(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW ngày 5-8-2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam (khóa VII) về “Đẩy mạnh xây dựng chi HND nghề nghiệp, tổ HND nghề nghiệp”, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã thành lập mới nhiều chi, tổ HND nghề nghiệp. Các mô hình này phát huy hiệu quả, tạo nhiều sản phẩm và thu nhập cho nông dân, góp phần đổi mới hình thức hoạt động hội.

Hiệu quả từ mô hình “5 cùng” của nông dân

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW ngày 5-8-2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam (khóa VII) về “Đẩy mạnh xây dựng chi HND nghề nghiệp, tổ HND nghề nghiệp”, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã thành lập mới nhiều chi, tổ HND nghề nghiệp. Các mô hình này phát huy hiệu quả, tạo nhiều sản phẩm và thu nhập cho nông dân, góp phần đổi mới hình thức hoạt động hội.

Hiệu quả từ mô hình “5 cùng” của nông dânLãnh đạo Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình trồng dưa của thành viên tổ hội trồng rau, quả hữu cơ công nghệ cao tại xã Đông Tiến (Đông Sơn).

Với tiêu chí “5 cùng”: cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, phối hợp hoạt động, tổ HND nghề nghiệp toàn tỉnh đã nâng cao tinh thần tích cực và trách nhiệm của hội viên, nông dân khi tham gia sinh hoạt, đồng thời giúp tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các hộ gia đình. Đây là kết quả rất đáng mừng trong bối cảnh hoạt động của các tổ, hội nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn trong suốt 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Xã Thạch Sơn (Thạch Thành) hiện có 47 ha trồng cây ăn quả, trong đó, cây mít Thái có diện tích 20 ha. Cây mít Thái được đánh giá là cây trồng rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và cho hiệu quả kinh tế cao. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, tổ hợp tác trồng cây mít Thái xã Thạch Sơn đã thành lập gồm 10 thành viên.

Ông Bùi Văn Hiển, tổ trưởng tổ hợp tác trồng cây mít Thái xã Thạch Sơn, cho biết: “Trước đây, khi chưa tham gia vào tổ hợp tác, các hộ gia đình sản xuất đơn lẻ, sản phẩm không đạt mong muốn như yêu cầu, sản phẩm tuy nhiều nhưng chưa gắn kết để tạo thành sản phẩm hàng hóa, vì vậy thị trường tiêu thụ không ổn định. Sau khi tham gia vào tổ hợp tác, các hội viên được chuyển giao khoa học - kỹ thuật, được hỗ trợ vay 500 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư cây giống, phân bón, cải tạo đất... sản xuất chuyên canh. Cũng trên diện tích ấy, nhưng khi đã có chung một nguồn cung, sản phẩm mít Thái của tổ hợp tác trở thành hàng hóa có tính cạnh tranh cao với đầu ra ổn định”. Được biết, hiện tại, với tổng diện tích đã trồng, có trên 90% cây sống và phát triển tốt, thu nhập bình quân đạt khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Thành công bước đầu là nền móng cơ bản giúp tổ hợp tác tiến tới xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm.

Tham gia tổ hội trồng rau, quả hữu cơ công nghệ cao tại xã Đông Tiến (Đông Sơn) từ ngày đầu mới thành lập, sau gần 3 năm, anh Lê Văn Hùng đã học hỏi nhiều kinh nghiệm để phát triển vườn cây ăn quả của gia đình. Anh Hùng chia sẻ: “Khi biết xã thành lập chi hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả, tôi đã đăng ký tham gia. Thời điểm đó tôi mới về quê lập nghiệp nên kiến thức về cây trồng còn nhiều hạn chế. Nhờ là hội viên của tổ hội nghề nghiệp mà tôi được tham gia nhiều lớp tập huấn trồng, chăm sóc cây và được các chú, các anh đi trước truyền đạt kinh nghiệm, trang bị cho tôi nhiều kiến thức để phát triển”.

Theo đó, để thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, đồng thời đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng, tổ hội đã mạnh dạn xây dựng nhà màng, nhà lưới để sản xuất các loại rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn hữu cơ. Trên diện tích 1,5 ha nhận thầu của địa phương, 40 thành viên của tổ hội đã đầu tư 1.000m2 nhà kính để luân canh trồng dưa Kim Hoàng hậu, dưa chuột, cà chua, các loại rau. Hàng năm, cung ứng cho thị trường khoảng 120 tấn rau, củ, quả các loại, lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt khoảng 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 15 lao động thường xuyên và 25 - 30 lao động thời vụ. Tổ hội đã đầu tư 3 cửa hàng thực phẩm sạch để giới thiệu, trưng bày sản phẩm tại huyện Đông Sơn và liên kết tiêu thụ với khoảng 10 cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn TP Thanh Hóa.

Từ điểm sáng của các tổ hội, nhiều cơ sở HND trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, động viên hội viên thành lập các tổ, chi hội nghề nghiệp để hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhiều chi, tổ HND nghề nghiệp đang là tâm điểm của việc gắn kết, đem lại thu nhập đáng kể cho người nông dân, tiêu biểu như các tổ HND: “Trồng rau an toàn” tại phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa; “Khai thác đánh bắt thủy, hải sản” tại xã Hải Hà (thị xã Nghi Sơn); “Nuôi cá lồng” tại thị trấn Thường Xuân; “Trồng dưa vàng trong nhà màng” tại thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa); “Chi hội VAC” ở thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn)...

Cùng với chỉ đạo, hướng dẫn thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp, HND tỉnh đã tập trung khai thác các nguồn vốn và ưu tiên cho các tổ hội nghề nghiệp. Trong đó, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đang là một trong những nguồn vốn quan trọng. Song song với hỗ trợ các nguồn vốn, HND tỉnh còn mở rộng các chương trình phối hợp, liên doanh, liên kết. Đồng thời, phối hợp tổ chức dạy nghề cho hội viên, nông dân; tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật; xây dựng chuỗi sản xuất, phối hợp cung ứng phân bón trả chậm cho hội viên nông dân... Những nguồn lực này đã giúp xây dựng được 9 chi HND nghề nghiệp với 244 hội viên tham gia, 92 tổ HND nghề nghiệp với 697 hội viên tham gia.

Thời gian tới, các cấp HND trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp, góp phần đa dạng hóa mô hình tổ chức HND ở cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi tiến tới thành lập các tổ hợp tác, HTX, thúc đẩy liên kết, phát triển sản xuất hàng hóa tại các địa phương.

Bài và ảnh: Hoàng Lan



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]