(Baothanhhoa.vn) - Ở bản Lách và phố Đoàn Kết, nơi mà nhiều năm về trước đồng bào Khơ Mú luôn phải trông đợi gạo “cứu đói” của Chính phủ. Nhưng giờ đây cuộc sống của đồng bào đã đổi khác, có cái ăn, nơi ở, có trường, có lớp, con cháu được học cái chữ. Mừng hơn là sự thay đổi trong nhận thức từ cấp ủy đảng, chính quyền đến mỗi người dân về tinh thần tự lực cánh sinh, đoàn kết, kiên cường bám bản, giữ đất, vươn lên xua đuổi “con ma” đói nghèo, dựng xây cuộc sống mới.

Hành trình tìm cuộc sống mới của đồng bào Khơ Mú xứ Thanh (Bài 2): Những bước đi mở lối thoát nghèo

Ở bản Lách và phố Đoàn Kết, nơi mà nhiều năm về trước đồng bào Khơ Mú luôn phải trông đợi gạo “cứu đói” của Chính phủ. Nhưng giờ đây cuộc sống của đồng bào đã đổi khác, có cái ăn, nơi ở, có trường, có lớp, con cháu được học cái chữ. Mừng hơn là sự thay đổi trong nhận thức từ cấp ủy đảng, chính quyền đến mỗi người dân về tinh thần tự lực cánh sinh, đoàn kết, kiên cường bám bản, giữ đất, vươn lên xua đuổi “con ma” đói nghèo, dựng xây cuộc sống mới.

Hành trình tìm cuộc sống mới của đồng bào Khơ Mú xứ Thanh (Bài 2): Những bước đi mở lối thoát nghèoÔng Hà Văn Khứm (đội mũ) - người có uy tín ở bản Lách, xã Mường Chanh (Mường Lát) tiên phong đưa cây gai xanh vào trồng trên đất đồi địa phương. Ảnh: P.V

Tin liên quan:
  • Hành trình tìm cuộc sống mới của đồng bào Khơ Mú xứ Thanh (Bài 2): Những bước đi mở lối thoát nghèo
    Hành trình tìm cuộc sống mới của đồng bào Khơ Mú xứ Thanh (Bài 1): Những đảng ...

    Cách đây hơn nửa thế kỷ, một số ít hộ đồng bào Khơ Mú di cư đến huyện biên giới Mường Lát, dừng chân tại bản Lách, xã Mường Chanh và bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn (nay là khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát) để tạo dựng cuộc sống mới. Đồng bào Khơ Mú gọi mình là Khmụ, Kmh mụ hoặc Kừm mụ tùy theo cách phát âm ở từng địa phương, nhưng đều có nghĩa là “người” hay “cộng đồng người”. Đúng như ý nghĩa của tên gọi, đồng bào Khơ Mú nơi đây thật sự là một cộng đồng người đoàn kết chung tay vượt đói nghèo, gây dựng cuộc sống mới và từng bước vươn lên làm giàu, vun đắp cho cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.

Qua rồi cảnh thiếu trước, hụt sau

Sau hơn 9 năm, chúng tôi mới có dịp trở lại bản Lách - bản duy nhất ở xã Mường Chanh có người Khơ Mú sinh sống lâu đời. Bằng chính sức mình và sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh Thanh Hóa và huyện Mường Lát, diện mạo bản Lách bây giờ mang sắc màu nông thôn mới rõ nét.

Cùng chúng tôi đi thăm các công trình cơ sở hạ tầng, mô hình sản xuất ở bản Lách hôm đó có anh Lò Văn Luyện, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Chanh. Đi trên con đường đất ven núi Póm Săn Co Há, phóng tầm mắt, bản Lách hiện ra với những thửa ruộng bậc thang, nương ngô xanh mướt và những nếp nhà sàn san sát, cuộc sống của bản thật ấm no, thanh bình. Anh Luyện trải lòng với chúng tôi: “Bản Lách có 54 hộ dân, với 259 nhân khẩu, người Khơ Mú chiếm tới 98%. Do tập quán canh tác nương rẫy trồng lúa, ngô, sắn nên tỷ lệ hộ nghèo của bản Lách hơn 90% vào năm 2015. Đau đáu hơn cả là một bộ phận bà con ngại lao động, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn”. Xác định rõ những khó khăn, nhất là giải quyết vấn đề lương thực tại chỗ có ý nghĩa rất quan trọng, Ðảng ủy xã Mường Chanh chỉ đạo Chi bộ bản Lách phát huy vai trò của đoàn thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân trong phát triển sản xuất, xây dựng nếp sống văn minh; đồng thời, tập trung quy hoạch đất trồng lúa, đất đồi dốc. Đảng ủy xã tranh thủ tiếng nói của người có uy tín, già làng, trưởng bản để tuyên truyền, vận động bà con hiểu rõ tác hại của việc phá rừng làm rẫy, tích cực khai hoang và chuyển từ canh tác nương rẫy quảng canh sang nương sản xuất định canh; thực hiện canh tác bền vững trên đất dốc và khai hoang trồng lúa nước.

Con đường đất ven núi dài hơn 3 km, lô nhô đất đá, có chỗ còn nguyên dấu vết của vụ sạt lở vừa mới xảy ra vào tháng 8-2022 dường như ngắn lại. Dừng chân dưới chân núi Hó, anh Luyện chia sẻ: “Đời sống đồng bào Khơ Mú nghèo nàn, lạc hậu, nhưng rất may nhiều đảng viên người Khơ Mú đã tiên phong trong phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong số đó có ông Hà Văn Khứm, người có uy tín của bản Lách”. Sau tiếng gọi của anh Luyện, giữa đồi gai xanh, ông Khứm vẫy tay chào chúng tôi.

Được tiếp lời, ông Khứm với giọng nói ấm áp, bồi hồi kể lại những lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng nhân dịp về thăm Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc xã Mường Chanh đầu tháng 9-2011. “Tôi được xã mời lên dự buổi gặp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trò chuyện với chúng tôi, Tổng Bí thư rất xúc động và không ngờ về với xã Mường Chanh, một xã vùng sâu, vùng xa là thế mà bộ mặt nông thôn lại khang trang, có trường, có lớp, có trụ sở làm việc; đời sống bà con có cái ăn, nơi ở. Gần gũi, thân tình thăm hỏi tình hình sản xuất và đời sống của Nhân dân, Tổng Bí thư mong muốn, cùng với sự quan tâm của Trung ương, các cấp ủy đảng, chính quyền, bà con các thôn, bản cần đoàn kết, giúp đỡ nhau, nỗ lực vươn lên thoát khỏi đói nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng khá giả hơn. Đồng thời, quyết tâm cao để xây dựng Mường Chanh trở thành xã điểm thoát nghèo và xây dựng nông thôn mới” - ông Khứm kể lại.

Nhớ lời căn dặn của Tổng Bí thư và Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, ông Khứm luôn đi đầu trong khai thác đất rừng để làm kinh tế. Dưới tán rừng sau nhà, ông Khứm đang nuôi 14 con lợn bản địa, 50 con gà, 5 con bò. Bên cạnh đó, gia đình ông vẫn duy trì 4 sào lúa nước và nương ngô để “lấy ngắn nuôi dài”. Mỗi năm nhà ông Khứm thu hoạch lúa khoảng 30 bao tải và từ 20 đến 30 bao tải ngô. Khi được hỏi về chuyện xuất bán, ông Khứm bộc bạch: “Gia đình nuôi đến khi nào đàn bò, đàn lợn lên vài chục con mới bán để lấy tiền cho các con, các cháu đi học”. Đầu năm 2022, khi xã Mường Chanh triển khai thí điểm trồng cây xanh trên diện tích đất ven sườn đồi, ông Khứm là người đầu tiên mạnh dạn chuyển đổi đất nương rẫy để trồng loại cây này, với diện tích 0,5 ha. Ngay đợt thu hoạch đầu tiên, gia đình ông đã có hơn 20 triệu đồng. Từ chỗ nghèo nàn, nay gia đình ông đã trở thành hộ “giàu có” nhất bản Lách.

Học theo ông Khứm, người dân bản Lách đã thay đổi nhận thức không còn ỷ lại nữa, mà chăm chỉ lao động, chủ động khai thác thế mạnh của tài nguyên rừng, gắn với chăn nuôi đại gia súc và tận dụng diện tích đất ở các vùng thấp để cấy lúa nước, lo cho đủ gạo ăn. Trong 5 năm qua, đồng bào Khơ Mú ở bản Lách đã khai hoang được hơn 6 ha lúa nước và có thể tự bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ. Đặc biệt, từ năm 2013, khi UBND tỉnh Thanh Hóa triển khai chính sách hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Mường Lát tự nguyện trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng sản xuất thay thế nương rẫy trong thời gian chưa tự túc được lương thực, đồng bào Khơ Mú nơi đây đã chủ động trồng mới hơn 26 ha rừng sản xuất; phát triển đàn trâu, bò được 71 con, trung bình mỗi hộ có 1 con trâu hoặc bò. Từ chỗ “cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc”, cuộc sống luôn thiếu trước, hụt sau, thì nay thu nhập bình quân đầu người ở bản Lách đạt 15 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 66,66%. Bản Lách đạt 5/14 tiêu chí về xây dựng thôn, bản nông thôn mới. Đây là bộ tiêu chí xây dựng thôn, bản nông thôn mới của tỉnh Thanh Hóa.

Cho "cần câu" thay vì "con cá"

Là “vùng lõm” về kinh tế, văn hóa - xã hội, huyện biên giới Mường Lát nói chung, địa bàn đồng bào Khơ Mú nói riêng luôn nhận được sự quan tâm lớn của Trung ương với hàng loạt chương trình, nghị quyết lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất và đời sống. Từ 2017-2021, Chương trình 135, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a đã hỗ trợ các hộ nghèo ở bản Lách và phố Đoàn Kết 57 con bò lai sin giống, với kinh phí 630 triệu đồng. Được xem là một huyện “điển hình” về nghèo khó, vì thế đầu tư cho Mường Lát không chỉ chờ đến các chương trình, dự án từ Trung ương mà tỉnh Thanh Hóa cũng đã có chính sách riêng dành cho vùng đất này. Trong đó, có Đề án “Ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Khơ Mú tỉnh Thanh Hóa”. Thực hiện đề án này, trong 5 năm qua, tỉnh đã bố trí khoảng 9 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, tập huấn, phổ biến kiến thức về kinh tế - xã hội cho đồng bào Khơ Mú. Cụ thể, tỉnh đã đầu tư xây dựng 5 công trình giao thông nội bản Lách và phố Đoàn Kết; 2 nhà văn hóa, 1 công trình nước sinh hoạt, với quy mô 13 bể chứa nước; tổ chức cho 59 người Khơ Mú đi tham quan học tập mô hình phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào Khơ Mú tỉnh Nghệ An; mở 4 hội nghị tập huấn, phổ biến kiến thức phát triển sản xuất cho 500 lượt người dân bản Lách và phố Đoàn Kết.

Có một “hệ thống” chính sách toàn diện của Trung ương và tỉnh đứng sau trợ lực, nhiều hộ đồng bào Khơ Mú ở bản Lách, phố Đoàn Kết đã thực sự vươn lên thoát nghèo bằng sức lao động. Gia đình ông Lò Văn Lèn ở bản Lách được hỗ trợ 1 con bò lai sin giống vào năm 2017 để tạo sinh kế. Sau 5 năm, chăn nuôi, chăm sóc theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, gia đình ông đã nhân đàn lên 5 con. Cùng với hơn 2 ha rừng lát, xoan, đàn bò đã trở thành gia sản lớn của gia đình ông Lèn. Hay như đảng viên Mong Văn Dôm, ở phố Đoàn Kết, từ chỗ thay đổi tư duy, ông đã xác định rõ chăn nuôi là “cứu cánh” cho hành trình thoát nghèo của gia đình. Ít ruộng nên khi được Nhà nước hỗ trợ bò giống, ông đã chuyển từ chăn nuôi thả “luông” trong rừng sang chăn nuôi có kiểm soát để nhân đàn. Cùng với nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng, ông mạnh dạn đầu tư chăn nuôi đàn lợn thịt. Giờ đây, gia đình ông Dôm có 20 con trâu, bò và 7 con lợn thịt. Từ hộ nghèo, giờ đây gia đình ông Dôm đã trở thành điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi ở phố Đoàn Kết.

Bà Trương Thị Huyền, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Mường Lát, đánh giá: “Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững thuộc Nghị quyết 30a của Chính phủ và Đề án “Ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Khơ Mú tỉnh Thanh Hóa” là chiếc “cần câu” cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Mường Lát, trong đó có đồng bào Khơ Mú”. So với năm 2016, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Khơ Mú được cải thiện rõ rệt trên tất cả các mặt: ăn, ở, đi lại, học hành, chăm sóc sức khỏe, tiếp cận thông tin nghe, nhìn. Tất cả các hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, có thẻ bảo hiểm y tế, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh khi xảy ra ốm đau, bệnh tật; tỷ lệ người dân có và dùng điện thoại di động chiếm trên 35%. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,87%; thu nhập bình quân đầu người đạt 11,3 triệu đồng/năm. Hệ thống y tế thôn, bản được phát huy và đem lại hiệu quả thiết thực. Trong bản Lách và khu phố Đoàn Kết đều có 1 cán bộ y tế được đào tạo trình độ sơ cấp, trực tiếp tư vấn chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, hướng dẫn người dân đến bệnh viện khi ốm đau.

Mặc dù đã có nhiều thay đổi trong đời sống kinh tế - xã hội, nhưng so với mặt bằng chung của huyện Mường Lát thì đồng bào Khơ Mú vẫn còn chậm phát triển trên tất cả các mặt. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao, trình độ dân trí thấp, nhiều người không biết đọc, biết viết. Ngoài ra, ở địa bàn đồng bào Khơ Mú còn thiếu nhiều công trình cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng như: nhà y tế thôn, bản; phòng học tiểu học, phòng học mầm non, nhà công vụ và công trình phụ trợ cho giáo viên; đập, mương thủy lợi; hơn 9,5 km đường giao thông đang là đường đất...

Trao đổi với chúng tôi về những giải pháp chiến lược cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống đồng bào Khơ Mú trong thời gian tới, đồng chí Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát, cho biết: “Thực tế, Mường Lát vẫn là huyện nghèo nhất của tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Điều kiện kinh tế - xã hội của huyện còn nhiều khó khăn, với quy mô nền kinh tế nhỏ và siêu nhỏ, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc còn thấp so với mặt bằng chung của khu vực miền núi trong tỉnh Thanh Hóa. Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh Thanh Hóa của một số cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể còn hạn chế, có nơi yếu. Với mục tiêu phấn đấu năm 2030 Mường Lát thoát ra khỏi danh sách huyện nghèo, ngày 29-9-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tới đây khi nghị quyết được triển khai đi vào cuộc sống chắc chắn huyện Mường Lát có điều kiện thuận lợi để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng và khai thác được hết tiềm năng, thế mạnh, trên cơ sở lấy nông nghiệp, lâm nghiệp làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế địa phương. Bởi vậy, cùng với các bản làng trong huyện, địa bàn đồng bào Khơ Mú cũng sẽ được đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng, từ đó bà con có điều kiện phát triển sản xuất theo hướng lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, tập quán sản xuất và bài toán giảm nghèo, thu nhập được giải quyết. Muốn vậy, từ trong từng cấp ủy, chính quyền và mỗi người dân phải thay đổi tư duy, tự lực, tự cường, chủ động vươn lên”.

Đi liền với đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Lát, tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 50-KL/TU, ngày 20-4-2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về “Phát triển đảng viên và chi bộ ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”. Trọng tâm là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng chi bộ và phát triển đảng viên ở các bản vùng sâu, vùng xa, nhất là các bản đồng bào Mông, Khơ Mú. Đồng thời, xây dựng, củng cố, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, gắn với phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, nhằm thu hút đông đảo hội viên, đoàn viên tham gia, để lựa chọn những quần chúng ưu tú, giới thiệu xem xét kết nạp Đảng. Đây cũng là những bước đi để các bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ở huyện Mường Lát tránh được nguy cơ tái “trắng” đảng viên, tái “trắng” chi bộ, chi bộ sinh hoạt ghép.

Trần Thanh - Lê Phượng

Bài cuối: Giúp đồng bào vươn lên, tự lực cánh sinh.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]