(Baothanhhoa.vn) - Từ đầu năm đến nay, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát từ khâu lựa chọn nội dung, lĩnh vực giám sát đến hình thức, cách thức giám sát, góp phần thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ban Dân tộc HĐND tỉnh thực hiện giám sát các chính sách dân tộc miền núi

Từ đầu năm đến nay, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát từ khâu lựa chọn nội dung, lĩnh vực giám sát đến hình thức, cách thức giám sát, góp phần thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Ban Dân tộc HĐND tỉnh thực hiện giám sát các chính sách dân tộc miền núi

Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát đầu tư hạ tầng tại huyện Lang Chánh.

Trong hoạt động giám sát, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã bám sát chức năng nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, chủ động xây dựng chương trình công tác của ban đảm bảo khoa học và chất lượng. Lãnh đạo ban đã phối hợp với Văn phòng HĐND tỉnh xây dựng kế hoạch, bố trí thời gian thực hiện các cuộc giám sát, khảo sát đảm bảo không bị chồng chéo với hoạt động của Thường trực và các ban HĐND tỉnh. Thông qua các hoạt động giám sát, khảo sát đã kịp thời phát hiện những vấn đề còn vướng mắc, bất cập, những khó khăn, hạn chế để kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành chính sách mới phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của cử tri và nhân dân, nhất là việc triển khai các chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và biên giới trên địa bàn tỉnh.

Qua giám sát về công tác xóa đói, giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ban Dân tộc HĐND tỉnh nhận thấy tỷ lệ hộ nghèo giảm, nhưng chưa bền vững; việc bình xét hộ nghèo tại một số ít địa phương chưa thật sự dân chủ, khách quan, người dân còn tâm lý muốn được công nhận hộ nghèo, không muốn thoát nghèo. Chưa chịu khó lao động sản xuất, còn nặng tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Năng lực lãnh đạo quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở còn hạn chế; chưa quan tâm đến việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện hiệu quả các chính sách trên địa bàn.

Đối với kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, Chương trình 135, nguồn vốn đầu tư được giao là trên 132 tỷ đồng, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên qua giám sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã chỉ ra các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng triển khai chậm... Thông qua giám sát, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã có đánh giá, nhìn chung các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đầu tư, hỗ trợ cho khu vực miền núi được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện ngày càng có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân các nguồn vốn chậm, nhất là nguồn vốn sự nghiệp ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai thực hiện; nguồn lực đầu tư cho các chương trình, chính sách dân tộc còn hạn chế, đa số là công trình có quy mô nhỏ, tổng mức đầu tư thấp, trong khi đó địa bàn miền núi rộng, nhu cầu đầu tư lớn; nguồn vốn để thực hiện một số đề án giảm nghèo đã được tỉnh ban hành còn hạn chế, thậm chí một số đề án chưa được bố trí vốn để thực hiện.

Trên cơ sở giám sát thực tế, sau các cuộc giám sát ban đều có phản hồi các ý kiến, kiến nghị một cách cụ thể, như: Kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án, kiểm tra, giám sát chất lượng xây dựng cơ bản các công trình trọng điểm. Quan tâm hỗ trợ nguồn vốn để thực hiện một số đề án giảm nghèo do tỉnh ban hành; sớm giải quyết tốt vấn đề nhân dân thiếu đất sản xuất. Hiện nay trên địa bàn các huyện miền núi còn rất nhiều hộ trước đây được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo nhóm hộ, nay phát sinh tranh chấp; một số nơi sử dụng đất lâm nghiệp và đất do các ban quản lý rừng phòng hộ quản lý không hiệu quả, thiếu công khai minh bạch, gây bức xúc trong nhân dân. Hay như, hiện còn một số thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia; nhiều xã, thôn, bản đã có điện nhưng chất lượng điện kém, đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống cho nhân dân. Trạm y tế xã, thị trấn đội ngũ cán bộ đã được tăng cường nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu, ảnh hưởng không nhỏ đến việc khám, chữa bệnh cho nhân dân, đề nghị UBND tỉnh quan tâm. Tình trạng tảo hôn, vay nặng lãi ở các huyện miền núi, vùng sâu có chiều hướng gia tăng; tang lễ, cưới hỏi còn diễn ra ăn uống nhiều ngày, ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống của nhân dân. UBND tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn; xây dựng cơ chế, chính sách, bố trí nguồn vốn để xây mới trụ sở làm việc, trạm y tế cho các xã, thị trấn; đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp các công trình thủy lợi vừa và nhỏ phục vụ tưới tiêu ở các huyện, nhất là các công trình xuống cấp nghiêm trọng mất an toàn trong mùa mưa lũ. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động; chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, Ban Dân tộc HĐND tỉnh tiếp tục bám sát chức năng nhiệm vụ, chủ động khảo sát nắm tình hình, thu thập thông tin đa chiều, tích cực nghiên cứu văn bản, tài liệu để thực hiện tốt nhiệm vụ theo sự phân công của Thường trực HĐND tỉnh; kịp thời phát hiện những vấn đề còn vướng mắc để kiến nghị, đề xuất các ngành liên quan có giải pháp sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản mới phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân trong tỉnh.

Bài và ảnh: Minh Hiếu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]