Việt Nam đạt thành tích xuất sắc tại “kỳ thi hóa học khó nhất hành tinh”
Cả 4 học sinh tham dự Kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế Mendeleev lần thứ 59 đều xuất sắc đoạt huy chương, gồm 2 huy chương Vàng và 2 huy chương Bạc.
Đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi: Từ trái qua phải: Em Trần Hoàng Nam, Nguyễn Ngô Đức, thầy Nguyễn Hùng Huy (trưởng đoàn), em Trần Trung Kiên, Đinh Trọng An. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)
Đây là thông tin vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa cho biết sáng nay, 13/5. Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế Mendeleev là một trong những kỳ thi học thuật danh giá và thách thức nhất trong lĩnh vực hóa học dành cho học sinh trung học phổ thông, thường được mệnh danh là “kỳ thi hóa học khó nhất hành tinh”.
Các học sinh đoạt huy chương Vàng gồm em Trần Trung Kiên (lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội-Amsterdam, Hà Nội) và em Nguyễn Ngô Đức (lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An).
Các học sinh Đinh Trọng An (lớp 12, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) và Trần Hoàng Nam (lớp 11, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội-Amsterdam, Hà Nội) đoạt huy chương Bạc.
Trước đó, nhận lời mời của Bộ Giáo dục Liên bang Nga, đoàn học sinh Việt Nam đã tham dự Kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế Mendeleev lần thứ 59 (59th International Mendeleev Chemistry Olympiad), diễn ra từ ngày 5 đến 12/5 tại thành phố Belo Horizonte, Brazil.
Đội tuyển Việt Nam được lựa chọn từ kết quả Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic khu vực và quốc tế năm 2025. Bên cạnh đội tuyển chính thức tham dự Olympic Hóa học Quốc tế (IChO), Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chủ trì công tác tập huấn và tổ chức đoàn tham dự kỳ thi.
Việc tham dự kỳ thi nhằm mở rộng cơ hội giao lưu học thuật quốc tế, bồi dưỡng năng lực và tạo điều kiện cho nhiều học sinh xuất sắc được tham gia các hoạt động học thuật có quy mô và chất lượng cao.
Năm 2025, kỳ thi quy tụ 192 thí sinh đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các nước có nền giáo dục hóa học phát triển mạnh như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Bài thi diễn ra 3 vòng trong 3 ngày. Trong đó, vòng 1 và vòng 2 thi lý thuyết, vòng 3 là thi thực hành. Thời gian làm bài mỗi vòng thi là 5 tiếng. Ban Tổ chức trao giải chính thức cho 60% số thí sinh tham dự, theo tỷ lệ huy chương Vàng : Bạc : Đồng là 1:2:3.
Mục tiêu của kỳ thi không chỉ là kiểm tra năng lực chuyên môn mà còn hướng tới việc phát hiện, bồi dưỡng tài năng khoa học trẻ và tăng cường giao lưu, hợp tác giữa các quốc gia.
Thành tích xuất sắc của đoàn học sinh Việt Nam tiếp tục khẳng định năng lực, trí tuệ và bản lĩnh hội nhập của thế hệ học sinh Việt Nam trên đấu trường quốc tế./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2025-07-18 09:03:00
Thủ khoa khối D01 toàn tỉnh sở hữu điểm SAT 1.510/1.600
-
2025-07-18 08:31:00
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Luật Nhà giáo là công cụ để phát triển lực lượng nhà giáo
-
2025-07-17 18:50:00
Chính phủ chỉ đạo hỏa tốc về xây dựng trường nội trú cho học sinh vùng khó
Các trường đại học bắt đầu công bố ngưỡng điểm xét tuyển đầu vào
Đa dạng tổ hợp xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2025
Chuyên gia dự đoán điểm chuẩn xét tuyển đại học 2025 sẽ giảm
Phát động Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam 2025
Chuyển biến từ việc “lấy trẻ làm trung tâm”
Gia tăng việc đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục
Bộ GD-ĐT đề xuất bỏ bằng tốt nghiệp THCS, hỗ trợ cơ sở vật chất cho trường tư
Cảm hứng xứ Thanh
Bế mạc và trao giải Hội thi Tin học trẻ toàn tỉnh lần thứ XXVIII năm 2025