Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn: Còn nhiều khó khăn
Đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực duy trì và xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (TPAT). Tuy nhiên, do sản xuất theo quy trình đòi hỏi vốn đầu tư cao, quá trình nghiêm ngặt, công tác giám sát chưa đồng bộ... nên đến nay số lượng chuỗi được xác nhận còn rất hạn chế.
Người dân xã Trường Xuân (Thọ Xuân) chăm sóc rau, củ an toàn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh rau, quả an toàn tập trung và được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP như các xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa), Vạn Hòa (Nông Cống), Thọ Hải (Thọ Xuân), thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa)... Theo người dân sản xuất tại các vùng rau an toàn, hiện nay mới chỉ khoảng 30% sản lượng rau, củ, quả được tiêu thụ theo hợp đồng liên kết, trong đó chỉ có 3 đến 5% được nhập bán cho các siêu thị, còn lại được tiêu thụ ở các chợ truyền thống hoặc chợ đầu mối; việc tiêu thụ rau an toàn từ liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và người dân tuy đã có, nhưng hiệu quả chưa đạt như mong muốn.
Tại huyện Thiệu Hóa, hiện đang duy trì 16 chuỗi cung ứng rau, quả tại thị trấn Thiệu Hóa và các xã Thiệu Hợp, Thiệu Vũ, Thiệu Ngọc... Tuy nhiên, với thế mạnh sản xuất nông nghiệp, theo ông Trịnh Đức Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thì số lượng chuỗi này còn hạn chế bởi so với sản xuất tự do thì khi tham gia vào chuỗi, người dân phải thực hiện các quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu sản xuất, sơ chế, tiêu thụ... vì chỉ cần một “mắt xích” bị đứt gãy sẽ không thể hình thành chuỗi; sự liên kết giữa các đầu mối cung ứng, thu mua, xử lý... còn lỏng lẻo; nhất là so với vốn đầu tư để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chi phí bao bì, tem nhãn... thì giá bán các sản phẩm chưa được như mong muốn của người sản xuất, trong khi người tiêu dùng khó phân biệt được sản phẩm trong và ngoài chuỗi. Vì vậy, chưa tạo được động lực thúc đẩy người dân cũng như các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng TPAT.
Bà Vũ Thị Hiền, người dân thị trấn Thiệu Hóa đang tham gia vào chuỗi cung ứng rau, quả cho biết: “Quy trình sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP rất nghiêm ngặt từ khâu chọn đất trồng, nguồn nước tưới, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, nhất là việc lựa chọn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Bên cạnh đó, trồng rau thường hay gặp rủi ro do thời tiết nên không đủ số lượng để cung ứng cho doanh nghiệp; việc sơ chế, đóng gói nếu không đúng quy trình sẽ làm ảnh hưởng chất lượng rau; giá bán của sản phẩm không có sự chênh lệch nên hầu hết người dân sẽ lựa chọn sản xuất theo phương pháp truyền thống và tiêu thụ tự do”.
Diện tích sản xuất bí xanh an toàn tại xã Vĩnh Tiến (Vĩnh Lộc).
Tại huyện Vĩnh Lộc, việc xây dựng các chuỗi cung ứng TPAT còn gặp khó khăn do quy mô sản xuất nông nghiệp tại các xã, thị trấn còn manh mún, nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, quá trình sản xuất, sơ chế, bảo quản chủ yếu theo phương thức truyền thống, canh tác theo thói quen, do đó việc tuân thủ theo quy trình kỹ thuật đồng nhất còn gặp khó khăn, trong khi đó, nhu cầu của thị trường đòi hỏi sản phẩm phải có chất lượng cao, không những về vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn đảm bảo về bảo vệ môi trường; giá bán các sản phẩm chưa được như mong muốn của người sản xuất, trong khi người tiêu dùng khó phân biệt được sản phẩm trong và ngoài chuỗi. Anh Nguyễn Văn Tuấn, người chăn nuôi gia cầm tại xã Vĩnh Hưng, cho biết: “Dù được xã tuyên truyền, khuyến khích tham gia vào chuỗi cung ứng gia cầm nhưng tôi còn chưa mặn mà bởi khá mù mờ về khái niệm xây dựng chuỗi, cũng như trong chăn nuôi để đạt tiêu chuẩn VietGAPH là rất khó bởi chi phí rất cao cho đầu tư máy móc, chuồng trại, phí xét nghiệm..., trong khi dịch bệnh luôn rình rập. Bên cạnh đó, người tiêu dùng vẫn có thói quen mua thịt tại chợ dân sinh, chợ truyền thống nên khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm".
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 1.165 chuỗi cung ứng với tỷ lệ thực phẩm tiêu dùng được cung cấp thông qua các chuỗi đạt hơn 55%. Với thực trạng số chuỗi còn hạn chế, các địa phương cần đẩy mạnh vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất sang quy mô lớn, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng phạm vi cung ứng theo chuỗi; nhất là chú trọng tập huấn nâng cao kiến thức về công tác đảm bảo TPAT cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm; áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất...
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần quy hoạch các vùng sản xuất an toàn tập trung, xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất; đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, HTX, tổ hợp tác và người dân; thực hiện nghiêm túc việc giám sát chất lượng sản phẩm và dán tem sản phẩm đã được kiểm soát theo chuỗi, quảng bá và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
{name} - {time}
-
2024-12-22 07:51:00
Điều kiện cấp giấy phép đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô
-
2024-12-22 07:00:00
Bản tin Tài chính 22/12: Vàng giảm mạnh trong tuần, dự báo triển vọng lạc quan mới
-
2024-10-26 12:17:00
Người dân tấp nập tham quan, mua sắm tại khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn
Thanh Hóa lọt vào Top 5 tỉnh dẫn đầu về giải ngân vốn đầu tư công
Bản tin Tài chính ngày 26/10: Vàng thế giới lại tăng, vàng trong nước tiếp tục “nóng”
Hội nghị trực tuyến về chống khai thác IUU
Đảo nhân tạo - Cuộc chạy đua công nghệ, khoa học kĩ thuật và sức vóc con người
Phát huy vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trong thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP
Tổ chức rà soát, lập danh mục các thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt do Nhà nước quản lý
Ngày hội quảng bá nông sản an toàn
Bản tin Tài chính ngày 25/10: Vàng thế giới “đảo chiều” tăng, các chuyên gia đưa ra dự báo
Bộ Công thương đang theo dõi, đánh giá tác động từ sàn thương mại điện tử Temu