Vượt qua rào cản hủ tục
Nhờ có ánh sáng của Đảng, phụ nữ dân tộc Mông đã dần vượt qua những rào cản của hủ tục để xây dựng hạnh phúc gia đình và nếp sống văn hóa mới cho cộng đồng. Không chỉ giỏi trồng lúa, gùi ngô, mà nhiều phụ nữ Mông còn mang con chữ, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về với bản làng.
Phụ nữ Mông chung tay xây dựng, phát triển kinh tế gia đình.
Gánh nặng trên lưng
Tháng 8, vượt cung đường quanh co của huyện biên giới Mường Lát, chúng tôi đến xã Nhi Sơn - nơi có tới 99% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ Mông cúi rạp người xuống, dồn sức mạnh lên đôi chân để thồ nông sản về nhà. Lòng tự hỏi - “gánh nặng trên lưng quá lớn và phải bước đi trên những con dốc cao ngất đã khiến những người phụ nữ Mông luôn phải cúi đầu, có khi nào điều đó đã tạo nên đức tính cam chịu của họ?”.
Mang những băn khoăn trên, tôi thắc mắc với chị Sung Thị Xia, Phó Chủ tịch UBND xã Nhi Sơn. Chị Xia không phủ nhận tình trạng nhiều chị em vì hủ tục mà lấy chồng lúc 14, 15 tuổi, không được đến trường, để rồi cuộc sống suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Cái nghèo và lạc hậu cứ quấn chặt cuộc sống người phụ nữ như màn sương giăng mắc trên miền non cao.
Những phận đàn bà cùng khổ trong xó bếp trở thành sự ám ảnh trong đầu chị Sung Thị Xia. Chỉ khi đến với con chữ, được các thầy cô giáo dạy bảo, chị mới hiểu mọi sự thiệt thòi mà phụ nữ vùng cao gánh chịu là do thiếu kiến thức. Được sự động viên, chị Xia kiên định mục tiêu đến trường để thay đổi cuộc sống. Dù trong quá trình đó, chị phải đấu tranh với chính những người phụ nữ xung quanh mình.
Đi về vùng sáng
Mang con chữ trở về, chị Sung Thị Xia kiên cường vượt lên, đi ngược lại với những hủ tục, ràng buộc bao đời nay. Chị tích cực tham gia các phong trào do cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể phát động; động viên chị em vươn lên làm kinh tế, cải thiện đời sống. Chị Xia chia sẻ: “Thấy phụ nữ tham gia công việc xã hội, những người phụ nữ nhìn mình với ánh mắt ái ngại, đàn ông thì không ủng hộ ra mặt, thậm chí miệt thị. Họ vì tính ích kỷ, sợ vợ mình cũng giống như tôi đây thì lấy ai làm việc nhà, rồi sợ vợ khôn hơn sẽ không nghe lời chồng...”.
Hội LHPN huyện Mường Lát thường xuyên mở các buổi truyền thông tuyên truyền những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các chị em.
Từng câu chuyện của người phụ nữ Mông là hành trình “vực dậy” với những cuộc dân vận không biết mệt mỏi. Chị bắt đầu từ việc tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết và đứng ra thành lập các câu lạc bộ “bình đẳng giới”, “không sinh con thứ 3 trở lên”, “phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”... Từ sự ái ngại ban đầu, những người phụ nữ đã dành cho chị nhiều thiện cảm và sự ngưỡng mộ. Từ đây, họ nỗ lực vượt ra khỏi những hủ tục quấn lấy thân phận họ bấy lâu nay.
Là người con của đồng bào Mông nên chị Xia hiểu rằng, muốn nói để đồng bào nghe theo, mình phải là người làm trước. Bà con chỉ tin và làm theo khi tận mắt nhìn thấy những sản phẩm được làm ra từ lao động, sản xuất mà có. Nghĩ vậy, nên ngoài thời gian tham gia công tác ở UBND xã, chị vận động các thành viên trong gia đình, dòng họ tổ chức tăng gia, chăn nuôi, phát triển kinh tế. Nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tổ chức sản xuất và chăn nuôi hợp lý nên mỗi năm gia đình chị cho xuất chuồng hai lứa lợn; trồng đào, mận, sắn, ngô... có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền và hội LHPN các cấp đã có các hình thức khác nhau phù hợp với điều kiện từng hội viên để giúp họ thoát nghèo, như vận động người dân giúp nhau ngày công, con giống, cho mượn đất để sản xuất nông nghiệp. Ngoài trồng trọt, chăn nuôi, nhiều phụ nữ đã chủ động vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng các mô hình kinh tế khác, như mô hình làm đẹp của hai chị em Sung Thị Xế và Sung Thị Lâu. Thay vì đi làm ăn xa, chị em Xế và Lâu đã cùng nhau góp vốn mở quán làm nghề tóc, làm nail (móng tay), vừa có việc ổn định, vừa có thu nhập khá. “Phụ nữ người Mông ở đây rất chịu khó làm ăn. Trước đây, ngại thay đổi nên đời sống còn nhiều khó khăn; chị em chưa thể hiện được vai trò của mình trong việc chủ động xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế. Với sự tuyên truyền, vận động và được hỗ trợ của các cấp ủy, chính quyền địa phương, chị em đã có những thay đổi tích cực. Họ chủ động học hỏi kinh nghiệm, bàn với chồng về kế hoạch làm ăn, chăn nuôi. Khi làm được rồi thì vai trò và vị thế của phụ nữ trong gia đình cũng được khẳng định" - chị Xia cho hay.
Chị Hà Thị Nhơn, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Lát chia sẻ: “Phụ nữ dân tộc Mông nói riêng, đã rất nỗ lực cố gắng, vượt qua mọi khó khăn để vươn lên trong công tác và cuộc sống. Sự chuyển biến là điều thấy rõ, nhưng vẫn còn một bộ phận phụ nữ Mông đang thiệt thòi vì những hủ tục, sống khép kín, ít được học hành. Trong đó, có nhiều chị em không giao tiếp được bằng tiếng phổ thông, thiếu hiểu biết về pháp luật và xã hội nên thời gian trước vẫn có một số trường hợp ăn lá ngón tự tử. Song, việc thay đổi nhận thức, tư duy của cả một thế hệ là điều không đơn giản, chưa kể có những rào cản về văn hóa, ngôn ngữ. Điều này đòi hỏi một quá trình mưa dầm thấm lâu, bằng nhiều hình thức, cách thức tác động”.
Bài và ảnh: Tăng Thúy
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:12:00
Nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông ở TP Thanh Hóa
-
2024-11-21 14:18:00
Như Thanh nỗ lực chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số
-
2024-08-26 15:31:00
Hạn chế xe quá tải, quá khổ
[Infographics] - Quy định chuyển đổi các hạng bằng lái xe từ 1/1/2025
Điểm tựa cho người khuyết tật, trẻ mồ côi
Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc Khơ Mú
Lan tỏa tinh thần nhân ái trong cộng đồng
Phát huy tinh thần “Tương thân, tương ái” hỗ trợ các đối tượng khó khăn về nhà ở
Bảo đảm công tác cứu nạn trên biển
An toàn cho người dân trong vùng có nguy cơ sạt lở
Hoằng Hoá: Gia cố tạm thời để hạn chế sự phát triển của sạt lở, xâm thực tại bờ biển
LAMORI - Bước ngoặt lịch sử