(Baothanhhoa.vn) - Xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Sở Tư pháp đã triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát các chương trình, kế hoạch CCHC của tỉnh và nhiệm vụ của ngành tư pháp, đảm bảo chất lượng, hiệu quả công tác CCHC gắn với cải cách tư pháp.

Đổi mới cải cách hành chính ngành tư pháp

Xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Sở Tư pháp đã triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát các chương trình, kế hoạch CCHC của tỉnh và nhiệm vụ của ngành tư pháp, đảm bảo chất lượng, hiệu quả công tác CCHC gắn với cải cách tư pháp.

Đổi mới cải cách hành chính ngành tư phápCông chức Sở Tư pháp tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính của công dân.

Để đưa công tác CCHC đi vào chiều sâu, ngoài ban hành kế hoạch CCHC cho từng giai đoạn để định hướng rõ những việc lớn cần phải làm và mục tiêu phấn đấu cụ thể, Sở Tư pháp còn ban hành kế hoạch CCHC hàng năm để triển khai chương trình, kế hoạch đã đề ra và thực hiện một số nhiệm vụ đột xuất theo yêu cầu. Các kế hoạch CCHC đã xác định đầy đủ nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực, sát với chức năng và tình hình thực tế của cơ quan; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, từng cá nhân, yêu cầu nêu rõ kết quả đạt được và thời gian hoàn thành. Sở cũng thường xuyên quán triệt và yêu cầu tất cả cán bộ, công chức thực hiện tốt phương châm “4 tăng, 2 giảm, 3 không” trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), chấn chỉnh và siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cơ quan.

Trong CCHC, Sở Tư pháp đặc biệt coi trọng công tác phối hợp giữa các bộ phận thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông. Hiện nay, sở đã đưa 122 TTHC (gồm 16 lĩnh vực) thuộc thẩm quyền giải quyết vào thực hiện và đã chuẩn hóa 100% các TTHC theo quy định. Toàn bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp và bộ TTHC trong lĩnh vực tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện, cấp xã được đăng tải trên trang thông tin điện tử của sở tại địa chỉ https://stp.thanhhoa.gov.vn, https://hcc.thanhhoa.gov.vn. Tất cả TTHC được cập nhật, công khai đầy đủ mức độ 2, mức độ 3, mức độ 4, bảo đảm tính hệ thống, minh bạch, dễ tra cứu, sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân. Trong quá trình thực hiện, sở đã cử 2 công chức biệt phái sang làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh trong việc công khai, cập nhật kịp thời các TTHC, theo dõi, đôn đốc tiến độ giải quyết và trả kết quả cho tổ chức, công dân đúng thời gian quy định. Ngoài ra, Sở Tư pháp cũng phối hợp với Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và các ngành có liên quan trong việc xác minh, giải quyết TTHC. Vì vậy, hồ sơ TTHC được giải quyết đúng và trước hạn của Sở Tư pháp luôn đạt tỷ lệ cao. Năm 2022, Sở Tư pháp đã tiếp nhận 47.410 hồ sơ TTHC, trong đó số hồ sơ đã giải quyết đúng hạn và trước hạn là 44.814 hồ sơ, số hồ sơ đang giải quyết là 2.596 hồ sơ, chỉ có 1 hồ sơ quá hạn.

Việc tiếp nhận, chuyển hồ sơ, xử lý, trình ký và trả kết quả giải quyết TTHC được Sở Tư pháp tuân thủ chặt chẽ theo quy định của pháp luật về thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông theo Nghị định số 61 của Chính phủ. Sau khi Chủ tịch UBND tỉnh công bố danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, trong thời gian 10 ngày, Sở Tư pháp xây dựng quy trình nội bộ để thực hiện tiếp nhận và giải quyết TTHC, trong đó quy định cụ thể thời gian thực hiện, quy trình xử lý của lãnh đạo sở, của phòng chức năng và các cá nhân liên quan. Giai đoạn 2018-2022, Sở Tư pháp đã ban hành 25 quyết định phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC của 16 lĩnh vực thuộc thẩm quyền của ngành tư pháp. Đặc biệt, để cắt giảm thời gian giải quyết các TTHC, Sở Tư pháp thường xuyên rà soát các thủ tục đang thực hiện và đề nghị bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hơn 20 TTHC; tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các quyết định công bố danh mục TTHC mới được ban hành, sửa đổi, bổ sung; cắt giảm, đơn giản hóa 17 TTHC ở các lĩnh vực như lý lịch tư pháp, quốc tịch, bồi thường Nhà nước, giám định, luật sư, công chứng, trọng tài thương mại...

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC cũng được Sở Tư pháp quan tâm đầu tư. Hiện nay, hạ tầng công nghệ thông tin của sở cơ bản đáp ứng yêu cầu hoạt động của cơ quan và yêu cầu giải quyết TTHC; 100% cán bộ, công chức, viên chức được bố trí máy tính kết nối Internet đường truyền băng thông rộng và cấp hộp thư điện tử công vụ. Trang thông tin điện tử của cơ quan hoạt động hiệu quả, đăng tải đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành cũng như tin tức hoạt động của sở, ngành. Sở đã thực hiện có hiệu quả phần mềm dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong giải quyết TTHC. Trên 99% các văn bản, tài liệu (trừ các văn bản mật) được trao đổi trong nội bộ cơ quan sở và phòng tư pháp cấp huyện qua thư điện tử; 100% văn bản đi, văn bản đến và theo dõi xử lý công việc của cơ quan được thực hiện trên phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; 100% văn bản phát hành được ký số.

Những kết quả đạt được trong công tác CCHC đã và đang tạo ra những bước chuyển tích cực, hướng đến xây dựng ngành tư pháp ngày càng trong sạch, vững mạnh và hiện đại, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bài và ảnh: Tố Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]