng, để đóng góp nhiều hơn cho đất nước, thực hiện bình đẳng giới.

Phát triển đảng viên nữ gắn với công tác cán bộ nữ: Bài 1 - Phát triển đảng viên nữ, tạo nguồn cán bộ nữ địa phươngĐồng chí Lê Đình Quê, Bí thư chi bộ Trạm y tế trao Quyết định kết nạp Đảng cho đảng viên nữ chi bộ trạm y tế xã. Ảnh: Lê Hà

Điểm sáng nơi gian khó

Lập gia đình được 2 năm, chị Phạm Thị Oanh, sinh năm 1969, dân tộc Mường xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) chủ động xin tham gia sinh hoạt chi hội phụ nữ. Sau thời gian sinh hoạt, chị Oanh được bầu làm chi hội phó rồi chi hội trưởng chi hội phụ nữ Lập Thắng. Trong thời gian này, chị cùng hội viên nòng cốt tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chị em tham gia sản xuất, cải thiện chất lượng cuộc sống và đã xây dựng được 4 mô hình kinh tế trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đặc biệt là vận động hội viên chuyển đổi đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây keo đạt 97% số hộ tham gia. Phong trào hoạt động của chi hội ngày càng đi vào cuộc sống, thiết thực hơn, thu hút nhiều hội viên tham gia sinh hoạt.

Có tố chất và phát huy được năng lực sở trường của người cán bộ hội, chị Oanh được tổ chức hội giới thiệu nguồn kết nạp Đảng. Năm 2008, chị Oanh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, từ đây, chị càng ý thức được vai trò gương mẫu của đảng viên và hăng hái vận động hội viên, Nhân dân đưa các giống lúa, ngô mới vào sản xuất; xóa bỏ hủ tục lạc hậu, thay đổi dần quan niệm trọng nam khinh nữ, đặc biệt là vận động gia đình hội viên, phụ nữ có chồng, con tránh xa tệ nạn xã hội...

Năm 2020, chị Oanh được Đảng cử, dân tin bầu làm Bí thư Chi bộ Lập Thắng và là nữ bí thư chi bộ thôn duy nhất trong 12 chi bộ nông thôn của Đảng bộ xã Thạch Lập. Đảm nhận vai trò lãnh đạo chi bộ có 4 đảng viên nữ/16 đảng viên và chưa từng có nữ làm bí thư chi bộ, nhưng được Đảng cử, dân tin, chồng động viên, chia sẻ và ủng hộ nhiệt tình, chị Oanh đã vượt qua những “rào cản” nỗ lực làm tốt nhiệm vụ là “đầu tàu” gương mẫu trong mọi việc. Trong quá trình công tác, chị đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều nhiệm vụ sát với chủ trương của cấp ủy cấp trên và phù hợp với thực tiễn địa phương. Với bản năng khéo léo, tế nhị của người phụ nữ, chị Oanh làm công tác dân vận rất tốt và đã giải quyết nhiều mâu thuẫn gia đình về tranh chấp đất đai, quyền thừa kế; vận động hộ dân hiến đất làm đường; cá nhân chị còn trực tiếp gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, giúp 2 quần chúng ưu tú có nhận thức đúng về Đảng, giới thiệu nguồn cho Đảng, đến nay đang chờ quyết định kết nạp Đảng của Ban Thường vụ Huyện ủy.

Đồng chí Phạm Hữu Tài, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Lập cho biết: “Đồng chí Phạm Thị Oanh, Bí thư Chi bộ Lập Thắng là 1 trong 73 đảng viên nữ/258 đảng viên toàn đảng bộ, đồng chí đang góp phần quan trọng giúp cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng chí đã phát huy tốt vai trò người đứng đầu chi ủy, nhiệt tình, sâu sát cơ sở, giữ được mối đoàn kết thống nhất trong chi bộ nên mọi hoạt động thực hiện nhiệm vụ của chi bộ, của thôn luôn hoàn thành và hoàn thành tốt, được xã chọn để triển khai thực hiện mô hình điểm “Nhà sạch vườn đẹp” và chỉ đạo thực hiện đề án của huyện về “Bảo tồn, phát triển nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021–2025”.

Sinh năm 1999, Lang Thị Tính, thôn Vịn, xã Bát Mọt (Thường Xuân), tốt nghiệp đại học chuyên ngành lâm nghiệp và trở về địa phương với mong muốn được đóng góp năng lực, trí tuệ cho sự phát triển của quê nhà. Tính đã năng nổ tham gia các phong trào của chi đoàn thanh niên và được tổ chức giới thiệu nguồn cho Đảng. Tháng 9-2021, Tính chính thức có quyết định được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đồng chí Lang Hồng Tuyên, Bí thư Chi bộ thôn Vịn chia sẻ: “Chi bộ được cấp ủy đảng đánh giá là đơn vị có nhiều giải pháp trong công tác phát triển đảng viên, trong đó có đảng viên nữ. Hiện, chi bộ có 4 đảng viên nữ/48 đảng viên. Các đảng viên nữ đều tích cực tham gia sinh hoạt và có nhiều đóng góp ý kiến xây dựng chi bộ, xây dựng thôn phát triển, luôn đi đầu trong các phong trào sản xuất, thực hiện các mô hình và tham gia đề án phát triển du lịch cộng đồng...

Theo số liệu của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đến tháng 9-2021, toàn tỉnh có 84.284 đảng viên nữ/230.714 đảng viên, chiếm 36,53%, trong khi lực lượng nữ chiếm khoảng 50% dân số toàn tỉnh.

Tìm nguồn cán bộ nữ

Là người đầu tiên của huyện Đông Sơn sau tốt nghiệp đại học chính quy về làm công chức xã, thị trấn, chị Mai Ngọc Linh, công chức văn phòng thống kê thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn) luôn tích cực hoạt động xã hội và làm tốt công tác chuyên môn, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thị trấn nhiều nội dung quan trọng và được bầu làm đảng ủy viên, đại biểu HĐND thị trấn. Năm 2016, chị được điều động về làm Phó Chủ tịch UBND xã Đông Văn. Thời điểm này, xã Đông Văn đang trong lộ trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu và phấn đấu đến năm 2020 về đích nên khá bộn bề công việc. Trưởng thành từ cơ sở cùng với những kiến thức học từ đại học, trau dồi nghiệp vụ chuyên môn, bồi dưỡng lý luận chính trị, chị Linh tranh thủ nhiều ý kiến của cán bộ địa phương, dành nhiều thời gian đi cơ sở để có thêm hiểu biết thực tiễn ở đơn vị mới vận dụng vào giải quyết công việc linh hoạt, hiệu quả, góp phần vào thành công trong xây dựng xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh năm 2020. Nhiệm kỳ 2020-2025, chị Linh được bầu làm phó bí thư, chủ tịch UBND xã. Hơn 30 tuổi, chị Linh đã khẳng định được năng lực bản thân, trải qua nhiều vị trí, công việc và ngày càng làm tốt hơn vai trò, chức trách nhiệm vụ, được cấp ủy cấp trên ghi nhận, đánh giá cao bởi năng lực, trình độ và sự tận tâm với công việc, góp phần vào công tác bình đẳng giới, tăng tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý các cấp trên địa bàn tỉnh.

Những năm gần đây, công tác phát triển đảng viên nữ gắn với công tác cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị quan tâm đã có chuyển biến đáng kể về nhận thức và hành động. Chị Linh là một trong những cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý được cấp ủy, chính quyền lựa chọn qua thời gian rà soát, sàng lọc, bồi dưỡng tạo nguồn tuyển dụng đã phát huy được năng lực, sở trường của mình trên các lĩnh vực. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, số chị em có trình độ cao ngày càng nhiều và được trẻ hóa. Toàn tỉnh có 11 chị phó giáo sư/25 người (chiếm 44%); 92 chị là tiến sĩ/272 người (chiếm 33,8%); 6.525 chị có trình độ thạc sĩ/12.220 người (chiếm 53,5%); 28.576 chị có trình độ đại học/46.579 người (chiếm 61,3%); 6.140 chị có trình độ cao đẳng/8.511 người (chiếm 77,7%). Đây là nguồn cán bộ nữ chất lượng đang có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành, địa phương.

Theo số liệu thống kê của Sở Nội vụ, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025: cấp xã đạt 22,7% (tăng 4,04%); cấp huyện đạt 18,27% (tăng 2,77%), cấp tỉnh đạt 10,8% (tăng 2,23%). Nữ ĐBQH khóa XV 21,43%; nữ đại biểu HĐND tỉnh đạt 20% (tăng 2,11%), cấp huyện đạt 28,87% (tăng 2,99%), cấp cơ sở đạt 27,29% (tăng 3,42%). Tuy đạt được chuyển biến quan trọng trong công tác cán bộ nữ nhưng kết quả vẫn chưa tương xứng với vị trí, vai trò và tiềm năng của phụ nữ, chưa đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đề ra trong các văn kiện của Đảng về công tác cán bộ nữ.

“Rào cản”

Công tác phát triển đảng viên nữ là nhiệm vụ quan trọng, không chỉ có ý nghĩa xây dựng tổ chức đảng vững mạnh mà còn tạo nguồn cán bộ nữ cho địa phương, nhưng trên thực tế, nhiều tổ chức cơ sở đảng lúng túng chưa tìm được giải pháp hữu hiệu nâng tỷ lệ đảng viên nữ và cán bộ nữ tham gia cấp ủy, HĐND các cấp, nữ giữ vị trí quan trọng chủ chốt các cơ quan Đảng, chính quyền, ngành, đoàn thể các cấp...

Đối với công tác phát triển đảng viên nữ của các tổ chức cơ sở đảng khu vực nông thôn của tỉnh thường đạt mục tiêu đề ra, nhưng số lượng đảng viên nữ được kết nạp chủ yếu công tác ở cơ quan, đơn vị hành chính, trường học, còn nữ đảng viên trưởng thành từ các phong trào ở nông thôn rất ít, thậm chí là chi bộ thôn “trắng” đảng viên nữ và nhiều năm không tìm được nguồn kết nạp. Ngay ở xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) mặc dù có nhân tố nữ bí thư chi bộ nông thôn Phạm Thị Oanh (Chi bộ Lập Thắng) nhưng các Chi bộ Đô Sơn, Đô Quan, Tân Thành lại “trắng” đảng viên nữ. Đảng viên nữ toàn đảng bộ xã chiếm 28,3%, 1 nữ tham gia cấp ủy đảng, không có nữ trong ban thường vụ.

Đồng chí Lê Bá Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Thành (Hoằng Hóa) cho biết: “Đảng bộ xã cũng trong tình trạng khó khăn chung với nhiều đảng bộ cơ sở khác về phát triển đảng viên diễn ra nhiều năm nay. Nhiệm kỳ 2015-2020, đảng bộ xã kết nạp được 5 đảng viên nữ/9 đảng viên, nhưng chủ yếu là đảng viên nữ khối trường học, cơ quan. Nhiệm kỳ 2020-2025 phấn đấu kết nạp 10 đảng viên, nhưng từ đầu năm đến nay, mặc dù đảng ủy xã tăng cường chỉ đạo các chi bộ rà soát, đánh giá, tìm nguồn để bồi dưỡng nhưng chưa kết nạp được đảng viên nào. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến cán bộ nữ của xã tham gia cấp ủy đảng chưa đạt theo quy định. Đảng bộ có 2 nữ đảng ủy viên, chiếm 15,3%, chưa có nữ tham gia ban thường vụ đảng ủy”.

Qua thực tiễn tìm hiểu về công tác phát triển đảng viên nữ gắn với công tác cán bộ nữ tại các đơn vị, vùng, miền đều có chung vướng mắc, đó là đại đa số nữ nông thôn, vùng miền núi cao chịu nhiều thiệt thòi, ít có cơ hội học hành, ít tham gia công tác xã hội, chịu sự chi phối của quan niệm “trọng nam khinh nữ” nên nhiều phụ nữ khi đã lấy chồng bận rộn với công việc gia đình, không được gia đình ủng hộ, nên động lực phấn đấu bị “triệt tiêu”. Một số chị em có biểu hiện tính toán: Nếu vào Đảng, được làm cán bộ ở địa phương, được Nhà nước chi trả lương hằng tháng và có cơ hội thăng tiến thì họ sẽ có động lực. Ngược lại, nếu là đảng viên thường, phải mất thời gian sinh hoạt Đảng ít nhất mỗi tháng 1 lần đóng Đảng phí... nên họ không “mặn mà” phấn đấu vào Đảng. Nguồn quần chúng ưu tú là nữ nhiều, nhưng trên thực tế, rất ít phụ nữ có đủ tiêu chuẩn để vào nguồn phát triển Đảng trong khi yêu cầu phát triển Đảng vẫn phải bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, một số bí thư chi bộ thôn nhận thức chưa đầy đủ về sự cần thiết của việc kết nạp đảng viên nữ nên chưa chủ động, chưa tích cực tạo nguồn. Chất lượng hoạt động của các đoàn thể ở cơ sở hạn chế... Nhiều đảng bộ xã mới chú ý đến phát triển đảng viên là giáo viên, cán bộ, công chức xã, mà ít quan tâm đến việc phát triển đảng viên nữ dân tộc thiểu số ở chi bộ nông thôn. Đây cũng là những “nút thắt” khiến tỷ lệ đảng viên nữ ở nông thôn chưa cao, kéo theo việc tìm nguồn cán bộ nữ gặp nhiều khó khăn.

Lê Hà

Bài 2: Có thực sự khó.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]