(Baothanhhoa.vn) - “Giảm hội họp, hướng các hoạt động về cơ sở”, đổi mới nội dung phương thức vận động hội viên tham gia sinh hoạt hội là một trong những khâu đột phá trong thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021. Tổ chức hội các cấp đã giúp nhiều hội viên, phụ nữ thoát nghèo và giúp hội viên có ý tưởng kinh doanh khởi nghiệp thành công. Qua đó, vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày được khẳng định.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài 1: Hướng các hoạt động về cơ sở

“Giảm hội họp, hướng các hoạt động về cơ sở”, đổi mới nội dung phương thức vận động hội viên tham gia sinh hoạt hội là một trong những khâu đột phá trong thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021. Tổ chức hội các cấp đã giúp nhiều hội viên, phụ nữ thoát nghèo và giúp hội viên có ý tưởng kinh doanh khởi nghiệp thành công. Qua đó, vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày được khẳng định.

Buổi sinh hoạt đọc báo ngày rằm tại chi hội phụ nữ Yên Xuyên, xã Yên Hùng (Yên Định).

Đổi mới nội dung, phương thức vận động hội viên

Có dịp dự sinh hoạt với chi hội phụ nữ thôn Vạn Thắng, xã Đa Lộc (Hậu Lộc), chúng tôi được biết: Trước đây khi tham gia sinh hoạt hội, hội viên chủ yếu nghe cán bộ hội nói thì nhiều năm nay, hội viên mạnh dạn phát biểu ý kiến, giao lưu văn nghệ... tạo không khí gần gũi, ấm cúng, tự tin, xóa đi mặc cảm. Do đó, chi hội thu hút 90% hội viên tham gia sinh hoạt, trong đó có cả hội viên cao tuổi và hội viên là công nhân làm việc ở công ty, doanh nghiệp. Chị Nguyễn Thị Nhung, chi hội trưởng chi hội phụ nữ Vạn Thắng cho biết: Nhờ tập hợp thu hút đông hội viên nên nhiều hội viên khó khăn như chị Nguyễn Thị Trang, Vũ Thị Hương... đã được chi hội giúp đỡ ngày công, con giống để sản xuất vươn lên thoát nghèo. Chi hội Vạn Thắng có tới 90% hội viên tham gia HTX trồng rau an toàn của xã Đa Lộc, có thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Đây là những nỗ lực không riêng chi hội phụ nữ thôn Vạn Thắng mà là phương châm hoạt động chung của các chi hội phụ nữ trên địa bàn huyện Hậu Lộc nhiều năm nay, góp phần củng cố, xây dựng tổ chức hội vững mạnh.

Chị Lê Minh Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Hùng (Yên Định) cho biết: Duy trì đọc sách, báo đối với phụ nữ vùng nông thôn là việc làm khó bởi đa phần hội viên ít thời gian và nhất là không có thói quen đọc sách báo, nhưng đã 12 năm nay, hội LHPN xã chỉ đạo và duy trì thường xuyên sinh hoạt chi hội bằng hình thức “Đọc báo ngày rằm” tại chi hội phụ nữ Yên Xuyên. Nghe có vẻ “phi thực tế”, nhưng xuất phát từ nhu cầu hội viên muốn tìm hiểu thông tin trên báo về đời sống, kinh nghiệm sản xuất ở các nơi để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất mà các chị đã biến khó thành thuận. Từ việc đọc báo ngày rằm, chị em biết lựa chọn thông tin, áp dụng mô hình sản xuất phù hợp; biết những câu chuyện về phòng chống bạo lực, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái... để phòng ngừa. Với hình thức sinh hoạt này, chi hội phụ nữ Yên Xuyên đã thu hút 86% hội viên sinh hoạt hội và tích cực đóng góp xây dựng phong trào thi đua, thực hiện nhiệm vụ của địa phương.

Lựa chọn nội dung phong phú, đa hình thức đưa vào sinh hoạt chi hội đang là một trong những cách làm đổi mới, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả của các cấp hội phụ nữ cơ sở, nhằm tập hợp, thu hút hội viên. Các cấp hội thay đổi phương thức vận động hội viên bằng “nói suông” mà thay vào đó là nói đi đôi với làm để chứng minh cho phụ nữ thấy, tham gia tổ chức hội, hội viên sẽ được tổ chức hội chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng thông qua các hoạt động đối thoại với lãnh đạo huyện (Hội LHPN Thạch Thành); đề xuất, kiến nghị trong hội nghị giao ban giữa MTTQ và các đoàn thể... Nhiều chị tâm sự: Tham gia sinh hoạt hội, chúng tôi có dịp tâm sự, sẻ chia và được trang bị thêm kiến thức về kỹ năng sống, kinh nghiệm sản xuất cũng như xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc... từ đó giúp chúng tôi sống lạc quan, yêu đời và phát huy tốt hơn vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Việc đổi mới nội dung phương thức vận động hội viên và sinh hoạt hội đã góp phần thu hút 569.731 hội viên toàn tỉnh tham gia, đạt 79,8%, trong đó, Hội LHPN huyện Yên Định đạt 81,7%; Hội LHPN Như Thanh đạt 80%; Hội LHPN huyện Nga Sơn 84% hội viên. Điều đó minh chứng, chỉ khi hội viên cũng như cán bộ hội trút bỏ gánh nặng kinh tế, thì họ mới dành thời gian tham gia công tác hội và tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua.

Từ giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ

Thanh Hóa có hơn 26.800 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, mục tiêu quan trọng được Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đặt ra là giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững gắn với xây dựng mô hình kinh tế dù là mô hình nhỏ theo phương châm trao hội viên “cần câu” chứ không trao “con cá”.

Chị Nguyễn Thị Trang, xã Đa Lộc (Hậu Lộc) còn trẻ nhưng vốn tính nhút nhát, tự ti vì gia cảnh nghèo khó. Năm 2016, Hội LHPN xã Đa Lộc đã hỗ trợ gia đình chị 15 cây ổi giống không hạt và hướng dẫn chị cải tạo vườn tạp trồng ngay tại gia đình. Năm 2017, chị Trang tiếp tục được Hội LHPN tỉnh trao hỗ trợ 1 con bò sinh sản. Đến nay, sau 2 năm, vườn ổi đã cho thu nhập ổn định quanh năm, mỗi lần thu hoạch hàng chục kg với giá bán 25.000 đồng/kg. Có nguồn thu ổn định, gia đình chị Trang đã thoát nghèo cuối năm 2017 và con bò được hỗ trợ đang là nguồn vốn làm ăn của gia đình.

Đồng chí Lương Thị Sơ, Chủ tịch Hội LHPN xã Mường Chanh (Mường Lát) cho biết: Năm 2015, Hội LHPN tỉnh tranh thủ được nguồn vốn của Trung ương Hội LHPN Việt Nam 150 triệu đồng và 100 triệu đồng vốn vay không lãi của bà Nguyễn Thị Kim Thúy (nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam) hỗ trợ thành lập tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản ở bản Chai, thu hút 25 hội viên nghèo tham gia. Năm 2015, chương trình hỗ trợ bước đầu 16 con bò/16 hộ. Các hộ được hỗ trợ phải góp thêm vốn đối ứng 5 triệu đồng/hộ về tổ hợp tác làm vốn quay vòng mua bê giống trao tiếp cho các hộ chưa có. Cứ lần lượt như vậy, tính đến tháng 9-2018, tổ hợp tác đã có 21/25 hộ được trao bò sinh sản. Bò mẹ đã sinh ra bê con, nâng tổng đàn lên 58 con và đã có 4 chị thoát nghèo, gồm: Chị Vi Thị Mui, Vi Thị Ngoan, Vi Thị Vắng và Vi Thị An.

Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ đạt hiệu quả hay không là ở cách làm, phương thức triển khai. Nếu chỉ hỗ trợ rồi tự hội viên lo liệu thì không bền vững mà cán bộ hội phụ nữ các cấp đã bám cơ sở, “cầm tay chỉ việc” giúp đỡ thường xuyên về vốn, kỹ thuật, phương pháp chăm sóc và giới thiệu đầu ra sản phẩm để hội viên quen việc. Cùng với đó, tổ chức hội đã “gài” vốn đối ứng của hội viên vào mô hình để hội viên có trách nhiệm bảo quản đồng vốn mình bỏ ra thì phát triển sản xuất mới hiệu quả bền vững. Ví như bản Thủy Sơn, xã Sơn Thủy (Quan Hóa) từ bản “trắng” đàn bò nhiều năm và được hỗ trợ 20 con bò sinh sản, đến nay số bê sinh sản và hộ dân mua thêm về nuôi đã tăng gần 200 con; từ vốn kích cầu của Dự án Cải thiện vệ sinh cộng đồng dựa trên kết quả đầu ra (Choba), hội viên đã bỏ thêm vốn đối ứng xây được 19.522 nhà tiêu hợp vệ sinh đạt tiêu chuẩn, góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh... Việc làm sáng tạo, linh hoạt của hội LHPN các cấp đã phát huy được nội lực của chị em, khắc phục tư tưởng an phận, trông chờ, ỷ lại, tích cực xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Điểm chung trong “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ” là được triển khai sâu, rộng ở khắp 635 xã, phường, thị trấn qua các mô hình ngân hàng bò, kinh tế tập thể, trao mái ấm tình thương, hỗ trợ vốn vay... góp phần thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu phấn đấu giúp ít nhất từ 3 đến 5 hội viên thoát nghèo bền vững/hội/năm. Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh giúp khoảng 3.000 hộ thoát nghèo bằng nhiều hình thức.

... đến hỗ trợ khởi nghiệp thành công

Thời kỳ hội nhập, phụ nữ cũng cần trang bị cho mình những kiến thức, bản lĩnh nhất định để khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình và xã hội. Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội LHPN tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã đề ra chỉ tiêu: “Mỗi năm hỗ trợ 100 phụ nữ trở lên khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp. Phấn đấu mỗi huyện thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả ít nhất 1 HTX hoặc 5 tổ liên kết; trong nhiệm kỳ, toàn tỉnh thành lập 20 HTX trở lên”.

Năm 2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, đây là điều kiện thuận lợi để hỗ trợ hội viên, phụ nữ khởi nghiệp. Ngay năm 2017, toàn tỉnh đã có 4.304 chị có ý tưởng kinh doanh được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cần thiết về khởi nghiệp. Trong số đó có một số chị, nhóm phụ nữ khởi nghiệp thành công trên lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như các chị: Nguyễn Thị Quỳnh (Giám đốc - Chủ nhiệm HTX chăn nuôi tổng hợp Xuân Quỳnh; chị Nguyễn Thị Vân, HTX sản xuất, chế biến nấm xã Vân Sơn (Triệu Sơn); tổ hợp tác sản xuất miến gạo sạch do phụ nữ làm chủ xã Quý Lộc (Yên Định); tổ dệt thổ cẩm truyền thống phụ nữ xã Đồng Lương (Lang Chánh)... các mô hình khởi nghiệp trên đều gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm, được Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh, cấp ủy, chính quyền hỗ trợ một phần các điều kiện sản xuất về giống, cơ sở hạ tầng, bồi dưỡng kiến thức, kết nối thị trường...

Bên cạnh đó, hàng năm, Hội LHPN tỉnh bồi dưỡng nghiệp vụ, duy trì tổ chức “Ngày phụ nữ sáng tạo” để chị em có điều kiện giới thiệu sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ; phối hợp, hỗ trợ hội viên, tổ nhóm thành lập mô hình kinh tế và đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; tranh thủ các nguồn vốn, các chương trình, dự án, đề án, đề tài khoa học... tạo thêm nguồn lực cho hội viên vay. Hiệp hội doanh nhân nữ và câu lạc bộ nữ doanh nhân các huyện cũng có nhiều đóng góp, hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, phụ nữ, các thành viên điều kiện khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trên các lĩnh vực đạt hiệu quả, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động. Tính đến tháng 9-2018, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã vận động, hỗ trợ 175 hộ phụ nữ khởi sự kinh doanh, thành lập được 14 câu lạc bộ doanh nghiệp nữ. Toàn tỉnh xây dựng được 212 mô hình, trong đó có 41 HTX, 171 tổ liên kết, tổ hợp tác thu hút trên 3.000 thành viên tham gia các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, dịch vụ thương mại, vệ sinh môi trường, chế biến hải sản... Thanh Hóa được Trung ương Hội LHPN Việt Nam đánh giá là địa phương có các mô hình kinh tế tập thể do nữ làm chủ nhiều so với các tỉnh, thành trong cả nước. Đây là bước “tập sự” quan trọng cho phụ nữ, nhất là phụ nữ khu vực nông thôn khởi sự doanh nghiệp để tăng quyền năng kinh tế, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, thực hiện bình đẳng giới.

Bài 2: Xây dựng đội ngũ cán bộ hội giỏi một việc, biết nhiều việc.


Bài và ảnh: Lê Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]