(Baothanhhoa.vn) - Chi bộ và đảng viên là những nơi, những người gần dân nhất và trực tiếp đưa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Nhận thức được điều đó, những năm qua, các cấp ủy đảng huyện Nga Sơn luôn phát huy vai trò “hạt nhân” lãnh đạo của các chi bộ nông thôn, “đầu tàu” của đảng viên trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Huyện Nga Sơn phát huy vai trò “hạt nhân” lãnh đạo của chi bộ, “đầu tàu” của đảng viên

Chi bộ và đảng viên là những nơi, những người gần dân nhất và trực tiếp đưa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Nhận thức được điều đó, những năm qua, các cấp ủy đảng huyện Nga Sơn luôn phát huy vai trò “hạt nhân” lãnh đạo của các chi bộ nông thôn, “đầu tàu” của đảng viên trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Huyện Nga Sơn phát huy vai trò “hạt nhân” lãnh đạo của chi bộ, “đầu tàu” của đảng viên

Đảng viên Nguyễn Văn Thư, chi bộ thôn Hợp Long 1, xã Nga Trường - tấm gương trong sản xuất, kinh doanh giỏi.

Ở Nga An, việc XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu được cấp ủy đảng, chính quyền xã xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng xuyên suốt. Vì vậy, trong từng giai đoạn, đảng ủy xã đều xây dựng, ban hành các nghị quyết chuyên đề, nhằm tập trung sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức đoàn thể chính trị và từng chi bộ thôn trong việc vận động, tập hợp Nhân dân “chung sức, chung lòng” tham gia thực hiện. Anh Mai Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Nga An, cho biết: “Trong năm 2021, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đảng ủy, chính quyền xã tập trung chỉ đạo là duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM nâng cao, hướng tới xã NTM kiểu mẫu và phấn đấu hoàn thành XDNTM kiểu mẫu ở 3 thôn. Với quyết tâm chính trị cao, sự chung sức, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong xã, Nga An đã hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đề ra của năm 2021. Nổi bật là xã đã đạt 16/20 chỉ tiêu thuộc 4 nhóm tiêu chí NTM kiểu mẫu và cả 3 thôn gồm: thôn 11, thôn 9, thôn 5 đã về đích NTM kiểu mẫu”.

Theo giới thiệu của Bí thư Đảng ủy xã Nga An, chúng tôi về thôn 11, là 1 trong 3 thôn đạt NTM kiểu mẫu năm 2021 ở Nga An. Điều ấn tượng đối với chúng tôi là các công trình kết cấu hạ tầng ở thôn được đầu tư xây dựng đồng bộ, nhất là hệ thống đường giao thông, kênh mương nội đồng có kết nối liên hoàn, thuận tiện cho việc đi lại và sản xuất của Nhân dân. Nói như Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác thôn 11 Mai Xuân Dậu, đó là những công trình của “ý Đảng - lòng dân”. Ông Dậu cho biết thêm: “Thôn có 201 hộ dân, với 745 nhân khẩu. Để thôn 11 có sự “thay da, đổi thịt” và vươn mình thành vùng quê “đáng sống”, ngay sau khi đạt chuẩn NTM, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong thôn tiếp tục ra sức thi đua lao động sản xuất và đóng góp sức người, sức của mở rộng đường giao thông, giao thông nội đồng, chỉnh trang nhà văn hóa. Đầu năm 2018, được sự chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền xã Nga An, chi bộ thôn 11 đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, hướng đến NTM kiểu mẫu. Nhằm nhanh chóng đưa nghị quyết vào cuộc sống, khơi dậy sức dân, chi bộ đã tổ chức hội nghị triển khai chủ trương, kế hoạch đến toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân”. Trên cơ sở rà soát, đánh giá lại các tiêu chí NTM, chi bộ thôn xác định cần phải mở rộng hơn 3km đường giao thông, bê tông toàn bộ đường giao thông nội đồng. Phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, chi bộ thôn đã giao cho 6 cụm dân cư tổ chức họp dân, bàn bạc, quyết định nội dung, cách thức triển khai thực hiện. Được làm chủ, Nhân dân ở 6 cụm dân cư đã đồng thuận đóng góp mỗi hộ từ 4 đến 5 triệu đồng để đổ bê tông mở rộng toàn bộ đường giao thông nội thôn, từ 2,5m lên 3,5 đến 5m; bê tông hóa 2,7km giao thông nội đồng và sửa chữa nhà văn hóa thôn. Đáng nói hơn, trong quá trình mở rộng đường giao thông, 20 hộ dân ở các cụm dân cư đã hiến khoảng 500m2 cho công trình. Cùng với đó, Nhân dân trong thôn còn đóng góp từ 1 - 1,5 triệu đồng/hộ để lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng trên các tuyến đường nội thôn, liên thôn. Bằng nghị quyết sát thực tiễn và vai trò lãnh đạo, dẫn dắt của chi bộ thôn 11, lòng dân, sức dân ở vùng quê này đã được khơi dậy để cùng XDNTM kiểu mẫu.

Tương tự, việc phát huy vai trò lãnh đạo của các chi bộ và tinh thần nêu gương “đi trước, làm trước” của đảng viên cũng được Đảng ủy xã Nga Trường quán triệt, triển khai sâu rộng trong hệ thống chính trị của xã. Đây chính là “chìa khóa” để Nga Trường về đích NTM nâng cao năm 2020 và hiện đang tập trung XDNTM kiểu mẫu. Thôn Hợp Long 1 được ví như “đầu tàu” của xã Nga Trường về chuyển đổi diện tích sâu trũng, sản xuất lúa kém hiệu quả sang mô hình gia trại, trang trại. Để có kết quả này, chi bộ thôn Hợp Long phải là “người” lãnh đạo, động viên Nhân dân chuyển đổi mô hình sản xuất. Đưa chúng tôi đi thăm trang trại của gia đình đảng viên Nguyễn Văn Thư, anh Trần Văn Sơn, phó bí thư thường trực đảng ủy xã, cho hay: “Không chỉ xông xáo, tận tụy với công việc của ủy ban MTTQ, hội cựu chiến binh xã, ông Thư còn là một điển hình tiêu biểu về sản xuất, kinh doanh giỏi của xã Nga Trường”. Thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa của huyện Nga Sơn và của xã Nga Trường, từ năm 1998, ông Thư đã tiên phong trong việc chuyển đổi 20 sào đất sâu trũng của gia đình để xây dựng cá lúa kết hợp với chăn nuôi. Chăm chỉ lao động và tích cóp lấy ngắn nuôi dài, đến nay trang trại của ông đã trồng hơn 100 cây dừa, hàng trăm cây ổi, 2 ao cá và nuôi 15 con lợn nái. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí gia đình ông Thư có thu nhập gần 300 triệu đồng. Ngoài ông Thư, trong chi bộ thôn Hợp Long 1 cũng có 3 đảng viên khác tiên phong đi đầu xây dựng mô hình trang trại, gia trại trên vùng đất sâu trũng bên bờ đê sông Hoạt. Ông Thư chia sẻ: “Mình là đảng viên, phải nêu gương “đi trước, làm trước” để quần chúng Nhân dân, nhất là lớp thanh niên học theo. Cùng với đó là thỏa mãn niềm đam mê với nông nghiệp và tăng nguồn thu nhập cho gia đình”.

Huyện Nga Sơn hiện có 10 chi bộ trực thuộc Huyện ủy và 373 chi bộ trực thuộc 35 đảng bộ cơ sở, với khoảng 8.450 đảng viên. Từ việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, nhất là phát huy vai trò hạt nhân chính trị của các chi bộ nông thôn và “đầu tàu” của đảng viên, các cấp ủy đảng trong huyện đã tìm ra “chìa khóa” để thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Minh chứng là năm 2021, tốc độ tăng giá trị sản xuất của huyện đạt 13,5%. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 6,5%; công nghiệp - xây dựng tăng 18,4%; dịch vụ tăng 11,9%. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 49,028 triệu đồng, tăng 3,33 triệu đồng so với năm 2020. Đi liền với đó, diện mạo các vùng nông thôn ngày một khang trang, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất của Nhân dân.

Bài và ảnh: Trần Thanh


Bài và ảnh: Trần Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]