(Baothanhhoa.vn) - Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị Khóa XIII về chủ trương “Khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” (sau đây gọi chung là Kết luận 14), đã thể hiện sự tiếp tục kế thừa và phát triển mới trong tư duy của Đảng ta về cán bộ. Đồng thời tạo thêm động lực to lớn giúp cán bộ có thêm bản lĩnh dấn thân, mạnh dạn trong tư duy sáng tạo và đổi mới trong triển khai các phương pháp tổ chức quản lý, kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn có tính cấp bách để đảm bảo mục tiêu phục vụ Nhân dân.

Khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung

Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị Khóa XIII về chủ trương “Khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” (sau đây gọi chung là Kết luận 14), đã thể hiện sự tiếp tục kế thừa và phát triển mới trong tư duy của Đảng ta về cán bộ. Đồng thời tạo thêm động lực to lớn giúp cán bộ có thêm bản lĩnh dấn thân, mạnh dạn trong tư duy sáng tạo và đổi mới trong triển khai các phương pháp tổ chức quản lý, kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn có tính cấp bách để đảm bảo mục tiêu phục vụ Nhân dân.

Khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung

(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Tuy nhiên, cũng cần phải ngăn chặn việc lợi dụng chủ trương này để trục lợi cá nhân. Về lý luận, để vừa khuyến khích mặt tích cực, vừa ngăn chặn được mặt tiêu cực trong việc thực hiện chủ trương trên, cần phải hiểu đúng quan điểm: “Khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” theo Kết luận số 14 của Bộ Chính trị.

Theo đó, có hai mặt phải hiểu đúng là: [1]Cán bộ phải: "Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung"; [2]Đồng thời, cần có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, không còn uy tín đối với Nhân dân (1). Đây chính là hai mặt của một vấn đề, cần phải được quán triệt sâu sắc để hiểu đúng và thực hiện đồng bộ.

[1] "Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung" nghĩa là gì?

Trước hết “dám nghĩ” là những suy nghĩ một cách chủ động, độc lập, tích cực mang màu sắc riêng của chính cá nhân cán bộ mà không bị tác động, ép buộc bởi người khác. Từ những suy nghĩ chúng ta sẽ đưa ra dự định, kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện cái suy nghĩ trên.

“Dám nói” ở đây là nói thẳng, nói thật, nói đúng; không vụ lợi; không cần nói nhiều, quan trọng nói là phải “dám làm” nhằm hiện thực hóa suy nghĩ trên.

“Dám làm” là hành động thực tế, biến những ý tưởng trong đầu hay kế hoạch trên giấy thành hoạt động thực tế.

Tất nhiên rằng việc này không hề dễ dàng bởi vì nếu dễ, nếu không tổn hại gì đến bản thân thì có thể đơn giản thực hiện. “Dám nghĩ, dám làm” trong nhiều trường hợp, nếu thực hiện sẽ xảy ra một vài nguy cơ, hậu quả, tác động xấu nào đó bất lợi cho cán bộ đó. Vì vậy, “dám chịu trách nhiệm” ở đây là “dám chịu trách nhiệm về cá nhân mình khi gặp thất bại”, chứ không đổ lỗi cho người khác, khi kết quả không được như mong muốn, thậm chí còn gây thiệt hại về kinh tế - xã hội...

Đặc biệt, là "dám đổi mới sáng tạo", "dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám đột phá, và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung". Tức là không chịu theo thói/cách làm cũ hiệu quả thấp, thậm chí đã lạc hậu, không còn phù hợp với tình hình mới, cản trở sự phát triển nhưng vẫn đang được số đông/hệ thống thực hiện mà chưa có quy định mới của Đảng và Nhà nước - Để tự mình nghĩ ra cách làm mới phù hợp và hiệu quả hơn. Đương nhiên, việc "dám đổi mới" ấy phải xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị; nhưng không trái với Điều lệ Đảng và Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; và phải báo cáo với chủ thể lãnh đạo, quản lý có thẩm quyền; đồng thời việc "dám đổi mới" ấy phải xuất phát từ lợi ích của Tổ quốc, đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết, trước hết. Đây là vấn đề mới, vấn đề khó, nhất là trong điều kiện hệ thống pháp luật của nước ta chưa được hoàn thiện, còn nhiều khiếm khuyết, là chưa đồng bộ, thậm chí có chồng chéo, có những lĩnh vực, vấn đề mới phát sinh nhưng pháp luật chưa kịp điều chỉnh. Mặt khác, trong điều kiện cuộc đấu tranh chống tham nhũng của nước ta hiện nay rất quyết liệt, có một bộ phận nhỏ cán bộ có tâm lý e dè, ngần ngại, sợ sai trong thực thi công vụ của mình (như dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII đã nêu). Vì vậy, "Đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ triển khai thực hiện" (2).

[2] Đồng thời, cần có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, không còn uy tín đối với Nhân dân.

Trong thực tế vẫn còn một số cán bộ không dám làm, không dám quyết, thiếu năng động, sáng tạo, không dám đột phá… Có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là năng lực yếu, ngại khó khăn, thử thách và một số khác không có đạo dức cách mạng trong sáng, rơi vào cá nhân chủ nghĩa; cục bộ, lợi ích nhóm; “cơ hội chính trị”, “lựa theo chiều gió” để giữ “ghế”, tiến thân cấu kết với số cán bộ thoái hóa, biến chất để tham nhũng, tiêu cực... Cần phải phát hiện sớm và nhanh chóng xử lý số cán bộ này một cách hợp lý để cho bộ máy trong hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Lấy lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Để hiểu đúng và triển khai có hiệu quả hai nội dung trên theo tinh thần Kết luận 14, trong phương hướng tới cần thực hiện tốt các giải pháp sau đây:

Một là, Quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận 14 của Bộ Chính trị. Trước hết cần phải nhận thức rằng đây không phải là lần đầu tiên Đảng ta đề cập đến vấn đề "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm ..." của cán bộ. Sinh thời, Hồ Chủ tịch đã từng chỉ rõ: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc"; "Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém" (3). Vì vậy, trong tất cả các kỳ Đại hội, Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng đến cán bộ và công tác cán bộ. Kết luận 14 nhấn mạnh: "Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn khuyến khích, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" (4). Do đó, Kết luận 14 là tiếp tục kế thừa và phát triển mới trong tư duy của Đảng ta về cán bộ trong điều kiện mới, nhất là cán bộ cốt cán và cán bộ cấp chiến lược. Yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị phải quán triệt làm rõ mục đích, nội dung, cho đến tổ chức và kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết việc thực hiện... trên tinh thần "không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng" như Kết luận 14 yêu cầu. Đồng thời phải quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh là: "Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh" (5). Ngoài ra cần phải thường xuyên đánh giá cán bộ một cách khách quan, công tâm để bố trí cán bộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng; giúp cho tổ chức "biết rõ cán bộ", nắm chắc đội ngũ cán bộ để có chính sách và biện pháp thích hợp, đồng thời tạo tâm lý yên tâm cho đội ngũ cán bộ trong hoạt động thực tiễn.

- Hai là, có cơ chế bảo vệ cán bộ "dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung". Nếu nhận định “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” là quyết tâm, sự táo bạo, dám ra quyết định của cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, vấn đề đó lại có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của từng cơ quan, đơn vị; bộ ngành, địa phương nói riêng và của cả đất nước nói chung; đồng thời nó tác động tới nhiều người, nhiều đối tượng, ảnh hưởng tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, “quốc kế dân sinh”, bảo đảm quốc phòng - an ninh và quan hệ quốc tế... Nếu không có bản lĩnh, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, không dám đưa ra những quyết định táo bạo, đột phá thì người cán bộ lãnh đạo không thể hoàn thành những nhiệm vụ, trọng trách nặng nề mà Đảng và nhân dân giao phó. Thực tiễn và khoa học cho thấy, một mặt cái đúng, cái mới có thể lúc đầu đa số chưa nhận thức được. Do đó phải có một cơ chế để khuyến khích ngay từ đầu để cái đúng, cái mới ấy phát triển. Mặt khác, không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”, cái mới ấy có thể đúng nhưng cũng có thể có rủi ro là chưa phù hợp. Chúng ta phải dám chấp nhận cả những rủi ro đó. Có như vậy mới có thể khơi dậy được tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo của cán bộ.

Vì vậy, trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đặt ra "6 dám"; trên cơ sở đó, Kết luận 14 cụ thể hóa và chỉ rõ là "Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm" 6)...

Gần đây, ngày 13/5/2021, phát biểu kết luận buổi làm việc giữa đoàn công tác của Chính phủ với lãnh đạo TPHCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá khách quan những ưu điểm, khuyết điểm... và lưu ý lãnh đạo TPHCM phải thực hiện phân cấp, phân quyền rõ ràng và cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, không để sai phạm nhỏ, tích tụ thành sai phạm lớn. Thủ tướng đã chỉ rõ hạn chế là: "Vừa rồi thành phố làm chưa tốt..."; mặt khác, Thủ tướng cũng nhấn mạnh: "Nếu cán bộ làm sai mà không có động cơ vụ lợi, tham nhũng, lợi ích nhóm và làm vì cái chung… thì nếu xảy ra trường hợp đáng tiếc chúng tôi sẽ xem xét, bảo vệ". Tất cả những thể chế và chỉ đạo trên là "liều thuốc" rất kịp thời, giúp cán bộ cởi bỏ tâm lý sợ sai của mình trong thực hiện nhiệm vụ được giao và cũng là cơ chế bảo vệ cán bộ "có tâm", "dám nghĩ, dám làm".

- Ba là, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập phong cách, đạo dức Hồ Chí Minh về "dám nghĩ, dám làm", "nâng cao đạo đức cách mạng, quyết sạch chủ nghĩa cá nhân". Để có được sự nghiệp vĩ đại như ngày hôm nay Bác Hồ chỉ bắt đầu từ một ý nghĩ rất đơn giản và quyết định táo bạo của Người khi mới 21 tuổi: “Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, Tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Với tinh thần “không có gì quí hơn độc lập, tự do” với quyết tâm “dám nghĩ, dám làm”, khi ra đi Bác chỉ có hai bàn tay trắng, khi trở về Người mang cả dòng thác Cách mạng về giải phóng dân tộc ta.

Về đạo đức cách mạng, theo Bác là:"Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng... giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, đặt lợi ích của Đảng, của Nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích của cá nhân mình, gương mẫu trong mọi việc... " (7).

Về chủ nghĩa cá nhân, Người nói: "Tư tưởng không đúng thì có nhiều, nhưng có một tư tưởng mẹ đó là chủ nghĩa cá nhân. "Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. Nó là mẹ đẻ ra tất cả tính hư, nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô... Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội"). Vì vậy, chủ nghĩa cá nhân đối lập với đạo đức cách mạng. Người khẳng định "Đảng ta đã đào tạo được một thế hệ thanh niên cách mạng, gái cũng như trai, rất hăng hái, dũng cảm trong mọi công tác"; tuy nhiên, "bên cạnh những đồng chí tốt ấy, còn có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém"(8) do mang nặng chủ nghĩa cá nhân. Về vấn đề này, Đảng ta cũng đã chỉ ra là: "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước"(9). Những hiện tượng ấy đã: "làm xói mòn lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch, chống phá, thực hiện "Diễn biến hòa bình" đối với Đảng ta, chế độ ta" (10).

Đề quyét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, yêu cầu mỗi cán bộ: phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của Nhân dân lên trên hết, trước hết, tức là phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng...; phải đi sâu, đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ được giao.

- Bốn là, trong quá trình tổ chức thực hiện Kết luận 14, cần phải khuyến khích sự tham gia của Nhân dân. Khuyến khích sự tham gia của nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện Kết luận 14, coi đây là vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi công dân. Sự tham gia của nhân dân có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của quê hương và đất nước. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Vì vậy, nhân dân là người xây dựng và bảo vệ tốt nhất những vấn đề và những thành quả của cách mạng, trong đó có cán bộ. Muốn vậy, phải biết tin dân, nghe dân; làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu và tham gia trên hai bình diện: (1) Nhân dân phát hiện những cán bộ “vừa có đức, vừa có tài” để tiến cử cho huyện, tỉnh và Trung ương mà từ năm 1947 Bác Hồ kính yêu đã làm. (2) Nhân dân giám sát, phát hiện những việc làm lợi dụng cơ chế của Kết luận 14 để trục lợi cá nhân, nhằm báo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý.

- Năm là, các cấp, các ngành phải làm tốt công tác kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết việc thực hiện. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kết luận 14 có ý nghĩa rất quan trọng. Qua đánh giá khách quan những ưu điểm sẽ phát huy nhân ra diện rộng "gương người tốt, việc tốt"; chỉ ra hạn chế để uốn nắn kịp thời; những vấn đề đặt ra để giúp Bộ Chính trị và Trung ương Đảng tháo gỡ, bổ sung, hoàn thiện thể chế nhằm tạo ra cơ chế khuyến khích và bảo vệ "cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung" một cách tốt nhất. Vì vậy, các cấp, các ngành và các địa phương phải: "Định kỳ sơ kết, tổng kết, đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, giải pháp thí điểm, đổi mới, sáng tạo có hiệu quả; kịp thời xem xét, nghiên cứu để thể chế hoá thành quy định pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để nhân rộng các mô hình, giải pháp đó. Đồng thời biểu dương, khen thưởng xứng đáng; ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả cao"; đồng thời "xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước" (11).

Tóm lại, chúng ta tin tưởng rằng Kết luận 14 của Bộ Chính trị sẽ được nhân dân tin tưởng, ủng hộ và các cấp các ngành nói chung, trong đó có Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện thực hóa vào cuộc sống. Muốn vậy, chúng ta phải quán triệt sâu sắc đến toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hiểu đúng nhằm thống nhất nhận thức và hành động; đồng thời triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhóm giải pháp đã nêu ở trên.

Vũ Tất Thành (Khoa Xây dựng Đảng Trường Chính trị tỉnh)

Chú thích:

(1) ĐCS Việt Nam: Báo cáo Chính trị trình ĐH XIII của Đảng.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. CTQG.ST, H. 2011, tr. 309 - 313.

(2), (4), (6) (11): Bộ Chính trị BCHTWĐCS Việt Nam: Kết luận số 14

(5) Hồ Chí Minh toàn tập: Tập 5, Nxb CTQG, H.2000, tr.234 - 235.

(7) SĐD: Tập 9, Nxb. CTQG, H, 1996, tr.285.

(8) SĐD: Tập 10, Nxb. CTQG, H, 1996, tr.306.

(9) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị BCHTW 4 Khóa XII

(10) ĐCS Việt Nam: Văn kiện Hội nghị BCHTW 6 (lần 2) Khóa VIII, Nxb. CTQG, H, 1999, tr.44 - 45.


Vũ Tất Thành (Khoa Xây dựng Đảng Trường Chính trị tỉnh)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]