Xã Yên Mỹ chú trọng phát triển nông nghiệp quy mô lớn
Là địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, xã Yên Mỹ (Nông Cống) luôn chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác để nâng cao trình độ sản xuất của người dân. Đồng thời, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách của tỉnh, huyện để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất nhằm hướng đến nền nông nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn.
Diện tích trồng cây hoa thiên lý tập trung, quy mô lớn tại thôn Yên Bình (Yên Mỹ) đạt doanh thu khoảng 250 triệu đồng/ha/năm.
Xã Yên Mỹ có khoảng 1.411ha đất sản xuất nông nghiệp, đây chính là tiền đề để địa phương đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp. Do đó, những năm qua Đảng ủy, UBND xã Yên Mỹ đã lãnh đạo, chỉ đạo việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại. Thông qua sự tuyên truyền, định hướng của xã, người dân đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, từng bước ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, xây dựng những mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị và thực hiện liên doanh, liên kết trong sản xuất. Cùng với đó, thông qua các nguồn kinh phí hỗ trợ, hàng chục mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn đã được hình thành, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, trình độ sản xuất của Nhân dân và đẩy nhanh quá trình XDNTM của địa phương.
Sau nhiều chuyến đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Trọng Phương, thôn Yên Bình đã tiên phong cải tạo vườn tạp, lựa chọn đưa cây hoa thiên lý làm đối tượng chuyển đổi, thay thế cho các loại cây trồng hiệu quả kinh tế thấp. Nhờ học hỏi kinh nghiệm trồng cây hoa thiên lý trong chuyến đi thực tế và sự chịu khó tìm tòi học hỏi trên sách báo, ông Phương đã chuyển đổi khoảng 300m2 đất vườn để trồng thử. Sau một thời gian thấy cây hoa thiên lý dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, cho hiệu quả kinh tế cao. Bởi vậy, từ năm 2020, ông đã chuyển đổi khoảng 500m2 đất vườn và thuê lại đất ruộng của người dân địa phương để trồng hoa thiên lý. Tổng diện tích khoảng 1ha. Ông Phương đã đầu tư làm giàn, cắm cột, giăng dây kẽm loại lớn để tạo độ vững chắc làm giàn cho dây thiên lý bám vào lâu dài. Đồng thời, cải tạo đất, bón phân hữu cơ để cây sinh trưởng, phát triển. Ông Phương cho biết: “Cây hoa thiên lý ít bị sâu bệnh, kỹ thuật chăm không quá phức tạp, sau một năm trồng là cây leo giàn mạnh và cho thu hoạch. Cùng với đó, nhu cầu và sức tiêu thụ của thị trường về sản phẩm hoa thiên lý khá lớn nên không quá lo lắng về đầu ra. Tính trung bình, mỗi ha có thể mang lại doanh thu khoảng 250 triệu đồng/năm. Đây là mức thu nhập lý tưởng, cao hơn nhiều so với những loại cây trồng truyền thống khác”.
Từ mô hình trồng hoa thiên lý mang lại hiệu quả kinh tế cao của hộ gia đình ông Nguyễn Trọng Phương, đến nay, trên địa bàn thôn Yên Bình đã có 38 hộ dân học tập, mở rộng diện tích sản xuất. Tổng diện tích trồng hoa thiên lý toàn xã đạt 18,69ha, phần lớn được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, có một số hộ trồng quy mô lớn, như: hộ ông Nguyễn Trọng Diện 2,5ha; hộ bà Lê Thị Thơ 1ha; hộ ông Nguyễn Trọng Dạng 1,2ha... góp phần đưa cây hoa thiên lý trở thành một trong những cây trồng chủ lực của địa phương.
Đồng chí Phạm Thị Đính, Bí thư Đảng ủy xã Yên Mỹ, cho biết: Từ việc tuyên truyền, hỗ trợ tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả, đến nay người dân trên địa bàn xã đã bắt nhịp với xu thế phát triển nông nghiệp quy mô lớn. Không chỉ đối với cây hoa thiên lý mà với nhiều loại cây trồng khác như rau màu, lúa, người dân địa phương cũng chú trọng mở rộng diện tích sản xuất. Theo đó, trên toàn xã đã hình thành được vùng sản xuất rau an toàn tập trung khoảng 5ha, mô hình trồng bí xanh gần 28ha, mô hình trồng cây khoai lang khoảng 5ha... Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp quy mô lớn trên địa bàn còn nhiều hạn chế, như các mô hình chưa bảo đảm các điều kiện về tích tụ, tập trung đất đai để hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện. Bên cạnh đó, người dân sản xuất theo phương thức truyền thống còn nhiều, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chưa rõ rệt dẫn tới hiệu quả kinh tế chưa cao như kỳ vọng.
Không chỉ lĩnh vực trồng trọt, trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, người dân địa phương cũng chú trọng phát triển tập trung, quy mô lớn. Đặc biệt, xã đã thu hút được Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp của Công ty TNHH Hai thành viên Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ. Theo đó, người dân trên địa bàn xã đã phát triển được vùng nguyên liệu cây ngô dày làm thức ăn chăn nuôi phục vụ dự án khoảng 40ha. Ngoài ra, tận dụng nguồn mặt nước lớn, người dân các thôn Trung Tâm, Yên Nẫm... đã phát triển hơn 50 lồng cá trên lòng hồ Yên Mỹ...
Bước đầu chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn đã mang lại những hướng phát triển nông nghiệp bền vững cho người dân. Đồng thời, nhờ việc mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, diện mạo ngành nông nghiệp xã Yên Mỹ đã có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ cơ giới hóa nông nghiệp ở các khâu làm đất, tưới tiêu, thu hoạch ngày càng tăng; diện tích liên kết sản xuất đạt khoảng 70ha/năm. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 127 tỷ đồng, chiếm gần 20% tỷ trọng sản xuất xã.
Bài và ảnh: Lê Hòa
- 2024-11-02 14:20:00
Hoằng Hóa làm tốt quy hoạch để du lịch cất cánh
- 2024-11-02 14:19:00
Vướng mắc trong triển khai nhiều dự án trọng điểm
- 2024-05-03 10:50:00
Hậu Lộc: Đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Bản tin tài chính 3/5/2024: Lấy lại “phong độ”, SJC tiếp tục lên đỉnh
Nâng cao chất lượng đo lường trong sản xuất, kinh doanh
Đưa nguồn vốn vay thân thiện, hiệu quả đến với phụ nữ nghèo, thu nhập thấp
Chủ khách sạn thắng lớn, người kinh doanh “mở hội” khi du lịch Sầm Sơn bùng nổ dịp 30/4 - 1/5
Hướng tín dụng vào sản xuất, nghiêm túc việc công bố lãi suất cho vay
Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng 6 tháng cuối năm
Bảo đảm nguồn điện phục vụ cầu truyền hình trực tiếp Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Xăng RON95-III và dầu mazut tăng giá, các mặt hàng khác cùng giảm
Dự thảo về Nghị định cơ chế mua bán điện trực tiếp có gì đặc biệt?