(Baothanhhoa.vn) - Đảng ta do Bác Hồ sáng lập. Đảng ra đời vào mùa xuân (3-2-1930). Mùa xuân của thiên nhiên, mùa xuân của đất nước, mùa xuân của nhân dân, mùa xuân của Đảng hòa làm một khiến niềm vui, niềm hạnh phúc như được nhân lên bất tận.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những vần thơ viết về Đảng, Bác Hồ và mùa Xuân

Đảng ta do Bác Hồ sáng lập. Đảng ra đời vào mùa xuân (3-2-1930). Mùa xuân của thiên nhiên, mùa xuân của đất nước, mùa xuân của nhân dân, mùa xuân của Đảng hòa làm một khiến niềm vui, niềm hạnh phúc như được nhân lên bất tận.

Những vần thơ viết về Đảng, Bác Hồ và mùa Xuân

Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (TP Thanh Hóa). Ảnh: Hà Hiền

Như một lẽ tự nhiên, hằng năm, cứ mỗi độ tết đến, xuân về là cả dân tộc Việt Nam lại hân hoan, tưng bừng đón chào năm mới, chào mừng kỷ niệm Hgày thành lập Đảng quang vinh. Trong thời khắc giao hòa đó, Bác Hồ - tên Người là cả một niềm thơ - luôn vang lên trong trái tim của mỗi người con đất Việt. Đảng, Bác Hồ và mùa xuân đã trở thành đề tài, thành nguồn cảm hứng bất tận cho thơ ca, nhạc, họa,... Đọc những vần thơ viết về Đảng, về Bác Hồ kính yêu, về mùa xuân trong thời khắc này khiến chúng ta vô cùng bồi hồi, xúc động.

Đảng là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng thật ý nghĩa, là sự lựa chọn mang tính quy luật, tính lịch sử, để rồi từ đó “ý Đảng, lòng dân” trở thành vũ khí “bách chiến bách thắng”, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì lý tưởng sáng ngời “không có gì quý hơn độc lập tự do”, đem lại mùa xuân bất tận cho dân tộc.

Kể từ mùa xuân ấy, hơn mười năm sau - xuân năm 1941, Bác Hồ trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước. Giữa một vùng núi non trùng điệp với muôn hoa xuân đua sắc và lòng người rưng rưng, lắng đọng trong giờ phút Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên trở về đất mẹ tại cột mốc 108 (Pác Bó - Cao Bằng) đã trở thành cảm hứng cho sự ra đời bài thơ Mùa Xuân năm 1941 của nhà thơ Tố Hữu như báo hiệu một tương lai xán lạn của dân tộc Việt Nam đang sắp đến gần:

Ôi sáng Xuân nay, Xuân bốn mốt

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

Bác về, im lặng. Con chim hót

Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ...

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, một Đảng mới 15 tuổi đã cùng nhân dân vùng lên Tổng khởi nghĩa giành lại nền độc lập, tự do, đưa đất nước thoát khỏi “đêm trường nô lệ”, khai sinh một nước Việt Nam mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Một lẽ tự nhiên như cơm ăn, nước uống, khí trời, Tố Hữu - nhà thơ trữ tình - chính trị, nhà thơ của lý tưởng cộng sản - lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam trở thành một trong những người viết nhiều nhất và hay nhất về Đảng, Bác và mùa xuân.

Tập thơ đầu tay của Tố Hữu (Từ ấy) là tiếng hát trong trẻo, phấn chấn, say mê của người thanh niên cộng sản khi mới bắt gặp lý tưởng cách mạng, trong đó bài thơ Từ ấy được viết vào năm 1938, đó là thời điểm Tố Hữu được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương. Nó là một mốc son đánh dấu sự chuyển biến trong cuộc đời, trong thơ Tố Hữu. Như chính nhà thơ đã từng viết “Từ ấy là một tâm hồn trong trẻo của tuổi mười tám đôi mươi, đi theo lý tưởng cao đẹp dám sống, dám đấu tranh”:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lý chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim...

Trong bài thơ Một nhành xuân, Tố Hữu cũng từng viết: “... Năm hai mươi của thế kỷ hai mươi/ Tôi sinh ra nhưng chưa được làm người/... Ngẩng đầu lên không thấy mặt trời/ Đất lai láng những là nước mắt... Từ vô vọng mênh mông đêm tối,/ Người đã đến chói chang nắng dội,/ Trong lòng tôi ôi Đảng thân yêu...”.

Trong rất nhiều những bài thơ viết về Đảng làm lay động lòng người của Tố Hữu, Ba mươi năm đời ta có Đảng có lẽ là bài thơ được nhắc đến nhiều nhất. Đảng là niềm tin, là sức mạnh. Đảng đấu tranh vì lợi quyền dân tộc, mang hạnh phúc, ấm no cho mỗi con người: “Đảng ta, muôn vạn công nông/ Đảng ta, muôn vạn tấm lòng niềm tin/ Đảng ta, Mác - Lê-nin vĩ đại/ Lại hồi sinh, trả lại cho ta/ Trời cao, đất rộng bao la/ Bát cơm, tấm áo, hương hoa, hồn người”. Sức mạnh của Đảng và sự bền vững của chế độ bắt nguồn từ sức mạnh của lòng dân, của mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân, giữa dân với Đảng; đồng thời là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp hữu cơ giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Dù trong hoàn cảnh nào, khi đã có niềm tin thì người dân luôn theo Đảng, bảo vệ Đảng đến cùng: “Dù khi tắt lửa tối trời/ Vững lòng quyết sống không rời Đảng ta/ Dù khi giặc khảo giặc tra/ Cắn răng thà chết không xa Đảng mình”. Đảng và Bác luôn không tách rời. Tố Hữu viết về Đảng là viết về lý tưởng, lẽ sống mà Bác Hồ chính là người đem đến lẽ sống, lý tưởng ấy. Không những thế, với Tố Hữu cũng như với toàn thể con dân Việt Nam, Bác còn là “cha”, là “Bác”, là “anh”, là “mẹ hiền”,... Tiêu biểu nhất cho những vần thơ viết về Bác của Tố Hữu là ba bài: Sáng tháng năm, Bác ơi!, Theo chân Bác. Bác Hồ đó, là lòng ta yên tĩnh/ Ôi người cha đôi mắt mẹ hiền sao!.../ Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị/ Màu quê hương bền bỉ đậm đà/... Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ... (Theo chân Bác). Bác ơi, tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông, mọi kiếp người (Bác ơi!). Còn những ai chưa được một lần/ Trong đời, gặp Bác! Hãy nhanh chân/ Tiến lên phía trước! Trên cao ấy/ Bác vẫn đưa tay đón lại gần.... (Theo chân Bác).

Năm mươi năm học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh! Cùng nhau đọc lại những vần thơ Tố Hữu viết về Bác giữa lúc mùa xuân đang đến gần, lòng bỗng thấy rưng rưng xúc động bồi hồi...

Cùng với Tố Hữu, nhà thơ Chế Lan Viên cũng viết rất nhiều và rất hay về Đảng, Bác Hồ. Với bài thơ Người đi tìm hình của nước, Chế Lan Viên đã cho chúng ta thấy rõ hình ảnh của Bác Hồ, của Đảng, của dân tộc như hòa quyện vào một:

Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc

Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin...

... Hình của Đảng lồng trong hình của nước

Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười...

Trước cách mạng, Chế Lan Viên được coi là một trong những nhà thơ lãng mạn nổi tiếng. Với Điêu tàn, có người còn nhầm tưởng ông là hậu duệ của Chế Bồng Nga khóc thương cho sự đổ nát của thành Đồ Bàn. Sau cách mạng, nhà thơ đi theo Đảng và vinh dự được đứng vào hàng ngũ của những người cộng sản. Niềm tự hào và xúc động trong ông đã dâng tràn trong một tâm trạng khó tả:

Ngày vào Đảng đất trời như đổi khác

Những vật vô tri cũng rưng rưng nước mắt...

Có lẽ không chỉ riêng nhà thơ, mà ai cũng vậy, khi được kết nạp vào Đảng ai cũng đều có một cảm giác thiêng liêng và diệu kỳ nên phút giây tuyên thệ dưới lá cờ búa liềm công - nông, dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh cũng là lúc những cảm xúc ngọt ngào trào tuôn thật đặc biệt:

Tôi đứng dưới cờ đưa tay tuyên thệ

Trên đất quê hương mang hình bóng mẹ

Ngỡ chừng như vừa sinh lại lần đầu

Đảng trở thành nơi cắt rốn chôn rau"...

Đã là người của Đảng thì ai cũng có điều kiện để suy nghĩ sâu sắc hơn về Đảng của mình và thấy hết sự vĩ đại của Đảng ta là đạo đức, là văn minh, để thêm tin, yêu Đảng.

Ngoài Tố Hữu và Chế Lan Viên, nhiều nhà thơ cũng đã viết về Đảng, Bác Hồ với tất cả tình cảm chân thành và thắm thiết.

Nhà thơ Phạm Hổ, một cây bút nổi tiếng chuyên viết cho thiếu nhi đã có những cảm nhận về Đảng thật tươi mới và xán lạn: ... Ôi Đảng chúng ta là mùa xuân tuyệt đẹp/ Ngày một thêm xuân không bao giờ hết/ Với địch, Đảng có chiếc nỏ thần An Dương Vương xưa/ Nhưng Đảng không để mất bao giờ/ Là ông Bụt hiện lên trong Tấm Cám/ Đảng cho người nghèo đôi hài thêu đi lên vui sướng/ Theo Đảng nhìn trời, không chỉ thấy sao/ Thấy những ánh đèn nhà cửa mai sau/ Góp một ngọn hải đăng trên biển cả loài người/ Đảng góp đường đi và nhận đường đi khắp các chân trời. (Dọc đường theo Đảng).

Lê Đức Thọ là một chiến sĩ cách mạng yêu thơ và làm nhiều thơ ngay từ khi còn bị giam cầm trong nhà tù đế quốc. Khi nghe tin con được kết nạp vào Đảng, ông xúc động khi nghĩ đến con, người đồng chí cùng chung lý tưởng chiến đấu: Đảng đã cho con cả cuộc đời/ Cả mùa xuân thắm rộn vui tươi/ Chắp cho đôi cánh thần tiên đó/ Con hãy bay đi tận cuối trời.

Với Xuân Diệu viết về Đảng là niềm tự hào, là lòng biết ơn và một tình thương thấm thía: Ôi người yêu, yêu hơn cả ái tình/ Người rất mực xa xanh và đỏ thắm/ Người gần gũi và bao la vạn dặm/ Người một người và ức triệu con người (Gánh). Trong những câu thơ say đắm này là của Xuân Diệu, chúng ta dễ dàng nhận ra cái giọng nồng nhiệt của một ông Hoàng thơ tình.

Nói đến Lưu Trọng Lư, người đọc thường nghĩ và nhớ đến hình ảnh một con nai vàng ngơ ngác, cái ngơ ngác của người thi sĩ giữa ngã ba đường của cuộc đời cũ. Thì nay, trên mỗi “nước bước”, “đường đi” không thể không có ánh sáng Đảng soi đường: Trên mỗi bước đi, lòng luôn tự hỏi:/ “Nếu trong ta vắng bóng một ngày”/ Nếu trong ta, vắng Người mãi mãi/ Đi từ đâu, ta sẽ lại về đâu? (Bước theo Đảng).

Thơ Lê Anh Xuân luôn say sưa ca ngợi những con người đã dâng trọn đời mình cho lý tưởng của Đảng. Nhất là anh say sưa ca ngợi Bác, thơ Lê Anh Xuân rất nhiều lần nói đến Bác, lần nào cũng với một niềm tin tưởng, một niềm kính yêu vô hạn: Miền Nam đọc thư Bác/ Sông Hiền Lương bồi hồi/ Trời Cà Mau giàn giụa nước mắt vui (Chúng con đón thư Bác); Ôi ba tiếng Hồ Chí Minh/ Đã thành vũ khí đã thành niềm tin/ Đã thành lời hứa thiêng liêng/ Lửa thiêu chẳng cháy đá nghiền chẳng tan (Nguyễn Văn Trỗi).

Mùa xuân về, cùng nhau ôn lại những vần thơ viết về Đảng, Bác Hồ và mùa xuân, chúng ta không thể không nhớ đến những vần thơ của Bác viết trong mỗi độ tết đến, xuân về. Mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng năm nào Bác cũng dành cho đồng bào và chiến sĩ cả nước những vần thơ chúc tết thắm thiết ân tình, có tác dụng cổ vũ và hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân đoàn kết một lòng xây dựng non sông, kiên cường đấu tranh thống nhất đất nước. Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, sức khỏe của Bác giảm sút rất nhiều và chỉ sau tết mấy tháng là Bác vĩnh biệt chúng ta. Vậy mà... Người “Chỉ biết quên mình cho hết thảy/ Như dòng sông chảy nặng phù sa” (Tố Hữu), bài thơ năm ấy không ngờ là bài thơ chúc tết cuối cùng của Bác:

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,

Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn!

Nhớ Bác! Nhớ những vần thơ của Bác! Học tập và làm theo những lời căn dặn trong Di chúc của Người! Nửa thế kỷ qua đi, nhưng lúc nào Bác cũng ở trong tim mỗi người dân nước Việt, nhất là mỗi độ tết đến, xuân về.

Từ mùa xuân Bác Hồ khai sinh ra Đảng ta đến nay, các kỳ đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng thường được tổ chức vào những mùa xuân. Sau mỗi kỳ đại hội, Đảng ta lại đem đến cho đất nước những mùa xuân ấm áp, sinh chồi nảy lộc.

Một mùa xuân mới đang về. Với bản lĩnh chính trị được rèn luyện qua 90 năm, với sức sáng tạo luôn tươi mới như “chồi non, lộc biếc”, chúng ta tin tưởng rằng Đảng ta sẽ lãnh đạo đất nước vượt qua thử thách, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đến bến bờ vinh quang.

Th.sĩ Lê Hồng Chính



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]