(Baothanhhoa.vn) - Bên cạnh một bộ phận sinh viên (SV) nỗ lực, phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng để cống hiến tài năng, sức trẻ cho quê hương thì lại có không ít SV thờ ơ, không tha thiết vào Đảng. Tình trạng SV “ngại” vào Đảng đang là một thực tế nhiều trăn trở. Về lâu dài, nếu những SV trẻ tài năng, nhiệt huyết lại “ngại” vào Đảng thì các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước sẽ thiếu đi một nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Củng cố niềm tin của sinh viên với Đảng: Khi sinh viên “ngại” vào Đảng

Bên cạnh một bộ phận sinh viên (SV) nỗ lực, phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng để cống hiến tài năng, sức trẻ cho quê hương thì lại có không ít SV thờ ơ, không tha thiết vào Đảng. Tình trạng SV “ngại” vào Đảng đang là một thực tế nhiều trăn trở. Về lâu dài, nếu những SV trẻ tài năng, nhiệt huyết lại “ngại” vào Đảng thì các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước sẽ thiếu đi một nguồn nhân lực chất lượng cao.

Củng cố niềm tin của sinh viên với Đảng: Khi sinh viên “ngại” vào Đảng

Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa trong giờ thực hành. Ảnh: Thu Vui

Không có ý định vào Đảng

Để tìm hiểu thực tế SV hiện nay nhận thức thế nào đối với việc vào Đảng, chúng tôi đã trao đổi và ghi nhận được nhiều ý kiến từ phía SV, cán bộ quản lý ở các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) trên địa bàn tỉnh. Trong một lần gặp gỡ, trò chuyện với SV Lê Đình Phương, lớp C12, Điện 2, Trường CĐ nghề Công nghiệp Thanh Hóa, chúng tôi có đặt câu hỏi về hướng phấn đấu để được kết nạp Đảng khi còn ngồi trên ghế giảng đường, Phương chia sẻ: “Mục tiêu của em sau khi tốt nghiệp sẽ xin vào làm việc tại các công ty tư nhân, mà công ty tư nhân thì họ cần người làm được việc chứ không quan tâm nhiều đến yếu tố đảng viên. Thế nên, em chỉ cố gắng học nghề cho thật tốt để sau này xin việc được dễ dàng, còn phấn đấu trở thành đảng viên là điều em chưa bao giờ nghĩ tới”. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí La Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghiệp Thanh Hóa cho biết: “Đa phần các em SV ở đây ra trường đều làm việc cho các công ty, doanh nghiệp tư nhân. Những công ty, doanh nghiệp này lại chưa thực sự chú trọng đến công tác phát triển Đảng, thậm chí nhiều doanh nghiệp chưa có đảng viên, chưa có tổ chức đảng. Vì thế, nhiều SV không có ý định phấn đấu vào Đảng khi đang học tại trường. Bên cạnh đó, để được kết nạp Đảng các em vừa phải có kết quả học tập tốt, vừa phải có trách nhiệm với tập thể, tham gia nhiều hoạt động đoàn thể khác. Do đó, chỉ bạn nào xác định rõ con đường đi của mình trong tương lai thì mới phấn đấu vào Đảng ngay từ thời SV, còn lại phần đa là các em không xác định rõ động cơ vào Đảng”.

Thêm một dẫn chứng điển hình nữa đó là trường hợp của em Lê Thị Tuyết, SV lớp ĐH Luật K18, Khoa Lý luận Chính trị, Trường ĐH Hồng Đức. Nhận thấy SV Lê Thị Tuyết là người đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kết nạp Đảng nên đoàn trường đã làm việc với chi đoàn, liên chi đoàn khoa giới thiệu, định hướng, bồi dưỡng cho Đảng xem xét, kết nạp. Tuy nhiên, SV này lại không có ý định vào Đảng nên đã từ chối kết nạp tại trường. Theo thông tin chúng tôi biết được, với niềm đam mê kinh doanh, sau khi tốt nghiệp ra trường, em Tuyết đã tạo dựng cho mình 1 cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm và là thành viên sáng lập một công ty luật.

Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy rằng, có rất nhiều yếu tố tác động đến nhận thức của SV, có thể kéo SV rời xa những mục tiêu phấn đấu ban đầu. Vì đã có những bạn muốn phấn đấu vào Đảng nhưng sau đó hoạt động khởi nghiệp lại cuốn các em vào những ngã rẽ mới và xao nhãng việc học tập, rèn luyện. Một số bạn khác lại phân vân chưa biết mình sẽ công tác ở đâu, nơi công tác có cần “mác” đảng viên hay không mà phấn đấu. Có bạn sau khi tìm hiểu rồi lại lo ngại nếu vào Đảng mà để đứt đoạn sinh hoạt thì có ảnh hưởng gì đến tương lai sau này hay không... Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều SV không tha thiết phấn đấu vào Đảng. Em Phạm Thị Kim Chi, SV năm thứ 2, Trường ĐH Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tâm sự: “Bản thân em có nguyện vọng phấn đấu để vào Đảng, tuy nhiên, qua nắm bắt tâm tư của các bạn cùng lớp thì rất nhiều bạn không có ý định này. Có bạn cho rằng, phấn đấu vào Đảng khi đang phải tập trung vào học chuyên môn là nặng nề, vào Đảng lúc này cũng chưa giúp ích gì cho mình nên nhiều bạn “thờ ơ” và không có ý định vào Đảng”.

Trao đổi về nhận thức của SV ngày nay đối với việc vào Đảng, đồng chí Lê Quang Hiếu, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng Khoa kinh tế quản trị kinh doanh, Trường ĐH Hồng Đức cho biết: “Nhận thức của SV ngày nay khác trước rất nhiều. Tại thời điểm này có thể chia làm 3 nhóm SV khác nhau. Nhóm thứ nhất, các em có động cơ đúng đắn và được sự định hướng của gia đình sau khi ra trường sẽ vào công tác tại cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp thì các em rất nỗ lực, phấn đấu để được kết nạp Đảng ngay tại trường. Nhóm thứ 2, các em có tư tưởng dao động, vào Đảng cũng được, không vào cũng được và nhóm thứ 3, các em còn thờ ơ, không có lý tưởng”. Lý giải nguyên nhân này, đồng chí Hiếu cho rằng: “Đã có không ít SV được kết nạp tại trường nhưng sau khi tốt nghiệp do công việc không ổn định nên họ không chú trọng đến sinh hoạt Đảng, không phát huy được vai trò của người đảng viên, điều này ít nhiều làm ảnh hưởng đến nhận thức của các thế hệ SV sau. Một nguyên nhân quan trọng khác là do tiêu chuẩn kết nạp Đảng đối với SV quá cao, đối với hệ ĐH phải có 6 kỳ liên tục đạt loại khá trở lên, điểm rèn luyện cũng phải đạt loại tốt, có thành tích bề nổi được đoàn trường hoặc tổ chức đoàn cấp trên khen tặng nên nhiều em không muốn phấn đấu hoặc phấn đấu giữa chừng rồi bỏ cuộc”.

Cũng nói về nhận thức và sự phấn đấu của SV để vào Đảng, đồng chí Đoàn Văn Trường, Bí thư Đoàn Thanh niên, Chủ tịch Hội SV Trường ĐH Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa thừa nhận: “Hiện nay, sức ỳ của một bộ phận SV là quá lớn. Trong quá trình học tập, giảng viên có định hướng cho các em nghiên cứu khoa học để lấy tiêu chí đánh giá nhưng nhiều em không thực hiện. Đoàn trường cũng phát động nhiều phong trào thi đua thiết thực, song một bộ phận không nhỏ SV chưa có ý thức tham gia. Để chấn chỉnh tình trạng này, đoàn trường đã đưa ra giải pháp “cứng” nhằm tạo sức răn đe đó là hạ hạnh kiểm thi đua cuối năm. Song, nhiều em vẫn không hề thay đổi. Điều này khiến đoàn trường đã phải “xuống tay” hạ hạnh kiểm thi đua cuối năm học đối với không ít SV”.

Và những rào cản

Trong năm học 2017-2018 và 2018-2019, Trường CĐ Y tế Thanh Hóa có 5 SV xuất sắc được Đảng bộ nhà trường lựa chọn kết nạp Đảng. Khi đủ 5 kỳ phấn đấu, bảo đảm đủ các tiêu chuẩn theo quy định, 5 SV này được Đảng bộ Trường CĐ Y tế Thanh Hóa hoàn chỉnh hồ sơ và gửi về Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh (nay là Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh) xét kết nạp Đảng. Thế nhưng, bước sang kỳ thứ 6, trong thời gian chờ Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh xét duyệt hồ sơ thì cả 5 SV này đều tốt nghiệp ra trường nên không được xem xét kết nạp Đảng. Điều này để lại sự tiếc nuối cho cá nhân 5 SV cũng như Đảng bộ Trường CĐ Y tế Thanh Hóa bởi để bồi dưỡng được một SV trở thành đảng viên phải cần cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu. Đây cũng là nguyên nhân khiến 2 năm học trên, Trường CĐ Y tế Thanh Hóa không kết nạp được đảng viên nào là SV.

Ở Trường CĐ Y tế Thanh Hóa là vậy, còn đối với Trường CĐ nghề Công nghiệp Thanh Hóa rào cản lớn nhất là chất lượng đầu vào của học sinh (HS), SV nhà trường không cao, trong khi đó điều kiện bắt buộc đối với SV hệ CĐ muốn được kết nạp Đảng phải có 5 kỳ liên tục đạt học lực loại khá trở lên. Mặt khác, với đặc thù 70% thời gian học của SV là thực hành, chỉ có 30% thời gian học lý thuyết tại trường nên mỗi năm học, các em phải mất 5 đến 6 tháng đi thực tế tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, không có nhiều thời gian để tham gia các hoạt động phong trào, các hoạt động thiện nguyện nên rất khó để các em thể hiện bản thân. Đặc biệt, theo Thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH, ngày 13-3-2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ CĐ theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp, thì thời gian học bổ túc văn hóa tại Trường CĐ nghề Công nghiệp Thanh Hóa giảm từ 3 năm rưỡi xuống còn 3 năm nên đa số các em học sinh chưa đủ 18 tuổi để kết nạp Đảng; thời gian học hệ trung cấp giảm từ 2 năm xuống còn 1 năm rưỡi và thời gian học hệ CĐ giảm từ 3 năm xuống còn 2 năm rưỡi. Lúc này, nếu theo Hướng dẫn số 24–HD/ĐUK ngày 15-7-2014 và Hướng dẫn số 23–HD/ĐUK ngày 8-1-2018 của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh về một số tiêu chí cụ thể xét học lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng và xét kết nạp Đảng đối tượng là HSSV thì hệ trung cấp phải có tối thiểu 3 học kỳ liên tục xếp loại học tập đạt loại khá trở lên; hệ CĐ phải có tối thiểu 5 học kỳ liên tục xếp loại học tập đạt loại khá trở lên thì không có HSSV nào bảo đảm theo yêu cầu. Bởi, nếu đủ số kỳ phấn đấu theo hướng dẫn thì SV đã tốt nghiệp ra trường, không thể bồi dưỡng, xem xét kết nạp Đảng cho các em được.

Tại Trường ĐH Hồng Đức, từ tháng 4-2018 trở về trước, Đảng bộ nhà trường trực thuộc Tỉnh ủy Thanh Hóa, được Tỉnh ủy giao quyền cho Đảng ủy nhà trường xét kết nạp Đảng cho SV nên mỗi năm nhà trường kết nạp được gần 100 SV vào Đảng. Từ tháng 5-2018 đến nay, Đảng bộ nhà trường chuyển về sinh hoạt và trực thuộc Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh. Theo đó, công tác phát triển Đảng trong SV của nhà trường được thực hiện theo hướng dẫn của Đảng ủy Khối. Đặc biệt là Hướng dẫn số 23–HD/ĐUK với tiêu chí, SV ĐH phải có 6 kỳ liên tục đạt loại giỏi trở lên (từ 8.0 điểm trở lên - thang điểm 10) và xếp loại rèn luyện 6 kỳ liên tục đạt loại xuất sắc, nên việc kết nạp đảng viên của Trường ĐH Hồng Đức bị chững lại. Theo thống kê, từ năm 2018 đến tháng 8-2020, Trường ĐH Hồng Đức chỉ kết nạp được 35 đảng viên là SV. Cũng với lý do này, từ năm 2016 đến năm 2018, Đảng bộ Trường ĐH Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa không kết nạp được SV nào vào Đảng...

Thực tế trên cho thấy, tiêu chí “cứng” về kết quả học lực chính là “điểm nghẽn” lớn nhất đối với các trường ĐH, CĐ. Bàn về vấn đề này, đồng chí Đinh Thị Thanh Hà, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Đảng ủy Khối rất quan tâm đến công tác phát triển đảng viên, trong đó có phát triển đảng viên là HSSV. Thời gian qua, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã tiếp thu các ý kiến, đề xuất của đảng ủy các trường và đã sửa đổi, ban hành hướng dẫn điều chỉnh tiêu chí xét kết nạp đảng viên là HSSV phù hợp với thực tế ở các đơn vị. Sau nhiều lần rà soát, điều chỉnh, hiện các đơn vị trường đang triển khai thực hiện theo Hướng dẫn số 28-HĐ/ĐUK, ngày 30-11-2018. Cụ thể, chỉ xét kết nạp Đảng đối với HSSV đang học tập trung từ 12 tháng trở lên, tại thời điểm xét kết nạp Đảng đang là HSSV của nhà trường; đối với HS trung cấp, SV hệ CĐ, ĐH chính quy xếp loại học tập đến thời điểm họp xét kết nạp phải có các học kỳ liên tục đạt loại khá trở lên (từ 7.0 điểm trở lên theo phương thức đào tạo nên chế; từ 2.5 điểm trở lên theo phương thức đào tạo tín chỉ) và xếp loại rèn luyện đến thời điểm kếp nạp phải có các học kỳ liên tục đạt loại tốt trở lên... Hướng dẫn này hoàn toàn phù hợp với yêu cầu đặt ra và cũng để bảo đảm mỗi SV trước khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng phải trải qua thời gian rèn luyện, theo dõi, bồi dưỡng, đánh giá chứ không thể “đốt cháy giai đoạn” được.

Phong Sắc – Thu Vui


Phong Sắc – Thu Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]