(Baothanhhoa.vn) - Tháng giêng, mùa xuân đương độ thanh tân. Bầu không khí tuyệt vời của sắc xuân mơn man, hương xuân nồng nàn, sức xuân căng tràn và tình xuân phơi phới, như hòa quyện vào khúc giao hưởng mùa kỳ diệu. Trong niềm cộng cảm và trong sự biến chuyển dịu dàng của vạn vật đương xuân, có những niềm xúc cảm tươi mới, mơn man chạm nhẹ lên sợi dây tâm hồn và khơi dậy những niềm hy vọng, hòa điệu cùng bản giao hưởng sự sống đương thăng hoa dào dạt...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đảng và mùa xuân dân tộc

Tháng giêng, mùa xuân đương độ thanh tân. Bầu không khí tuyệt vời của sắc xuân mơn man, hương xuân nồng nàn, sức xuân căng tràn và tình xuân phơi phới, như hòa quyện vào khúc giao hưởng mùa kỳ diệu. Trong niềm cộng cảm và trong sự biến chuyển dịu dàng của vạn vật đương xuân, có những niềm xúc cảm tươi mới, mơn man chạm nhẹ lên sợi dây tâm hồn và khơi dậy những niềm hy vọng, hòa điệu cùng bản giao hưởng sự sống đương thăng hoa dào dạt...

Đảng và mùa xuân dân tộc

Quảng trường Lam Sơn, TP Thanh Hóa. Ảnh: Lê Dung

Mùa xuân, khéo thay, lại luôn gắn chặt những dấu mốc đặc biệt của lịch sử Việt Nam. Như là định mệnh hoặc cũng có thể do một sự sắp đặt vô hình nào đó, mà lịch sử dân tộc luôn rạng rỡ nhất ở những chương mùa xuân. Ngược về thời khắc của gần 2.000 năm trước, khi Hai Bà Trưng phất cờ nghĩa, đánh đuổi quân Hán vào mùa xuân tháng 2 năm Canh Tý (năm 40 sau công nguyên). Đó là cuộc đấu tranh oanh liệt đầu tiên của quân và dân Đại Việt, trong thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất. Nếu thành quả của cuộc khởi nghĩa đã dựng nên “Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta” trong vòng mấy năm; thì trận đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, đã chính thức mở ra thời kỳ trung hưng dân tộc. Đây cũng là tiền đề để mùa xuân năm 939, Ngô Quyền xưng vương, khẳng định quyền độc lập - tự chủ của quốc gia Đại Việt và chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc nghìn năm đằng đẵng.

Hơn 300 năm sau, mùa xuân năm 1258, quân dân nhà Trần dưới sự lãnh đạo của vua Trần Nhân tông đã giành chiến thắng oanh liệt, đuổi quân Mông Cổ ra khỏi bờ cõi (lần thứ nhất). Mùa xuân 1285, tại hội nghị Diên Hồng, bô lão cả nước đã khẳng khái quyết tâm kháng chiến chống Nguyên – Mông lần hai. Để rồi, mùa xuân 1287, khi giặc phương Bắc trở lại xâm lược nước ta lần thứ ba, chúng đã được vua tôi, quân dân nhà Trần “tiếp đón” sòng phẳng, mà trận chiến quyết định đã tái diễn trên dòng Bạch Đằng giang lịch sử. Chưa hết, mùng 2 tết Mậu Tuất năm 1418, Bình Định Vương Lê Lợi và các tướng sĩ, nghĩa quân phất cờ khởi nghĩa giữa núi rừng Lam Sơn. Với “Bình Ngô sách” chú trọng đánh vào lòng người, cũng chính là dựa vào dân và lấy sức mạnh toàn dân để đánh giặc; sau 10 năm, cũng vào mùa xuân – tháng 12 năm Đinh Mùi 1427, đất nước sạch bóng thù, nền độc lập được khôi phục. Và rồi, vẫn dưới trời xuân phơi phới năm Kỷ Dậu 1789, trong không khí tết đậm đà, đoàn hùng binh Tây Sơn do vua Quang Trung chỉ huy, đã thần tốc tiến ra Thăng Long, đánh cho bè lũ tay sai bán nước và lũ giặc cướp nước người ngã ngựa đổ, tháo chạy khỏi bờ cõi.

...

Phôi thai từ biết mấy mùa xuân dân tộc, Đảng ta ra đời khi xuân đương vào độ “chín”: Xuân Canh Ngọ 1930!

Duy có điều, đó là mùa xuân mà vận mệnh hay sự tồn vong của dân tộc, được đặt ra gắt gao và bức bách hơn bao giờ hết. Với Điều ước Pa-tơ-nốt (năm 1884), mà triều đình nhà Nguyễn ký với thực dân Pháp, Việt Nam đã trở thành “một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc ta bị dày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác”. Bằng vỏ bọc “khai hóa văn minh”, nhưng thực chất là thủ đoạn cai trị, bóc lột vừa hà khắc vừa xảo quyệt, xã hội Việt Nam chìm trong tăm tối bần cùng, lạc hậu. Đến nỗi, một nhân sĩ thời bấy giờ đã phải thốt lên đau đớn rằng, một xã hội mà nhân cách ngày một hư, phong tục ngày một nát, ngọc vàng ngoài mặt, dốt nát bề trong, văn minh chẳng thấy đâu, mà ngày càng thêm mọi rợ! Nền tảng ý thức hệ phong kiến vốn là trụ đỡ xã hội, bỗng chốc chao đảo, lung lay. Song, cũng chính bối cảnh xã hội ấy là “sân khấu” của nhiều cuộc “thử nghiệm” đường lối và phương pháp đấu tranh, từ Cần Vương, Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục đến khởi nghĩa Yên Bái... Thế nhưng, tất cả các hệ tư tưởng, các phương pháp đều không vượt qua được cuộc khảo nghiệm lịch sử. Ấy cũng là lúc ngọn cờ phong kiến, ngọn cờ tư sản hoàn toàn bất lực trước thực tại và đánh mất vai trò lịch sử của nó.

Giữa thời điểm đen tối như không có đường ra, Người Việt Nam đẹp nhất – lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đã tìm thấy phương pháp đấu tranh và thúc đẩy bánh xe cách mạng Việt Nam đi trên lằn ranh tiến bộ của lịch sử nhân loại: Con đường cách mạng vô sản. Với hạt nhân tư tưởng cũng chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt ấy, Đảng ta ra đời đã nhanh chóng đoàn kết, quy tụ dưới ngọn cờ đỏ chói lọi nguồn sức mạnh to lớn của hàng triệu cần lao đau khổ, cùng nhiều lực lượng yêu nước tiến bộ. Để rồi, như hạt mầm được gieo giữa mùa xuân, cho nắng hạ nảy mầm và chờ mùa thu gặt hái; thành quả gieo hạt từ mùa xuân 1930, dân tộc ta đã gặt mùa vàng cách mạng dưới trời thu tháng Tám. Tròn 15 xuân, Đảng ta đã đủ bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh, để lãnh đạo cách mạng thành công và nắm chính quyền trong toàn quốc.

Đảng ta ra đời đã viết tiếp những chương mùa xuân rực rỡ cho lịch sử dân tộc. Dẫu rằng mùa xuân độc lập đầu tiên - xuân 1946, thế nước “ngàn cân treo sợi tóc”. Song, như lời Bác Hồ đã kêu gọi đồng bào ta, rằng cố ráng sức qua khỏi mùa đông lạnh lẽo, ta sẽ gặp mùa xuân. Với chiến lược chiến tranh toàn dân, được kế thừa và phát triển từ truyền thống “cả nước đánh giặc”, “trăm họ ai cũng là binh” dưới thời Hai Bà Trưng đến Cách mạng Tháng Tám; Đảng ta tiếp tục tạo ra kỳ tích “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Và rồi, ngót 20 năm tranh đấu trường kỳ gian khổ, xuân 1975 trở thành mùa xuân đẹp nhất: Mùa xuân thống nhất non sông, thu giang sơn về một mối, nước nhà hoàn toàn độc lập, nhân dân được sống trong hòa bình.

Có nhận định rằng, chiến thắng thực sự và bền lâu là chiến thắng của hòa bình. Tròn 45 năm sau đại thắng mùa xuân 1975, Việt Nam đang được thế giới nhắc đến và biết đến không chỉ là nơi từng trải qua nhiều cuộc chiến tàn khốc, mà còn là đất nước yêu chuộng hòa bình – một xứ sở hòa bình. Và hòa bình cho dân tộc này, một lần nữa lại khảm lên hình hài mùa xuân bằng những dấu son vô cùng đặc biệt mang tên Đổi Mới. Đó là mùa xuân 1986, Đảng ta đã vạch ra đường lối đổi mới toàn diện, từ tư duy lý luận, cơ cấu kinh tế, cơ chế quản lý kinh tế; đến vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng và chính sách đối ngoại. Để rồi 30 năm sau, cũng giữa những ngày xuân 2016, Đại hội XII của Đảng đã tổng kết chặng dài tiến trình đổi mới, bằng những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đó là sự đổi mới mang tầm vóc và giá trị thời đại, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”!

Những thắng lợi vĩ đại được khởi sự từ những nhân tố đột phá và cả những ẩn số chứa sức mạnh. Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, Đảng ta đã quy tụ được cả nhân tố lẫn ẩn số ấy, để lãnh đạo dân tộc và nhân dân ta, đi qua thế kỷ vô vàn biến động và bắt đầu thế kỷ mới, với khát vọng mãnh liệt về hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đảng ta tròn 90 xuân - xuân của sự từng trải và kinh nghiệm. Rằng có độc lập tự chủ, tự lực tự cường thì cách mạng mới sáng tạo và có sức mạnh để giành thắng lợi. Đó cũng là 90 xuân của trí tuệ và bản lĩnh người tiên phong dẫn dắt, được hun đúc qua trường kỳ các cuộc tranh đấu và chiến thắng. Đó cũng là 90 xuân của khát vọng bay lên, biến những điều tưởng chừng không thể thành có thể. Và hơn hết, đó còn là 90 xuân với không ít thăng trầm, song luôn kiên định lý tưởng - mục tiêu đi lên CNXH là con đường tất yếu cho dân tộc Việt Nam!

Đảng ta tròn 90 xuân với những điều kỳ diệu và vĩ đại! Đất nước nhìn từ mùa xuân để thấy, phải chăng vận nước đang lên cùng mỗi độ thanh tân của tạo hóa? Đó là cái nhìn đầy lạc quan và tin tưởng, bởi dù “mây đen phủ lên toàn cầu, nhưng mặt trời vẫn đang tỏa nắng ở nền kinh tế Việt Nam” (nhận định của Ngân hàng Thế giới được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc lại, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, diễn ra hồi cuối tháng 12-2019). Song, niềm tin ấy vốn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh “tiên tri” từ xuân Nhâm Thìn 1952, rằng “Tương lai của dân tộc Việt Nam cũng tươi sáng như mặt trời mùa xuân”! Đưa con thuyền dân tộc đến bến bờ tươi sáng, là trọng trách nặng nề nhưng hết sức vẻ vang của Đảng ta. Dẫu biết, để hoàn thành được sứ mệnh lịch sử giữa làn sóng toàn cầu hóa và tấn kịch “chiếc lexus và cây ô liu”, quả thực là thách thức không hề nhỏ. Điều đó càng đòi hỏi ở người tiên phong lãnh đạo, không chỉ là kinh nghiệm dày dạn, bản lĩnh chính trị, năng lực trí tuệ, mà hơn hết phải thực sự là đạo đức, là văn minh!

Có người đã đưa ra nhận định đầy tính ước lệ rằng, tự do và hòa bình của một quốc gia là món quà mà Định mệnh đánh thuế nặng nề bằng máu. Với một dân tộc mà bánh xe vận mệnh luôn xoay vần theo guồng quay của các cuộc chiến giành, giữ nền độc lập; thì hơn ai hết, mỗi người Việt Nam càng hiểu rõ giá trị của tự do và hòa bình. May mắn và tự hào biết mấy, trong suốt gần một thế kỷ tranh đấu, con thuyền dân tộc luôn được Đảng ta chèo lái vững vàng. Để sáng xuân nay – xuân Canh Tý 2020, dưới bầu trời xuân rạng rỡ của đất nước đang trên đà phát triển và bằng trí tuệ thanh xuân của người cầm lái, khát vọng hòa bình và thịnh vượng cho dân tộc Việt Nam, càng có nền tảng vững chắc để được hiện thực hóa!

Hoàng Xuân


Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]