(Baothanhhoa.vn) - Việc kiêm nhiệm cùng lúc nhiều chức danh trong khi phụ cấp thấp, thậm chí là không có khiến cho hoạt động quản lý Nhà nước cũng như hoạt động phong trào của các hội đặc thù ở cấp gần dân nhất gặp nhiều cái khó. Làm thế nào để khi dồn việc cho một người mà không “nặng vai” đang là trăn trở của không ít địa phương khi thực hiện Nghị quyết 232/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.

Bất cập trong hoạt động kiêm nhiệm các chức danh hội đặc thù cấp xã: Bài 2 - Để “dồn gánh” không “nặng vai”

Việc kiêm nhiệm cùng lúc nhiều chức danh trong khi phụ cấp thấp, thậm chí là không có khiến cho hoạt động quản lý Nhà nước cũng như hoạt động phong trào của các hội đặc thù ở cấp gần dân nhất gặp nhiều cái khó. Làm thế nào để khi dồn việc cho một người mà không “nặng vai” đang là trăn trở của không ít địa phương khi thực hiện Nghị quyết 232/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.

Bất cập trong hoạt động kiêm nhiệm các chức danh hội đặc thù cấp xã: Bài 2 - Để “dồn gánh” không “nặng vai”Công chức kiêm nhiệm xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa) trao đổi công việc. Ảnh: P.V

Tin liên quan:
  • Bất cập trong hoạt động kiêm nhiệm các chức danh hội đặc thù cấp xã: Bài 2 - Để “dồn gánh” không “nặng vai”
    Bất cập trong hoạt động kiêm nhiệm các chức danh hội đặc thù cấp xã: Bài 1 ...

    Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 232/2019/NQ-HĐND ngày 12-12-2019 của HĐND tỉnh về quy định chức danh, số lượng người hoạt động không chuyên trách kiêm nhiệm chủ tịch hội đặc thù ở cấp xã, “cái được” rõ nhất là tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế, việc thực hiện kiêm nhiệm ở các địa phương đã, đang bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập.

Hiệu quả có đạt như kỳ vọng?

Trước khi thực hiện kiêm nhiệm các chức danh hội đặc thù, nhiều người cho rằng một người gánh “2 vai” sẽ có nhiều cái được như công tác chỉ đạo, điều hành thuận lợi hơn; tiết kiệm được cơ sở vật chất phòng làm việc và đặc biệt là tinh giản được bộ máy hoạt động ở cơ sở, qua đó giảm chi cho ngân sách Nhà nước. Thế nhưng, khi đi vào thực tiễn lại nảy sinh nhiều bất cập dẫn đến kết quả chưa được như kỳ vọng.

Điều này đã xảy ra ở nhiều địa phương, nhất là khi mỗi nơi làm một kiểu. Thường thì một người không chuyên trách chỉ kiêm nhiệm 1 chức danh hội đặc thù, thế nhưng tại xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa) chị Nguyễn Thị Hiền, công chức văn phòng - thống kê phải kiêm nhiệm thêm 2 chức danh đó là phó chủ tịch hội LHPN và nhân viên thú y xã nhưng không có phụ cấp vì chị là công chức. Chị Hiền chia sẻ: “Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, diện tích xã Hoằng Đức lớn hơn, dân số đông hơn, công việc nhiều hơn, trong khi tôi lại đảm nhận tới 3 chức danh nên khá vất vả. Ví như vào những đợt cao điểm về phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm tôi phải liên tục bám sát cơ sở để thực hiện, kể cả buổi tối và ngày nghỉ. Hay như công việc của công chức văn phòng - thống kê, tôi phải giúp chủ tịch UBND xã tổ chức tiếp dân, thực hiện công tác văn thư, lưu trữ, cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”, tập hợp, thống kê và quản lý cơ sở dữ liệu theo các lĩnh vực trên địa bàn; nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo... Công việc nhiều nên có lúc đang làm việc này lại bỏ dở chuyển sang việc khác. Nếu mình không tâm huyết, không nhiệt tình thì sẽ khó hoàn thành được nhiệm vụ”. Được biết, trước khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, chị Hiền là Chủ tịch Hội LHPN xã Hoằng Minh cũ. Dưới sự dẫn dắt của chị, nhiều năm liên tục Hội LHPN xã Hoằng Minh cũ đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cá nhân chị cũng được nhận nhiều giấy khen của các cấp hội LHPN và Kỷ niệm chương của Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Thế nhưng, sau một năm thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm, chị Hiền chỉ được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chị Hiền cho rằng “Làm nhiều việc thì sẽ có nhiều lỗi, hiệu quả sẽ không được như mong muốn. Cá nhân tôi có lúc được khen, nhưng có lúc cũng bị chê. Điều này là không thể tránh khỏi”.

Tương tự, tại xã Hà Châu (Hà Trung), anh Hoàng Minh Điệp, phó bí thư đoàn xã cũng kiêm chủ tịch hội cựu TNXP và phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã. Anh Điệp tâm sự: “Là phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã nên ngày nào tôi cũng phải trực ở văn phòng để nếu có việc đột xuất còn báo cáo kịp thời với cấp trên, ngoài ra tôi còn phải tham gia huấn luyện dân quân tự vệ, tham gia các chốt kiểm dịch do xã thành lập. Trong khi đó, bên đoàn thanh niên cũng tổ chức khá nhiều hoạt động như chiến dịch tình nguyện hè, ngày chủ nhật xanh, đường tranh bích họa, trại hè cho thiếu nhi... Đối với hội TNXP thì phải làm chế độ, chính sách cho hội viên, động viên hội viên giúp đỡ nhau trong cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống và triển khai các hoạt động nghĩa tình đồng đội... Đảm nhận cùng lúc 3 chức danh, nhiều khi lịch họp ở xã, ở huyện diễn ra cùng lúc thì tôi chỉ tham dự được 1 nơi, hoặc có khi đang họp trên huyện mà ở xã lại có việc đột xuất liên quan đến lĩnh vực phụ trách tôi lại phải quay về để xử lý. Hơn 1 năm kiêm nhiệm, tôi nhận thấy nếu cứ duy trì công việc như thế này thì hiệu quả mang lại sẽ không được như mong muốn”.

Qua trao đổi, nắm bắt thông tin từ đại diện lãnh đạo một số xã, phường, thị trấn được biết, có rất ít người được giao kiêm nhiệm làm việc “đều tay”, đa phần là bị “lệch vai”. Thậm chí có người không muốn đảm nhận chức danh kiêm nhiệm, vì chức danh được giao không phù hợp với chuyên môn, sở trường, năng lực của họ. Một số ít người khi nhận nhiệm vụ lại làm việc theo kiểu “tối ngày đầy công”, thiếu nhiệt tình, chủ yếu là làm cho xong nhiệm vụ chứ làm để cống hiến và phát triển thì chưa có... Khi được hỏi về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên, nhiều người đều có chung nhận định là do đầu việc của cán bộ không chuyên trách nhiều trong khi mức phụ cấp lại ít, mặt khác một bộ phận cán bộ không chuyên trách ý thức, trách nhiệm trong công việc chưa cao... Ông Ngô Văn Thoan, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tâm (Thiệu Hóa), cho hay: “Khi làm kiêm nhiệm, đầu việc tăng lên nhưng mức thu nhập lại không tăng. Nếu là người hoạt động không chuyên trách kiêm nhiệm chức danh hội đặc thù thì được hưởng thêm 50% phụ cấp kiêm nhiệm (hơn 500.000 đồng/tháng), còn công chức kiêm nhiệm chức danh chủ tịch hội đặc thù thì không có phụ cấp gì. Đây là nguyên nhân chính khiến cho nhiều người không “mặn mà”, không toàn tâm, toàn ý với công việc kiêm nhiệm nên hiệu quả mang lại chưa cao”.

Cũng theo ông Thoan, tại xã Minh Tâm sau một thời gian thực hiện kiêm nhiệm có những hội duy trì được hoạt động, nhưng có những hội có chiều hướng đi xuống, ví như hoạt động của hội khuyến học. Khi chưa sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, xã Thiệu Minh cũ có chủ tịch hội khuyến học chuyên trách, lúc này các làng trong xã đều xây dựng được quỹ khuyến học và hằng năm tổ chức lễ trao thưởng cho các cháu học sinh đạt thành tích trong học tập, nhưng từ khi sáp nhập xã, nhất là khi phó chủ tịch hội LHPN xã kiêm nhiệm chủ tịch hội khuyến học, hoạt động này không còn được như trước.

Đánh giá về chất lượng hoạt động của hội cơ sở từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 232/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, ông Vương Văn Việt, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết: “Đến thời điểm này toàn tỉnh có 95% hội khuyến học xã, phường, thị trấn có chủ tịch hội là công chức hoặc người hoạt động không chuyên trách kiêm nhiệm. Lợi thế của việc này là chủ tịch kiêm nhiệm đều là người trẻ tuổi, có trình độ, biết sử dụng máy tính, nhưng bất cập là hiểu biết về giáo dục, về công tác khuyến học, khuyến tài còn rất hạn chế nên gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, nhất là việc kêu gọi xây dựng quỹ khuyến học. Vì vậy, hiện nay phong trào khuyến học ở cơ sở đang tạm được duy trì, chứ để nâng cao cần phải có thêm thời gian và những giải pháp tích cực”. Ông Vương Văn Việt nhấn mạnh: “Phát triển công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng nếu không có kiến thức, không có tâm huyết và sự nhiệt tình thì sẽ rất khó làm. Sự hiểu biết, uy tín, tiếng nói của cá nhân người đứng đầu tổ chức có sức ảnh hưởng lớn thì mới vận động hiệu quả và tạo sự lan tỏa mạnh mẽ để thúc đẩy phong trào phát triển”.

Và đâu là giải pháp...

Để có cái nhìn đa chiều, chúng tôi đã tìm hiểu thực tế ở nhiều địa phương và thấy rằng, không phải tất cả các xã, phường, thị trấn thực hiện Nghị quyết 232 đều khó khăn trong việc tìm nguồn nhân sự và hoạt động kém hiệu quả. Đối với những xã có diện tích hẹp, dân số ít, người kiêm nhiệm năng động, sáng tạo, chịu khó học hỏi, bắt kịp nhanh với công việc thì vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đơn cử như tại xã Vạn Hòa (Nông Cống), hiện nay tất cả các chức danh chủ tịch hội đặc thù đều kiêm nhiệm và hoạt động ổn định. Ông Nguyễn Thái Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Vạn Hòa cho biết: “Để thực hiện tốt Nghị quyết 232, UBND huyện đã tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn cách thức triển khai cụ thể và bài bản. Cùng với đó, xã tổ chức gặp gỡ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng những người dự kiến sẽ làm công tác kiêm nhiệm để lựa chọn người phù hợp với từng chức danh, ưu tiên người có bằng cấp và trẻ tuổi. Với cách làm trên, sau hơn một năm thực hiện, những người làm công tác kiêm nhiệm đã phát huy được vị trí, vai trò và năng lực của mình, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương hoàn thành tốt các mục tiêu, kế hoạch đề ra trong năm 2020 cũng như 6 tháng đầu năm 2021”.

Có thể thấy, Nghị quyết 232/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh không chỉ thể hiện sự đổi mới trong công tác sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy ở cơ sở mà còn phù hợp với chủ trương chung của Trung ương. Tuy nhiên, làm thế nào để khi kiêm nhiệm, công việc “dồn gánh” nhưng không “nặng vai”, mọi hoạt động được vận hành thông suốt là câu hỏi được nhiều quan tâm. Theo ông Nguyễn Xuân Lai, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Thiệu Hóa, để công tác kiêm nhiệm đạt hiệu quả cao nhất, các địa phương phải làm thật tốt công tác lựa chọn nhân sự. Đây được xem là yếu tố then chốt bởi nếu chọn được người có đủ năng lực đảm trách thì mọi việc sẽ được thông suốt. Trong quá trình làm việc người làm công tác kiêm nhiệm phải tạo được sự gần gũi, đồng thuận trong đông đảo hội viên thì mọi hoạt động mới hiệu quả. Ngoài ra, tỉnh và ngành chức năng cần tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng cho người làm công tác kiêm nhiệm, nhất là kỹ năng sắp xếp công việc, xử lý các tình huống, giúp họ hoạt động “tròn vai”, tránh tình trạng “bên nặng bên nhẹ” trong thực hiện các nhiệm vụ kiêm nhiệm.

Cùng với nhận định và giải pháp mà ông Lai đưa ra, ở một góc độ khác, nhiều người cho rằng nên sáp nhập các tổ chức hội đặc thù có chức năng tương đồng nhau để giảm đầu mối. Ví như có thể sáp nhập hội cựu TNXP với hội cựu chiến binh, sáp nhập hội bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi với hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin... Khi giảm được đầu mối sẽ dễ dàng hơn trong việc chọn người có đủ năng lực đảm trách. Điều này cũng đồng nghĩa với hiệu quả công việc sẽ cao hơn. Hay như bố trí, sắp xếp chức danh hội đặc thù theo hướng mở (tức có thể kiêm nhiệm hoặc chuyên trách) để các địa phương chủ động triển khai phù hợp với điều kiện thực tế của từng nơi. Bởi khi lựa chọn được đúng người, đúng việc và bản thân người được chọn toàn tâm, toàn ý với công việc thì ắt sẽ thành công, nhưng nếu chọn không đúng người, giao không đúng việc sẽ là “gánh nặng” cho cả cấp ủy, chính quyền và người được giao nhiệm vụ.

Thêm một giải pháp mà cả cấp quản lý cũng như người trong cuộc mong muốn sớm được triển khai đó là nâng mức phụ cấp cho những người kiêm nhiệm, không phân biệt công chức hay người hoạt động không chuyên trách nhằm tạo động lực để họ yên tâm gắn bó, nỗ lực cống hiến, hết mình vì công việc. Vẫn biết tinh gọn bộ máy là để nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi thường xuyên cho ngân sách, nhưng tỉnh và ngành chức năng cũng nên cân đối hợp lý để những người “gánh nhiều vai” không thiệt thòi. Được biết, Nghị quyết 232/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định, người hoạt động không chuyên trách kiêm nhiệm chức danh hội đặc thù được hưởng 50% phụ cấp kiêm nhiệm (tương đương hơn 500.000 đồng/tháng) còn đối với công chức kiêm nhiệm các chức danh hội đặc thù thì không được hưởng phụ cấp.

Thực tế cho thấy, tại thời điểm này tuy vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc và bất cập nhưng việc thực hiện kiêm nhiệm các chức danh hội đặc thù ở cơ sở là chủ trương đúng đắn và rất cần thiết. Đây là một trong những giải pháp nhằm kiện toàn tổ chức, tinh gọn bộ máy, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, hiệu quả quản lý của cấp cơ sở và đòi hỏi cấp ủy, chính quyền phải nắm bắt và thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo, đúng pháp luật. Do đó, khó đến đâu phải tìm cách tháo gỡ, khắc phục đến đó. Nhiệm vụ đặt ra lúc này là các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao trong cả hệ thống chính trị. Đồng thời quan tâm đến những nhân tố mới có nhiệt huyết, triển vọng, khát khao cống hiến để bồi dưỡng họ trở thành những người hội tụ đủ các yếu tố để có thể làm tốt công tác kiêm nhiệm. Và quan trọng hơn cả là mỗi người được giao làm công tác kiêm nhiệm cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm, không ngừng học hỏi, nỗ lực phấn đấu để cùng với cấp ủy, chính quyền thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết 232/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã đề ra.

Nhóm phóng viên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]