(Baothanhhoa.vn) - Nằm trên đường Lê Hoàn, phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) có tổng diện tích khuôn viên hơn 12.000m2, với nhiều hạng mục công trình kiến trúc đẹp uy nghiêm, gắn với trưng bày “Bác Hồ với Thanh Hóa – Thanh Hóa làm theo lời Bác”, Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi dâng hương tưởng nhớ công lao vĩ đại của Bác Hồ, là “địa chỉ đỏ” dành cho nhân dân và du khách thập phương đến thăm, thắp nén hương thơm, dâng đài hoa thơm ngát, bày tỏ lòng tôn kính, ngưỡng mộ đối với người con ưu tú của dân tộc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đón tết ở Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nằm trên đường Lê Hoàn, phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) có tổng diện tích khuôn viên hơn 12.000m2, với nhiều hạng mục công trình kiến trúc đẹp uy nghiêm, gắn với trưng bày “Bác Hồ với Thanh Hóa – Thanh Hóa làm theo lời Bác”, Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi dâng hương tưởng nhớ công lao vĩ đại của Bác Hồ, là “địa chỉ đỏ” dành cho nhân dân và du khách thập phương đến thăm, thắp nén hương thơm, dâng đài hoa thơm ngát, bày tỏ lòng tôn kính, ngưỡng mộ đối với người con ưu tú của dân tộc.

Đón tết ở Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Du khách đến tham quan những kỷ vật về Bác được trưng bày tại Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bỏ lại sau lưng những ồn ào của phố thị, những bộn bề lo toan của cuộc sống thường nhật, Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là điểm đến đầu tiên của ông Lê Đức Nghi mỗi độ tết đến, xuân về. Vinh dự được gặp, nghe Bác Hồ nói chuyện trong lần đầu Người về thăm Thanh Hóa, trong suốt cuộc đời mình, ông luôn nỗ lực học tập, phấn đấu theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Trưởng thành từ phong trào đoàn, làm giáo viên, rồi cán bộ, nguyên lãnh đạo ban tuyên giáo thị ủy phụ trách mảng khoa giáo, lịch sử; khi về hưu, ông tiếp tục nghiên cứu lịch sử, hiện là Chi hội trưởng, Chi hội Khoa học lịch sử TP Thanh Hóa.

Thành kính thắp nén nhang dâng Bác, bên những kỷ vật của Bác được trưng bày tại Khu Văn hóa tưởng niệm, ông Lê Đức Nghi xúc động cho biết: Cụ Hồ từ Chi Nê (Hòa Bình) vào Nho Quan (Ninh Bình) hôm trước; rồi tiếp tục hành trình đến Đò Lèn (Thanh Hóa) chừng 3 giờ sáng ngày 20-2-1947. Một số cán bộ tỉnh Thanh Hóa đi đón, được Bác mời đi cùng xe ô tô. Biết gần tỉnh lỵ có rừng, Bác bảo lên thẳng đó làm việc. Nói chuyện với cán bộ tỉnh ở Rừng Thông, huyện Đông Sơn, Bác nhấn mạnh: “Phải nhớ đoàn thể làm việc cho dân... Dân nghe theo là mình mạnh. Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân. Nhưng có những việc dân không muốn mà phải làm..., phải giải thích cho dân rõ. Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết”. Ông Lê Đức Nghi còn cho hay, buổi chiều cùng ngày, Cụ Hồ có buổi nói chuyện với các đại biểu nhân sĩ trí thức, phú hào trong tỉnh tại nhà ông Đỗ Hùng, ở thôn Tân Thọ (nay là Tân Độ, xã Đông Tân, TP Thanh Hóa). Cụ Hồ trao đổi sâu về trường kỳ kháng chiến và nhấn mạnh: “Tỉnh Thanh Hóa rất có thể làm một tỉnh kiểu mẫu. Vì tỉnh nhà có đủ điều kiện: Người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ cần có thêm lòng quả quyết nữa”. Người còn chỉ rõ về văn hóa quân sự, chính trị, kinh tế phải làm những gì và kêu gọi đồng bào trong tỉnh xắn tay áo đi làm. Báo “Chống giặc” của cơ quan Ủy ban Kháng chiến Thanh Hóa phản ánh: Sau khi hăng hái tham gia ý kiến, các thân hào đã quyên vào quỹ giúp đồng bào tản cư, di cư hơn 6 vạn đồng và nhiều thóc gạo.

Dẫn đầu đoàn học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc) đến thắp hương và báo công với Bác, cô giáo Nguyễn Thị Vân xúc động ghi vào sổ vàng lưu niệm: “...Chúng cháu vô cùng biết ơn công lao của vị lãnh tụ kính yêu, các cháu hứa sẽ noi gương Bác học tập, tu dưỡng, rèn luyện và làm theo lời Bác dạy để trở thành những người công dân kiểu mẫu, những chủ nhân tương lai của đất nước như sinh thời Bác hằng mong muốn. Mong nơi yên nghỉ vĩnh hằng Bác luôn dõi theo và cùng đồng hành trên con đường trồng người của chúng cháu”.

Ngoài những hiện vật, tài liệu gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Người được trưng bày trong Nhà tưởng niệm thì có một hiện vật thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách đến tham quan là chiếc trống đồng - biểu tượng tinh hoa văn hóa, hồn cốt dân tộc Việt Nam do ông Nguyễn Xuân Lâm, từng là hội viên Hội Di sản Văn hóa và Cổ vật Thanh Hóa, dâng tặng. Trống đã hội tụ đầy đủ những tri thức khoa học của thời đại cũng như tài năng nghệ thuật và tâm hồn người Việt cổ, được nghệ nhân Đặng Ích Hoàn và các cộng sự ở làng nghề Chè Đông (Trà Đồng, Thiệu Trung) mất hàng tháng trời làm khuôn đúc và chuẩn bị vật liệu. Trống có chiều cao 1,51 m, đường kính mặt 2,01 m, nặng 1.840 kg, được đúc hoàn toàn bằng phương pháp thủ công truyền thống, là một trong những chiếc trống điển hình trong hệ thống trống Đông Sơn, đã được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam trao giấy xác lập kỷ lục: Trống đồng đúc bằng phương pháp thủ công truyền thống lớn nhất, phá kỷ lục Việt Nam vào tháng 11-2010.

Ông Lâm cho biết, chiếc trống đồng ông đúc tặng dâng lên Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2010 - 2015). Lý do hết sức chân thành, đó là tình cảm, sự ngưỡng mộ, biết ơn với Bác Hồ, các vị anh hùng dân tộc, tôn vinh làng nghề đúc đồng truyền thống, nền văn hóa Đông Sơn và góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ông Trịnh Trọng Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin TP Thanh Hóa, cho biết: Được đưa vào sử dụng từ tháng 9-2001, Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình văn hóa có ý nghĩa đặc biệt đối với nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây lưu giữ, trưng bày những hiện vật, hình ảnh, hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những lần Người về thăm và làm việc tại Thanh Hóa. Chính vì vậy, đây là điểm đến vừa có ý nghĩa chính trị, tư tưởng, vừa thể hiện tình cảm sâu sắc, tri ân và lòng thành kính đối với Bác. Đến nay, sau gần 18 năm đưa vào hoạt động, trung bình mỗi năm, nơi đây đón tiếp trên 2.000 lượt khách trong nước và quốc tế tới tham quan, dâng hoa, thắp hương tưởng niệm. Đây cũng chính là một trong những địa chỉ sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau về lịch sử dân tộc, về thân thế, sự nghiệp vĩ đại của Người đối với đất nước nói chung và tình cảm của Người dành cho Thanh Hóa nói riêng.

Năm nay, kỷ niệm 72 năm Ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa; 50 năm thực hiện Di chúc của Người, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh tiếp tục khắc ghi tình cảm, công ơn sâu nặng của Bác Hồ; tôn vinh những tập thể kiểu mẫu, công dân gương mẫu; tự giác, thường xuyên học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh khá của cả nước, đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Bài và ảnh: Phan Nga


Bài Và Ảnh: Phan Nga

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]