(Baothanhhoa.vn) - Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm toàn diện về nội chính, đặt nền móng cho công tác nội chính và nền dân chủ - pháp quyền của nước ta, Người nói “Nội chính và công tác nội chính thuộc về lĩnh vực chính trị, là một vấn đề chính trị lớn, hệ trọng trong đời sống chính trị của Đảng, Nhà nước và xã hội. Lãnh đạo công tác nội chính là một phương diện hợp thành hoạt động lãnh đạo chính trị của Đảng và hoạt động quản lý, điều hành của Nhà nước do Đảng lãnh đạo; thực hiện công tác nội chính còn phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, trong đó không thể thiếu sự tham gia trực tiếp của công an và quân đội, của quốc phòng và an ninh cả về mặt thiết chế - tổ chức và lực lượng con người, ngay hoạt động đối ngoại và công tác ngoại giao cũng có sự phối hợp chặt chẽ, liên hệ mật thiết với công tác nội chính”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Không ngừng đổi mới, thực hiện tốt công tác tham mưu về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm toàn diện về nội chính, đặt nền móng cho công tác nội chính và nền dân chủ - pháp quyền của nước ta, Người nói “Nội chính và công tác nội chính thuộc về lĩnh vực chính trị, là một vấn đề chính trị lớn, hệ trọng trong đời sống chính trị của Đảng, Nhà nước và xã hội. Lãnh đạo công tác nội chính là một phương diện hợp thành hoạt động lãnh đạo chính trị của Đảng và hoạt động quản lý, điều hành của Nhà nước do Đảng lãnh đạo; thực hiện công tác nội chính còn phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, trong đó không thể thiếu sự tham gia trực tiếp của công an và quân đội, của quốc phòng và an ninh cả về mặt thiết chế - tổ chức và lực lượng con người, ngay hoạt động đối ngoại và công tác ngoại giao cũng có sự phối hợp chặt chẽ, liên hệ mật thiết với công tác nội chính”.

Không ngừng đổi mới, thực hiện tốt công tác tham mưu về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư phápĐồng chí Nguyễn Ngọc Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy trao Giấy khen của Ban Nội chính Tỉnh ủy cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác nội chính, PCTN và cải cách tư pháp năm 2020. Ảnh: Quốc Hương

Với vị trí, vai trò quan trọng của công tác nội chính, ngày 5-1-1966, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 133-NQ/TW về thành lập Ban Pháp chế Trung ương, là tổ chức tiền thân của Ban Nội chính Trung ương ngày nay. Qua nhiều lần thay đổi chức năng, nhiệm vụ và tổ chức, ngành nội chính Đảng luôn luôn nêu cao đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Từ tham mưu về công tác lập pháp, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, ngành đã vươn lên tham mưu giúp Trung ương và các cấp ủy đảng ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các vấn đề liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia, công tác xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp (CCTP), phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và hoạt động của các cơ quan nội chính, góp phần quan trọng giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước.

Thực hiện Quyết định số 48-QĐ/TW, ngày 17-9-1979 của Ban Bí thư Trung ương, ngày 6-11-1982, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 11-QĐ/TU thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy, là cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy, có chức năng, nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra, quản lý hoạt động công tác nội chính của các cấp, các ngành trong tỉnh, đặc biệt là các ngành trong khối nội chính. Ban Nội chính Tỉnh ủy cùng với các ngành trong khối nội chính đã tham mưu cho BanThường vụ, Thường trực Tỉnh ủy triển khai, cụ thể hóa nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là công tác bảo vệ an ninh nội bộ, an ninh nông thôn, dân tộc, tôn giáo, biên giới, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với hoạt động của các ngành khối nội chính, các cơ quan tư pháp.

Giai đoạn 2001-2012, thực hiện việc sắp xếp các cơ quan tham mưu của Đảng đảm bảo tinh gọn theo Nghị quyết của Trung ương khóa VIII, năm 2001 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra quyết định giải thể Ban Nội chính, chuyển giao nhiệm vụ tham mưu về công tác nội chính cho Văn phòng Tỉnh ủy và thành lập Phòng Nội chính thuộc Văn phòng Tỉnh ủy với chức năng, nhiệm vụ chính là theo dõi, tổng hợp công tác nội chính của các huyện, thị xã, thành phố, hoạt động của các cơ quan nội chính cấp tỉnh, phối hợp với các cơ quan chức năng đề xuất lãnh đạo văn phòng, tham mưu cho Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính trên địa bàn tỉnh, nhất là định hướng, chỉ đạo giải quyết những vấn đề, vụ việc nổi cộm liên quan đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần giữ vững ổn định tình hình.

Giai đoạn 2013 đến nay, để đáp ứng yêu cầu công tác nội chính và PCTN trong tình hình mới, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI), Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương quyết định thành lập Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương. Thực hiện kết luận của Trung ương, quy định của Ban Bí thư, ngày 5-7-2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1056-QĐ/TU về việc thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy và Quyết định số 1104-QĐ/TU, ngày 5-9-2013 quy định chức năng, nhiệm vụ, biên chế và mối quan hệ công tác của Ban Nội chính Tỉnh ủy, theo đó Ban Nội chính Tỉnh ủy là cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy về công tác nội chính, CCTP và PCTN với 8 nhóm nhiệm vụ là: Nghiên cứu, đề xuất; hướng dẫn, kiểm tra; thẩm định; cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh; tham gia về công tác cán bộ; tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư; hướng dẫn về hoạt động; bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ và thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy giao.

Sau khi tái lập đến nay, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã chủ động và phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác nội chính, CCTP và PCTN; ban hành 76 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cơ quan chức năng triển khai thực hiện phù hợp tình hình thực tiễn của tỉnh ta liên quan đến công tác đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác bảo vệ an toàn đại hội đảng các cấp; công tác CCTP và PCTN; thẩm định các văn bản do các sở, ban, ngành tham mưu liên quan đến công tác nội chính, PCTN trước khi trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành. Ban Nội chính Tỉnh ủy đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát 45 vụ việc, vụ án khó khăn, vướng mắc, dư luận xã hội quan tâm đưa vào diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc, như: Vụ vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường của Công ty CP Nicotex Thanh Thái; vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” tại huyện Mường Lát; vụ án Nguyễn Anh Tuấn (tức Tuấn “thần đèn”); vụ án đấu tranh, triệt xóa 2 công ty tài chính cho vay nặng lãi, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, làm nhục người khác... được dư luận đánh giá cao; tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, xử lý dứt điểm 5 vụ án, 32 vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN giao.

Công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng kể cả kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy và cơ quan chức năng đối với cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc, các sở, ngành về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác nội chính; CCTP và PCTN, rà soát các kết luận thanh tra kinh tế - xã hội, thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Qua kiểm tra, rà soát đã kiến nghị thu hồi hơn 4,2 tỷ đồng tiền sai phạm và 129m2 đất ở; yêu cầu giảm trừ khi quyết toán công trình trên 3,361 tỷ đồng, xử lý khác 9,4 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 13 vụ việc có dấu hiệu của tội phạm về tham nhũng, kinh tế để xử lý theo quy định của pháp luật. Ban đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, chủ trì, phối hợp với một số cơ quan xây dựng chuyên mục phòng, chống tham nhũng trên Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, được bạn đọc và dư luận đánh giá cao. Công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ được quan tâm, đã tổ chức 9 lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ làm công tác tham mưu về nội chính và PCTN ở các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thị, thành ủy và 2.360 lượt cán bộ là bí thư, chủ tịch cấp xã trong tỉnh.

Thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư gửi đến Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tiếp 1.321 lượt công dân; tiếp nhận, xử lý 3.512 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tham mưu, phục vụ Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân định kỳ hoặc đột xuất theo quy định; xác minh 9 vụ việc; chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng rà soát 32 vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài tham mưu Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm ổn định tình hình.

Phát huy truyền thống, phẩm chất “Trung thành - liêm chính - bản lĩnh - tận tụy”, cho dù chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy ngành nội chính Đảng Thanh Hóa những năm qua nhiều lần có sự thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh của từng giai đoạn, khi là “Bộ phận nội chính”, khi là Phòng Nội chính” hoặc là “Ban Nội chính Tỉnh ủy”, song công tác nội chính của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa vẫn đảm bảo sự liên tục, xuyên suốt và có tính kế thừa, từng bước trưởng thành và phát triển về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhiều tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương các loại và bằng khen của các cấp, nhiều đồng chí đã trưởng thành được giao đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng của tỉnh, ở sở, ngành và địa phương, có đồng chí là lãnh đạo của tỉnh.

Thời gian tới, nhiệm vụ công tác nội chính và PCTN rất nặng nề, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá, gây rối về an ninh trật tự để thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta; tình trạng vi phạm pháp luật, tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, công tác nội chính, PCTN, CCTP cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

1.Ban Nội chính Tỉnh ủy tiếp tục tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác nội chính, PCTN và CCTP, nhất là các nghị quyết của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; chiến lược quốc phòng Việt Nam; chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia. Tham mưu triển khai hiệu quả Chỉ thị số 26-CT/TW, ngày 9-11-2018 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 04-HD/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc. Đồng thời tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

2. Tăng cường công tác nắm, đánh giá, dự báo tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động; giải quyết kịp thời có hiệu quả về an ninh trật tự ngay từ cơ sở, không để phát sinh thành điểm nóng. Đồng thời đề ra những biện pháp quản lý xã hội, kiềm chế tội phạm, không để tội phạm lộng hành và hình thành các băng nhóm. Đẩy mạnh công tác bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo đảm an ninh thông tin, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động lợi dụng internet, mạng xã hội để xâm phạm an ninh trật tự, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Tăng cường quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, quản lý vũ khí, vật liệu nổ; phòng, chống cháy nổ nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; dịp tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; dịp bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời, siết chặt kiểm tra, kiểm soát người nhập cảnh tại các cửa khẩu, tại các đường ngang, lối mở nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19; ngăn chặn tình trạng công dân xuất, nhập cảnh trái phép, các hoạt động tôn giáo trái phép.

3. Nghiêm túc thực hiện có hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động nắm chắc thông tin, diễn biến tình hình, tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, các kiến nghị, các khiếu nại của công dân ngay từ ban đầu. Thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm việc tiếp dân, tăng cường đối thoại để kịp thời xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân của người đứng đầu cấp ủy theo Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị. Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp rà soát, theo dõi, chỉ đạo xử lý dứt điểm những vụ khiếu kiện phức tạp, kéo dài, đông người.

4.Làm tốt nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh; tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 26-CT/TW, ngày 9-11-2018 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 04-HD/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc. Các cơ quan bảo vệ pháp luật tập trung nâng cao công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; chấp hành nghiêm việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để bảo đảm mọi hành vi vi phạm pháp luật phải bị trừng trị và răn đe, không để xảy ra án oan, không bỏ lọt tội phạm. Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án; tập trung thi hành án dân sự đối với những việc và tiền có điều kiện thi hành.

5.Thực hiện đồng bộ, có hiệu các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là việc công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, đơn vị; kê khai, công khai tài sản, thu nhập theo Nghị định số 130/NĐ-CP, ngày 30-10-2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, dư luận quan tâm như: đất đai, quản lý tài chính, tài sản công; việc đấu thầu, đấu giá; lĩnh vực có nhiều đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Tập trung phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế. Ban Nội chính Tỉnh ủy đôn đốc các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN giao; rà soát, lựa chọn một số vụ việc, vụ án phức tạp, vướng mắc, dư luận quan tâm đưa vào diện Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo, Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc năm 2021.

Nguyễn Ngọc Tiến

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]